Hơn cả một thói quen? Khi nào nên lo lắng về việc cắn móng tay, gãi da và những hành vi lặp lại tập trung vào cơ thể

Cắn móng tay, ngoáy mũi, nhai trong miệng, gãi da, nhổ tóc – hầu hết chúng ta đều từng làm một hoặc vài điều trong số đó, ít nhiều vào lúc này hay lúc khác.
Cắn móng tay, ngoáy mũi, nhai trong miệng, gãi da, nhổ tóc – hầu hết chúng ta đều từng làm một hoặc vài điều trong số đó, ít nhiều vào lúc này hay lúc khác. Một số hành vi chăm sóc bản thân tưởng như vô hại giúp duy trì vệ sinh cá nhân (như cạy móng tay bẩn) hay cải thiện vẻ ngoài (như nhổ sợi tóc bạc cứng đầu). Nhưng khi nào thì những hành vi bình thường này trở thành thói quen phiền toái? Và khi nào thì những thói quen ấy biến thành một vấn đề tâm lý?
Thói quen là những hành vi lặp đi lặp lại, ổn định và diễn ra một cách tự động, gần như không cần suy nghĩ. Một khi đã hình thành, chúng bám rễ rất sâu và không dễ gì từ bỏ. Những hành vi lặp lại tập trung vào cơ thể – như các ví dụ kể trên – khá phổ biến. Một nghiên cứu cho thấy có đến 24% sinh viên đại học ở Mỹ thực hiện những hành vi này ít nhất 5 lần mỗi ngày.
Tuy nhiên, một nghiên cứu tiếp theo lại ghi nhận tỉ lệ thấp hơn nhiều – chỉ khoảng 1–6%. Bởi lần này, người tham gia được yêu cầu suy xét liệu hậu quả của những hành vi ấy đã từng khiến họ phải đến gặp bác sĩ (chẳng hạn vì nhiễm trùng) hay cản trở sinh hoạt hằng ngày hay không. Và chính lúc đó, các chuyên gia sức khỏe tâm thần bắt đầu nhìn nhận những hành vi lặp lại này không còn đơn thuần là thói quen, mà là điều đáng lo ngại.
from www.shutterstock.com
Hệ lụy
Hai hành vi cụ thể – nhổ tóc (trichotillomania) và gãi da đến mức gây tổn thương – đã được Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ xếp vào nhóm rối loạn tâm lý.
Những hành vi này rất khó kiểm soát. Chúng có thể dẫn đến hói đầu, nhiễm trùng da đau đớn, thậm chí để lại sẹo. Không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình hay sức khỏe thể chất, chúng còn tàn phá lòng tự trọng, hình ảnh bản thân, các mối quan hệ, cũng như khả năng vận hành cuộc sống thường nhật.
Một nghiên cứu tại Úc gần đây cho thấy, những người mắc các hành vi lặp lại này ở mức độ lâm sàng có nguy cơ cao gấp 2–4 lần mắc thêm các vấn đề tâm lý khác như trầm cảm và lo âu.
Ban đầu, các nhà nghiên cứu cho rằng những người có thói quen cắn móng tay hay nhai má (nhai bên trong má hoặc miệng) sẽ có sức khỏe tinh thần ổn định hơn so với những người gãi da hay nhổ tóc. Nhưng kết quả lại chứng minh điều ngược lại – tất cả các hành vi lặp lại này đều liên quan đến sức khỏe tinh thần suy giảm và chất lượng cuộc sống kém hơn.
Mối quan hệ nhân – quả vẫn còn là điều khó xác định. Tuy nhiên, những hành vi này thường bắt đầu từ thời thơ ấu hoặc tuổi thiếu niên, và một số nghiên cứu cho rằng chứng trầm cảm có thể xuất hiện do nỗi đau kéo dài từ việc không kiểm soát được các hành vi gây hại này.
Nguyên nhân từ đâu?
Những hành vi lặp lại tập trung vào cơ thể thường được xếp vào nhóm có liên quan đến rối loạn ám ảnh – cưỡng chế (OCD). Cũng giống như OCD, người mắc các hành vi này gặp khó khăn trong việc kiềm chế những hành động như kiểm tra, lau dọn, rửa tay, đếm hay sắp xếp mọi thứ theo thứ tự nhất định.
Ở cả hai trường hợp, người ta thường mô tả cảm giác căng thẳng tích tụ dần, chỉ được giải tỏa khi thực hiện hành vi lặp lại. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt then chốt: trong khi OCD thường bị thúc đẩy bởi những suy nghĩ ám ảnh, khó chịu và phi lý thì các hành vi lặp lại vào cơ thể lại không xuất phát từ những ám ảnh đó.
Nguyên nhân chính xác của các hành vi này vẫn còn là ẩn số. Một nghiên cứu trên hơn 2.500 cặp song sinh tại Anh cho thấy yếu tố di truyền chiếm đến 40% mức độ khác biệt về hành vi trong từng cặp. Tuy nhiên, dù có bằng chứng về tính di truyền mạnh, vẫn chưa tìm thấy gen cụ thể nào đóng vai trò quyết định.
Thí nghiệm trên chuột cho thấy, việc can thiệp vào một gen tên “SAPAP3” khiến chuột liên tục liếm và chải lông đến mức rụng trụi và trầy xước da. Biến thể của gen này ở người đã được ghi nhận có liên quan đến một số – nhưng không phải tất cả – các ca OCD và hành vi lặp lại tập trung vào cơ thể. Gen này liên quan đến quá trình sản sinh glutamate – chất dẫn truyền thần kinh quan trọng trong hoạt động giao tiếp của các tế bào não.
Một loại axit amin có tên N-acetyl cysteine, có khả năng điều hòa glutamate tại những vùng não liên quan đến hành vi cưỡng chế, đã cho thấy hiệu quả không đồng đều trong việc làm giảm cảm giác thôi thúc nhổ tóc hoặc gãi da. Nghiên cứu về thần kinh học của nhóm hành vi này còn phức tạp và cần nhiều lần kiểm chứng.
Bên cạnh yếu tố sinh học, nhiều yếu tố tâm lý cũng tác động đến mức độ trầm trọng của hành vi. Người mắc các hành vi này thường khó điều tiết cảm xúc như lo âu, chán nản, buồn bã hay bức bối. Họ thường mô tả cảm giác chạm, cào hay cắn lên da, móng hay tóc như một trạng thái thư giãn, nhập tâm – giúp tạm quên đi cảm xúc tiêu cực. Khi buồn chán, việc thực hiện những hành vi ấy tạo cảm giác như đang làm gì đó có ích, nhất là với người có tính cách cầu toàn.
Những nghiên cứu gần đây bắt đầu khám phá mối liên hệ giữa sự nhạy cảm với cảm giác cơ thể và các hành vi lặp lại này. Một nghiên cứu cho thấy những người mắc nhóm hành vi này có xu hướng nhạy cảm hơn và khó chịu hơn trước các cảm giác căng thẳng, áp lực trong cơ thể. Điều này có nghĩa là: cũng như cách chúng giúp đánh lạc hướng khỏi cảm xúc tiêu cực, những hành vi ấy còn có thể đóng vai trò như cơ chế điều tiết cảm giác khó chịu.
Giải pháp từ sự thấu hiểu
Liệu pháp đảo ngược thói quen (habit-reversal therapy) là một phương pháp thực tế, dựa trên kỹ năng, đã được chứng minh có thể làm giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng của những hành vi này. Một nguyên tắc trị liệu mang tên “SCAMP” được sử dụng để xây dựng lộ trình chữa lành, phù hợp với từng cá nhân:
- S – Sensory (Cảm giác): Các hoạt động kích thích giác quan một cách sáng tạo – qua thị giác, âm thanh, xúc giác, khứu giác hay vị giác – có thể tạo ra những cảm giác dễ chịu tương tự như hành vi lặp lại, hoặc giúp giảm cảm giác khó chịu. Giống như việc bấm bong bóng ni lông có thể mang lại sự thỏa mãn, sử dụng đồ chơi cảm giác (fidget toys) có thể giúp tay bận rộn khi cảm giác thôi thúc xuất hiện.
- C – Cognitive (Nhận thức): Chú ý đến lời thoại nội tâm của bản thân. Những suy nghĩ như “Chỉ nhổ đúng một sợi tóc này thôi rồi dừng” thường là những lời cho phép bản thân tiếp tục hành vi. Việc nhận diện và phản biện những suy nghĩ ấy là một kỹ thuật hữu ích.
- A – Affect (Cảm xúc): Học cách phản ứng linh hoạt hơn với cảm xúc là chìa khóa trong trị liệu. Ví dụ: dùng các kỹ thuật thư giãn ngắn để giảm căng thẳng, lo âu, hay cảm giác thôi thúc. Tham gia những hoạt động vui vẻ cũng giúp cải thiện tâm trạng và tạo phần thưởng tinh thần khi thay đổi hành vi.
- M – Motor (Vận động): Một chiến lược trọng tâm của liệu pháp là “phản hồi cạnh tranh”. Khi tay bận rộn với các hành động khác như siết chặt tay, nắm vật gì đó hoặc khoanh tay trong một phút – việc thực hiện hành vi lặp lại sẽ trở nên khó khăn hơn.
- P – Place (Không gian): Những hành vi lặp lại thường xảy ra ở những nơi như phòng tắm, phòng ngủ, trên xe hay trước máy tính. Theo thời gian, những không gian ấy trở thành tín hiệu kích hoạt hành vi. Thay đổi thói quen, môi trường hay tạo ra một chút “khó khăn” khi thực hiện hành vi trong các bối cảnh này có thể giúp phá vỡ chu kỳ đã hình thành.
Nhiều người sau khi vượt qua được những hành vi này cho biết cảm giác thôi thúc vẫn còn – nhưng nhẹ đi theo thời gian. Vì vậy, điều quan trọng là học cách đối diện với cảm giác đó bằng nhiều chiến lược đa dạng, đồng thời tiếp tục chọn tham gia vào những điều có giá trị trong cuộc sống: từ mối quan hệ, công việc đến sở thích cá nhân – bất chấp sự hiện diện của những hành vi từng là gánh nặng.
Nguồn: tạp chí the conversation