Giữ bí mật những tin tức tốt có tác dụng tiếp thêm sức mạnh cho chính bạn
Những bí mật mang tính tích cực sẽ kéo dài sự hào hứng về những sự thật bất ngờ khi được tiết lộ.
NHỮNG NỘI DUNG CHÍNH
- Bí mật là việc giữ kín thông tin với người khác một cách có mục đích, dù là tích cực hay tiêu cực.
- Những bí mật mà bạn có cảm giác không tốt về nó thì gọi là “bí mật tiêu cực”. Những bí mật mà bạn có cảm giác tốt gọi là “bí mật tích cực.”
- Bí mật tiêu cực thường gắn liền với sự xấu hổ. Bí mật tích cực thì thường liên quan đến tin tức tốt hoặc niềm vui sướng hạnh phúc.
- Bí mật tiêu cực khiến bạn kiệt sức. Giữ những bí mật tích cực có thể giúp bạn tiếp thêm năng lượng.
Tin tức tốt thường không đến nhiều, trong khi những tin tức xấu thì thường xuyên kéo đến tràn ngập tâm trí ta. Bởi vì có sự chênh lệch lớn giữa lượng tin tốt và xấu mà chúng ta tiếp thu hằng ngày, việc tìm ra cách để tối ưu hóa những cảm xúc tích cực gắn liền với một mẩu tin tốt có thể giúp bạn có một ngày tươi sáng hơn.
Nhưng làm sao bạn có thể tận dụng niềm vui gắn liền với điều gì đó tốt đẹp xảy ra trong cuộc sống của bạn? Một nghiên cứu mới cho thấy việc giữ “những bí mật tích cực” có tác dụng tiếp thêm năng lượng khiến mọi người cảm thấy vui vẻ hơn và có sức sống hơn. Khám phá mới nhất về mặt tích cực của bí mật đã được công bố trên Tạp chí Tâm lý học Nhân cách và Xã hội và được đánh giá bởi các chuyên gia. (Theo Slepian và cộng sự, 2023).
Trong một bản tin tháng 11 năm 2023, tác giả đầu tiên, ông Michael Slepian của Đại học Columbia cho biết: “Mặc dù những bí mật tiêu cực phổ biến hơn nhiều so với những bí mật tích cực, một số dịp vui vẻ nhất trong cuộc đời ta lại bắt đầu từ những bí mật, bao gồm những lời cầu hôn bí mật, tin tức mang thai, những món quà bất ngờ và những tin tức thú vị. Những bí mật tích cực mà mọi người giữ sẽ khiến họ cảm thấy thật tốt. Cảm xúc tích cực được biết đến như một yếu tố dự báo của cảm giác tràn đầy năng lượng."
Một điều thú vị nữa là Slepian và những người cộng sự của mình đã nhận thấy việc giữ những bí mật tích cực dù là trong thời gian ngắn cũng có thể tiếp thêm năng lượng. Thêm vào đó, giữ một bí mật tích cực mãi mãi và không bao giờ kể cho ai nghe về bí mật đó có thể kéo dài những tác dụng của việc tiếp thêm năng lượng.
Một lý do mà các bí mật tích cực tiếp thêm sinh lực trong ta là vì chúng cho chúng ta cảm giác tốt đẹp. Một lý do khác theo Slepian và đồng nghiệp đó là động lực để ta có thể giữ một bí mật tích cực thường đến từ nội tại và nằm trong tầm kiểm soát của một người. Trong khi việc giữ bí mật tiêu cực thường bị thúc đẩy bởi động cơ bên ngoài và các yếu tố bên ngoài khó kiểm soát hơn nhiều.
Sofia Shultz/Pixabay
Bí Mật Tiêu Cực Thường Được Thúc Đẩy Bởi Sự Xấu Hổ
Những bí mật tiêu cực thường bị chi phối bởi động cơ bên ngoài bắt nguồn từ sự xấu hổ, bối rối hoặc phán xét chỉ trích đằng sau nó. Khi mọi người giữ bí mật về điều gì đó mà họ cảm thấy tồi tệ hoặc che giấu thông tin cá nhân mà họ sợ sẽ khiến họ bị xa lánh, thì bí mật đó đủ sức khiến người giữ bí mật cảm thấy bất lực và kiệt sức.
Ví dụ, là một thiếu niên đồng tính nam, tôi đã giữ bí mật về xu hướng tính dục của tôi với bố mẹ mình và dòng họ một khoảng thời gian rất dài sau khi tôi đã công khai với bạn bè mình và các bạn cùng lớp, bởi vì tôi lo sợ rằng mình sẽ bị chối bỏ hoặc không chấp nhận bởi những người thân máu mủ của mình. Việc giữ cái bí mật tiêu cực này đã hút cạn năng lượng và ăn mòn tôi từ tận sâu bên trong.
Điều này chỉ kết thúc cho đến khi tôi công khai với mẹ, bố và tất cả mọi người trong gia đình. Cho đến lúc đó tôi cuối cùng mới có thể cảm thấy hoàn toàn được thả lỏng. Cũng giống như việc giữ một bí mật tích cực có thể tiếp thêm động lực cho bạn, việc buông bỏ một bí mật tiêu cực đã tiếp thêm sức mạnh trong tôi và ngăn chặn những tác động làm suy nhược khi giữ những bí mật đó.
Bí Mật Tích Cực Khiến Chúng Ta Cảm Thấy Thoải Mái
Sau khi đọc bài báo mới nhất của Slepian và cộng sự (2023), tôi nhận ra rằng bí mật tích cực đóng một vai trò quan trọng trong việc tiếp thêm động lực cho một buổi sáng của ngày lễ Giáng Sinh và niềm vui được tạo ra từ việc mua những món quà bất ngờ cho người khác trong những tuần trước dịp lễ mà ai đó đang chuẩn bị tổ chức trong tháng 12.
Giáng Sinh và những dịp lễ khác mà ta có thể tặng quà cho nhau là một cách để “ăn gian” sức mạnh thúc đẩy năng lượng từ bí mật tích cực. Ngoài ánh hào quang ấm áp của lòng vị tha, giấy gói che giấu nội dung bên trong gói hàng dường như vô tình được thiết kế để tối ưu hóa lợi ích của những bí mật tích cực.
Ví dụ, năm ngoái vào ngày 19 tháng 11 năm 2022, Nike đã phát hành một đôi giày thể thao được quảng cáo rất rầm rộ có tên Jordan 1 Chicago "Lost and Found". Cô con gái tuổi teen của tôi là một tín đồ sneaker và bị ám ảnh bởi việc mua được đôi giày OG này khi chúng được giảm giá. Nhưng mọi người đều biết đó là một món hàng đắt giá và sẽ bán hết rất nhanh. Vì vậy, tôi không hề nói trước với con bé và đã tải xuống ứng dụng Nike SNKRS rồi tham gia rút thăm trúng thưởng vào ngày phát hành. Mặc dù con bé không mua được nhưng tôi đã may mắn trúng thưởng được một đôi vừa cỡ con tôi!
Gói món quà khó có được vào cuối tháng 11 này khiến tôi cảm thấy háo hức và mong đợi về buổi “ra mắt chấn động” trong ngày Giáng sinh. Việc giữ bí mật tích cực này trong suốt cuối tháng 11 cho đến gần hết tháng 12 khiến tôi tràn đầy năng lượng mỗi ngày trong hơn bốn tuần.
Từ tiếng réo lên vui sướng không thể kiềm chế của con gái tôi khi nó xé giấy gói và nhìn thấy chiếc hộp Lost and Found đặc biệt, việc giữ bí mật trước một món quà hết sức bất ngờ cũng khiến con bé cảm thấy hoạt bát hơn vào buổi sáng Giáng sinh. Điều đó khiến tôi mừng vì mình đã không tiết lộ bí mật quá sớm.
Slepian giải thích: “Người ta đôi khi bỏ ra rất nhiều công sức để dàn dựng việc tiết lộ một bí mật tích cực để làm cho nó càng thêm thú vị. Loại bất ngờ này có thể rất thú vị, nhưng bất ngờ là cảm xúc phù du nhất của chúng ta. Có thêm thời gian, vài ngày, vài tuần hoặc thậm chí lâu hơn để tưởng tượng ra vẻ ngạc nhiên vui vẻ trên khuôn mặt người khác cho phép chúng ta có nhiều thời gian hơn với khoảnh khắc thú vị này, ngay cả khi chúng chỉ diễn ra trong tâm trí của chúng ta."
Một Lý Do Dựa Trên Cơ Sở Khoa Học Để Hỏi Về Tin Tức Xấu Trước
Lần sau khi một người hay nói sự thật đang nắm giữ những bí mật hỏi bạn: “Bạn muốn nghe tin tốt hay tin xấu trước?” Hãy chọn tin xấu trước để họ giữ bí mật tin tốt lâu hơn một chút.
Việc nắm giữ một bí mật tích cực, dù chỉ trong thời gian ngắn, có thể khuếch đại sức mạnh, tiếp thêm sinh lực cho tất cả các bên liên quan. Tương tự như vậy, việc sớm buông bỏ những bí mật tiêu cực sẽ mang lại sự giải phóng và đá văng sự tiêu hao sinh lực của một bí mật tiêu cực.
Slepian kết luận: “Mọi người thường giữ những bí mật tích cực để tiêu khiển hoặc để tạo ra một điều bất ngờ thú vị hơn. Thay vì dựa trên các áp lực bên ngoài, những bí mật tích cực thường được lựa chọn giữ lấy do mong muốn cá nhân và động cơ từ bên trong. Khi chúng ta cảm thấy hành động của mình xuất phát từ mong muốn của chính mình chứ không phải do áp lực bên ngoài, chúng ta cũng cảm thấy sẵn sàng đón nhận bất cứ điều gì ở phía trước."
Tác giả: Christopher Bergland
Dịch giả: Ngọc My - Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ
Link bài gốc: Keeping Good News a Secret May Have Energizing Effects