Epictetus bàn về tự tử: chủ trương cánh cửa mở
Hãy nhớ rằng cánh cửa đang mở. Đừng hèn nhát hơn lũ trẻ, nhưng như bọn trẻ hay nói, khi trò chơi chẳng còn vui vẻ gì với chúng, ‘Tớ sẽ không chơi nữa,’ và anh cũng thế, khi mọi việc có vẻ như vậy đối với anh, hãy nói, ‘Tôi sẽ không chơi nữa,’ và bỏ đi, nh
“Và anh đi xuống với thần Diêm vương Hades bằng con đường nào thì có gì quan trọng? Mọi con đường đều như nhau. Nhưng nếu anh muốn nghe sự thật, thì con đường mà một bạo chúa tiễn anh xuống địa ngục thì ngắn hơn. Không có bạo chúa nào lại mất sáu tháng để cắt cổ một người, nhưng một căn bệnh sốt gây chết người thường sẽ kéo dài cả năm trời.”
Epictetus nói trong Discourses II.6.17-19, khi bàn luận về loại cái chết mà một người không lựa chọn, mà bị áp đặt bởi các sự kiện bên ngoài (việc nhắc đến Hades là một sự nhượng bộ trước nền văn hóa đại chúng của thời đại, vì người Khắc kỷ không tin vào thế giới bên kia.) Vì cái chết là một “điều vô thưởng vô phạt,” Epictetus lập luận rằng một người chết như thế nào, thật sự mà nói, không quan trọng. Điều khiến chúng ta sợ hãi về sự kiện chính là đánh giá (thiếu chính xác) rằng ý thức của một người không còn tồn tại nữa là một điều tồi tệ.
Nhưng trong hoàn cảnh nào thì chúng ta chấm dứt cuộc sống của bản thân, vì chúng ta quyết định rằng tốt hơn là ta nên kết thúc sinh mạng thay vì tiếp tục sống bằng mọi giá? Đó là chủ đề chính của một bài luận khôn ngoan bởi W.O. Stephens có tựa đề “Epictetus on Fearing Death: Bugbear and Open Door Policy (Epictetus bàn về nỗi sợ chết: Con ngáo ộp và chủ trương cánh cửa mở)” được đăng trong Ancient Philosophy (Triết học cổ đại) năm 2014.
Epictetus đề cập đến khả năng tự sát bằng một phép ẩn dụ về một “cánh cửa để mở”, một quan điểm cho rằng nếu cuộc đời quả thực trở nên vô nghĩa thì khi ấy một ai đó có sự lựa chọn từ bỏ cuộc sống. Quan trọng hơn là, cũng chính phương án này khiến chúng ta có thể sống một cuộc đời đức hạnh, vượt thoát khỏi sợ hãi.
“Hãy nhớ rằng cánh cửa đang mở. Đừng hèn nhát hơn lũ trẻ, nhưng như bọn trẻ hay nói, khi trò chơi chẳng còn vui vẻ gì với chúng, ‘Tớ sẽ không chơi nữa,’ và anh cũng thế, khi mọi việc có vẻ như vậy đối với anh, hãy nói, ‘Tôi sẽ không chơi nữa,’ và bỏ đi, nhưng nếu anh ở lại thì chớ có than vãn.” (Discourses I.24.20)
“Có người gây ra khói trong nhà? Nếu khói vừa phải, tôi sẽ ở lại. Nếu khói quá nhiều, thì tôi đi. Vì anh phải luôn luôn ghi nhớ và bám chặt lấy điều này, rằng cánh cửa đang mở.” (Discourses I.25.18)
Trong ví dụ đầu tiên Epictetus, giống như Socrates trước ông, khuyên chúng ta rằng cái chết là một con ngáo ộp, chỉ dọa trẻ con (và rõ ràng Aristotle), chứ sao dọa nổi người lớn. Nhưng cũng lưu ý một chút, “nếu anh còn ở lại thì chớ có than vãn” nghĩa là lựa chọn ở lại và chơi trò chơi là của chúng ta, cho dù trò chơi có vẻ bất công và khó mà chịu đựng. Nếu vậy, khi ấy chúng ta cần chơi hết mình, nói theo nghĩa bóng, cố gắng thay đổi sự việc và hành động một cách đức hạnh, nhưng đừng rên rỉ khi mọi chuyện không diễn ra như ý ta như bọn trẻ con hay làm. Cuộc đời là vậy đó, hãy chịu đựng và nhẫn nhịn (Discourses, IV.8).
Câu trích dẫn thứ hai lặp lại khái niệm tương tự, nhưng làm rõ thêm rằng đó là một niềm an ui khi “nhớ và giữ chặt lấy” khả năng bước qua cánh cửa để mở. Chính vì sự lựa chọn luôn luôn hiện hữu đó mà chúng ta mới có thể chịu đựng được nghịch cảnh trong đời.
Stephens làm rõ thêm: “Hiểu rằng cái chết là một thứ vô thưởng vô phạt, một mặt nạ con ngáo ộp Halloween, cho ta tự do theo đuổi cuộc đời đức hạnh mà không sợ hãi. Dù là lựa chọn sống tiếp và chịu đựng những khảo nghiệm cam go, hay lựa chọn chạy trốn và yên nghỉ trong vòng tay của thần chết, đều không ngăn chúng ta thực hiện nó một cách thật vui vẻ. … Theo [Epictetus] cách chết hiên ngang là để sống tốt đẹp, tức là, cao quý, đầy phẩm giá, mang lại lợi ích cho người khác và với lòng biết ơn vì còn sống (IV.10.11-17). … Chết thuận theo tự nhiên đơn giản là một trường hợp đặc biệt của sống thuận theo tự nhiên.”
Nhưng những người chỉ trích sẽ cho rằng, chẳng phải điều này hơi quá dễ dàng sao? Có phải nó mở đường cho những vụ tự tử không có mục đích, bỏ cuộc trước thời hạn chỉ vì đó là việc dễ làm? Đây là câu trả lời của Stephens:
“Lý do cho việc tự tử trong những hoàn cảnh đó theo người Khắc kỷ không phải là phán xét thiếu khôn ngoan rằng những cơn đói cứng đầu hay những triệu chứng đau đớn của một căn bệnh của một người là những thứ tồi tệ cần phải thoát khỏi chúng ngay tức khắc bằng mọi giá, mà là phán xét khôn ngoan rằng những điều kiện cho khả năng sử dụng quyền tự quyết của một người trong việc thực hiện vai trò xã hội, trách nhiệm xã hội của một người và các hoạt động biểu lộ kiểu người của anh ta (prosopon-thể diện) của người ấy) đang vuột mất không thể cứu vãn. … Epictetus dẫn ví dụ về người bạn của ông cố tình tuyệt thực tới chết ‘không vì lý do nào cả’ (II.15.4-12). Epictetus mô tả một vụ tự sát trong những trường hợp này là ‘loại bỏ khỏi cuộc sống bạn bè và bạn đời của chúng ta, đồng bào của chúng ta ở cả thành phố lớn và nhỏ’ (II.15.10). Loại bỏ bản thân anh ta khỏi cuộc đời trong những hoàn cảnh ấy đã phá hủy vai trò xã hội của anh ta như một người bạn, một người bạn đời, công dân của cộng đồng địa phương và công dân của thành phố vũ trụ. Sự hủy hoại này thật đáng hổ thẹn vì không có vai trò cao hơn nào, chẳng hạn như đón nhận cuộc đời của một người Hoài nghi, được bảo tồn hoặc đạt được bởi nó. Như vậy, trường hợp tự sát này bị lên án là giết một người vô tội (II.15.11).”
Đối với tôi, điều này có vẻ là một cách sâu sắc, đa sắc thái để xem xét về tự tử. Nếu được thực hiện một cách thiếu suy nghĩ hay vì những lý do trẻ con (như “những người lãng mạn” tự sát vì họ không thể sống thiếu "tình yêu" của người khác), khi ấy người đó quả thực đang giết một người vô tội, tức là, bản thân mình.
Để hiểu khi nào tự tử được chấp nhận theo quan điểm của phái Khắc kỷ, chúng ta hãy quay lại một lúc với từ quan trọng đó prosopon, một trong nhiều thuật ngữ của phái Khắc kỷ rất tinh tế và hữu ích, làm phong phú thêm triết lý đặc biệt này.
Epictetus kể 2 câu chuyện để giải thích ý nghĩa của việc nhìn nhận đúng mực prosopon của con người: đó là chuyện về một vận động viên tự tử sau khi mất đi bộ phận sinh dục của anh ta trong một vụ tai nạn, và câu chuyện của bản thân Epictetus (theo giả thuyết), người bị một kẻ nào đó dọa giết nếu ông không chịu cạo đi bộ râu.
Chúng ta sẽ coi quyết định của vận động viên là vội vàng và không chính đáng, nhưng Epictetus không ủng hộ việc đó như điều thiện phổ quát—đối với các nhà đạo đức thì có rất ít thứ được áp dụng phổ quát, vì thế giới quá phức tạp cho một lối tiếp cận áp dụng cho mọi trường hợp. Nhưng rõ ràng là vận động viên này coi bộ phận sinh dục của anh ta như một phần không thể thiếu của thể diện của anh ta và theo quan điểm của anh ta, việc tự tử là chính đáng khi mất đi bộ phận sinh dục đã đặt dấu chấm hết cho căn tính con người của anh ta. Lưu ý là chúng ta không đơn giản nói về một người đàn ông mất đi tính đàn ông/khả năng có con của anh ta dù dĩ nhiên đó là một phần của nó, và chúng ta cần đánh giá khía cạnh đó từ góc nhìn của nền văn hóa Hy Lạp-La Mã, chứ không phải góc nhìn của chúng ta. Mất mát quá lớn vì người ta tin rằng hoạn quan không thể nào thể hiện tốt trong các trò chơi do tác dụng phụ của việc mất đi bộ phận sinh dục. Vì vậy vận động viên của Epictetus không chỉ đối diện với mối đe dọa đến tính đàn ông của anh ta với tư cách một người đàn ông, mà quan trọng hơn, với tư cách vận động viên: chính toàn bộ quan điểm của anh ta về mình là ai và tại sao anh ta lại làm việc của anh ta bị đe dọa.
Ví dụ thứ hai có vẻ còn gây nhiều tranh cãi hơn, thật ngớ ngẩn. Epictetus đang tưởng tượng có kẻ dọa lấy mạng ông nếu ông không chịu cạo râu, và đáp: “Nếu ta là một triết gia thì ta sẽ không cạo râu.” Khi gã kia đáp lại, “Nhưng ta sẽ cắt cổ ông,” Epictetus bình thản đáp, “Nếu việc đó khiến anh tốt hơn thì cứ làm đi.” (II.2.29)
Theo quan sát nhạy bén của Stephens, không phải Epictetus nghĩ rằng bộ râu của ông là cái khiến ông trở thành một triết gia, mà đúng hơn là ông ấy không muốn kẻ khác kiểm soát ý chí của mình, đặc biệt nếu người đó quyết tâm cướp đi—dù là phép ẩn dụ—một phần quan trọng của thể diện của ông, trong trường hợp này là một triết gia, một nghề nghiệp có vẻ bề ngoài khác biệt với dân thể thao bằng một bộ râu.
Nhưng chính xác thì làm thế nào một người quyết định được khi nào là lúc để rời khỏi căn phòng đầy khói và bước qua cánh cửa mở? Đôi lúc Epictetus nói rằng thời điểm thích hợp là khi thần Zeus gọi chúng ta, từng được diễn giải như một ví dụ cho thấy sự phụ thuộc quá mức của ông ấy vào ý trời. Stephens đã đính chính điều này khá là thuyết phục, theo suy nghĩ của tôi:
“Quan điểm cho rằng Zeus yêu cầu người Khắc kỷ chết, không tùy thuộc vào quyết định của chính người đó, tưởng chừng không phù hợp với sự nhấn mạnh nhất quán của Epictetus vào những đánh giá tự trị rằng sống hòa hợp với prosopon của chính mình. Epictetus là một triết gia quá am hiểu rằng một con người, dù là một triết gia, một vận động viên hay một trong những môn đồ của ông ấy, cũng có thể đưa ra những dự đoán đáng tin cậy về những gì được coi là một tín hiệu để ra đi theo ý chí của thần Zeus, độc lập với những đánh giá tỉnh táo của một người về tính đáng sống của hoàn cảnh của chính mình.”
Một vấn đề quan trọng khác khi xem xét quan điểm về tự tử của Epictetus’ (và của các nhà Khắc kỷ nói chung) là liệu sự lựa chọn được đưa ra có dính dáng gì tới kỳ vọng về một sự tiếp tục kiếp sau hay không, đặc biệt khi họ nói về cái chết như một sự chia cắt cơ thể và “tâm hồn”:
“Epictetus nói rõ là ông ấy không bất tử, mà là một con người, và là một phần của cái toàn thể, như một giờ là một phần của một ngày, và như một giờ thì ông ấy phải đến và đi thôi (II.5.13). Có phải ý của Epictetus là chỉ có cơ thể ông ấy mất đi không? Không. Ông nói rõ rằng con người là một sinh vật phàm trần (II.9.1-2; III.1.25-26; IV.1.104). Chúng ta nên tận hưởng lễ hội của cuộc đời trong khoảng thời gian hữu hạn cho đến khi nó kết thúc (IV.1.105-110). Cái chết là điều không thể tránh được (I.27.7) và mãi mãi không thể tránh khỏi (I.27.9).”
Tôi yêu cái hình ảnh về cuộc đời như một lễ hội, cứ tận hưởng đi, nhưng cũng từ đó cuối cùng người ta cũng phải rời khỏi lễ hội, khi bữa tiệc dần đi hồi kết thúc hoặc khi hoàn cảnh không còn đáng để người ấy bỏ thời gian và công sức.
Phần còn lại của bài luận của Stephens rất đáng đọc, nhưng kết luận chung của ông ấy là Epictetus tán thành các điểm sau (sao chép nguyên văn từ bài luận):
(a) Góc nhìn vũ trụ về cái chết là điều thiết yếu để hiểu được tại sao cái chết là một điều vô thưởng vô phạt;
(b) một người có thể có lý do chính đáng khi quyết định không thực hiện các biện pháp nhằm tăng khả năng sống sót của anh ta;
(c) một người có thể có lý do chính đáng khi quyết định thoát khỏi cuộc đời;
(d) sự biện minh của những quyết định sinh tử là mang tính tự trị;
(e) danh tính của một con người là một liên minh giữa một cơ thể riêng biệt với một linh hồn cụ thể, cả hai cái đó đều không tồn tại sau khi chết;
(f) hiểu rằng người phàm chúng ta có thể lựa chọn cái chết là một điều an ủi;
(g) hiểu được những tuyên bố từ (a)-(f) cho chúng ta sự tự do theo đuổi cuộc đời đức hạnh không sợ hãi;
(h) niềm tin sai lầm rằng cái chết là điều xấu, nỗi sợ chết, như hiện thân của mọi thứ tệ hại của con người, phá hỏng khả năng sống thuận theo đức hạnh của chúng ta.
Nguồn: https://howtobeastoic.wordpress.com/2016/04/05/epictetus-on-suicide-the-open-door-policy/