Nhiều người trong số chúng ta có lẽ từng trải qua tình huống như sau: Bạn tới tham dự một bữa tiệc với tâm trạng cực kỳ phấn khích. Nhưng khi đến đó, bạn không nhìn thấy bất kỳ ai quen biết. Đột nhiên, bạn cảm thấy tất cả mọi người trong phòng dường như đang dõi theo bạn, và tệ hơn nữa là đang đánh giá bạn về cả ngoại hình, trang phục hoặc những đồ vật mà bạn mang theo. Nhưng khi bạn hỏi một trong số những người tham gia bữa tiệc về điều này, họ thậm chí không nhận thấy bạn đang ở đó cùng với họ. Vậy điều gì đã xảy ra.
 
Chúng ta đang đề cập đến một hiện tượng gọi là “hiệu ứng ánh đèn sân khấu” (Spotlight Effect) – một hiệu ứng tâm lý mô tả hiện tượng mọi người có xu hướng tin rằng người khác đang chú ý đến họ nhiều hơn thực tế trong các tình huống của đời sống hằng ngày. Nói cách khác, chúng ta thường nghĩ rằng ánh mắt của mọi người luôn dõi theo mình, tương tự như ánh đèn trên sân khấu luôn chiếu về phía các nghệ sĩ.
 
“Nếu tôi bước vào một cửa hàng tạp hóa và là người duy nhất đeo khẩu trang, tôi có thể bắt gặp hiệu ứng ánh đèn sân khấu. Tôi sẽ tưởng tượng rằng những người khác đang nghĩ tôi là một kẻ lập dị vì đã làm một điều gì đó khác biệt”, Alison Ledgerwood, giáo sư Tâm lý học tại Đại học California, Davis (Mỹ), cho biết. “Trên thực tế, những người khác đang bận chọn lựa dưa chuột, tìm đường đến quầy hàng bánh kẹo, hoặc đang trải qua hiệu ứng ánh đèn sân khấu của chính họ”.
 
Hiệu ứng ánh đèn sân khấu có thể khiến chúng ta nghĩ rằng những người xung quanh sẽ chú ý đến một vết bẩn nhỏ trên áo sơ mi của mình, trong khi thực tế thì hoàn toàn ngược lại.
 
Tương tự, khi mọi người mặc quần áo là hàng nhái của các thương hiệu đắt tiền, họ có xu hướng đánh giá quá cao mức độ mà người khác có thể nhận thấy hoặc quan tâm đến việc họ đang làm như vậy.
 
Ngày nay, mạng xã hội là một phần không thể thiếu của cuộc sống hiện đại. Chúng ta dành hàng giờ để nhìn chăm chú vào bức ảnh đã qua chỉnh sửa của những người khác, khiến họ trở nên đẹp hơn so với hình ảnh của chúng ta khi nhìn qua gương. Và đó có thể là một vấn đề.
 
 
Vào thập niên 1950, nhà tâm lý học người Mỹ Leon Festinger đã đề xuất một lý thuyết mới gọi là “lý thuyết so sánh xã hội”. Theo đó, con người luôn có xu hướng nhìn vào những người khác. Họ tự đánh giá bản thân trong quá trình so sánh, và cố gắng cải thiện chính mình để trở nên tốt hơn. Con người là một động vật có tính xã hội cao. Hành vi so sánh và sao chép là một phần quan trọng giúp chúng ta hình thành và củng cố các mối quan hệ xã hội.
 
“Với ngoại hình, chúng ta thường so sánh bản thân với các siêu mẫu, người đẹp trong phim Hollywood, thậm chí bao gồm cả những người sử dụng chức năng chỉnh sửa ảnh trên Instagram, ngay cả khi điều đó có thể khiến chúng ta cảm thấy tự ti”, Taryn Myers, giáo sư Tâm lý học tại Đại học Virginia Wesleyan (Mỹ), cho biết.
 
Vậy điều này có liên quan gì đến hiệu ứng ánh đèn sân khấu? Chúng ta thường sử dụng kinh nghiệm của chính mình như một điểm khởi đầu để hiểu những người khác đang trải qua các tình huống thực tế như thế nào. Nó được gọi là “hiệu ứng đồng thuận sai” – thói quen con người đánh giá quá cao mức độ người khác nhìn nhận thế giới giống với họ. Nói các khác, mọi người có xu hướng cho rằng những người khác nghĩ và hành động giống với cách mà họ làm, ngay cả khi không phải vậy.
 
“Do chúng ta thường xuyên theo dõi ngoại hình của mình, nên chúng ta có xu hướng cho rằng những người khác cũng đang để ý đến vẻ bề ngoài của chúng ta”, Myers giải thích. Đây là lý do tại sao ngay cả những người tự tin nhất trong số chúng ta đều từng trải nghiệm hiệu ứng ánh đèn sân khấu vào một lúc nào đó.
 
Tác động của hiệu ứng này đến mỗi người là khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm: mức độ nhận thức, sự tự tin vào bản thân, khả năng gạt bỏ ý nghĩ bất lợi, mức độ thành công trong sự nghiệp hiện tại, nhóm người mà họ đang tương tác,…
 
Giảm thiểu hiệu ứng ánh đèn sân khấu
 
“Một cách hiệu quả để giảm thiểu tác động của hiệu ứng ánh đèn sân khấu là chúng ta chỉ cần biết về nó”, Alison Ledgerwood, giáo sư Tâm lý học tại Đại học California, Davis (Mỹ), nhận định.
 
Việc nhận thức được sự hiện diện của hiệu ứng ánh đèn sân khấu có thể giúp chúng ta bớt lo lắng hoặc bối rối trong các tình huống xã hội.
 
“Khi bạn biết về nó, bạn có thể bước vào cửa hàng tạp hóa với một kiểu tóc bù xù, là người duy nhất đeo khẩu trang, hoặc mua dưa chuột với số lượng lớn bất thường, bởi vì bạn biết rằng những người khác cũng đang phải đối phó với hiệu ứng ánh đèn sân khấu của riêng họ và không có nhiều thời gian để mắt đến bạn”, Ledgerwood cho biết.
 
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người xung quanh mà bạn gặp lần đầu có thể lãng quên bạn một cách nhanh chóng. Chúng ta thường dành hàng giờ để chọn trang phục phù hợp cho một sự kiện xã hội. Nhưng sự thật là bạn có thể mặc một chiếc áo sơ mi xấu, rời khỏi phòng và quay trở lại với một trang phục hoàn toàn khác, và nhiều khả năng chẳng ai nhận thấy điều này.
 
“Trong trường hợp bạn để ý thái quá đến suy nghĩ của người khác về bản thân mình, bạn có thể đang trải qua một tình trạng gọi là rối loạn lo âu xã hội. Bạn cần đến gặp các bác sĩ tâm lý để mổ xẻ và phân tích những suy nghĩ tiêu cực mà bạn đang gặp phải, cũng như tiến hành điều trị thông qua liệu pháp nhận thức – hành vi”, Myers nói.
 
Đối với những người mắc chứng lo âu xã hội, hiệu ứng ánh đèn sân khấu sẽ trở nên tồi tệ hơn so với người bình thường, ảnh hưởng đến khả năng làm việc hoặc cảm giác thoải mái của họ khi ở bên người khác. Ví dụ, nếu họ thức dậy muộn và đi làm với mái tóc rối bù xù, họ có thể tin rằng mọi người đang chú ý và thầm nghĩ xấu về mình. Từ đó, họ sẽ bị đỏ mặt hoặc thực hiện các hành vi để che giấu đồng nghiệp nhằm mục đích không bị chế giễu.
 
Nếu vẫn thất bại trong việc giảm thiểu tác động của hiệu ứng ánh đèn sân khấu, chúng ta chỉ cần ghi nhớ điều này: Ngay cả khi mọi thứ trở nên hoàn toàn tồi tệ thì nó vẫn luôn ẩn chứa mặt tích cực nào đó.
 
“Tôi cảm thấy thực sự hữu ích khi luôn nhớ rằng tương tác xã hội là một con đường hai chiều”, Ledgerwood chia sẻ. “Người khác có thể ảnh hưởng đến chúng ta, khiến chúng ta cảm thấy không thoải mái hoặc khó xử. Nhưng chúng ta cũng có thể gây ảnh hưởng đến người khác, khiến họ cảm thấy thoải mái và bớt khó xử hơn.”
 
“Việc đeo khẩu trang hoặc để kiểu tóc xấu có thể giải phóng người khác giúp họ cảm thấy thoải mái hơn khi đeo khẩu trang hoặc có kiểu tóc xấu tương tự, bởi vì giờ đây họ không còn cô đơn nữa”, Ledgerwood nói.
 
 
Quốc Hùng - Theo iflscience