Hãy hoàn thành những gì đã bắt đầu!
Trong cuộc sống, đôi khi việc quan trọng hơn cả là bạn phải thực hiện kế hoạch của mình cho đến cuối cùng hơn là lập được một kế hoạch hoàn hảo.
Trong cuộc sống, đôi khi việc quan trọng hơn cả là bạn phải thực hiện kế hoạch của mình cho đến cuối cùng hơn là lập được một kế hoạch hoàn hảo. Tôi nhớ khi tôi học năm đầu đại học và rất nhiều bạn cùng lớp nghi ngờ bản thân họ. Chúng tôi học quản trị kinh doanh, và nhiều người không chắc liệu tấm bằng này có chính xác là thứ họ cần hay không.
Bạn bè tôi thường xuyên so sánh với các chuyên ngành khác. “Nếu tôi theo học một chuyên ngành khác sẽ thế nào nhỉ?” Tôi chưa một lần có suy nghĩ như vậy. Hồi đó, tôi cũng không biết mình muốn làm gì sau khi tốt nghiệp. Tôi chỉ biết một điều: Tôi đã đưa ra quyết định và tôi cam kết sẽ theo đuổi nó đến cùng. Chỉ có bốn năm thôi. Tôi biết mình không muốn theo đuổi một lĩnh vực chuyên môn, vì vậy tôi không lo lắng liệu bằng cấp của mình có hoàn hảo hay không. Tôi tập trung vào việc học, tận hưởng thời gian ở trường đại học, và đảm bảo rằng tôi sẽ hoàn thành chương trình học của mình trong vòng bốn năm.
Trong số những người tôi biết đã từ bỏ chuyên ngành này, hầu hết đều trở thành những người thường xuyên từ bỏ. Một trong số họ thực sự đã đến nhầm chỗ. Cuối cùng, anh ấy trở thành một nhà vật lý trị liệu. Đôi khi, bạn lập kế hoạch sai và bắt đầu đi theo hướng sai, vậy thì bạn thực sự cần phải điều chỉnh lại.
Chúng ta cần đủ nhận thức về bản thân để nhận ra liệu mình muốn bỏ cuộc vì một điều gì đó khó khăn hay đang đi sai hướng. Chúng ta thường đặt quá nhiều kỳ vọng vào các quyết định của mình, điều này khiến chúng ta luôn bất an và quá tải. Thực tế là nhiều thứ không phải là vĩnh viễn. Bạn có thể có bằng kinh doanh, nhưng làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật. Bạn có thể có công việc tại một nhà hàng, nhưng cuối cùng trở thành một nhà đầu tư.
Cuộc đời rất dài. Đôi khi chúng ta theo đuổi những thứ không thành công. Nhưng miễn là bạn tập trung vào việc hoàn thành mọi thứ, bạn sẽ trở nên mạnh mẽ và thông minh hơn. Nếu bạn làm những gì bạn nói, bạn sẽ trở nên đáng tin cậy. Đây là điều mà những người theo Chủ nghĩa Khắc Kỷ thường nói đến. Đối với họ, sống theo các giá trị Khắc Kỷ quan trọng hơn những gì bạn đã làm.
Cách bạn làm mọi việc mới là điều quan trọng. Đây là những gì Epictetus đã nói: “Một khi bạn quyết định làm một điều gì đó, hãy kiên trì với nó và coi nó như một việc cần được hoàn thành. Đừng để ý đến những gì người khác nói. Nó không nên ảnh hưởng đến bạn theo bất kỳ cách nào.”
Một khi quyết tâm làm điều gì đó, chúng ta không chỉ phải đối mặt với sự kháng cự bên trong mình, mà như Epictetus đã nói, còn phải đối mặt với những gì người khác nói. “Bạn có chắc chắn mình muốn làm điều này không?” Đó là câu hỏi mà người ta thường đặt ra khi chúng ta muốn thử nghiệm điều gì mới, dù đó là lựa chọn nghề nghiệp, khởi nghiệp, kết hôn, theo đuổi bằng cấp, du lịch thế giới,...
Khi được hỏi “Bạn có chắc không?”, nhiều người trong chúng ta bắt đầu nghi ngờ chính mình. Có thể người đặt câu hỏi muốn giúp bạn suy nghĩ thấu đáo, hoặc có thể họ cố ý muốn bạn nghi ngờ bản thân để không hành động. Không quan trọng người ta có ý định tốt hay xấu.
Điều quan trọng là bạn không để mọi người ảnh hưởng đến mình. Nếu bạn muốn làm điều gì đó và bạn biết đó là điều đúng đắn, hãy tiếp tục. Hoàn thành những gì bạn đã bắt đầu. Miễn là không làm hại người khác (hoặc chính mình), chúng ta có thể theo đuổi bất cứ điều gì chúng ta muốn. Chỉ cần đảm bảo rằng bạn thực hiện được kế hoạch của mình. Khi làm điều đó một cách liên tục, bạn thực sự có thể tin tưởng vào bản thân mình. Rốt cuộc, bạn biết rằng mình sẽ làm những gì đã nói. Bạn có thể tin tưởng chính mình. Chúc bạn thành công.
—
Tìm hiểu thêm về việc rèn luyện, thực hành Triết học trong đời sống hàng ngày qua cuốn sách "Suy Tưởng: Bản dịch từ Andy Lương" – tập hợp những chiêm nghiệm của "vị vua kiêm triết gia" Marcus Aurelius.
Link đặt sách: https://shope.ee/7UoYgxLKUc
—
Dịch từ bài viết “On finishing what you start” của Darius Foroux.