Góc nhìn tâm lý học về sự lười biếng

goc-nhin-tam-ly-hoc-ve-su-luoi-bieng

Tâm lý học về sự lười biếng, trì hoãn, và nhàn rỗi.

Một người được coi là lười biếng nếu anh ta có thể thực hiện được một số hoạt động mà mình phải thực hiện, nhưng lại không muốn dùng sức để làm điều đó. Thay vào đó, anh ta thực hiện hoạt động một cách qua loa đại khái; hoặc tham gia vào một số hoạt động khác ít vất vả hoặc ít nhàm chán hơn; hoặc vẫn duy trì trạng thái nhàn rỗi. Nói tóm lại, anh ta đang lười biếng nếu động lực dành để tiết kiệm năng lượng của anh ấy lấn át động lực làm điều đúng đắn hoặc điều được mong đợi phải làm.

Đồng nghĩa với lười biếng là lười nhác và uể oải. Sự lười nhác bắt nguồn từ tiếng Latin ‘‘indolentia’’, có nghĩa là '’không đau đớn’' hoặc '’không gặp khó khăn’'. Sự uể oải có nhiều tầng ý nghĩa về đạo đức và tinh thần hơn là sự lười biếng hoặc lười nhác. Trong truyền thống Kitô giáo, sự uể oải là một trong bảy tội lỗi chết người vì nó làm suy yếu xã hội và kế hoạch của Thiên Chúa, đồng thời vì nó mang theo những tội lỗi. Kinh thánh chỉ trích sự lười biếng, chẳng hạn như trong Sách Giảng Viên: “Vì quá lười biếng mà tòa nhà hư hỏng; và vì những sự bàn tay biếng nhác mà ngôi nhà chẳng thể được tạo nên. Người ta bày tiệc để vui cười, uống rượu cho vui; trong khi sự giàu có lại có thể giải quyết được mọi sự.”

Source: Pixabay

Sự Trì Hoãn 

Sự lười biếng không nên bị nhầm lẫn với sự trì hoãn hoặc nhàn rỗi.

Trì hoãn là hoãn lại một nhiệm vụ để ưu tiên làm những nhiệm vụ khác, mặc dù được coi là dễ dàng hơn hoặc thú vị hơn nhưng lại thường ít quan trọng hoặc khẩn cấp hơn.

Hoãn lại một nhiệm vụ vì mục đích mang tính xây dựng hoặc chiến lược không có nghĩa là trì hoãn. Để coi đó là sự trì hoãn, việc hoãn lại phải thể hiện việc lập kế hoạch kém và không hiệu quả, đồng thời dẫn đến chi phí tổng thể cao hơn cho người trì hoãn, chẳng hạn như thể hiện ở dưới dạng căng thẳng, cảm giác tội lỗi hoặc mất năng suất. Hoãn lại việc khai thuế cho đến khi có tất cả các số liệu là một chuyện, nhưng trì hoãn việc đó để làm đảo lộn kế hoạch, con người và dẫn đến bị phạt lại là một chuyện khác.

Sự lười biếng và sự trì hoãn giống nhau ở chỗ cả hai đều liên quan đến việc thiếu động lực. Tuy nhiên, không giống như một người lười biếng, người trì hoãn khao khát và có ý định hoàn thành nhiệm vụ, và hơn nữa, cuối cùng sẽ hoàn thành nó, mặc dù bản thân phải trả giá cao hơn.

Sự Nhàn Rỗi 

Nhàn rỗi là: không làm gì cả. Điều này có thể là do bạn lười biếng, nhưng cũng có thể là do bạn không có việc gì để làm hoặc là tạm thời không thể thực hiện được. Hoặc có lẽ bạn đã làm xong việc đó và đang nghỉ ngơi hoặc đang trong giai đoạn phục hồi.

Sự nhàn rỗi thường được lãng mạn hóa, như được thể hiện bằng cách diễn đạt của người Ý ‘dolce far niente’ (thật ngọt ngào khi không làm gì cả). Nhiều người tự nhủ rằng họ làm việc chăm chỉ vì muốn được nhàn rỗi hơn là vì họ coi trọng công việc hoặc sản phẩm của mình. Mặc dù bản năng tự nhiên của chúng ta là thích sự nhàn rỗi nhưng hầu hết mọi người đều cảm thấy khó chịu đựng được việc không làm gì kéo dài. Xếp hàng nửa tiếng đồng hồ khi tắc đường có thể khiến chúng ta cảm thấy bồn chồn và cáu kỉnh, và nhiều tài xế thích đi các tuyến đường khác ngay cả khi việc đó có thể khiến họ mất nhiều thời gian hơn là mắc kẹt giữa dòng xe cộ.

Nghiên cứu gần đây chỉ ra thấy rằng, mặc dù bản năng của chúng ta là thích sự nhàn rỗi, mọi người sẽ chọn những lý do nhỏ nhặt nhất để tiếp tục bận rộn. Hơn nữa, mọi người cảm thấy hạnh phúc hơn khi bận rộn, ngay cả khi sự bận rộn đó được áp đặt lên họ. Trong bài báo Ác cảm nhàn rỗi và nhu cầu bận rộn chính đáng (2010), Hsee và các cộng sự đã phỏng đoán rằng nhiều mục tiêu mà mọi người theo đuổi có thể không khác gì những lý do biện minh cho việc bận rộn.

Tôi tin rằng đây là biểu hiện của sự phòng vệ hưng cảm: là xu hướng, khi những suy nghĩ hoặc cảm giác khó chịu xuất hiện, sẽ đánh lạc hướng tâm trí có ý thức bằng một loạt các hoạt động hoặc những suy nghĩ hoặc cảm xúc đối nghịch. “Không làm gì cả,” Oscar Wilde nói, “là điều khó nhất trên thế giới, khó khăn nhất và trí tuệ nhất”. Tôi đã thảo luận chi tiết về cách phòng vệ hưng cảm trong cuốn sách Trốn và Tìm: Tâm Lý Của Sự Tự Huyễn.

Đặt sách tại Tiki

Albert Camus giới thiệu triết lý về chủ nghĩa phi lý trong bài tiểu luận của ông năm 1942, Thần Thoại Sisyphus. Trong chương cuối cùng, ông so sánh sự phi lý của cuộc sống con người với hoàn cảnh của Sisyphus, một vị vua thần thoại của Ephyra, người đã bị trừng phạt vì thói lừa dối kinh niên của mình bằng cách bị bắt phải lặp đi lặp lại mãi mãi nhiệm vụ vô nghĩa đó là đẩy một tảng đá lên núi, chỉ để thấy nó lăn xuống lần nữa. Camus kết luận một cách lạc quan: “Bản thân cuộc đấu tranh để đạt đến đỉnh cao đã đủ để lấp đầy trái tim một người đàn ông. Người ta phải tưởng tượng Sisyphus hạnh phúc”. (La lute elle-même vers les sommets suffit à remplir un coeur d'homme. Il faut s’imaginer Sisyphe heureux).

Cần lưu ý rằng trên thực tế, nhiều người có vẻ như không có gì ngoài việc lười chảy thây. Lord Melbourne, thủ tướng được Nữ hoàng Victoria yêu thích, đã ca ngợi đức tính “không hoạt động một cách thành thạo”. Với tư cách là chủ tịch và giám đốc điều hành của General Electric, Jack Welch dành một giờ mỗi ngày cho cái mà ông gọi là “thời gian để nhìn ra ngoài cửa sổ”. Những người lão luyện về sự nhàn rỗi có chiến lược sử dụng những khoảnh khắc “nhàn rỗi” của mình, giữa những khoảnh khắc khác, để quan sát và tận hưởng cuộc sống, tìm cảm hứng, duy trì quan điểm, tránh tính nhỏ nhen, giảm bớt sự kém hiệu quả và sống nửa vời, đồng thời bảo toàn sức khỏe và năng lượng của mình cho những nhiệm vụ và các vấn đề thực sự quan trọng.

Các Lý Thuyết Tiến Hóa Về Sự Lười Biếng

Tổ tiên du mục của chúng ta đã phải bảo tồn năng lượng để cạnh tranh vì những nguồn tài nguyên khan hiếm và chiến đấu hoặc chạy trốn kẻ thù và kẻ săn mồi. Việc dành nhiều nỗ lực cho bất kỳ điều gì khác ngoài lợi ích ngắn hạn có thể gây nguy hiểm cho sự sống còn của họ. Trong mọi trường hợp, khi không có những tiện ích như thuốc kháng sinh, ngân hàng, đường sá, hoặc tủ lạnh, việc suy nghĩ theo hướng dài hạn là vô nghĩa. Khát khao dẫn đến hành động, và hành động dẫn đến sự hài lòng ngay lập tức, mà không cần nhiều đến việc đề xuất, lập kế hoạch, sự chuẩn bị, v.v...

Ngày nay, sự sống còn đơn thuần đã được gạt sang một bên và thay vào đó là một hoạt động mang tính chiến lược dài hạn dẫn đến những kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, bản năng của chúng ta vẫn là bảo tồn năng lượng, khiến chúng ta ngần ngại dành nỗ lực cho những dự án trừu tượng với các kết quả thu được bị trì hoãn và không chắc chắn.

Trí thông minh và quan điểm có thể lấn át bản năng, và một số người có thiên hướng hướng tới tương lai nhiều hơn những người khác, những người mà từ đỉnh cao thành công của mình họ chế nhạo là '’lười biếng’'. Quả thực, sự lười biếng có mối liên hệ với nghèo đói và thất bại quá gần đến mức một người nghèo thường bị cho là “lười biếng”, bất kể anh ta có thực sự làm việc chăm chỉ đến đâu.

Các Lý Thuyết Tâm Lý Về Sự Lười Biếng 

Trong hầu hết trường hợp, việc nỗ lực hết mình cho những mục tiêu dài hạn không mang lại sự hài lòng ngay lập tức được coi là điều khó khăn. Để một người bắt tay vào một dự án, anh ta phải coi trọng thành quả lao động của mình hơn là sự mất đi cảm giác an nhàn. Vấn đề là anh ta không muốn tin tưởng vào một sự đền đáp vừa xa vời vừa không chắc chắn. Bởi vì những người tự tin có xu hướng tin tưởng nhiều hơn vào sự thành công và thành quả cho những nỗ lực của họ (và thậm chí có thể đánh giá quá cao những gì họ có thể nhận lại), do đó họ có nhiều khả năng vượt qua sự lười biếng tự nhiên của mình hơn.

Mọi người cũng là những người tính toán kém. Tối nay họ có thể ăn uống bừa bãi mà không tính đến những hậu quả lâu dài đối với sức khỏe và ngoại hình của mình, hay thậm chí là cảm giác nôn nao vào sáng mai.

Triết gia cổ đại Epicurus đã lập luận rất sắc sảo rằng niềm vui là điều tốt đẹp nhất. Nhưng Ngài cảnh báo rằng không nên theo đuổi mọi điều vui thú và cũng không nên né tránh mọi điều đau khổ. Thay vào đó, hãy nên áp dụng một loại phép tính theo chủ nghĩa khoái lạc để xác định xem điều gì có nhiều khả năng mang lại niềm vui lớn nhất theo thời gian, và trên hết, phép tính theo chủ nghĩa khoái lạc này là thứ mà mọi người không thể kiểm soát được.

Nhiều người lười biếng không phải về bản chất họ là thế, chỉ là vì họ chưa tìm được việc mình muốn làm hoặc vì lý do này hay lý do khác mà họ không làm việc đó. Tệ hơn nữa, công việc giúp họ chi trả các hóa đơn hàng ngày có thể đã trở nên trừu tượng và chuyên biệt đến mức họ không còn có thể nắm bắt đầy đủ các mục đích hoặc sản phẩm của nó, và nói rộng ra, vai trò của họ trong việc cải thiện cuộc sống của người khác. Một người thợ xây có thể ngắm nhìn những ngôi nhà mình đã xây, một bác sĩ có thể cảm thấy tự hào và hài lòng trước tình trạng sức khỏe đã phục hồi và lòng biết ơn của bệnh nhân, nhưng một trợ lý phó kiểm soát viên tài chính trong một tập đoàn lớn lại không thể chắc chắn về hiệu quả lao động của mình—và vậy thì tại sao lại phải bận tâm?

Các yếu tố khác có thể dẫn đến sự lười biếng là sợ hãi và vô vọng. Một số người sợ thành công hoặc không có đủ lòng tự trọng để cảm thấy thoải mái với thành công, và sự lười biếng là một cách mà họ có thể hủy hoại bản thân. Shakespeare truyền đạt ý tưởng này một cách hùng hồn và ngắn gọn hơn nhiều trong vở kịch Antony và Cleopatra: '’Vận mệnh biết được chúng ta khinh miệt nó nhất khi nó mang đến những khó khăn”. Ngược lại, một số người sợ thất bại, và sự lười biếng được ưa chuộng hơn là thất bại vì sự lười biếng tách rời khỏi thực tế. Họ tự nhủ: “Không phải tôi thất bại, mà là tôi chưa bao giờ thử mà thôi”.

Những người khác lười biếng vì họ thấy hoàn cảnh của mình quá tuyệt vọng đến mức họ thậm chí không thể bắt đầu cân nhắc tất cả các khả năng và kết quả của vấn đề chứ đừng nói đến việc giải quyết nó. Bởi vì những người này không có khả năng suy nghĩ thấu đáo và giải quyết tình huống mà họ gặp phải, nên có thể lập luận rằng họ không thực sự lười biếng, và ở một mức độ nào đó, điều tương tự cũng có thể xảy ra với tất cả những người lười biếng. Nói cách khác, chính khái niệm lười biếng đã giả định trước khả năng lựa chọn không lười biếng, nghĩa là giả định trước sự tồn tại của ý chí tự do.

Biện Pháp Giải Quyết 

Tôi lẽ ra có thể kết thúc bài viết này bằng một lời tự động viên bản thân hoặc 10 mẹo hàng đầu để vượt qua sự lười biếng, nhưng về lâu dài, cách duy nhất để vượt qua sự lười biếng là hiểu sâu sắc bản chất và nguyên nhân cụ thể của nó: suy nghĩ, suy nghĩ, và suy nghĩ, và theo năm tháng, dần dần tìm ra cách sống tốt hơn.

Tác giả: Neel Burton 

Dịch giả: Hương Thu - Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ

Link bài gốc: The Psychology of Laziness

menu
menu