Học cách giận dữ - cái giá của việc quá ngoan
Người ta thường cho rằng một trong những vấn đề lớn nhất của thế giới hiện nay là sự giận dữ quá mức.
Người ta thường cho rằng một trong những vấn đề lớn nhất của thế giới hiện nay là sự giận dữ quá mức. Ai cũng biết đến những người hay quát tháo, những kẻ la hét ầm ĩ với những cơn thịnh nộ khó kiểm soát, sự thiếu lý trí và không sẵn lòng thỏa hiệp. Và điều đáng lo là tình trạng này có vẻ sẽ ngày càng tệ hơn khi chúng ta bị cuốn vào vòng xoáy của những căng thẳng chính trị, công nghệ, môi trường, khiến thế giới ngày càng thiếu kiên nhẫn, thiếu bình yên và kém khoan dung hơn.
Nhưng có một góc nhìn khác, nghe có vẻ kỳ lạ nhưng lại thực tế hơn: rằng bên cạnh những người hay nổi đóa và ầm ĩ, có một vấn đề còn phổ biến hơn nhưng lại vô hình – đó là việc rất nhiều người không biết cách giận dữ, không biết làm sao để phàn nàn một cách đúng đắn và hiệu quả, không thể bộc lộ sự thất vọng của mình một cách trọn vẹn. Kết quả là, những cảm giác bất mãn bị nuốt ngược vào trong, âm ỉ như cơn sóng ngầm, dẫn đến sự cay đắng, những hành động vô thức, hoặc thậm chí là trạng thái trầm cảm kéo dài. Trong khi một người có thể hét lên quá lớn, thì có ít nhất hai mươi người khác đã lặng lẽ mất đi tiếng nói của mình một cách bất công.
Ở đây, chúng ta không cổ vũ cho cơn thịnh nộ vô lý, kiểu giận dữ gây tổn thương cho người vô tội và không dẫn đến đâu cả. Điều đáng bàn là khả năng biết lên tiếng khi cần – với sự điềm tĩnh và phẩm giá – để khẳng định rằng có điều gì đó không ổn, và những người xung quanh cần lắng nghe góc nhìn khác của chúng ta.
Thông thường, chúng ta không biết cách thể hiện sự giận dữ bởi những lý do rất đẹp đẽ: một niềm tin vào sự phức tạp của con người và tình huống, khiến ta không muốn tỏ ra tự cao hay phán xét. Ta tự nhủ rằng, trong các mối quan hệ hoặc ở nơi làm việc, chắc hẳn người khác phải có lý do chính đáng cho cách hành xử của họ, rằng họ thực ra là người tử tế, và sẽ thật xúc phạm nếu ta nêu lên vấn đề mà bản thân có lẽ cũng chưa hiểu hết.
Thói quen này thường bắt nguồn từ thời thơ ấu. Không phải đứa trẻ nào cũng được cha mẹ cho phép bộc lộ sự bất mãn. Có những bậc phụ huynh rất coi trọng việc nuôi dạy một “đứa trẻ ngoan”. Họ sớm cho đứa trẻ hiểu rằng những hành vi “nghịch ngợm” là không chấp nhận được, rằng trong gia đình này, trẻ con không được phép làm “mưa làm gió”. Những cảm xúc khó chịu, cơn giận dỗi hay những trận bùng phát đều bị cấm đoán. Điều này có thể đem lại sự ngoan ngoãn tạm thời, nhưng trớ trêu thay, việc trở thành một đứa trẻ “quá ngoan” thường là mầm mống của những cảm xúc tiêu cực, và thậm chí cả bệnh lý tâm thần khi trưởng thành.
Một đứa trẻ được yêu thương đúng mực cần có không gian để nói “không” với cha mẹ, để thỉnh thoảng hét lên, thậm chí ném một món đồ (dĩ nhiên là mềm). Những bậc phụ huynh thực sự trưởng thành sẽ đặt ra quy tắc nhưng cũng sẵn lòng để con mình phá vỡ chúng đôi lần. Nếu không, đứa trẻ sẽ dần trở nên trống rỗng từ bên trong, vì buộc phải quá ngoan từ quá sớm, không dám giữ lấy quan điểm của mình, và không thể phản kháng khi cần.
Khi trưởng thành, điều này có thể dẫn đến việc chúng ta bị lợi dụng trong các mối quan hệ – không nhất thiết là lạm dụng rõ rệt, nhưng là những sự coi thường, thiếu tôn trọng âm thầm, và cảm giác bị xem nhẹ. Ở nơi làm việc, việc luôn lịch sự, thấu cảm và nhẹ nhàng có thể khiến ta trở thành người bị người khác “dẫm đạp” mà không dám phản ứng.
Đôi khi, ta cần học lại nghệ thuật “phiền toái một cách lịch sự”. Nguy cơ của những người chưa từng hét lên là họ có thể tích tụ giận dữ và đến một lúc nào đó, bùng nổ thành tiếng gào thét. Nhưng điều đó không phải là mục tiêu. Cái ta cần là một sự phản đối chắc chắn nhưng điềm tĩnh, kiểu như:
- “Xin lỗi, nhưng anh đang khiến những ngày tháng còn lại của tôi trở nên tồi tệ.”
- “Tôi rất tiếc, nhưng chị đang lấy đi cơ hội hạnh phúc của tôi.”
- “Thành thật mà nói, tôi nghĩ như thế là đủ rồi…”
Chúng ta thường nghĩ nhiều về những chuyến du lịch, những hoạt động mới mẻ, hoặc học một ngôn ngữ khác. Nhưng có lẽ, một cuộc phiêu lưu thực sự nằm ngay trong lòng ta: ở lĩnh vực cảm xúc, và ở lòng dũng cảm để thử biểu lộ sự giận dữ một cách chừng mực. Có lẽ tối nay, sau bữa tối, ta có thể bắt đầu. Những lời đã viết sẵn trong đầu. Có lẽ có một người thân, một đồng nghiệp, một người bạn đời hoặc một đứa con chưa nghe đủ những điều cần nghe từ ta trong suốt thời gian qua. Và việc nói ra điều đó sẽ mang lại lợi ích to lớn cho nhịp tim, cho cảm xúc và thể chất của ta.
Những người nhút nhát thường sợ rằng sự giận dữ sẽ phá hủy mọi điều tốt đẹp. Họ quên mất – hoặc chưa từng được học – rằng giận dữ cũng có thể là một loại phân bón, từ đó nảy mầm những điều ít cay đắng hơn và sống động hơn.
Nguồn: LEARNING HOW TO BE ANGRY – The School Of Life