Giới thiệu chung về Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)

gioi-thieu-chung-ve-roi-loan-am-anh-cuong-che-ocd

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive Compulsive Disorder O.C.D.) là một rối loạn dựa trên những suy nghĩ và thói quen mang tính ám ảnh, lặp đi lặp lại, như nỗi sợ sự dơ bẩn đi kèm với sự thôi thúc, thói quen thực hiện một hành động cụ thể, như tắm rửa quá

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive Compulsive Disorder O.C.D.) là một rối loạn dựa trên những suy nghĩ và thói quen mang tính ám ảnh, lặp đi lặp lại, như nỗi sợ sự dơ bẩn đi kèm với sự thôi thúc, thói quen thực hiện một hành động cụ thể, như tắm rửa quá nhiều. Những hành động này giúp kiểm soát và giảm bớt những nỗi sợ gây ra bởi những ý nghĩ ám ảnh. Một tình trạng thường thấy là những ý nghĩ ám ảnh không đi kèm hành động, và cũng có thể những hành động cưỡng chế lại không đi kèm ý nghĩ, tuy nhiêm trường hợp sau tương đối hiếm.

Vây, khi nào một thói quen được coi là hành vi cưỡng chế? Đây là một câu hỏi khó, vì luôn có một ranh giới rất nhỏ giữa việc có thói quen làm một việc gì đó mà không có vấn đề gì, và việc thực hiện hành động ấy một cách ám ảnh. Ví dụ, nếu bạn hút bụi nhà mình một lần mỗi ngày, bạn chỉ cho rằng bản thân mình là người biết chăm chút, tuy nhiên một số người khác sẽ thấy rằng việc ấy là thừa thãi – hầu hết mọi người chỉ hút bụi nhà một tuần một lần. Nhưng nếu một vài tiếng sau khi bạn hút bụi nhà, bạn lại thấy cần thiết phải hút bụi lần nữa vì còn một vài miếng bông trên thảm trải sàn, rất có thể bạn đang bị ám ảnh.

Một cách để kiểm tra là hãy không hút bụi nhà trong một ngày để xem bản thân cảm thấy thế nào. Bạn thấy thư giãn vì có thêm thời gian dành cho bản thân, hay bạn lo lắng liên tục vì nhà bẩn hoặc vì bạn chưa hoàn thành việc nhà? Hãy suy nghĩ về phản ứng của bản thân và quyết định xem bạn có thể mắc hội chứng này không.

24/365 Fighting ocd by Victor Mui

24/365 Fighting ocd by Victor Mui

Ví dụ về các ám ảnh (Obsessions)

  • Sợ hành vi đáng xấu hổ của bản thân
  • Cái chết và thiên tai
  • Sự ô nhiễm, dơ bẩn
  • Suy nghĩ ám ảnh về tình dục
  • Sự sắp xếp có trật tự, hài hòa, đối xứng
  • Bị quấy rầy bởi những ý nghĩ, hình ảnh không mong muốn
  • Không hài lòng với cơ thể

Ví dụ về các hành vi cưỡng chế (Compulsions)

  • Lau chùi
  • Tắm giặt
  • Kiểm tra
  • Đếm
  • Đo
  • Những hành động, việc làm lặp đi lặp lại
  • Thú nhận những tội lỗi tự tưởng tượng ra
  • Tích trữ
  • Chậm chạp

Nguyên nhân chính xác của chứng Rối loạn ám ảnh cưỡng chế chưa được xác định, tuy nhiên đã có một số chứng cứ chỉ ra rằng sự thiếu cân bằng chất dẫn truyền thần kinh gọi là serotonin, hoặc sự gián đoạn quá trình sự trao đổi chất của serotonin có liên quan đến chứng rối loạn này. Điều này được chứng minh bởi sự phục hồi của các bệnh nhân khi họ sử dụng những thuốc làm tăng lượng serotinin trong não (ví dụ Anafranil, Prozac, Zoloft và Paxil). Lĩnh vực này cần được nghiên cứu sâu hơn.

Giống như các chứng rối loạn lo âu khác, OCD có thể được điều trị bằng cách tự “phơi nhiễm” (tức là không lảng tránh tình huống gây lo lắng và không thực hiện hành vi lặp lại) và các liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), đôi khi áp dụng đồng thời với các thuốc chống trầm cảm (Anti-depressants). Quá trình phục hồi thường tương đối chậm nhưng việc cố gắng, nỗ lực sẽ đạt được kết quả tích cực và việc phục hồi hoàn toàn là điều có thể.

Thông tin bổ sung về các ám ảnh/hành vi cưỡng chế:

Dưới đây là các loại suy nghĩ ám ảnh thường gặp nhất ở những người mắc OCD. Lưu ý: Chỉ là suy nghĩ ám ảnh. Đa phần những người măc OCD là những người không bao giờ hành động thật mà họ chỉ “lo sợ” rằng tại sao mình có những ý nghĩ như vậy mà thôi.

Sợ sự ô nhiễm, dơ bẩn – Những chất thải, chất tiết ra từ cơ thể, như nước tiểu, nước bọt và máu. Đất và vi khuẩn – thôi thúc phải lau chùi tắm giặt liên tục

Tích trữ – Khiên cưỡng khi phải vứt đồ vật đi, bất kể giá trị hay tính hữu dụng của vật đó. Lục thùng rác để đảm bảo rằng các đồ vật giá trị không bị vứt đi. Sưu tầm những đồ vật vô dụng.

Sắp xếp – Muốn mọi thứ luôn hài hòa, đối xứng. Sắp xếp tất cả mọi thứ xung quanh. Muốn mọi thứ đều “hoàn hảo”, chính xác. Luôn tìm kiếm cảm giác “hài hòa, cân bằng”. Luôn bận rộn với việc sắp xếp các đồ vật như giấy tờ, sách báo một cách “hoàn hảo”.

Tôn giáo – Sợ bị trừng phạt, hoặc cảm thấy tồi tệ vì có những ý nghĩ xúc phạm, báng bổ hoặc có những phát ngôn xấu. Lo lắng về tôn giáo, tín ngưỡng. Nhắc đi nhắc lại hoặc luôn luẩn quẩn trong những ý nghĩ, hình ảnh về tôn giáo.

Hung dữ – Ý nghĩ ám ảnh về việc tự làm hại bản thân, làm hại người thân hoặc những người xung quanh. Sợ buột miệng nói ra những câu chửi rửa, tục tĩu. Sợ rằng mình sẽ làm theo những ý nghĩ thôi thúc dù không mong muốn, như đâm chém hoặc đâm xe vào ai đó.

Trách nhiệm – sợ rằng mình sẽ làm hại người khác vì bản thân vô ý. Nhặt những mảnh vỡ thủy tinh trên đường, báo với mọi người đèn giao thông bị hỏng, thu dọn những thứ có thể làm bị thương người khác. Sợ rằng những hành động vô ý này hoặc những hành động khác của mình có thể dẫn đến những tai họa khủng khiếp, như cháy nhà, hay trộm cắp đột nhập. Sợ những lời nói của mình có thể bị hiểu sai và làm tổn thương người khác, bắt người khác phải đảm bảo. Đây cũng là một trong những biểu hiện của sự thôi thúc luôn phải nói những điều “hoàn hảo”.

Tình dục – Những thôi thúc/hình ảnh/ý nghĩ về tình dục có thể trở nên đáng lo ngại. Ý nghĩ ám ảnh về việc xâm hại con mình hoặc con người khác (mặc dù không bao giờ xảy ra). Nghi ngờ giới tính của bản thân. Việc nhìn một người cùng giới có thể gây ra những ý nghĩ này vì họ cảm thấy mìnhcó thể đang phát những tín hiệu “đồng tính”, hoặc nghĩ rằng việc chỉ đi qua những người đồng tính cũng có thể bị “lây nhiễm”. Ý nghĩ hoặc hình ảnh có xu hướng tình dục bạo lực đối với người khác.

Mê tín – Sợ hãi khi nói/nghĩ đến những từ nhất định vì những hậu quả có thể gây ra. Không thể dùng một số màu, con số, chữ cái nhất định vì cho rằng nó có tính tiêu cực, một số chữ số mang đến điều không may mắn. Tuân thủ một cách hà khắc những nỗi sợ hãi mê tín. Mọi thứ đều có thể trở nên “tích cực” hay “tiêu cực” và cách nghĩ này vô cùng cứng nhắc và luôn thường trực trong cuộc sống hằng ngày.

Hoàn hảo – Sự thôi thúc phải ghi nhớ những điều nhất định như các câu slogan, biển sổ xe, họ tên, từ ngữ hoặc những sự việc trong quá khứ. Đây cũng có thể được coi là Nỗi sợ quên. Sợ nói điều gì đó không đúng hoặc không “hoàn hảo” và/hoặc để sót các chi tiết. Điều này khiến họ luôn cố gắng hết sức để kể tất cả mọi thứ một cách chính xác nhất. Lo lắng về việc mắc lỗi. Hay bị khó chịu bởi cảm giác của quần áo, bề mặt da. Những khiếm khuyết nhỉ có thể khiến họ điên lên vì khó chịu.

Những ám ảnh khác – Hay bị khó chịu bởi các tiếng động như tiếng kim đồng hồ chạy, tiếng ồn lớn hoặc tiếng vo ve. Bị quấy rầy bởi những tiếng động, âm nhạc, từ ngữ. Luôn lặp đi lặp lại một bài hát trong đầu.

OCD by Tomáš Hlavatý

OCD by Tomáš Hlavatý

Bạn có mắc hội chứng này không?

Tất cả mọi người đều mắc chứng OCD ở hình thức này hay hình thức khác nhưng hầu hết đều có thể kiểm soát và không để những cảm xúc này ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày. Có một ranh giới rất mong manh giữa ám ảnh và các hoạt động bình thường hằng ngày. Những điều chúng ta làm hằng ngày có thể được coi là ám ảnh vì đó là những thói quen mà chúng ta phải làm. Ví dụ như đánh răng, tắm rửa, hút bụi nhà cửa, lau chùi, đổ rác, vứt đồ ăn hết hạn khỏi tủ lạnh, giặt là, dọn toilet, kiểm tra chắc chắn rằng cửa và cửa sổ đã khóa…v.v.

Nó chỉ trở thành một ám ảnh khi bạn cảm thấy cần phải làm việc ấy – đôi khi làm đi làm lại – và bạn không thể thoải mái hay vui vẻ cho đến khi bạn đã làm xong và tất cả mọi thứ đều “hoàn hảo”.

Tôi không cho rằng mình là một người mắc chứng OCD. Tuy nhiên tôi có những thói quen mà tôi thích tuân thủ, và vì vậy, cũng có thể nói rằng tôi bị mắc chứng này nhẹ.

Tôi từng để sẵn bát của mèo và hộp đồ mà tôi định sẽ cho chúng ăn ra một góc vào mỗi buổi tối. Tôi thậm chí còn lấy cả dĩa ra để sẵn sàng dầm đồ ăn ra nữa. Thời gian trước khi tôi còn uống trà, tôi thường để sẵn cốc trà và cả túi trà sẵn sàng ra bàn để ngày mai sẽ uống. Giờ tôi không còn làm thế nữa, nhưng đó là thói quen mỗi tối của tôi trong suốt một thời gian dài.

Tối là một người tương đối tự hào và chăm chút cho ngôi nhà của mình, vậy nên tôi thích mọi thứ luôn ở trong tình trạng mà tôi muốn. Không phải tất cả những điều này là OCD – hầu hết chỉ đơn giản là vì tôi không thể ngồi yên lâu và luôn tìm được một việc gì đó để làm! Đôi khi tôi bận rộn quanh quẩn cả đêm vì phải làm tất cả mọi việc.

Bạn trai tôi cũng không mắc chứng OCD nhưng anh ấy luôn phải kiểm tra để chắc chắn rằng tất cả các cửa đều đã được khóa mỗi đêm – dù tôi đã nói với anh ấy rằng tôi vừa khóa cửa xong!

Ý tôi muốn nói rằng, tất cả chúng ta đều có thể được liệt vào dạng ám ảnh ở một mức độ nào đó và việc những thói quen của bạn có thật sự ám ảnh hay không là do bạn quyết định. Nếu bạn không chắc chắn, tôi gợi ý nên bỏ thói quen ấy và xem bạn cảm thấy thế nào – bạn cảm thấy nhất thiết phải làm việc ấy hay bạn không làm việc ấy cũng vẫn không sao?

Nếu bạn bị gặng hỏi về các hành động của mình và tự bào chữa rằng “Tôi không thể không làm điều này” hoặc “Tôi cần phải làm điều này” thì bạn nên cân nhắc việc bạn có thể đang mắc chứng Rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

Ví dụ điển hình và cách chữa trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)

Boon Teng, một anh chàng thất nghiệp ở tuổi 26 có tiền sử kinh hãi sự dơ bẩn và nhiễm trùng từ đất bụi và vi khuẩn. Điều này dẫn đến hành vi tắm rửa một cách cưỡng chế. Ngày nào cũng vậy, anh có thể rửa tay đến 50 lần, mỗi lần 5 phút, và tắm 3 lần, mỗi lần tắm ít nhất một tiếng đồng hồ. Anh không cho bất cứ ai sử dụng phòng vệ sinh của mình, và anh yêu cầu mẹ mình lau dọn nó trước mỗi lần anh bước vào. Anh tránh xa những khu vệ sinh công cộng và nhất định không sử dụng các phương tiện giao thông công cộng vì sợ lây nhiễm các bệnh hoa liễu1. Tất cả những điều này khiến cho không khí ở nhà vô cùng căng thẳng.

by Unsplash

by Unsplash

Việc này bắt đầu khi Boon Teng làm việc tại một quán ăn Trung Quốc nhỏ. Một ngày, ông chủ nhận được lời phàn nàn của khách rằng phòng vệ sinh của nhà hàng có mùi hôi. Sau đó, ông chủ quyết định phân cho Boon Teng việc quản lý vệ sinh của toàn bộ nhà hàng. Thời gian đầu, mọi nhân viên đều nói rằng anh là người vô cùng nhiệt tình với công việc, luôn kiểm tra và tự tay lau chùi những khu vực nào mà anh cho rằng “không đạt tiêu chuẩn sạch sẽ”. Tuy nhiên, họ dần trở nên khó chịu khi anh yêu cầu nhân viên phải tham gia vào việc lau chùi tất cả những dụng cụ nhà bếp trước giờ mở cửa và sau khi đóng cửa. Điều này khiến nhiều người vô cùng bất mãn, cuối cùng ông chủ đã yêu cầu Boon Teng nghỉ việc.

Tại phòng khám, Boon Teng vô cùng chán nản vì tình trạng của mình. Anh cảm thấy mình bị xa lánh bởi mọi người, và thậm chí còn nghĩ tới việc tự tử. Không có dấu hiệu của bệnh tâm thần. Anh được kê thuốc Clomipramine2, và sau một tháng, tâm trạng của anh khá lên một cách đáng kể. Những nỗi sợ hãi và các thói quen kèm theo cũng giảm ít nhiều.

Boon Teng quyết định sẽ không sử dụng thuốc dài lâu, nên một chương trình điều trị hành vi được áp dụng, dùng phương pháp hạn chế phản ứng đối với những vật bị nhiễm khuẩn. Chương trình bao gồm những bài tập như chạm vào nắm cửa, cầm chổi, cây lau nhà và phất trần, và đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng mà không được rửa hay lau chùi theo thói quen. Hơn nữa, số lần rửa tay tối đa bị hạn chế còn 10 lần mỗi ngày, mỗi lần rửa ít hơn một phút. Anh chỉ có thể tắm một lần mỗi ngày trong vòng 20 phút. Sau 3 tháng điều trị, Boon Teng đã nhận thấy có sự cải thiện lớn, và từ đó cho đến 2 năm sau chỉ bị vài lần tái phạm nhỏ.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một chứng rối loạn lo âu dựa trên các ý nghĩ dai dẳng và ám ảnh và/hoặc các hành vi cưỡng chế. Dù người bệnh nhân biết được rằng những ý nghĩ là của mình, nhưng hoàn toàn bất lực trước nó. Tương đương như vậy, hành động cưỡng chế hoặc “nghi lễ” là những hành vi dập khuôn, được lặp đi lặp lại mà không đạt được một mục đích nào cả.

Nỗi ám ảnh thường gặp nhất là sợ nhiễm khuẩn từ đất bụi, vi trùng hoặc dầu mỡ, dẫn đến thói quen tắm rửa cưỡng chế. Một số những ám ảnh khác bao gồm bạo lực, ngăn nắp, bệnh tật, tình dục, sự cân đối và tôn giáo. Một hành động cưỡng chế thường thấy nữa là việc kiểm tra và đo đếm, thường được thực hiện một cách nghi lễ với số lần nhất định mà người bệnh cho rằng “thần kì”. Khoảng 70% bệnh nhân OCD vừa có những ám ảnh vừa có những hành vi cưỡng chế; số bệnh nhân chỉ có những ý nghĩ ám ảnh chiếm khoảng 25%, còn trường hợp chỉ có hành vi cưỡng chế không đi kèm suy nghĩ thì tương đối hiếm.

Cho đến gần đây, OCD hay được coi là một căn bệnh hiếm. Tuy nhiên, một nghiên cứu cộng đồng được hỗ trợ bởi Viện Sức khỏe Tâm lý Quốc gia của Mỹ cho thấy rằng số người mắc chứng OCD lên đến 2% dân số. Một nghiên cứu cộng đồng khác với 3,020 người tại Singapore tuổi từ 13 đến 65 lại báo cáo tỷ lệ căn bệnh này chỉ ở mức 0.3% (Fones, Kua, Ng & Ko 1998). Hơn nữa, căn bệnh này thường bắt đầu vào độ tuổi cuối vị thành niên – đầu trưởng thành, thường diễn biến khó lường và mãn tính. Số phụ nữ bị mắc chứng bệnh này nhiều hơn nam giới một chút.

Trong số 40 bệnh nhân mẫu mắc chứng OCD được điều trị tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore, 22 người là nam, và 80% số người có triệu chứng cả về ám ảnh lẫn hành vi cưỡng chế. Nỗi sợ hãi bị nhiễm khuẩn là điều thường gặp nhất (60%); những chủ đề gây ám ảnh khác bao gồm sự cân đối và hoàn hảo (25%), bạo lực (10%), và tôn giáo (10%). Độ tuổi thường gặp nhất là 15 đến 25 tuổi.

Cuộc sống của người mắc chứng OCD

Khi phải đối mặt với một ý nghĩ ám ảnh, người bệnh thường sẽ xuất hiện những triệu chứng lo lắng giống như bất cứ ai khi đang ở trong trạng thái lo âu. Dấu hiệu nhận biết rõ hơn là có những hành vi trốn tránh vì những hành động cưỡng chế (ví dụ như tắm rửa) không thể giảm nhẹ cảm giác lo âu của người bệnh. Ví dụ, nỗi kinh sợ ám ảnh về sự dơ bẩn, nhiễm khuẩn có thể dẫn đến hành động rửa tay nhiều lần sau khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng. Cuối cùng, người bệnh sẽ đơn giản là tránh luôn không sử dụng nhà vệ sinh công cộng nữa, hoặc tránh không chạm vào những vật thể được coi là “nhiễm khuẩn”. Điều này sẽ gây ra nhiều hạn chế trong cuộc sống thường ngày. Ở nhà, những thành viên trong gia đình thường bị bắt ép phải làm những hành động như tìm ra chỗ bẩn hoặc lau chùi dọn dẹp. Thường xảy ra mâu thuẫn trong gia đình khi bệnh nhân bị từ chối. Năng suất làm việc không hiệu quả hoặc bỏ học về nhà sớm không phải là những hành động hiếm thấy ở bệnh nhân OCD. Về mặt tình cảm, cảm xúc, có đến 2/3 bệnh nhân OCD bị trầm cảm nặng trong suốt cuộc đời.

Những dấu hiệu lâm sàng của chứng OCD

  1. Ám ảnh
  2. Hành vi cưỡng chế
  3. Triệu chứng lo âu
  4. Hành vi trốn tránh
  5. Trầm cảm

Phân biệt Rối loạn ám ảnh cưỡng chế với các rối loạn khác

Bệnh nhân rối loạn lo âu toàn thể (Generalized anxiety disorder) luôn cảm thấy nỗi lo âu thường trực, lơ lửng trên đầu, chứ không chỉ chú tâm vào một vài ý nghĩ hoặc nỗi sợ hãi như chứng OCD như sợ dơ bẩn, lây nhiễm.

Với chứng rối loạn hoảng sợ (Panic disorder), bệnh nhân trải qua những cơn hoảng loạn, lo âu tột độ, nhưng thường gián đoạn nhau, và bệnh nhân thường ổn thỏa nếu không có những cơn hoảng sợ này. Bệnh nhân cũng không biểu hiện dấu hiệu ám ảnh.

Rối loạn lo âu (Phobic disorder) thường có biểu hiện hành vi trốn tránh giống như OCD, tuy nhiên nguồn gốc và tình chất của nỗi lo âu cụ thể và tập trung hơn.

Một số bệnh nhân trầm cảm nặng (Major depressive disorder) thường có những ý nghĩ tiêu cực lặp đi lặp lại, tuy nhiên đây là hiệu ứng phụ của tâm trạng xấu, và thường sẽ hết một khi tâm trạng bệnh nhân khá lên.

Bệnh nhân tâm thần phân liệt (Schizophrenia) cũng có những hành vi dập khuôn, nhưng đồng thời có những hoang tưởng và ảo giác. Hơn nữa, bệnh nhân OCD nhận biết được những ý nghĩ ám ảnh là của mình, trong khi bệnh nhân tâm thần phân liệt không thể phân biệt được.

Riverside by K.

Riverside by K.

Cách chữa trị

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một hội chứng có hình thức đa dạng và diễn biến khó lường. Nhiều mô hình điều trị đã thành công ở những mức độ nhất định trong việc cải thiện các triệu chứng OCD. Những liệu pháp này bao gồm dược lý trị liệu (pharmacotherapy), điều trị nhận biết hành vi (CBT), liệu pháp sốc điện (electro-convulsive therapy) và phẫu thuật tâm thần (psychosurgery). Thông thường, sử dụng một mình biện pháp trị liệu tâm lý sẽ không có hiệu quả, nhưng sự ủng hộ về mặt tinh thần, tâm lý cho bệnh nhân OCD và gia đình là vô cùng quan trọng

1. Dược lý trị liệu (Pharmacotherapy)

Dược lý trị liệu hỗ trợ các bệnh nhân OCD bằng các loại thuốc chống trầm cảm (Antidepressant), đặc biệt là những thuốc có tác dụng lên hệ thống serotonin. Những thuốc này bao gồm clomipramine (75mg – 200mg), fluoxetine (20mg – 60mg), paroxetine (20mg – 60mg) và sertraline (50mg – 200mg). Những thuốc cân bằng tâm trạng như lithium cũng được sử dụng để tăng hiệu quả của thuốc chống trầm cảm, đặc biệt với những bệnh nhân đồng thời mắc chứng trầm cảm nặng. Đôi khi những thôi thúc, cưỡng chế kì quặc hoặc những ý nghĩ ám ảnh ở bệnh nhân OCD rất gần với bệnh thần kinh (Psychosis). Vì vậy, những thuốc chống thần kinh (Antipsychosis) như haloperidol, trifluoperazine ở liều nhẹ đã được kê đơn cùng với thuốc chống trầm cảm. Benzodiazepines thường chỉ có thể làm giảm bớt hành vi lo âu của bệnh nhân OCD. Hiện tại chỉ có clonazepam là thuốc chứa benzodiazephine duy nhất, được cho thấy có tác dụng chống những ám ảnh.

2. Liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive Behavioural Therapy CBT)

Liệu pháp “tự phơi nhiễm” (Exposure therapy) là phương pháp điều trị hành vi chính thường được sử dụng. Phương pháp này cho bệnh nhân OCD tiếp xúc với các vật thể kích thích sự lo âu, ám ảnh, VD: chạm vào các vật có thể lây nhiễm bệnh như nắm đấm cửa, sàn nhà…vv. Bước sau đó là ngăn chặn hành vi, VD: bệnh nhân tự kiềm chế không rửa bàn tay vừa bị “nhiễm bẩn” của mình. Liệu pháp tự phơi nhiễm thường được thực hiện theo mức độ, cấp bậc tình huống gây sợ hãi.

Liệu pháp Làm mẫu (modelling) yêu cầu bác sĩ trị liệu làm mẫu cách xử lý một tình huống gây sợ hãi mà không thực hiện những hành vi, “nghi lễ” cưỡng chế. Cuối cùng, chuỗi ý nghĩ ám ảnh sẽ bị gián đoạn, từ đó bị ngắt hoàn toàn bằng cách dừng lại những suy nghĩ đó.

Trong các biện pháp trị liệu nhận thức, bệnh nhân được dạy cách đối mặt với thực tế của những điều khiến mình sợ hãi, chỉ ra rằng bệnh nhận đã đánh giá quá cao mức độ nguy hiểm của nó. Hướng suy nghĩ trắng-đen và phóng đại hóa cũng là những yếu tố làm sai lệch nhận thức.

3. Liệu pháp sốc điện (electro-convulsive therapy ECT) và Phẫu thuật tâm lý (Psychosurgery)

Liệu pháp sốc điện (ECT) thường được cho là không hiệu quả đối với bệnh nhân OCD không bị trầm cảm hoặc có ý định tự tử, và phẫu thuật tâm lý (psychosurgery) chỉ nên được áp dụng khi tất cả những biện pháp trị liệu hành vi và dược lý đều thất bại trong việc giảm bớt triệu chứng OCD.

Dự đoán

Cho đến thời gian gần đây, Rối loạn ám ảnh cưỡng chế luôn được coi là một trong những hội chứng khó đoán nhất trong các bệnh về rối loạn tâm lý. Bệnh này thường có một quá trình mãn tính và chiều hướng xấu đi, với các triệu chứng tăng giảm thất thường. Tuy nhiên, sự tiến bộ gần đây trong dược lý trị liệu, cũng như các phương pháp điều trị hành vi đã giúp giảm bớt triệu chứng OCD một cách đáng kể với 70% bệnh nhân. Mặc dù số đông bệnh nhân phản ứng tốt với phương pháp điều trị, thường vẫn có một số triệu chứng còn sót lại.

 

Nguồn: Những nỗi sợ hãi vô lý ngoài tâm kiểm soát – Vượt qua ám ảnh, thôi thúc và sợ hãi – S.M.Koo 2000.

Chú thích:

1: Các bệnh hoa liễu (venereal diseases) còn được gọi là các bệnh lây lan qua đường tình dục (Sexually Transmitted Diseases STD). Tuy nhiên, các bệnh này không chỉ lây qua đường tình dục, tùy vào chứng bệnh, có thể lây qua việc dùng chung kim tiêm, sữa mẹ, động chạm ngoài da, dùng chung ga gối, khăn tắm.

Nguồn: Healthline

2: Clomipramine là một loại thuốc uống đặc trị dùng cho bệnh nhân rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Thuốc này hoạt động dựa trên nguyên tắc tăng nồng độ serotonin, một chất dẫn truyền thần kinh trong não giúp cân bằng tâm lý.

Nguồn: U.S. National Library of Medicine

Lưu ý: Đây chỉ là thông tin mang tính chất tham khảo. Người bệnh hoặc nghi bị OCD nên tới các trung tâm, bệnh viện có chuyên môn cao để được điều trị. Tuyệt đối không tự mua thuốc về sử dụng.

 

Nguồn: Meg – admin/founder của nomorepanic.co.uk

Người dịch: Lini

Nguồn: https://beautifulmindvn.com/2015/05/04/vi-du-dien-hinh-va-cach-chua-tri-roi-loan-am-anh-cuong-che-ocd/

https://beautifulmindvn.com/2015/05/04/vi-du-dien-hinh-va-cach-chua-tri-roi-loan-am-anh-cuong-che-ocd/

menu
menu