Ham muốn và Sự Gắn Bó

ham-muon-va-su-gan-bo

Một trong những nghịch lý đau đớn nhất của đời sống tình cảm là: càng yêu thương và thấu hiểu một người, ta càng khó khơi dậy được mong muốn thật sự để gần gũi họ về mặt thể xác.

Một trong những nghịch lý đau đớn nhất của đời sống tình cảm là: càng yêu thương và thấu hiểu một người, ta càng khó khơi dậy được mong muốn thật sự để gần gũi họ về mặt thể xác. Thay vì làm tình yêu thêm nồng nàn, sự gắn bó và thân mật lại có thể là những yếu tố giết chết đam mê. Trái lại, khi vừa gặp một người lạ và chưa kịp phát sinh cảm xúc sâu đậm, ta lại có thể dễ dàng cảm nhận khao khát mãnh liệt muốn kéo họ vào vòng tay mình.

Nghịch lý này đôi khi được nhắc đến qua khái niệm quen thuộc: “hội chứng Đức Mẹ - Gái Làng Chơi.”Cách gọi này có thể khiến nhiều người thấy phản cảm hoặc cổ hủ, bởi nó dường như chỉ áp dụng cho một giới tính và ngầm biện minh cho hành vi bất công mà nó mô tả. Nhưng nếu nhìn sâu hơn, cụm từ ấy lại hé lộ một hiện tượng phổ biến, luôn mang tính thời sự và có ý nghĩa với mọi giới. (Đối với phụ nữ dị tính, hiện tượng này đôi khi được biết đến như “hội chứng Thánh Nhân - Kẻ Thô Lỗ.”)

Sigmund Freud là người đầu tiên đề cập đến sự khó khăn khi kết nối tình yêu với khao khát trong bài luận nổi tiếng năm 1912 “Về Xu Hướng Làm Tầm Thường Hóa Tình Yêu.” Ông viết về nhiều bệnh nhân của mình rằng: “Nơi nào họ yêu, họ không khao khát; và nơi nào họ khao khát, họ không thể yêu.”

Freud lý giải hiện tượng này dựa trên hai yếu tố trong quá trình trưởng thành:

  1. Trong thời thơ ấu, ta thường được nuôi dưỡng bởi những người mà ta yêu thương sâu sắc nhưng không thể phát sinh cảm xúc tình dục – vì bị kiềm tỏa bởi luật cấm loạn luân nghiêm ngặt.
  2. Khi trưởng thành, ta có xu hướng chọn bạn đời giống với những người mà ta từng yêu thương nhất thời nhỏ, dù điều này diễn ra ở tầng vô thức.

Hai yếu tố này tạo nên một nghịch lý tinh vi nhưng đầy rắc rối: Càng yêu thương ai đó bên ngoài gia đình, ta càng dễ bị nhắc nhở về mối gắn bó thân thuộc ngày xưa – và vì thế, ta càng bị bản năng ngăn cản bộc lộ ham muốn tình dục một cách tự nhiên. Một luật cấm loạn luân, vốn được thiết kế để bảo vệ loài người khỏi nguy cơ di truyền cận huyết, nay vô tình làm suy giảm khả năng thăng hoa trong mối quan hệ hoàn toàn không liên quan về huyết thống.

Khả năng luật cấm loạn luân tái xuất trong tiềm thức tăng mạnh khi một cặp đôi có con. Trước đó, những liên tưởng về hình mẫu cha mẹ mà ta vô thức áp đặt lên bạn đời vẫn có thể bị che khuất. Nhưng khi đứa trẻ ra đời, khi người mà ta từng khám phá cùng với những món đồ chơi tình dục nay được gọi là “mẹ” hoặc “bố” bởi một đứa bé dễ thương, cả hai bên sẽ bắt đầu cảm thấy dè dặt, mệt mỏi, và đi ngủ sớm.

Một ranh giới dần hình thành: những gì “trong sáng” ta có thể làm với bạn đời yêu thương, và những gì “nhơ nhớp” mà ta vẫn thầm khao khát – nhưng chỉ có thể tưởng tượng được khi ở bên một người xa lạ. Mong muốn làm tình hay thậm chí “chiếm đoạt” một người vừa chuẩn bị cơm trưa cho con hay xếp lịch trực trường có thể trở thành điều khó chấp nhận.

Để giải quyết nghịch lý này, ta cần nhìn lại cách tuổi thơ hình thành những khó khăn trong đời sống tình dục. Cha mẹ quá dè dặt với cơ thể mình có thể vô tình truyền đi thông điệp rằng tình dục là điều dơ bẩn, sai trái, và không phù hợp trong một mối quan hệ yêu thương. Ngược lại, một người cha hay mẹ trưởng thành và thoải mái với bản thân sẽ cho con thấy rằng họ hòa hợp với ham muốn của chính mình và không cảm thấy bị đe dọa bởi những hành vi ngây thơ, mang tính “tiền tình dục” của trẻ nhỏ, như thích làm ồn, khám phá cơ thể, hay (ở một độ tuổi nhất định) nói đùa về chuyện đi vệ sinh.

Cảm giác rằng mình vừa có thể “nghịch ngợm” mà vẫn được yêu thương, trân trọng là một trong những món quà quý giá nhất mà cha mẹ có thể trao cho con.

Phần lớn công việc để chữa lành sự phân tách giữa tình yêu và ham muốn, kỳ lạ thay, lại nằm ở tâm trí. Ta cần tái định nghĩa tình dục như một điều nghiêm túc, đáng trân trọng, và là mối quan tâm chính đáng của những người yêu thương gia đình, tận tụy với công việc, và sống một cuộc đời chuẩn mực. Không hề có mâu thuẫn nào giữa khao khát được “dơ bẩn” hay “hoang dã” đôi khi với mong muốn sống tử tế, lịch thiệp ở những lúc khác. Con người ta mang trong mình vô số mâu thuẫn: một ta muốn chiếm hữu hay bị khuất phục, muốn vượt mọi giới hạn; và một ta muốn chăm sóc, hướng dẫn, và yêu thương.

Nguồn: DESIRE AND INTIMACY - The School Of Life

menu
menu