Đừng trốn tránh xung đột

dung-tron-tranh-xung-dot

Việc không thích xung đột nghe có vẻ như một lối sống nhẹ nhàng, hòa nhã và yên bình.

Việc không thích xung đột nghe có vẻ như một lối sống nhẹ nhàng, hòa nhã và yên bình. Ai mà chẳng muốn tránh xa xung đột cơ chứ? Điều đó hẳn phản ánh một thái độ sống dễ thương, tử tế, đúng không?

Nhưng sự thật của việc né tránh xung đột lại u ám hơn nhiều – và những hệ quả của nó chẳng hề đơn giản. Tránh xung đột không chỉ là sự ghét bỏ những cuộc cãi vã, mà còn là sự bất lực triệt để trong việc dấn thân vào bất kỳ cuộc đấu tranh nào, bởi ta không đủ mạnh mẽ để đứng về phía chính mình; bởi ta ghét bỏ bản thân đến mức không dám bảo vệ những gì thuộc về mình. Ngay cả khi điều đó cần thiết, thậm chí là đúng đắn để bảo vệ sự tồn tại và phát triển của bản thân, ta vẫn không thể cầm lên “vũ khí,” vì sâu thẳm trong lòng, ta không thực sự tin rằng mình có quyền tồn tại trên đời này.

Dù ta có mang những lý tưởng hòa bình thế nào đi nữa, hãy rõ ràng một điều: một cuộc sống tốt đẹp sẽ – và phải – bao gồm xung đột. Để sống một cuộc đời đáng giá, ta cần có một niềm tin vững vàng rằng mình có quyền lên tiếng, có quyền khẳng định bản thân. Bất kỳ cuộc sống năng động nào cũng sẽ đối mặt với những con người, vì đủ loại động cơ, muốn hạ bệ ta, làm tổn thương ta. Ở nơi làm việc, những kẻ như vậy có thể ganh tị và đầy tính cạnh tranh. Trong các mối quan hệ, họ có thể nhỏ nhen và thù hằn. Ít nhất cứ mười người sẽ có một người chống đối lại ta.

Để có một cuộc sống khỏe mạnh, ta cần sẵn sàng cho những cuộc đấu tranh, cần hiểu rằng xung đột là điều không thể tránh khỏi, cần biết cách không gục ngã, cần học cách lên tiếng phàn nàn thật lớn khi bị đối xử bất công, và cần giữ trong tay số điện thoại của một luật sư giỏi.

Việc né tránh xung đột chính là biểu hiện của sự xấu hổ và tự căm ghét bản thân. Ta trốn chạy khỏi những trận chiến bởi ta ghét bỏ bản thân quá mức để đứng lên bảo vệ chính mình. Có thể ai đó – một người chăm sóc, một người thầy cô – đã gieo vào lòng ta cảm giác tồi tệ đó. Và đau lòng hơn, rất có thể chính cha hoặc mẹ là người đã khiến ta mang trong lòng sự tự khinh miệt ấy.

Tất nhiên, chúng ta cần dạy trẻ nhỏ biết chơi đùa nhẹ nhàng, hòa nhã. Nhưng không kém phần quan trọng, ta cần dạy chúng yêu thương bản thân đủ nhiều để biết tự vệ trước những điều xấu xa – điều mà thế giới này chắc chắn luôn chứa đựng (một sự thật đen tối nhưng không cần phải khiến ta hoảng sợ).

Sống lành mạnh không chỉ là yêu thích hòa bình; nó còn là có đủ lòng tự trọng để chiến đấu cho những điều đúng đắn.

Nguồn: STOP AVOIDING CONFLICT - The School Of Life

menu
menu