Hãy ngừng gượng ép để hạnh phúc
Khi bạn cố tỏ ra cool ngầu thì bạn chẳng thể trông cool ngầu chút nào. Khi bạn cố gắng tỏ ra mình đang hạnh phúc thì thực sự bạn chẳng hề hạnh phúc. Dường như vấn đề ở đây là mọi người đang quá cố gắng.
Hạnh phúc, cũng giống như những cảm xúc, bạn không thể nào đạt được nó, bạn phải sống với nó. Khi bạn tức giận và ném cái cờ lê vào những đứa trẻ hàng xóm, bạn không tự ý thức được mình đang giận dữ như thế nào. Bạn không thể nào tự nghĩ: “Ủa mình đã giận dữ vậy hả? Mình làm vậy có đúng không nhỉ?”. Không, không hề như vậy, bạn chỉ đang quá tức giận. Bạn đang sống với sự giận dữ của mình. Bạn chính là sự giận dữ đó. Và sau đó thì nó sẽ biến mất thôi.
Cũng giống như một người tự tin thì chẳng bao giờ tự hỏi mình có tự tin không, hay một người hạnh phúc sẽ không hỏi mình có đang hạnh phúc không. Chỉ đơn giản người đó chính là như vậy.
Điều này có nghĩa là việc tìm kiếm hạnh phúc sẽ là vô nghĩa, hạnh phúc là hệ quả của những trải nghiệm trong cuộc sống chúng ta. Điều này nghe có vẻ hơi lẫn lộn, đặc biệt ngày nay mọi người đang nói rất nhiều về hai từ “hạnh phúc” - mục tiêu mà họ muốn đạt được trong cuộc đời. Hãy mua món X và bạn sẽ được hạnh phúc. Hãy học Y và bạn sẽ đạt được hạnh phúc. Nhưng thật sự bạn sẽ chẳng thể nào mua được hạnh phúc, và cũng chẳng thể đạt được nó. Hạnh phúc tự đến cùng với những trải nghiệm trong đời bạn.
HẠNH PHÚC KHÔNG PHẢI LÀ THÚ VUI.
Tony Montana didn’t seem too happy.
Khi hầu hết mọi người tìm kiếm hạnh phúc, họ chỉ đang tìm kiếm thú vui mà thôi: thức ăn ngon, tình dục, nhiều thời gian xem tivi và xem phim hơn, xe hơi mới, những buổi tiệc cùng bạn bè, mát xa toàn thân, giảm 5 ký, trở nên nổi tiếng, vv…
Dù thú vui thì tuyệt vời thật đấy, nhưng nó chẳng phải là hạnh phúc. Thú vui có tương quan đến hạnh phúc nhưng nó không tạo ra hạnh phúc. Hãy hỏi bất kỳ con nghiện ma túy nào rằng họ đã theo đuổi thú vui thế nào. Hay hãy hỏi một người phụ nữ ngoại tình rằng cô ấy đã phá vỡ hạnh phúc gia đình và mất đi những đứa con mình là thú vui liệu có làm cho cô ấy hạnh phúc không. Hãy hỏi một anh chàng tự hủy hoại bản thân mình rằng anh cảm nhận hạnh phúc thế nào khi theo đuổi thú vui đó.
Thú vui chỉ là hình tượng giả tạo. Các nghiên cứu phát hiện ra rằng những người tập trung năng lượng vào thú vui vật chất hời hợt sẽ ngày càng lo lắng hơn, cảm xúc không ổn định và ít hạnh phúc hơn về lâu dài. Thú vui là hình thức hời hợt nhất của sự hài lòng với cuộc đời và do đó nó là thứ dễ dàng tìm kiếm nhất. Thú vui đã được truyền thông đến chúng ta quá nhiều và chúng ta phải khắc phục nó. Thú vui làm chúng ta bị tê liệt và sao lãng. Thú vui dù có cần thiết thì cũng chưa đủ. Còn một thứ quan trọng hơn nữa.
TÌM KIẾM HẠNH PHÚC KHÔNG ĐỒNG NGHĨA VỚI VIỆC HẠ THẤP KỲ VỌNG.
Có một chuyện khá phổ biến gần đây là chúng ta đang trở nên buồn chán vì chúng ta đều tự mãn và lớn lên trong niềm tin khi được dạy bảo rằng mình là người đặc biệt và có thể thay đổi thế giới. Nhưng ngày nay chúng ta có Facebook và nó giúp ta thấy rõ cuộc sống của những người xung quanh mình tuyệt vời thế nào chứ không phải là cuộc đời của chính ta. Và rồi chúng ta nhận ra mình chẳng là gì cả và tự hỏi sao lại như vậy. Oh, chuyện này xảy ra khi ta mới 23 tuổi.
Xin lỗi nhé, nhưng chẳng phải vậy đâu bạn tôi. Hãy cho mọi người thêm chút niềm tin nào.
Ví dụ, một người bạn của tôi gần đây bắt đầu một công ty liên doanh mạo hiểm. Anh ấy đã dốc hết khoản tiền tiết kiệm của mình cho đứa con tinh thần này nhưng rồi anh thất bại. Vậy mà giờ đây, anh ấy đang hạnh phúc hơn bất cứ lúc nào. Anh ấy học được nhiều bài học về những điều mình muốn và không muốn trong cuộc đời này. Và chính điều đó dẫn lối anh đến với công việc hiện tại mà anh rất yêu thích. Mỗi khi nhìn lại, anh luôn tự hào rằng mình đã trải qua những điều đó vì nếu không từng trải nghiệm, chắc chắn anh sẽ tự hỏi “vậy thì sao đây?”. Và lúc đó anh sẽ cảm thấy bất hạnh hơn bất cứ thất bại nào từng trải qua.
Không đạt được kỳ vọng của mình chẳng hề tương phản với hạnh phúc. Tôi thực sự cho rằng khả năng thất bại và đánh giá cao kinh nghiệm là nền tảng cơ bản dẫn đến hạnh phúc.
Nếu bạn nghĩ rằng mình sẽ kiếm được 100,000 đô la và lái một chiếc Porsche ra khỏi trường, thì tiêu chuẩn hạnh phúc của bạn khá hời hợt và thiên lệch. Bạn bị nhập nhằng giữa thú vui và hạnh phúc, và chính cái thực tế đau đớn đập vào mặt bạn là một trong những bài học giá trị nhất mà cuộc sống ban tặng cho bạn đấy.
Lý lẽ “kỳ vọng thấp hơn” là nạn nhân của một tư duy lối mòn: hạnh phúc bắt nguồn từ bên ngoài. Thú vui cuộc sống không phải là lương 100,000 đô la, mà là làm việc để có lương 100,000 đô la và sau đó là 200,000 đô la v.v…
Vậy nên hãy nâng kỳ vọng của mình lên nào. Kéo dài quá trình học hỏi. Cuối đời nằm trên giường bệnh vẫn mỉm cười cùng với một danh sách những việc phải làm dài ngoằng với những cơ hội vô hạn mà bạn có được. Hãy tự tạo ra những tiêu chuẩn rất thử thách cho mình và nhấm nháp những thất bại không thể tránh khỏi và học hỏi từ đó. Hãy sống với nó. Hãy để mọi thứ quanh bạn dần sụp đổ vì chính điều đó giúp bạn trưởng thành vượt bậc, qua những biến cố.
HẠNH PHÚC KHÔNG ĐỒNG NGHĨA VỚI SỰ TÍCH CỰC
Chìa khóa để tìm ra được hạnh phúc chẳng phải là nụ cười giả tạo. Rất có thể bạn biết một người luôn tỏ vẻ hạnh phúc trong bất cứ hoàn cảnh nào. Rất có thể đây thực sự là một trong những người rối loạn cảm xúc nhất mà bạn biết. Né tránh những cảm xúc tiêu cực chỉ càng dẫn tới những cảm xúc tiêu cực sâu và lâu hơn hay những rối loạn cảm xúc.
Có một thực tế đơn giản là những điều nhảm nhí đều xảy ra. Mọi thứ dần trở nên tồi tệ hơn. Mọi người khó chịu với chúng ta. Chúng ta mắc lỗi và những cảm xúc tiêu cực xuất hiện. Nhưng rồi sẽ ổn thôi. Cảm xúc tiêu cực vẫn cần thiết để duy trì hạnh phúc trong đời mỗi người.
Bí quyết với cảm xúc tiêu cực là thể hiện chúng lành mạnh, theo cách được xã hội chấp nhận và phù hợp với giá trị của bạn.
Một ví dụ đơn giản: Một trong những giá trị của tôi là bất bạo động. Vậy nên khi tôi nổi điên với ai đó, tôi có giận dữ nhưng sẽ không đấm vào mặt họ. Tôi biết nó là ý tưởng hợp lý mà. (Nhưng tôi sẽ ném cái cờ lê vào những đứa trẻ hàng xóm thật đấy. Đừng thách thức tôi.)
Có rất nhiều người ủng hộ lý tưởng “luôn tích cực”. Nên tránh gặp những người này cũng như tránh gặp những ai nghĩ rằng thế giới này chỉ toàn những điều tồi tệ vô tận. Nếu tiêu chuẩn hạnh phúc của bạn là luôn luôn cảm thấy hạnh phúc, dù chuyện gì đến đi nữa, bạn đã xem phim quá nhiều và cần trở lại thực tế đó, (nhưng đừng lo, tôi hứa sẽ không đấm vào mặt bạn).
Tôi nghĩ một phần sự tích cực ám ảnh quyến rũ chúng ta là do cách nó được truyền thông đến ta. Một phần là do trên truyền hình liên tục xuất hiện những người hay cười. Một phần nữa là một số người trong lĩnh vực “Self-help” muốn bạn cảm thấy rằng bạn luôn có vấn đề gì đó.
Hoặc cũng có thể là chúng ta lười biếng, và như những điều khác, chúng ta muốn có kết quả mà không phải bỏ ra nhiều công sức.
Điều đó đã đưa tôi đến những gì thực sự đem đến hạnh phúc…
HẠNH PHÚC LÀ HÀNH TRÌNH TRỞ THÀNH CON NGƯỜI LÝ TƯỞNG CỦA CHÍNH BẠN.
Hoàn thành một đường chạy marathon làm chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn ăn một chiếc bánh socola. Nuôi dạy một đứa trẻ làm ta cảm thấy hạnh phúc hơn là thắng một trò chơi điện tử. Thành lập một doanh nghiệp nhỏ góp vốn chung với bạn bè và trải qua thử thách để phát triển doanh nghiệp làm ta hạnh phúc hơn mua một cái máy tính mới.
Và điều thú vị là cả 3 việc trên đều cực kỳ mệt mỏi, đòi hỏi đặt kỳ vọng cao và có nhiều khả năng sẽ không thể hoàn thành được. Nhưng đó lại là những công việc và khoảnh khắc ý nghĩa nhất cuộc đời chúng ta. Nó có cả nỗi đau, thử thách, thậm chí là tức giận và tuyệt vọng, nhưng một khi chúng ta đã làm được và nhìn lại, chúng ta sẽ rơm rớm nước mắt vì những điều mình đã trải qua.
Tại sao ư?
Vì những công việc này cho chúng ta cơ hội được trở thành con người lý tưởng của mình. Đó là việc không ngừng theo đuổi để trở thành bản thân lý tưởng của mình, giúp chúng ta hạnh phúc bất kể thú vui hời hợt hay nỗi buồn. Đây là lý do khiến nhiều người thấy hạnh phúc trong chiến tranh trong khi vài người khác thấy buồn bã trong tiệc cưới. Đây là lý do khiến nhiều người thích thú khi làm việc và những người khác lại thấy chán ghét các bữa tiệc. Môi trường xung quanh họ không phù hợp với những lý tưởng của bản thân họ.
Kết quả cuối cùng không xác định bản chất lý tưởng của chúng ta. Chúng ta không hạnh phúc vì hoàn thành xong đường chạy marathon, chúng ta hạnh phúc vì mình đã đạt được một mục tiêu thử thách lâu dài. Chúng ta không hạnh phúc vì có một đứa con tuyệt vời để khoe khoang với mọi người, chúng ta hạnh phúc vì mình đã nuôi dưỡng và phát triển một đứa trẻ đặc biệt quan trọng với mình. Chúng ta không hạnh phúc vì danh tiếng và tiền bạc mà công ty khởi nghiệp của mình mang lại, chúng ta hạnh phúc vì hành trình đồng hành cùng những người mà ta quan tâm vượt qua những khó khăn.
Và đây là lý do cố gắng để hạnh phúc chắc chắn sẽ làm bạn không thấy hạnh phúc. Vì khi cố gắng để hạnh phúc nghĩa là bạn đang không sống với chính con người lý tưởng của mình, bạn đang không phù hợp với những phẩm chất bên trong con người mà bạn hướng tới. Sau tất cả, nếu bạn cố gắng hành động để tạo ra con người lý tưởng của mình, bạn sẽ cảm thấy không còn cần thiết để cố gắng đạt được hạnh phúc nữa.
Vì cái tuyên bố “tìm kiếm hạnh phúc từ bên trong” và “hãy biết rằng bạn có đủ” không phải nghĩa là hạnh phúc có sẵn bên trong bạn. Nó nghĩa là hạnh phúc sẽ đến khi bạn quyết định theo đuổi những gì bên trong bạn.
Và đây là lý do vì sao hạnh phúc chỉ thoáng qua thôi. Bất cứ ai từng đặt mục tiêu to lớn trong đời để đạt được và nhận ra rằng họ cảm thấy hạnh phúc/bất hạnh cũng tương đương như hiện tại, biết rằng hạnh phúc luôn ở quanh đây và núp trong các góc nào đó, chỉ chực chờ bạn đến và nhảy xổm ra. Dù cho bạn đang ở đâu trong cuộc đời, luôn có một thứ bạn cần phải làm để hạnh phúc hơn.
Và đó là vì bản thân lý tưởng của bạn luôn nấp né quanh các ngóc ngách, luôn đi trước chúng ta chỉ ba bước thôi. Chúng ta mơ ước được trở thành một nhạc sĩ, và khi chúng ta đã là nhạc sĩ, chúng ta lại khao khát trở thành nhà biên kịch. Và khi đã là một nhà biên kịch, chúng ta lại mộng mơ về việc viết kịch bản. Và điều quan trọng không phải là chúng ta đạt được từng thành công trong những thành công này, mà là việc chúng ta liên tục hướng về nó, tiến về nó mỗi ngày, mỗi tháng và mỗi năm. Cảm xúc sẽ đến rồi đi, và chúng ta tiếp tục dõi theo bản thân lý tưởng của chính mình trên hành trình cuộc đời.
Chìa khóa để tìm kiếm bản đồ hạnh phúc.
Về việc tìm kiếm hạnh phúc, lời khuyên hay nhất và đơn nhất giản có lẽ là: Tưởng tượng người bạn muốn trở thành và bước về phía người đó. Hãy mơ ước thật to và làm vài thứ. Bất cứ điều gì cũng được. Hành động đơn giản sẽ thay đổi cách bạn cảm nhận về toàn bộ hành trình và truyền cảm hứng cho bạn sau này.
Và hãy bỏ qua việc tưởng tượng đến kết quả đi, điều đó chẳng cần thiết. Những hình ảnh tưởng tượng và những giấc mơ chỉ là công cụ giúp bạn hành động. Và nó có trở thành sự thật hay không cũng không quan trọng. Hãy cứ sống bạn tôi à. Cứ sống với nó. Hãy thôi cố gắng để được hạnh phúc và cứ sống hạnh phúc.
Nguồn: https://markmanson.net/stop-trying-to-be-happy
MUA SÁCH CỦA TÁC GIẢ MARK MANSON ĐỂ ỦNG HỘ ỔNG:
Nghệ Thuật Tinh Tế Của Việc Đếch Quan Tâm: https://shorten.asia/SpuudFbz
Everything Is F*cked: A Book About Hope: https://shorten.asia/KQxR5b1E
Models: Quyến Rũ Phái Đẹp Bằng Cả Chân Tình: https://goecom.asia/XYfGWMMK
Nguồn dịch:
https://www.openedu.vn/Kho-tri-thuc/Hay-Ngung-Co-Gang-de-duoc-Hanh-Phuc