Gần đây bạn có "suy nghĩ" không?

gan-day-ban-co-suy-nghi-khong

Trầm ngâm mặc tưởng là một đặc trưng quý giá của con người, và cũng là thứ sẽ dẫn dắt chúng ta đến với hạnh phúc.

Không bận bịu công việc, không vật lộn với một đống to-do list hay chạy sô cùng hàng tá lo lắng ngổn ngang. Chỉ ngồi. Và suy nghĩ. Việc đó có khó khăn với bạn lắm không?

Một giáo sư tại Đại học London đã tự hỏi điều đó, và ông quyết định thực hiện một thí nghiệm tương đối... kỳ cục để xem chúng ta thực sự dám bỏ bao nhiêu thời gian trong ngày dành cho việc suy nghĩ. Trước khi theo dõi câu chuyện này thì bạn hãy thành thực tự hỏi bản thân rằng: Gần đây, mình có "suy nghĩ" không?
***

"Triết học tự phát. Dừng lại, ngồi xuống, và chỉ nghĩ thôi". Đó là những gì tôi đã viết trên một chiếc bảng trắng. Tôi đã mang nó ra ngoài và đặt nó cạnh một chiếc ghế gấp nhỏ, gần lối vào văn phòng tôi ở trường City, University of London.

Trong vòng một tuần, tôi đã đi vòng quanh London với hai cái ghế gấp và một chiếc bảng trắng. Mục tiêu của tôi là những vị trí trông cực kỳ... ngớ ngẩn. Tôi đã sắp xếp "đạo cụ" của mình bên ngoài Sàn Giao dịch Chứng khoán London, một ngân hàng lớn, trước cửa Toà nhà Quốc hội, trên con phố Oxford, tại nhà thờ thánh Paul và ở trụ sở BBC. Giờ là lúc để đưa sự ngớ ngẩn lên một tầm cao mới—và tôi quyết định mang đồ nghề tới chính trường đại học của mình.

Sinh viên và cán bộ khoa đi tới đi lui, nhìn thấy những chiếc ghế, nhìn vào mặt tôi, đọc bảng hiệu của tôi. Một số tỏ ra rất ngạc nhiên. Số khác thì lôi smartphone ra chụp ảnh. Rất nhiều người đã cười ồ lên. Và chỉ một vài người ngồi xuống cùng với tôi, trải nghiệm vài phút trầm ngâm tĩnh lặng.

Trường đại học vốn thường được coi là nơi để học tập và là động lực của nền kinh tế tri thức. Nhưng sau một thập kỷ dành để nghiên cứu các tổ chức, tôi đã nhận ra rằng trường đại học là vườn ươm... sự ngớ ngẩn một cách có-bài-bản. Bản thân tôi là một giáo sư. Khi tôi yêu cầu đồng nghiệp của mình từ các trường đại học khác nhau hãy miêu tả đơn vị của họ, một trong số những từ phổ biến nhất là "ngu xuẩn".

Họ chia sẻ câu chuyện về một số trường đại học ở Anh tôn vinh một bài viết vài trang trên tạp chí khoa học còn hơn cả một chuyên đề khoa học kỳ công vài trăm trang. Tôi cũng được nghe về một ngôi trường công lập lớn đã chi nhiều chục triệu đô la phát triển một trường tư để thu hút một nhúm nhỏ vài học sinh. Biên tập viên của tôi thì nhắc đi nhắc lại về câu chuyện của một trường thuộc Ivy League tại Mỹ đã chi 25 triệu đô la để xây dựng một "mạng lưới kiến thức" online tên là Fathom, chỉ để chứng kiến nền tảng này đóng cửa sau 3 năm. Câu chuyện châm biếm nhất có lẽ là về một chuyên gia nổi tiếng thế giới lên làm hiệu trưởng một trường đại học Mỹ, và sau đó đã chi hơn 1 triệu đô la chỉ cho những thay đổi về mặt quản trị. Trong nhiệm kỳ ngắn ngủi của mình, ông này đã khiến cho nhân viên nhà trường nhìn mình với ánh mắt "kỳ thị" khi buộc họ phải mặc đồ màu nâu trong khuôn viên trường vào mỗi Thứ Sáu.

Càng tìm hiểu nhiều, tôi càng khám phá ra rằng các trường đại học đang có thói quen đầu tư thời gian, năng lượng và tiền bạc vào những mục tiêu vô nghĩa. Họ tạo ra một bộ máy quản trị đông đúc, khiến cho những nhiệm vụ đơn giản nhất cũng trở nên kém hiệu quả. Ngày nay các trường đại học có thói quen chạy các chiến dịch tái định vị thương hiệu thường xuyên, nhưng việc làm đó rốt cục lại chỉ khiến cho họ hoà lẫn vào nhau và thiếu cá tính riêng hơn.

Hãy cứ thử vào website của bất kỳ trường đại học nào mà xem, bạn sẽ thấy một mô-típ PR y hệ nhau, với những nghiên cứu khoa học "hàng đầu", chương trình dạy học "đẳng cấp thế giới", gần với thực tiễn... Sẽ có ba sinh viên đang nằm dài trên bãi cỏ, và kiểu gì trong đấy cũng có một người là nữ, một người da màu, một nam sinh da trắng... Thậm chí những ngôi trường ở những phần khác nhau của thế giới cũng có những chiến dịch làm thương hiệu y xì đúc. Trường University at Buffalo tại Mỹ sử dụng một tấm ảnh chụp những toà nhà của trường với dòng chữ "Here is how". Và ở cách đó 9,000 dặm, trường Đại học Sydney cũng đăng tải một hình ảnh tương tự với những ngôi nhà cũ kỹ, kèm dòng mô tả "Here".

Các trường đại học thường khuyến khích một thứ văn hoá mà ở đó nhân viên làm việc muộn tới đêm khuya để cho ra lò những tài liệu nghiên cứu vốn chỉ phục vụ cho một số lượng nhỏ các chuyên gia. Thế nhưng thứ mà họ không khuyến khích, là dành thời gian để suy nghĩ.

Tôi hi vọng rằng những chiếc ghế của tôi sẽ giúp cho các giáo sư và sinh viên có một cơ hội, dù chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi, để không làm gì cả và đơn thuần suy nghĩ. Một vài đồng nghiệp đã ngồi xuống im lặng cùng với tôi. "Thật tuyệt khi có cơ hội để dừng lại và suy nghĩ"—một trong số họ nói. "Tôi đã dành phần lớn thời gian trong ngày của mình để viết lời phê bình cho hàng loạt những bài nghiên cứu vô nghĩa"—một người khác nói—"Đó thực sự là một công việc vô não". Có người thì chia sẻ: "Trải nghiệm này giống như thời gian tôi nghỉ hè tại ngôi nhà của mình ở Phần Lan, đó là lúc tôi thực sự suy nghĩ".

Ngày nay, chúng ta đang sống trong một nền văn hoá thiếu suy nghĩ. Khảo sát về thói quen sử dụng thời gian của người Mỹ đã chỉ ra rằng khoảng 95% người phản hồi cho rằng họ đã dành thời gian cho ít nhất một hoạt động giải trí nào đó trong vòng 24 tiếng trước, song 84% trong tổng số đó không dành chút thời gian nào cho việc suy nghĩ.

Một nghiên cứu của đại học Harvard đã chỉ ra rằng khi chúng ta có những suy nghĩ không trực tiếp liên quan tới các hoạt động hiện tại (hay còn gọi là suy nghĩ mông lung), thì chúng ta có khuynh hướng cảm thấy ít hạnh phúc hơn. Một nghiên cứu gần đây của các nhà tâm lý học tại Đại học Virginia thì yêu cầu những người tham gia thí nghiệm ngồi im trong phòng và chỉ "suy nghĩ" trong khoảng thời gian từ 6 - 15 phút. Trong căn phòng đó có một cái nút, mà những người tham gia có thể bấm để tự giật điện chính mình - nếu họ muốn. Và thật bất ngờ, những người tham gia thí nghiệm thà giật điện chính bản thân mình còn hơn là phải ngồi yên lặng suy nghĩ. Có người thậm chí còn tự giật điện bản thân 190 lần trong suốt khoảng thời gian ngắn ngủi này.

Trong một môi trường sống bị bủa vây bởi các thiết bị điện tử, nỗi sợ suy nghĩ của chúng ta ngày càng tăng lên. Chỉ mới một vài thập kỷ trước, cuộc sống thường nhật của chúng ta vẫn bao gồm nhiều khoảng thời gian để chìm đắm trong suy tưởng: khi xếp hàng, khi ngồi trên các phương tiện công cộng, khi đang bị kẹt xe, hoặc chỉ đơn giản là khi đang chờ một người bạn. Ngày nay, việc đầu tiên mọi người làm khi có một khoảng thời gian trì hoãn là mở smartphone ra. Một nghiên cứu được thực hiện năm 2013 bởi một đơn vị nghiên cứu thị trường tên là Harris Interactive đã chỉ ra rằng, chúng ta sử dụng smartphone khi đang đi bộ trên phố, khi đang xem phim, thậm chí là trong những nghi lễ tôn giáo. 12% người được hỏi thừa nhận họ dùng điện thoại khi tắm, 9% thậm chí còn kiểm tra điện thoại khi đang quan hệ.

Những tác nhân kích thích liên tục sẽ ngăn cản khả năng suy nghĩ của con người. Một nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra rằng việc liên tục bị xao nhãng bởi thông tin sẽ làm giảm nhất thời 10 điểm IQ của một người, gấp đôi so với tác động lên trí thông minh của việc hút cần. Việc sử dụng các thiết bị điện tử xen lẫn với các hoạt động như làm việc, chơi với trẻ con hay quan hệ tình dục có nghĩa là chúng ta đang phân tán sự tập trung của mình cho nhiều tác vụ khác nhau.

Và dù một số trong chúng ta vẫn nghĩ rằng mình có khả năng làm nhiều việc cùng lúc, nhưng trên thực tế chúng ta không thể. Các nhà thần kinh học đã chứng minh rằng, một cách xác đáng mà nói thì không một ai có thể đa nhiệm được. Theo Adam Gazzaley và Larry D Rosen đã chỉ ra trong cuốn The Distracted Mind (2016), mọi người chỉ nhảy qua nhảy lại giữa các công việc với hiệu quả thấp hơn mà thôi. Một thí nghiệm của Alessandro Acquisti và Eyal Peer tại Đại học Carnegie Mellon đã cho thấy khi sinh viên bị mất tập trung khi làm bài kiểm tra, kết quả của họ sẽ giảm sút khoảng 20%.

Bản thân những tổ chức chuyên về học thuật cũng thường lúng túng trước những vấn đề gây xao lãng. Họp, điện thoại, tin nhắn hay câu hỏi từ đồng nghiệp... đều là những thứ làm cản trở dòng suy nghĩ. Những văn phòng với thiết kế mở đều khiến cho vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Chúng tiếp tay cho những hành vi gây xao lãng: từ những đồng nghiệp vô duyên nói cười hô hố, cho tới ông sếp hay can thiệp quá sâu vào việc của nhân viên. Những điều này khiến cho nhân viên trong công ty liên tục phải nhảy loi choi giữa các đầu việc.

Theo một nghiên cứu của Gloria Mark tại Đại học California, Irvine, thì cứ mỗi 11 phút các nhân viên văn phòng lại chuyển đổi công việc một lần. Và một khi bị xao lãng, họ sẽ mất trung bình khoảng 25 phút để trở lại công việc ban đầu. Những con số này thật đáng sợ.

Cứ mỗi lần bị xao lãng thì các nhân viên sẽ phải mất trung bình khoảng 25 phút để trở lại công việc ban đầu.

Trong nghiên cứu năm 2011 có tên The Progress Principle tại trường Kinh doanh Harvard, Teresa Amabile và Steven Kramer đã tìm ra rằng yếu tố quan trọng nhất đóng góp vào cảm nhận về một ngày làm việc thành công chính là khoảng thời gian tập trung và tạo ra nhiều tiến triển tốt cho một đầu việc quan trọng. Với việc luôn luôn có nguy cơ bị xao lãng bất kỳ lúc nào, có lẽ chúng ta đang rất cần thêm một chút thời gian dành cho việc suy nghĩ.

Tôi tự hỏi một nơi nào đó chỉ dành riêng cho việc ngồi suy nghĩ sẽ trông như thế nào. Hình ảnh về Ludwig Wittgenstein ngồi trên một chiếc ghế trong những căn phòng của ông ở Cambridge hiện lên trong tâm trí tôi. Đó chính là khoảnh khắc mà ý tưởng làm một thí nghiệm về triết học tự phát nảy lên trong đầu tôi. Tôi muốn giúp cho mọi người có một cơ hội dừng lại, ngồi xuống và suy nghĩ, dù việc đó chỉ diễn ra trong vòng 5 phút ngắn ngủi.

Có một quảng trường nhỏ ở bên ngoài Sàn giao dịch Chứng khoán London, ngay đối diện Ngân hàng Anh. Vào buổi trưa một ngày đầu mùa thu trời âm u, tôi đã ngồi xuống trên một trong những chiếc ghế gấp màu trắng. Tôi cảm thấy khá lo lắng. Liệu cảnh sát có tới và phạt tôi vì tội gây rối trật tự công cộng hay không?

Trong vòng 5 phút, tôi đã có lượt khách ghé qua đầu tiên. Một người phụ nữ Úc trung niên quan tâm tới vấn đề khủng bố. Không lâu sau đó, có thêm một phụ nữ người Anh ngồi xuống cùng chúng tôi và bắt đầu nói về việc con gái bà đang học triết học tại đại học—"Nó là một người có tư duy sâu sắc", bà chia sẻ. Sau năm phút, họ đứng lên và rời đi. Những người xung quanh tôi khi ấy hầu hết là nhân viên của những công ty tài chính gần đó, và họ đều đang ăn trưa. Họ nhồm nhoàm những gói khoai chiên và cắm đầu vào điện thoại. Một vị khách du lịch kỳ lạ đi ngang qua đã dừng lại cười chế giễu và không quên chụp một bức ảnh, thứ mà tôi đoán rằng sẽ được đăng lên Facebook không lâu sau đó.

Cảm thấy đôi chút nản lòng với màn ra mắt công chúng dạo đầu của kế hoạch triết học tự phát, tôi tự quay trở về với những suy nghĩ của riêng mình (hoặc cố gắng làm vậy). Tôi nên nghĩ về cái gì nhỉ? Thành phố? Thói quen giờ nghỉ trưa của những nhân viên văn phòng? Tư bản tài chính? Tôi tự hỏi mình rằng nếu bây giờ có một cái nút bấm để tôi có thể tự shock điện mình một mức vừa phải, thì liệu tôi có bấm nó hay không? Một cách chậm rãi, tôi thả tâm trí lãng đãng trôi theo một trạng thái hư vô, ngắm nhìn những đám mây lướt trên các toà nhà cao tầng. "Đây có phải là một kiểu suy nghĩ không nhỉ?" - tôi tự hỏi mình. Khi đồng hồ điểm 2h chiều, tôi đứng dậy, gập ghế, và hướng tới ga tàu điện.

Tôi mang theo hai chiếc ghế xuống tàu điện ngầm ồn ã, và trầm ngâm suy nghĩ về những gì mình đã học được từ trải nghiệm đầu tiên với triết học tự phát. Tôi bỗng nhiên cảm thấy điềm tĩnh hơn nhiều. Thế nhưng tôi vẫn thấy đôi chút thất vọng khi chỉ có những vị khách du lịch mới tham gia với mình trong thử nghiệm này. Liệu có ai đó không đang trong kỳ nghỉ dám xa xỉ dành một vài phút thời gian của mình để ngồi xuống và suy nghĩ hay không?

Câu hỏi này cứ ám ảnh tôi, một phần vì chính tôi cũng không thể tập trung bản thân mình và dành một vài tiếng đồng hồ chỉ cho việc suy nghĩ. Có một điều khiến tôi vẫn còn chút niềm tin rằng thử nghiệm của mình không hẳn đã thất bại: một khi tôi tìm được cách tập trung suy nghĩ về một thứ gì đó (dù là bản chất của chủ nghĩa tư bản đa quốc gia, hay về chiếc đồng hồ phía bên kia quảng trường), thì việc để cho tâm trí mình lang thang dường như sẽ tạo ra một trải nghiệm rất dễ chịu.

Khi đã hào hứng trở lại, tôi tiếp tục thử nghiệm triết học tự phát của mình vài ngày sau đó, ở nhà thờ thánh Paul—một trong những nhà thờ quan trọng bậc nhất ở London. Bạn tôi Barbara đã đồng hành cùng tôi. Chúng tôi mở ghế, dựng tấm bảng "Dừng lại, ngồi xuống, và chỉ nghĩ thôi", rồi tôi ngồi xuống một trong những chiếc ghế. Barbara thì đứng quan sát từ đằng xa. Vài phút sau đó, trời bắt đầu đổ mưa. Một cô bé chạy qua và hỏi tôi: "Tại sao bác lại tắm nắng dưới mưa thế?". Tôi không biết phải trả lời sao, thì người bố đã kịp kéo cô bé đi mất, bỏ lại câu hỏi còn thắc mắc. Tắm nắng dưới mưa. Điều đó như thể đã khắc hoạ những năm tháng tôi đã dành để nghiên cứu các chủ đề triết học vậy.

Trong vòng vài tuần tiếp đó, tôi đã đi khắp London với thử nghiệm triết học tự phát của mình. Tôi đã dựng đồ nghề ở trên phố Oxford, một trong những con đường đông đúc và bụi bặm nhất châu Âu. Hầu hết những người bán hàng đều phớt lờ tôi. Một số người tham gia trải nghiệm này thì lại hỏi liệu tôi có đang quảng cáo cho một thương hiệu xa xỉ mới nào đó hay không. Những người duy nhất có vẻ quan tâm là những người truyền giáo. Có lẽ họ đang nhìn tôi như một đối thủ cạnh tranh.

Bên ngoài trụ sở của đài BBC, tôi chỉ gặp được duy nhất một người cảnh vệ đang buồn chán. Anh này thì đã có quá đủ thời gian để suy nghĩ trong ca làm việc của mình rồi. Tôi tiếp tục đem thử nghiệm tới Speakers’ Corner, một địa điểm ở Hyde Park nơi mọi người thường tụ tập để tranh luận về bất cứ chủ đề nào có thể tưởng tượng ra được. Ở đây, triết học tự phát đã thu hút được một số khách qua đường: những người này cảm thấy những khoảnh khắc tĩnh lặng tại một nơi tràn ngập các ý tưởng đinh tai nhức óc là giải pháp không tồi để nghỉ ngơi. Một người quấy rầy tiếp cận tôi, và nói "ý tưởng rất thông minh" với một vẻ mặt phản đối hiện rõ. Anh ta giải thích triết học tự phát có thể ẩn chưa những dấu hiệu hắc ám như thế nào, tới mức tôi chẳng hiểu nổi.

Tôi nghĩ rằng triết học tự phát có thể đạt được một bước tiến dài tại trung tâm của sức mạnh chính trị—điện Westminster. Tôi mở ghế ở Quảng trường Quốc hội, và hào hứng với ý niệm rằng những chính trị gia sẽ dành một vài phút trong ngày dài của họ để chiêm nghiệm về những công việc họ đang làm. Có lẽ triết học tự phát sẽ là nhân tố thúc đẩy một kỷ nguyên mới của lý luận công khai và minh bạch, bắt đầu ngay tại đây.

Thế nhưng thay vào đó, một nhóm thiếu nữ người Đức tuổi teen đang háo hức chụp ảnh tự sướng tụ lại xung quanh những chiếc ghế của tôi. Những người kế tiếp là một gia đình người Mỹ. Người cha trình diễn trồng cây chuối đằng sau ghế của tôi, người mẹ thì tạo dáng "người tư duy" (The Thinker) ở một chiếc ghế, trong khi những đứa trẻ thì nhai tóp tép một đống kẹo. Những vị chính trị gia và những người công chức thì quá mải mê với chiếc điện thoại tới mức không có thời gian để chú ý tới triết học tự phát.

Thật thú vị khi trụ sở của một ngân hàng ở London, đơn vị đã từng phải nhờ chính phủ bảo lãnh trong cuộc khủng hoảng tài chính lại chính là nơi mà triết học tự phát đạt được thành công rực rỡ. Trong vòng vài phút sau khi mở ghế, một nhân viên bảo vệ đã tiến tới để đảm bảo rằng tôi không xâm phạm tài sản của ngân hàng. Tôi đã giải quyết việc đó bằng cách ngồi dịch ra xa độ một gang tay. Liền sau đó có thêm hai nhân viên an ninh tiếp cận tôi, và lo lắng về những rủi ro về mặt hình ảnh mà triết học tự phát có thể gây ra cho ngân hàng. Rồi một người phụ nữ vô gia cư tiến tới hỏi rằng tôi đang làm gì. Tôi trả lời là tôi đang suy nghĩ. Bà đáp: "Tôi chả có thời gian cho việc đó".

Một đoàn người là nhân viên của ngân hàng nhìn thấy tấm bảng của tôi và mỉm cười. Rất nhiều trong số đó đã chụp ảnh, có lẽ để đăng lên mạng xã hội sau đó. Một vài người đã ngồi xuống vài phút, suy nghĩ trong tĩnh lặng, rồi tiếp tục đi. Một vài người khác thì muốn trò chuyện; trong đó có cả một nhà nhân chủng học mới chuyển sang đầu tư thanh khoản—bà chia sẻ bà rất mong mỏi được dành một khoảng thời gian trong ngày để suy nghĩ. Một triết gia mới chuyển sang ngành công nghệ thì ngồi xuống và nói về mối bận tâm của mình với việc triết học có thể tác động tới công chúng như thế nào. Ngay chính tại trụ sở ngân hàng từng viện tới cứu trợ này đã sản sinh ra cả nỗi hoài nghi về triết học tự phát cũng như những phản hồi sâu sắc nhất.

Tôi quay trở lại trường đại học của mình, và một lần nữa thực hiện thử nghiệm cho triết học tự phát. Tại đây, tôi dự định sẽ suy nghĩ về những gì mà thử nghiệm này đã đem lại cho tôi. Tôi không phải là một nhà thần kinh học, vì thế tôi thiếu những bản đọc điện não đồ hay máy scan fMRI (một phương pháp đo đạc hoạt động của não bộ) để có thể hiểu được điều gì thực sự xảy ra trong đầu của những vị khách tham gia thử nghiệm. Tôi chỉ có những ghi chép về tất cả những gì mình quan sát được.

Thử nghiệm triết học tự phát đã cho thấy rằng việc suy nghĩ ở nơi công cộng có thể mang lại rủi ro. Đối với rất nhiều người, triết học tự phát giống như một dịp để chụp ảnh tự sướng hơn là cơ hội chiêm nghiệm lại bản thân mình. Dẫu đã có một lời mời ngồi xuống và chỉ-nghĩ-thôi, mọi người hầu hết đều không thể cưỡng lại sự xao lãng đến từ công nghệ. Tuy vậy, vẫn có hàng tá người đã lặng im ngồi xuống, suy nghĩ, rồi đi tiếp. Một số ít trong số họ đã dũng cảm bắt chuyện với tôi. Hầu hết đều chia sẻ mối quan ngại rằng triết học, và việc suy nghĩ nói chung đã trở thành một thứ bị bó hẹp trong môi trường đại học. Những vị khách bộ hành sâu sắc này lo ngại rằng việc suy nghĩ hàng ngày trong đại chúng đang dần trở thành khan hiếm. Khi ngồi bên ngoài trường đại học của mình, tôi cũng tự hỏi liệu có bao nhiêu suy nghĩ thực sự đang diễn ra bên trong đấy.

Đối với rất nhiều người, "triết học tự phát" giống như một cơ hội để chụp ảnh tự sướng hơn là chiêm nghiệm lại bản thân mình.

Thử nghiệm triết học tự phát của tôi đã mời mọi người tới, ngồi xuống và suy nghĩ. Tôi không chắc việc ngồi suy nghĩ trên chiếc ghế gấp trong một vài phút ngắn ngủi như vậy có khiến con người ta trở nên "triết lý" hơn hay không. Tôi cũng không cho rằng việc triết học được tiếp cận rộng rãi sẽ làm cho công chúng suy nghĩ thấu đáo hơn. Tuy vậy, tôi có thể khẳng định một điều rằng trong hàng tá giờ ngồi với thử nghiệm triết học tự phát trên chiếc ghế gấp ở khắp London, tôi đã suy nghĩ nhiều hơn trong hàng năm trời khi ngồi trong văn phòng của mình ở trường đại học. Điều giá trị nhất mà thử nghiệm này dạy tôi là một thứ mà Aristotle đã viết cách đây 2,500 năm trước: Trầm ngâm mặc tưởng là một đặc trưng quý giá của con người, và cũng là thứ sẽ dẫn dắt chúng ta đến với hạnh phúc.

Phấn chấn với những suy nghĩ đó, tôi xách đồ nghề lên một lần cuối và quay trở lại quảng trường Quốc hội. Một người lính gác nghiêm nghị nói rằng tôi không được phép ngồi ở quảng trường. Thay vào đó, tôi bị buộc phải dựng chiếc bảng và các đạo cụ khác ở trên lề đường. Khi tôi đang bắt đầu nghĩ rằng việc dành buổi sáng của mình như thế này quả tuyệt hơn so với việc ru rú ở văn phòng làm những công việc bàn giấy, thì bỗng nghe thấy một giọng nói vang lên từ phía chiếc xe van chở đồ màu trắng.

"Thế rốt cục Sự thật là gì?"

"Tôi đang cố gắng nghĩ đây"—tôi hét với theo, trước khi đèn tín hiệu chuyển màu và người tài xế lái xe đi mất.

André Spicer là giáo sư nghiên cứu hành vi trong các tổ chức tại Cass Business School thuộc City, University of London. Ông là tác giả cuốn The Stupidity Paradox: The Power and Pitfalls of Functional Stupidity at Work (2016) và sẽ ra mắt cuốn Desperately Seeking Self-Improvement: A Year Inside the Optimization Movement trong năm nay.


Bài gốc tại Aeon.

Levi dịch.

menu
menu