Hội chứng ái kỷ

hoi-chung-ai-ky

Trong thế giới khoa học hiện đại có nhiều người mang hội chứng ái kỷ. Những nhà khoa học ái kỷ rất thích dùng từ ngữ phức tạp, bí hiểm, làm như chỉ họ mới hiểu được.

Tôi đi tham vấn một bác sĩ. Trên danh thiếp và cửa văn phòng anh, một danh sách dài các loại bằng cấp ít thấy trong giới y khoa Australia

Đó là một bác sĩ chuyên khoa chừng 50 tuổi, nhìn họ và tên tôi đoán anh gốc Ả Rập. Trong cái phong cách vội vã, bận rộn, vị bác sĩ mời tôi vào ghế ngồi, câu đầu tiên anh hỏi rằng ai giới thiệu. Tôi nói một người bạn là bác sĩ C khuyên tôi đến gặp anh. Nhíu mày, anh nói "Bác sĩ C đâu phải chuyên khoa tim mạch". Tôi hơi khó chịu và trả lời: "Đúng vậy, chị ấy không phải chuyên khoa tim mạch, nên mới giới thiệu tôi gặp anh". Một cách vô cớ, anh nói bạn tôi không biết gì về chuyên khoa tim mạch. Tôi thầm nghĩ "ủa, sao nói xấu bạn tôi?". Rồi anh cho biết mình là giáo sư ở một nước Trung Đông, tự kết luận bằng câu "I am the best" (Tôi tài giỏi nhất). Anh nói rất tự nhiên, giả định rằng tôi là một bệnh nhân không biết gì về hệ thống khoa bảng trong y khoa.

Tôi chú ý anh nói nhanh, và cứ mỗi câu được kết thúc bằng "you understand?" (anh hiểu không) và "OK?" (biết không). Với trải nghiệm hơn 30 năm ở Australia, tôi thừa hiểu câu nói đó là một cách ăn hiếp ngầm nhằm hạ thấp người đối diện rằng họ kém khả năng nói và hiểu mình. Nghe một lần thì cũng chịu đựng được, nhưng nghe đến lần thứ năm thì quả là sự tra tấn và mất thì giờ.

Đến khi anh ta muốn tôi cởi áo để khám thì tôi tỏ thái độ dứt khoát. Tôi không đồng ý cho anh đụng vào người và cũng không chấp nhận để anh hỏi thông tin về tiền sử bệnh lý. Anh có vẻ sững sờ trước sự thản nhiên của tôi. Tôi giải thích rằng anh ta đã xúc phạm tôi khi hỏi "understand" và "OK" nhiều lần, đã tỏ ra thiếu tính chuyên nghiệp khi nói về người bạn tôi. Tôi nói rằng cuộc gặp mặt đến đây là chấm dứt.

Tôi nghĩ bác sĩ đó mắc hội chứng ái kỷ (narcissism, hay narcissistic personality disorder). Chữ "narcissim" xuất phát từ Narcissus, tên người thợ săn trong thần thoại Hi Lạp, vì quá yêu mình nên suốt ngày soi trên hồ nước để tự ngắm dung nhan. Hội chứng ái kỷ là một rối loạn tâm lý với những đặc điểm nổi bật như phô trương, ích kỷ, tự cảm thấy mình đặc biệt, chăm chút quyền lợi của mình và chỉ của mình. Người ái kỷ thường thể hiện sự tự tin thái quá, tự đánh giá mình quá cao, hám quyền, hám danh, thích được chú ý. Nói cách khác, người ái kỷ đặt nặng "trước và trên", tức là cái gì cũng muốn làm hơn, làm trước người khác chứ không muốn đi cùng người khác.

Bất cứ ai trong chúng ta cũng có một chút "liều lượng" của hội chứng này ở một thời điểm nào đó, có khi nó giúp ta đối phó với những tình huống khó khăn - có thể coi là ái kỷ lành mạnh. Nhưng nặng quá thì có thể trở thành bệnh chứng, cần điều trị. Theo kết quả của nhiều nghiên cứu khoa học, có khoảng 6 % dân số ở phương Tây mang hội chứng ái kỷ, khoảng 0,5 đến 1 % trong đó thuộc loại nặng, cần điều trị. Đa số - khoảng 75 % - người mang hội chứng ái kỷ là nam giới. Giới chính khách, khoa học, và nghệ sĩ có tỷ lệ ái kỷ cao hơn người thường.

Y khoa được xem là môi trường rất lý tưởng cho sự sinh sôi nẩy nở của hội chứng ái kỷ. Giáo sư Leanne Rowe từng viết một bài về hội chứng này trên tạp chí y khoa của Hiệp hội Y khoa Australia và được nhiều người chia sẻ. Bà cho rằng tình trạng ái kỷ trong y giới ảnh hưởng xấu đến việc chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân. Các nhà tâm lý học định nghĩa bác sĩ ái kỷ là những người tự xem mình đặc biệt, thông minh, quý phái. Ngay từ thời sinh viên, họ nghĩ mình có điểm cao nên phải là đặc biệt. Khi mới năm thứ 3, 4 họ có quyền được khám bệnh nhân - vốn ở vị thế bất lợi - nên càng thấy mình quan trọng. Khi ra trường, họ càng thấy mình quan trọng hơn vì có thể quyết định sinh mệnh của người khác. Theo thời gian, họ tự thấy mình là số một, là người ra lệnh, không ai hơn họ, không ai có thể cãi lại họ.

Dĩ nhiên không phải bác sĩ nào cũng suy nghĩ như vậy. Trong thực tế nhiều sinh viên y khoa và bác sĩ ra trường cũng biết được hạn chế của mình, họ hiểu rõ những gì học được mới là sơ khởi. Tuy nhiên, môi trường và mối quan hệ bất bình đẳng giữa bác sĩ và bệnh nhân thường biến họ thành những kẻ có nguy cơ cao mắc chứng ái kỷ. Do đó, bác sĩ ái kỷ thường có những biểu hiện như phách lối, tự cho mình hay nhất, cảm thấy mình được đặc quyền và đặc lợi, và muốn mình được ưu tiên hơn người khác. Họ thấy mình là những người "bề trên", ban ơn cho bệnh nhân chứ không thấy đó là nhiệm vụ và cung cấp dịch vụ. Họ hay xem thường bệnh nhân như những người dốt về khoa học. Có nhiều bác sĩ lúc nào cũng cảm thấy họ đúng, lúc nào cũng tỏ ra là người ra lệnh và bệnh nhân phải làm theo lệnh, không khi nào muốn bàn lợi và hại với bệnh nhân vì họ giả định rằng bệnh nhân chẳng hiểu gì.

Giáo sư Rowe cho rằng bác sĩ có chứng ái kỷ không chỉ làm tổn hại đến mối quan hệ giữa bác sĩ và người bệnh, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến công việc chăm sóc sức khoẻ. Một nghịch lý, người mắc chứng này tuy bề ngoài thì khoa trương, tự hào, nhưng bên trong lại hay yếu đuối và lúc nào cũng cảm thấy bấp bênh, thiếu an toàn. Họ không bao giờ chấp nhận mình sai, và thường đổ lỗi cho người khác. Trong môi trường y khoa, sai sót trong xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị xảy ra tương đối thường xuyên. Chỉ ở Mỹ, mỗi năm có hàng trăm ngàn bệnh nhân chết vì sai sót của giới y khoa, và những sai sót này có thể ngăn ngừa được. Nếu bác sĩ mắc chứng ái kỷ thì càng gây tác hại, không những thế còn làm cho mối quan hệ bác sĩ và bệnh nhân bị gãy đổ, như trường hợp của tôi ở trên.

Trong thế giới khoa học hiện đại có nhiều người mang hội chứng ái kỷ. Những nhà khoa học ái kỷ rất thích dùng từ ngữ phức tạp, bí hiểm, làm như chỉ họ mới hiểu được. Họ thậm chí sáng chế ra những từ hào nhoáng như một cách thức để tranh thủ sự ghi nhận của cộng đồng khoa học. Các nhà khoa học ái kỷ hay giới trí thức ái kỷ nói chung thường dùng những màn trình diễn khác lạ để thu hút sự chú ý của công chúng và quyến rũ những nhà khoa học ái kỷ khác, và sự hấp dẫn này có tác dụng phóng đại thành tựu của họ cao hơn thực tế. Do đó, Hội chứng này rất có hại cho khoa học.

Đó là chuyện bên trời Tây, nhưng Việt Nam có lẽ cũng không phải một ngoại lệ. Chắc chắn trong y giới và khoa học Việt Nam cũng có những người mang hội chứng này. Những phát biểu theo kiểu "Việt Nam là nhất", "không kém ai", "số một" về một kỹ thuật nào đó có thể bao hàm cả hội chứng ái kỷ. Có bác sĩ, thay vì trả lời thắc mắc của bệnh nhân thì lại hỏi "Chị là bác sĩ hay tôi là bác sĩ?" cũng là biểu hiện của hội chứng ái kỷ. Nhưng chưa ai biết hội chứng này gây tổn hại như thế nào đến nền y tế và người bệnh ở Việt Nam. Bao nhiêu phần trăm sự cố y khoa là do ái kỷ và bao nhiêu là do sai sót không thể tránh khỏi? Câu hỏi này rất cần được nghiên cứu.

Tác giả: Nguyễn Văn Tuấn

Giáo sư Y khoa, Đại học New South Wales

menu
menu