Hướng dẫn chia tay
Thông thường, trong lòng ta đã biết rõ điều mình muốn nói từ rất lâu.
Thông thường, trong lòng ta đã biết rõ điều mình muốn nói từ rất lâu. Cái khó không phải ở việc tìm ra từ ngữ, mà là chấp nhận rằng ta có quyền được nói ra những lời ấy. Nhưng dĩ nhiên, ta có quyền – không chỉ vì chính mình, mà còn quan trọng hơn, vì người kia.
Đây là cách một cuộc trò chuyện lý tưởng có thể diễn ra:
“Đây là thời điểm tồi tệ nhất, tôi biết. Có lẽ chẳng bao giờ có một thời điểm thích hợp để nói điều này cả.”
Chúng ta thường bị cám dỗ chờ đợi một thời điểm “thích hợp”: khi họ đã quen với công việc mới, sau sinh nhật của họ, lúc kỳ nghỉ vừa bắt đầu, hay khi họ có vẻ bất mãn với ta nhiều hơn. Nhưng trên thực tế, dù chọn ngày nào, sẽ chẳng bao giờ có một thời điểm thực sự phù hợp. Điều này sẽ làm họ đau đớn, bất kể là khi nào. Ta có thể sẽ phải phá hỏng kỳ nghỉ ở Thái Lan hay làm hỏng sinh nhật anh trai họ, nhưng đó là vì một sự giải thoát lớn lao và bền vững hơn.
“Mối quan hệ này với tôi giờ không còn phù hợp nữa.”
Sự tàn nhẫn lớn nhất không phải là nói ra điều này, mà là tiếp tục ở trong một mối quan hệ mà ta đã không còn tin tưởng. Ngay khi ta nhận ra cảm xúc thật của mình, nhiệm vụ tiên quyết là rút lui – để họ có cơ hội bắt đầu lại.
“Có lẽ có rất nhiều điều để nói, nhưng cũng chẳng còn ý nghĩa gì. Tôi không muốn làm tổn thương bạn, nhưng sự thật là như vậy.”
Ta thường bị thôi thúc giải thích lý do vì sao. Người kia có thể sẽ muốn biến cuộc trò chuyện thành một buổi “tham vấn”, hy vọng tháo gỡ lập luận của ta hoặc đảo ngược quyết định của ta. Nhưng điều này chỉ khiến cuộc chia tay trở thành một cuộc tranh cãi vụn vặt về những xung đột lâu nay, hoặc dẫn đến những lời cầu xin tuyệt vọng – buộc ta phải thẳng thừng hơn mức cần thiết. Nếu họ thực sự hiểu rõ vấn đề, hiểu đến tận cùng, thì đã chẳng cần phải chia tay.
“Tôi đã suy nghĩ rất kỹ. Tôi hoàn toàn chắc chắn. Tôi đang làm điều mà sâu thẳm trong lòng tôi biết là đúng.”
Kẻ thù lớn nhất ở đây là hy vọng – niềm tin rằng ta có thể đổi ý. Tỏ ra dịu dàng, dễ mủi lòng, không phải là điều tốt lúc này, vì nó dễ bị nhầm lẫn với tình cảm mà ta từng dành cho họ. Sẽ có nhiều người khác để họ tìm đến an ủi. Vai trò của ta không phải là trở nên đáng yêu, mà là trở thành một điều họ có thể dễ dàng quên đi – và điều này đồng nghĩa với việc ta phải trở thành một kẻ “không tốt”.
“Có lẽ tốt nhất là chúng ta không nên liên lạc với nhau một thời gian.”
Sự lạnh lùng, thậm chí cố tình vô tâm, trong hoàn cảnh này lại là một món quà. Nó giúp họ nhìn ta như một kẻ đáng ghét – và như vậy sẽ dễ dàng vượt qua hơn. Sự tử tế thực sự ở đây là dám để người kia ghét bỏ mình. Một người “tử tế” khi chia tay không phải là người đưa ra những lời lẽ dài dòng, nhạy cảm, rồi òa khóc trên đường rời đi. Đó là người đủ dũng cảm để chấp nhận bị căm ghét bởi người mà ta đã làm tổn thương sâu sắc. Bất kỳ lời giải thích nào, nếu có, nên ngắn gọn nhất có thể.
“Không ai có lỗi cả. Cuối cùng, cả hai chúng ta đều tốt hơn nhiều so với con người mà mình đã trở thành trong mối quan hệ này. Cả hai đều xứng đáng với những điều tốt đẹp hơn. Một ngày nào đó, có lẽ nhiều năm sau, bạn sẽ đồng ý với tôi.”
Cố gắng làm bạn hay trở thành chỗ dựa tinh thần không phải là lựa chọn dành cho những người từng thực sự yêu nhau.
“Taxi đang đợi tôi dưới nhà. Tạm biệt.”
Nguồn: A GUIDE TO BREAKING UP – The School Of Life