Hai lý do khiến hẹn hò trực tuyến trở thành một trải nghiệm mỏi mệt

hai-ly-do-khien-hen-ho-truc-tuyen-tro-thanh-mot-trai-nghiem-moi-met

Nguyên nhân đầu tiên chính là niềm hy vọng ngây thơ, hay nói cách khác, là sự mộng mơ quá đỗi mong manh.

Thoạt nhìn, thật khó hiểu tại sao hẹn hò trực tuyến lại khiến nhiều người than vãn, giận dữ và mệt mỏi đến thế. Trên lý thuyết, đây phải là một “mảnh đất màu mỡ” với vô số cơ hội để tìm thấy tình yêu kia mà?

Tiếng xấu của nó, đáng buồn thay, không phải là không có căn cứ. Thật sự, đây là một “vùng đất” đầy những tổn thương. Nhưng nếu nhìn kỹ, có hai nguyên nhân rõ ràng tạo nên nỗi khổ ấy – và cũng có hai cách chữa lành. 

Nguyên nhân đầu tiên chính là niềm hy vọng ngây thơ, hay nói cách khác, là sự mộng mơ quá đỗi mong manh. Một bộ phận người dùng thường xuyên cảm thấy bản thân kết nối với ai đó mà họ ngay lập tức thấy vô cùng hứng thú – người mà họ rất muốn xây dựng một mối quan hệ nghiêm túc. Nhưng rồi, theo thời gian, họ phát hiện ra rằng người kia không dành cho họ sự quan tâm tương xứng. 

Người ấy thì bận tối mặt ở công ty. Điện thoại thì rớt đâu mất trên tàu. Họ sắp đi Ý mười ngày. Bạn thân vừa mổ ngón chân cái. Phải đi sang thành phố khác chỉ để mua một cái vòi tưới cây… Có thể rồi họ cũng đồng ý đi cà phê. Buổi gặp diễn ra với những nụ cười rạng rỡ. Nhưng sau đó, lại là một chuỗi những mập mờ, lửng lơ, như thể bạn đang chờ đợi một vị thần thất thường – không biết liệu họ có bao giờ “hạ phàm” thêm một lần nữa không.

Tất cả những điều này, đúng là rất mệt mỏi và đáng buồn. Nhưng, nếu ta nhìn bằng ánh mắt đầy cảm thông và tỉnh táo, thì có thể thấy: phần nào đó, người đang khổ chính là người đã tự đẩy mình vào vòng xoáy ấy. Vì họ đã quá mộng tưởng. Họ đã nhìn thấy những dấu hiệu rất rõ ràng – nhưng lại cố tình làm ngơ. Họ không dám nhìn thẳng vào sự thật, vì họ sợ. Sợ lại bị từ chối. Sợ cảm giác cô đơn. Sợ lòng tự trọng bị tổn thương thêm một lần nữa. Sợ phải sống – và chết – trong đơn độc. Những nỗi sợ ấy, thật đáng trân trọng. Chúng hoàn toàn xứng đáng nhận được sự thấu hiểu và yêu thương. Nhưng điều tệ nhất ta có thể làm, chính là cố lảng tránh chúng. 

Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên ta nhận ra một chút thờ ơ – chỉ một dấu hiệu nhỏ thôi, như khi người mà ta mong ngóng mãi không trả lời tin nhắn, hay úp mở rằng sẽ liên lạc lại… “sau đám cưới của em họ bạn thân ở Phần Lan” – thì chính là lúc ta cần ngồi lại với chính mình, một cách tỉnh táo và can đảm, để đối diện với sự thật buồn: họ không thực sự thích mình. Có thể họ có chút thiện cảm – vừa đủ để đi dạo cùng ta, hay ghé qua một buổi triển lãm. Ta không khiến họ khó chịu hay chán ghét. Nhưng, điều cốt lõi là: như vậy chưa đủ để gọi là tình yêu. Chưa đủ để ta tiếp tục chờ đợi hay đặt thêm hy vọng. Bởi tình yêu thật sự không bao giờ bắt đầu bằng sự mập mờ, lạnh nhạt, hay những cái cớ lê thê như thế. Những người ấy không hề nhút nhát, cũng không phải kiểu người lúng túng đến mức chẳng biết bày tỏ cảm xúc ra sao. Họ đơn giản là… không đủ quan tâm. Không đủ mong chờ. Không đủ để một mối quan hệ có cơ hội bén rễ, nảy mầm. Tình yêu đích thực sẽ đập cửa trái tim ta một cách mãnh liệt. Và nếu cánh cửa ấy vẫn lặng im, không một tiếng gõ… thì sự im lặng ấy chính là câu trả lời. Người thực sự say mê ta sẽ mỉm cười không ngớt, hỏi han ta hết điều này đến điều kia, và nhắn tin ngay khi có thể. Họ có thể rất bận – nhưng vẫn tìm được thời gian. Họ phấn khích khi ở bên ta, và nôn nao mong gặp lại. Vì thế, ta cần học cách dứt khoát, như một bác sĩ mổ chính xác vết thương – không run tay, không do dự. Phải cắt bỏ hy vọng dành cho những người không thật lòng. Bởi thời gian là hữu hạn. Trái tim ta, cũng không nên hoài phí. Hãy cho phép mình gào lên một tiếng thật dài, khóc một chút – thật nhanh thôi – rồi lại tiếp tục hành trình. Bất cứ điều gì kém hơn thế, đều là một sự tổn thương không đáng có dành cho chính sự mong manh của mình.

Và rồi, còn có một nguyên nhân khác nữa. Nếu một phần của thế giới hẹn hò trực tuyến là những người quá mộng mơ, thì phần còn lại lại mang một nỗi phù phiếm khó gọi tên. Họ không dám thừa nhận rằng, nhiều người họ chủ động “thả thính”, thực ra lại chẳng hề là mẫu người mà họ thật sự muốn hẹn hò – nếu như họ có lựa chọn tốt hơn. Nhưng khổ thay, điều họ có hiện tại chỉ là lời hứa về những lựa chọn tốt hơn – một điều hẹn hão thường thấy trong thế giới mạng – chứ chưa có ai cụ thể cả. Và thế là họ chọn cách dễ nhất, và cũng là cách ích kỷ nhất: níu giữ những người “hạng B” bên mình. Không phải vì yêu thương, mà chỉ để đề phòng. Vừa đủ gần để không biến mất, nhưng cũng đủ xa để không phải chịu trách nhiệm. Những người ấy bị treo lơ lửng – nửa trong nửa ngoài – lúc thì ấm, lúc thì lạnh, như thể đang mắc kẹt giữa sự sống và cái chết. Tất cả chỉ nhằm làm dịu đi nỗi bất an của chính người kia, về tương lai mà họ cũng chẳng rõ sẽ đi về đâu. 

Chỉ trong kỷ nguyên kỹ thuật số, chúng ta mới có thể "thong dong chớp mắt đưa tình" với hàng loạt người mà thực ra mình chẳng có cảm tình sâu sắc gì. Chúng ta tạo ra một "hồ bơi hạng B" – những người không khiến tim ta rung động thật sự, nhưng vẫn đủ để khiến ta đỡ thấy cô đơn mỗi khi "hồ A" cạn khô. Ngày xưa thì khác. Mỗi một lần tán tỉnh là một cuộc đầu tư nghiêm túc. Mất thời gian, tốn kém. Phải mua hoa, phải đến những buổi dạ hội trang trọng, phải trao ánh mắt nhiều lần và hồi hộp chờ đợi. Nếu ai đó tỏ ra quá dễ dãi hay phát tán ánh nhìn cho quá nhiều người, thì sẽ bị dị nghị, bị nhắc nhở. Và chính vì thế, người ta chỉ dồn tình cảm cho những người thật sự khiến họ rung động.

Còn nay thì sao? Ta tán tỉnh khi đang nằm trong bồn tắm. Hay khi đợi xe buýt. Ta thể hiện sự quan tâm đến hàng trăm người mà tim không hề đập nhanh lấy một nhịp. Cứ thế gật đầu cho có với cả một dòng người xa lạ trôi qua – mà không hề nghĩ đến cơn hỗn loạn cảm xúc ta đang gieo rắc.

Sẽ có bình yên – nếu cả hai phía (và trớ trêu thay, đôi khi chính một người lại thuộc về cả hai vai) chịu nhìn thẳng vào hai sự thật khó nuốt: Thứ nhất, là CHẲNG CÓ QUÁ NHIỀU NGƯỜI MÀ TA THẬT LÒNG THÍCH. Thứ hai, là CŨNG CHẲNG CÓ NHIỀU NGƯỜI THẬT LÒNG THÍCH TA. Và trong khoảng thời gian trống trải ấy – trong lúc chờ đợi một kết nối thật sự – thay vì giả vờ có cảm tình khi không có, hay nuôi hy vọng nơi không còn gì để hy vọng, cả hai bên nên buông xuống. Người đang theo đuổi cần chấp nhận rằng họ đang bị đùa giỡn. Người đang được theo đuổi thì đừng nên cười nữa, trừ khi trái tim họ thật sự tin tưởng vào người kia.

Nếu hai quy tắc ấy được giữ gìn, chúng ta sẽ ít nhìn vào điện thoại hơn nhiều (và cũng chính vì thế mà ngành công nghiệp hẹn hò luôn chọn cách im lặng). Chắc chắn, ta sẽ phải đợi lâu hơn để tình cảm được đáp lại – và hành trình ấy cũng sẽ bình lặng hơn nhiều. Nhưng ta sẽ bớt đau khổ, giữ được phẩm giá, có thời gian vận động, đọc sách buổi tối trước khi ngủ, và sống trọn hơn với chính mình. Ta sẽ, từng ngày, bước đi trên một con đường ít nhục nhã hơn rất nhiều để đến gần với thứ tình yêu mà ta đã khao khát biết bao – và đến giờ, đã thực sự xứng đáng có được.

Francisco Goya, Dance of the Majos at the Banks of Manzanares, 1777

Nguồn: TWO REASONS WHY ONLINE DATING IS SO MISERABLE | The School Of Life

menu
menu