6 dấu hiệu cho thấy bạn đang mỉm cười che giấu nỗi đau (Trầm cảm thầm lặng)

6-dau-hieu-cho-thay-ban-dang-mim-cuoi-che-giau-noi-dau-tram-cam-tham-lang

Thông thường, nếu bạn là người hay cười thì chắc hẳn mọi người sẽ không nghĩ bạn có thể đang phải chật vật với căn bệnh trầm cảm – và có khi ngay cả bản thân bạn cũng không nhận ra điều đó.

Một yếu tố then chốt của bệnh trầm cảm chính là cảm giác buồn bã và trầm uất cực độ. Thông thường, nếu bạn là người hay cười thì chắc hẳn mọi người sẽ không nghĩ bạn có thể đang phải chật vật với căn bệnh trầm cảm – và có khi ngay cả bản thân bạn cũng không nhận ra điều đó.

Ngay cả khi bạn mỉm cười và tỏ ra vui vẻ, có khi nào bạn cũng đã và đang cảm thấy kiệt sức không, kiệt sức vì gắng gượng vờ rằng mình vẫn ổn, hay kiệt sức vì cố tránh né những cảm xúc tiêu cực cá nhân?

Điều quan trọng là bạn phải thành thật với chính mình, và xem xét xem liệu rằng mình có đang chiến đấu với căn bệnh trầm cảm hay không, từ đó bạn mới có thể sớm tìm ra cách giải quyết và tìm được sự giúp đỡ phù hợp.

Bài viết này không nhằm mục đích giúp bạn chẩn đoán hay giúp bạn tự điều trị. Nếu bạn thật sự đang phải vật lộn với căn bệnh trầm cảm, hãy liên hệ với cơ sở chăm sóc sức khỏe uy tín hoặc chuyên gia tâm lý để được giúp đỡ.

Dưới đây là 6 dấu hiệu cho thấy bạn đang mỉm cười che giấu nỗi đau (trầm cảm thầm lặng).

syedisrarhussain204/https://www.freepik.com/

1. Bạn theo chủ nghĩa hoàn hảo cực đoan

Vài người có suy nghĩ sai lầm khi cho rằng, nếu một người bên ngoài luôn có nhiều bạn bè xung quanh, thì người đó không phải vật lộn với những mâu thuẫn nội tâm trong họ. Đã bao giờ bạn ăn mặc thật đẹp, chuẩn bị thật tươm tất để bản thân trông hoàn hảo hay chưa? Đã bao giờ bạn cố gắng thật nhiều ở chỗ làm, trên trường học hay ngay trong căn nhà của mình để mọi thứ thật ngăn nắp và hoàn mỹ, hay có lẽ để bản thân luôn thành công và xuất sắc trong những việc mình làm hay chưa? Bạn có đang như vậy không, cố gắng đến mức mệt lả và kiệt sức vì không cho phép bất cứ sai sót nào xảy ra?

Có một điều quan trọng mà bạn cần xem xét, đó chính là cân nhắc đến khả năng bạn làm những việc như vậy để người khác thấy bạn đang làm tốt nhất trong khả năng của mình. Có thể bạn không muốn họ nhìn ra trong thâm tâm bạn thực sự cảm thấy thế nào. Một điều khác mà bạn cũng nên xem xét, đó là liệu bạn có đang không muốn thừa nhận rằng mình đang gặp khó khăn và có thể cần được giúp đỡ. Mặc dù đây có thể là sự thật khó chấp nhận, nhưng điều quan trọng cần nhớ đó chính là, thừa nhận chút yếu lòng này chính là hành động của sự can đảm chân chính, bạn cần phải vượt qua nó để bắt đầu hành trình chữa lành và giúp bản thân cảm thấy tốt hơn.

2. Bạn coi nhẹ khó khăn của chính mình khi so sánh nỗi khổ của bản thân mình với người khác

“Mình ổn. Mình vẫn còn may hơn nhiều so với bao người ngoài kia.” Đã bao giờ bạn nghĩ vậy chưa? Có lẽ bạn từng tự thuyết phục bản thân rằng bạn không hề trầm cảm bằng cách liên tục thủ thỉ với chính mình rằng, cuộc sống này còn nhiều người khổ sở hơn bạn, và, bởi vì bạn có điều kiện sống tốt hơn họ, bạn không thể hoặc “không nên” bị trầm cảm.

Việc chúng ta có cách tư duy như vậy cũng là điều dễ hiểu, vì có thể trong cuộc sống, đã từng có người nói như thế với bạn. Tuy nhiên, nếu tiếp tục suy nghĩ như vậy, bạn sẽ phủ nhận cảm xúc và trải nghiệm cá nhân của chính mình. Vết thương nào cũng đau, và mọi người dù thuộc tầng lớp nào trong xã hội cũng đều có thể rơi vào trầm cảm vì những lý do khác nhau. Bất kể hoàn cảnh xuất thân của bạn thế nào, trầm cảm là một trải nghiệm rất thực và đau đớn.

3. Bạn cảm thấy tội lỗi 

Việc so sánh bản thân với người khác luôn đi đôi với việc bạn cảm thấy tội lỗi khi bản thân trở nên u uất buồn bã. Bạn có thể cảm thấy tội lỗi khi không thể mang lại cho chính mình cảm giác hạnh phúc hay mãn nguyện, mặc dù dường như bạn không có quá nhiều thứ để phàn nàn.

Bạn cũng có thể cảm thấy tội lỗi khi lo lắng liệu mình có đang đặt gánh nặng lên vai người khác hay không. Có lẽ bạn nhận ra căn bệnh trầm cảm mình đang phải trải qua đã ảnh hưởng đến những người xung quanh, hoặc bạn lo lắng những người khác sẽ chịu gánh nặng khi phải chăm sóc bạn – đặc biệt nếu bạn đã quen với việc chăm sóc người khác. 

Thậm chí bạn có thể cho rằng mình là người đáng trách khi bản thân cảm thấy chán nản u uất, từ đó bạn thấy hổ thẹn và càng muốn giấu nhẹm nỗi buồn ấy đi.

4. Bạn có những người “độc hại” xung quanh 

Thông thường chúng ta không phải người hiểu rõ bản thân mình nhất, và rất khó để suy nghĩ một cách thông suốt khi chúng ta bị trầm cảm. Tuy bạn có thể khó xác định liệu rằng mình có đang vật lộn với căn bệnh trầm cảm hay không, nhưng bạn có thể dễ dàng đánh giá xem bạn có đã hoặc đang ở gần những người “độc hại” hoặc thường xuyên làm tổn thương bạn hay không.

Có thể gia đình bạn không giải quyết tốt những xung đột. Có thể họ xử lý vấn đề trong cơn nóng giận, hoặc đơn giản họ không phải là chỗ dựa an toàn cho bạn. Có thể người bạn đời hiện tại của bạn không mang lại cho bạn cảm giác an toàn, hoặc có thể người đó là một người ái kỷ. Môi trường xung quanh bạn có thể là một dấu hiệu cho thấy sức khỏe tinh thần của bạn đang chịu tổn thương.

5. Bạn chạy trốn khỏi những cảm xúc tiêu cực

Có thể bạn không nhận thấy mình đã lún bao sâu vào chiếc hố mang tên trầm cảm nếu bạn cứ trốn chạy khỏi những cảm xúc tiêu cực của chính mình. Có thể bạn cảm thấy mình cần kiểm soát thật chặt những cảm xúc đó, và bạn mất rất nhiều sức lực để lo lắng cho việc sẽ có điều gì đó có thể phá vỡ sự kiểm soát này của bản thân.

Có thể bạn đang kìm nén cảm xúc của mình nhằm đối phó với yêu cầu của hiện tại. Mặc dù ở một mức độ nhất định, làm như vậy có thể giúp bạn sống qua từng ngày, nhưng cứ khóa chặt những cảm xúc đau khổ ấy một cách hà khắc như vậy có thể khiến bạn rũ bỏ những ảnh hưởng từ các trải nghiệm khó khăn trong quá khứ, gạt bỏ và phủ nhận những cảm xúc của chính mình. Nếu bạn tiếp tục làm như vậy và không có cho bản thân một không gian an toàn để đối mặt với những nỗi đau cũng như xử lý những cảm xúc của chính mình, bạn có thể đang cho phép những cảm xúc u uất của mình ngày càng phát triển.

6. Bạn có thái độ không phù hợp khi nói về những chủ đề nặng nề

Bạn có thấy mình mỉm cười ngay cả khi nói về những sự việc bi thương đã xảy ra với bạn, hoặc khi nói đến những vấn đề rất đau buồn hay không? Có thể có ai đó đã chỉ ra điều này cho bạn, hoặc có thể ngay bây giờ bạn đã nhận ra điều đó vì nó đang được mô tả ở đây. Sẽ thật tốt nếu bạn chú ý đến cách bạn nói về những suy nghĩ tiêu cực và ký ức đen tối của bản thân mình, là nói về nó theo cách bình thường như cách bạn nói về những gì bạn vừa ăn, hay nói về nó theo một cách thờ ơ với nụ cười trên môi.

Sự bất nhất giữa điều bạn nói và cách bạn nói có thể xuất phát từ khó khăn trong việc đối mặt và thể hiện những cảm xúc phiền muộn, và nó cũng như một dấu hiệu cho thấy bạn đang mỉm cười trước những nỗi đau thực sự của căn bệnh trầm cảm.

KẾT LUẬN

Theo DSM (Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê các loại rối loạn tâm thần), một người được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm khi những triệu chứng kể trên phải gây ra tình trạng đau khổ hoặc tổn hại nghiêm trọng đến cuộc sống, công việc hay việc học của họ, hoặc ảnh hưởng đến bất kỳ khía cạnh quan trọng khác trong cuộc sống. Các triệu chứng có thể khác nhau về mức độ nghiêm trọng và tần số xuất hiện, tùy thuộc vào mỗi người. Bạn có thể gặp hầu hết các dấu hiệu này, hoặc có lẽ chỉ một vài trong số đó, nhưng lại đáng quan ngại hơn.

Vì những lý do này, việc liên hệ với chuyên gia để được chẩn đoán chính xác nhất là một việc hết sức quan trọng. Nếu bạn hoặc bất kỳ ai mà bạn biết có thể đang phải vật lộn với căn bệnh trầm cảm, đừng ngần ngại mà hãy liên hệ với cơ sở chăm sóc sức khỏe tinh thần uy tín để được giúp đỡ.

Tác giả: Paula_C

Dịch giả: Dương Hy –  Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ 

Link bài gốc: 6 Signs You’re Smiling Through The Pain (Hidden Depression)

Tìm đọc sách về Trầm cảm ẩn

https://shorten.asia/2gphq6v6

menu
menu