Giải tỏa áp lực cho tình yêu

giai-toa-ap-luc-cho-tinh-yeu

Việc nói đến chuyện giảm bớt áp lực trong một mối quan hệ có thể nghe kỳ lạ và hơi đáng lo ngại.

Việc nói đến chuyện giảm bớt áp lực trong một mối quan hệ có thể nghe kỳ lạ và hơi đáng lo ngại. Văn hóa lãng mạn mà chúng ta thừa hưởng từ bao đời nay vẫn thường vẽ nên hình ảnh các cặp đôi lý tưởng luôn quấn quýt bên nhau và xem nhau là trung tâm của cuộc sống. Một mối quan hệ được cho là hoàn hảo khi hai người gần như trở thành tất cả của nhau.

Trong một mối quan hệ “đúng nghĩa”, người ta cho rằng cả hai phải đáp ứng mọi nhu cầu của nhau trong mọi khía cạnh – từ đời sống tình dục, tinh thần, thói quen ăn uống cho đến nếp sinh hoạt trong phòng ngủ. Chúng ta phải sống đời sống xã hội cùng nhau, trở thành người đầu tiên lắng nghe và chia sẻ mọi vấn đề, và bù đắp cho nhau từ tinh thần đến vật chất. Nếu họ chơi một môn thể thao, chúng ta phải tham gia cùng hoặc ít nhất cổ vũ mỗi cuối tuần; nếu chúng ta muốn đến một đất nước nào đó, họ phải hào hứng cùng ta lên đường; bạn bè của ta cũng nghiễm nhiên phải là bạn bè của họ…

Nghe thì ngọt ngào, nhưng về lâu dài, đó là công thức dẫn đến thảm họa. Không có hai con người nào có thể hoàn toàn tương đồng trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Nỗ lực để trở thành “mảnh ghép hoàn hảo” của nhau sẽ chỉ dẫn đến sự thất vọng và oán giận. Chúng ta đã tự áp đặt cho mình một bức tranh quá lý tưởng và xa rời thực tế về tình yêu. Bất kỳ hành động độc lập nào cũng bị coi là dấu hiệu của sự xa cách hay nguy hiểm cận kề: nếu chúng ta muốn du lịch một mình hoặc ngủ riêng một đêm, điều đó bỗng trở thành bằng chứng của sự phản bội. Vì vậy, chúng ta ép buộc nhau làm những điều bản thân không thích, chỉ để trấn an rằng mối quan hệ vẫn còn “an toàn”.

Một cái nhìn thực tế và lãng mạn hơn về tình yêu sẽ cho thấy: điều quan trọng là chúng ta chia sẻ một vài khía cạnh cốt lõi trong đời sống, nhưng vẫn nên có những khoảng trời riêng để theo đuổi mục tiêu của bản thân.

Hãy thử suy nghĩ về danh sách các hoạt động độc lập sau đây và đánh dấu (từ một đến năm sao) nếu bạn cảm thấy điều đó phù hợp với mình:
Tôi muốn…
– Du lịch mà không có bạn đồng hành của mình.
– Ăn tối cùng một người bạn.
– Tham dự một bữa tiệc mà không cần người ấy đi cùng, và không khiến họ cảm thấy bị bỏ rơi.
– Thăm cha mẹ một mình.
– Có cố vấn tài chính riêng.
– Đi dạo thật lâu một mình.
– Có phòng tắm riêng.
– Đi mua sắm cùng một người bạn thay vì với bạn đời.

Hãy cùng nhau xem danh sách của cả hai và thử nghĩ xem, có điều gì bạn có thể chấp nhận không?

Chúng ta cần nhận ra rằng sự độc lập không phải là tấn công hay chối bỏ người bạn đời, mà chính là bảo đảm cho sự vững vàng của mối quan hệ. Những cặp đôi thực sự bền lâu không phải là những người luôn làm mọi thứ cùng nhau, mà là những người biết chấp nhận sự khác biệt của đối phương mà không cảm thấy tổn thương hay phản bội.

Cuối cùng, sự giảm bớt phụ thuộc không có nghĩa là tình yêu đang rạn vỡ; nó chỉ đơn giản cho thấy rằng chúng ta đã học cách tập trung vào những điều đối phương thực sự có thể mang lại cho mình, thay vì trách móc họ vì những gì họ không thể. Chúng ta không còn phải buồn bã vì họ không thích điểm đến du lịch mà ta mong muốn, hay vì bạn bè của họ khiến ta thấy chán ngán. Thay vào đó, ta học cách trân trọng họ ở những điểm mà cả hai thực sự hòa hợp.

Để có một mối quan hệ hài hòa, chúng ta cần đảm bảo rằng mình có những nguồn vui, niềm an ủi và động lực riêngbên ngoài tình yêu. Khi gặp khó khăn, ta vẫn còn những điểm tựa khác để nương tựa. Việc yêu cầu đối phương bù đắp cho mọi điều thiếu thốn và mệt mỏi trong cuộc sống chính là cách nhanh nhất để phá hủy một mối quan hệ. Mọi xung đột và thất vọng sẽ trở nên dễ chịu hơn nhiều khi chúng ta thôi kỳ vọng rằng tình yêu sẽ là cứu cánh duy nhất.

Tình yêu sẽ có cơ hội bền vững và thăng hoa hơn khi chúng ta ngừng tin rằng nó có thể một mình cứu rỗi cả cuộc đời mình.

Nguồn: TAKING THE PRESSURE OFF LOVE

menu
menu