Hướng dẫn tối ưu về các giá trị cá nhân

huong-dan-toi-uu-ve-cac-gia-tri-ca-nhan

Những giá trị có được và mất đi thông qua những trải nghiệm trong cuộc sống. Chứ không phải thông qua lý luận hoặc cảm xúc hay thậm chí niềm tin.

Những năm vừa qua, tôi đã nảy ra ý tưởng cho một bài viết châm biếm về chủ đề self-help có tựa đề, “Những bí mật cho năng suất làm việc phi thường của Adolf Hitler.” Bài viết này sẽ đề cập đến mọi vấn đề self-help phổ biến—như các mục tiêu, sự mường tượng, những thói quen vào buổi sáng—ngoại trừ việc thể hiện thông qua khai thác câu chuyện của Hitler.

“Hitler bắt đầu một ngày vào lúc 5 giờ sáng với một bài tập yoga nhanh và năm phút viết nhật ký, ông ta có thể chú tâm vào những mục tiêu đầy tham vọng của mình.”

“Hitler đã khám phá ra mục đích sống của mình trong một quán bia ở độ tuổi 20 và kể từ đó không ngừng theo đuổi nó, do đó đã truyền đam mê cho cuộc đời ông ta và truyền cảm hứng cho hàng triệu người khác giống như ông ta.”

 “Adolf là người theo chế độ ăn chay nghiêm ngặt, và đảm bảo tìm được thời gian rảnh trong lịch trình bận rộn đi diệt chủng và thống trị thế giới của ông ta, để khám phá khía cạnh sáng tạo của bản thân: ông ta dành ra vài giờ mỗi tuần để nghe nhạc opera và vẽ những phong cảnh yêu thích của mình.”

Tôi biết rằng bài viết này tức cười. Nhưng vì tôi là một thằng khốn bệnh hoạn. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn chưa tìm thấy can đảm để viết ra, vì những lý do này.

Tôi làm điều này đủ lâu để biết rằng a) một đám người sẽ bị xúc phạm và dốc hết sức để phá hoại một tuần của tôi bằng những email làm phiền và những ý kiến trên truyền thông xã hội, b) sự châm biếm sẽ đụng chạm một số người và họ sẽ tưởng tôi thực sự là một tên phát xít, và c) một số bài viết kinh khủng ở đâu đó sẽ giật tít, “Tác giả có sách bán chạy tự nhận mình là một tay phát xít thế hệ mới” hay những câu ngớ ngẩn đại loại vậy và sự nghiệp của tôi sẽ chấm hết.

Vậy nên tôi không bao giờ viết bài này. Cứ việc gọi tôi là đồ hèn nhát. Nhưng mọi chuyện là thế.

Nhưng điều đó khiến tôi hơi khó chịu vì tôi cho rằng việc chế nhạo năng suất làm việc không tưởng của Hitler và sức ảnh hưởng của ông ta thể hiện một vấn đề mà từ lâu tôi đã nói về thế giới self-help: đạt được thành công trong cuộc sống hầu như không quan trọng bằng định nghĩa về sự thành công của chúng ta. Nếu định nghĩa của chúng ta về thành công kinh khủng kiểu như thống trị thế giới và tàn sát hàng triệu người thì khi ấy, làm việc chăm chỉ hơn, đặt ra mục tiêu và đạt được nó, và tự kỷ luật tâm trí chúng ta, tất thảy đều trở thành điều tệ hại.

Nếu bạn loại bỏ những nỗi kinh hoàng về đạo đức khỏi Hitler, thì trên giấy tờ, ông ta là một trong những người tự thân thành đạt nhất trong lịch sử thế giới. Ông ta xuất phát điểm từ một nghệ sỹ bần cùng, thất bại để trở thành nhà chỉ huy của cả đất nước và quân đội hùng mạnh nhất thế giới trong hai thập kỳ. Ông ta huy động và truyền cảm hứng cho hàng triệu người. Ông ta làm việc không biết mệt mỏi, khôn ngoan và tập trung cao độ cho các mục tiêu của mình. Ông ta được cho là có ảnh hưởng đến lịch sự thế giới như bao người khác (từng sống).

Nhưng tất cả những nỗ lực đó lại hướng đến những mục tiêu điên rồ, hủy hoại. Và hàng chục triệu người đã chết vì những giá trị sai lầm của ông ta.

Vì thế mà bạn không thể nói đến chuyện cải thiện-bản thân mà không nói về các giá trị. Chỉ đơn giản là “trưởng thành” và trở thành một “con người tốt hơn” là chưa đủ. Bạn cần phải cắt nghĩa thế nào là một người tốt hơn. Bạn phải xác định phương hướng mà bạn muốn phát triển. Vì nếu không, chà, tất cả chúng ta sẽ làm hỏng chuyện.

Rất nhiều người không nhận ra điều này. Quá nhiều người chỉ ám ảnh với việc trở nên hạnh phúc và cần phải có được cảm giác tích cực mọi lúc mọi nơi—mà chẳng hề hay biết rằng nếu những giá trị sống của họ dở tệ thì cảm giác tích cực sẽ làm hại cho họ nhiều hơn là giúp họ.

Nếu giá trị lớn nhất của bạn trên đời là hít Vicodin bằng một cái ống hút thì khi ấy, cảm thấy tốt hơn chỉ làm đời bạn tệ đi mà thôi.

Khi tôi viết cuốn sách The Subtle Art of Not Giving a F*ck, gần như toàn bộ nội dung cuốn sách chỉ là một cách âm thầm để giúp mọi người suy nghĩ rõ ràng hơn về các giá trị của họ. Có cả triệu cuốn sách self-help ngoài kia dạy bạn cách đạt được những mục tiêu của mình tốt hơn, nhưng thực tế thì ít ai đặt câu hỏi bạn nên có những mục tiêu gì ngay từ đầu. Mục tiêu của tôi là viết một cuốn sách nhằm đạt được điều đó.

Trong sách, tôi cố tình tránh đi quá sâu vào việc định nghĩa thế nào là những giá trị tốt/xấu- chúng trông ra sao, và tại sao chúng hiệu quả hoặc không có hiệu quả - một phần bởi vì tôi không muốn áp đặt những giá trị của riêng tôi lên người đọc. Sau rốt, toàn bộ vấn đề của giá trị của bạn đó là bạn tự mình chọn lấy chúng, chứ không phải vì cái anh chàng với bìa sách màu cam đáng ghét đã nói với bạn. Nhưng nếu tôi thành thật thì tôi cũng không bàn quá sâu vào việc định nghĩa các giá trị, vì nó là một chủ đề cực khó viết.

Vì vậy, bài viết này là nỗ lực làm điều đó của tôi. Để nói về các giá trị. Và không chỉ đề cập đến chúng là gì, mà còn tại sao chúng là thế. Tại sao chúng ta lại xem một điều gì đó là quan trọng, hậu quả của nó là gì, và làm sao chúng ta có thể thay đổi điều mà chúng ta cho là quan trọng. Đây không phải là một chủ đề đơn giản. Và bài viết này khá dài. Đủ để tôi ba hoa chém gió, ta tiếp tục nào.

NHỮNG GIÁ TRỊ CÁ NHÂN CỦA BẠN LÀ GÌ?

Từng giây từng phút từng ngày, dù bạn có nhận ra hay không, bạn đang đưa ra một quyết định về cách sử dụng thì giờ của bạn, bạn sẽ chú ý đến thứ gì, hướng năng lượng của bạn đến chỗ nào.

Ngay lúc này, bạn đang chọn đọc bài viết này. Có vô vàn thứ mà bạn có thể làm, nhưng ngay bây giờ, bạn đang chọn ở đây. Có thể trong một phút tới, bạn quyết định rằng cần đi tiểu. Hoặc có thể ai đó nhắn tin cho bạn và bạn dừng đọc. Khi những điều đó xảy ra, bạn đang đưa ra một quyết định đơn giản, mang đầy-giá trị: điện thoại (hoặc toilet) của bạn có giá trị với bạn hơn là bài viết này. Và hành vi của bạn sẽ đi theo cái giá trị đó.

Các giá trị của chúng ta liên tục được phản ánh trong cách hành xử mà chúng ta lựa chọn.

Điều này cực kỳ quan trọng—vì chúng ta đều có vài thứ mà chúng ta nghĩ và nói rằng mình đề cao nó, nhưng các hành động của chúng ta chưa bao giờ ủng hộ chúng. Tôi có thể bảo với mọi người (và bản thân mình) cho tới khô nước miếng rằng tôi quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu hay những nguy hiểm của truyền thông xã hội, nhưng nếu ngày qua ngày tôi cứ lái xe chạy khắp nơi bằng chiếc xe SUV ngốn nhiều xăng, liên tục cập nhật bảng tin facebook của mình, thì khi ấy hành vi của tôi đang kể một câu chuyện khác.

Hành động không biết nói dối. Chúng ta tin rằng ta muốn có công việc đó, nhưng khi có chuyện tồi tệ xảy ra, chúng ta luôn cảm thấy nhẹ nhõm khi chẳng có ai gọi lại cho chúng ta, để ta có thể trốn vào trò chơi điện tử của mình. Chúng ta nói với bạn gái mình rằng ta thực sự mong gặp nàng, nhưng ngay khi đám chiến hữu của chúng ta gọi, lịch trình của ta như có phép lạ nới rộng ra giống như Moses rẽ nước Biển Đỏ.

Nhiều người trong chúng ta tuyên bố về những giá trị chúng ta muốn có, như một cách để che đậy những giá trị mà thực tế chúng ta đang có. Bằng cách này, khát vọng thường trở thành một hình thức khác của sự né tránh. Thay vì đối diện với con người chúng ta thực sự đang là, chúng ta đánh mất bản thân trong con người mà ta mơ ước trở thành.

Nói cách khác: chúng ta dối mình vì ta không thích một vài giá trị của mình, và do đó chúng ta không thích một phần của bản thân minh. Chúng ta không muốn thừa nhận rằng ta đang có những giá trị nào đó, và rằng ta ước mình có những giá trị khác cơ, và chính sự khác biệt giữa tự nhận thức bản thân và thực tế này thường khiến ta gặp phải đủ mọi rắc rối.

Là bởi vì những giá trị của chúng ta là sự mở rộng của bản thân chúng ta. Chúng định nghĩa ta là ai. Khi một chuyện tốt đẹp xảy đến với điều gì đó hay ai đó mà bạn coi trọng thì bạn sẽ cảm thấy sung sướng. Khi mẹ bạn mua được chiếc xe hơi mới hoặc chồng bạn được tăng lương hay đội bóng bạn yêu thích giành chức vô đích, bạn cảm thấy vui - như thể những điều ấy xảy đến với bạn. Điều ngược lại cũng đúng. Nếu bạn không coi trọng thứ gì đó thì bạn sẽ thấy mừng khi điều tệ hại xảy ra với nó. Thiên hạ xuống đường ăn mừng khi Osama Bin Laden bị giết. Mọi người mở tiệc bên ngoài nhà tù nơi tay sát nhân hàng loạt Ted Bundy bị xử tử. Tiêu diệt một kẻ bị xem là ác quỷ có cảm giác giống như một chiến thắng đạo đức vĩ đại trong trái tim hàng triệu người.1

Vì thế mà khi chúng ta mất kết nối với các giá trị của mình—chúng ta coi trọng việc chơi điện tử suốt ngày suốt đêm nhưng lại tin rằng mình đề cao tham vọng và sự nỗ lực chăm chỉ—niềm tin và quan điểm của chúng ta mất kết nối với hành động và cảm xúc của ta. Và để bắc cầu cho sự chia cắt đó, chúng ta phải sống hoang tưởng về bản thân mình và về thế giới. 2,3

TẠI SAO NGƯỜI GHÉT BẢN THÂN LẠI GÂY TỔN THƯƠNG CHO CHÍNH HỌ

Cũng giống như trong cuộc sống, chúng ta hoặc là đề cao, hoặc là đánh giá thấp điều gì đó, chúng ta có thể đề cao hoặc hạ thấp giá trị bản thân. Và giống như cách thiên hạ mở tiệc ăn mừng khi Ted Bundy bị hành hình, nếu chúng ta ghét bản thân nhiều như mọi người ghét Ted Bundy, thì khi ấy ta sẽ ăn mừng sự hủy hoại bản thân của chúng ta.

Đây là điều mà những người không ghét bản thân thấy khó hiểu về những người tự làm hại mình: hành vi tự hại bản thân khiến họ cảm thấy tốt theo một số cách thức sâu sắc, đen tối. Người ghê tởm bản thân cảm thấy họ là người hạ đẳng về đạo đức, rằng họ đáng nhận lãnh một vài chuyện kinh khủng để bù đắp cho sự tồi tệ của họ. Và cho dù là thông qua rượu bia, ma túy hay hành vi tự hại mình hoặc thậm chí làm hại người khác, một phần xấu xí bên trong họ đang tìm kiếm sự hủy hoại này để biện minh cho mọi đau đớn và bất hạnh mà họ đang chịu đựng.

Phần lớn công việc của phong trào lòng tự trọng (self-esteem) ở thập niên 70 và 80 là đưa con người từ chỗ căm ghét-bản thân sang biết thương lấy mình. Những người yêu thương bản thân thì chẳng vui sướng gì khi làm hại chính mình. Nói đúng hơn là, họ thấy mãn nguyện khi chăm sóc và cải thiện bản thân.

Tình yêu dành cho bản thân này rất quan trọng.4 Nhưng tự nó vẫn là chưa đủ. Vì nếu chúng ta chỉ yêu mỗi bản thân thì khi ấy ta sẽ trở thành những thằng mặt l* chỉ biết có mình và thờ ơ trước những khổ đau hay vấn đề của người khác.

Cuối cùng, ai ai cũng đều cần coi trọng bản thân nhưng cũng cần một thứ gì đó cao hơn bản thân chúng ta.5 Dù đó là Chúa hay Thánh Ala hay một số quy tắc đạo đức hoặc lý do, chúng ta cần đề cao một điều gì đó trên cả bản thân mình để làm cuộc đời chúng ta có ý nghĩa.

Bởi vì nếu bạn biến mình thành giá trị cao nhất trong cuộc sống của bạn thì khi ấy bạn sẽ chẳng bao giờ có khao khát hy sinh vì bất cứ điều gì, và cuộc sống sẽ thấy vô mục đích và chỉ biết chạy theo hết thú vui này đến thú vui khác.6,7 Nói cách khác, bạn trở thành một tên ái kỷ xấu xa… và sau đó được bầu làm tổng thống.

Và không ai muốn thế…

BẠN LÀ NHỮNG THỨ MÀ BẠN ĐỀ CAO

Chúng ta đều nghe kể câu chuyện về một người học thức, thuộc tầng lớp trung lưu đang có một công việc đàng hoàng, với một chút “lập dị” và quyết định dành một tuần hoặc mười ngày (hay mười tháng) và cắt đứt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài để tìm đến một chốn xa xôi ít ai biết trên trái đất, và bắt đầu công cuộc “tìm kiếm bản thân”.

Chết tiệt, đây có thể từng là bạn vào một thời điểm nào đó. Tôi biết vì tôi cũng từng như vậy trong quá khứ.

Đây là điều mà mọi người muốn nói khi họ bảo rằng họ cần đi “tìm kiếm bản thân”: họ đang tìm những giá trị mới. Bản sắc của chúng ta—tức là, điều mà chúng ta nhận thức và hiểu về “cái tôi”—là tập hợp những điều chúng ta coi trọng. Vì vậy khi bạn bỏ đi đến một nơi nào đó để được ở một mình, việc mà bạn thực sự đang làm đó là bỏ trốn đến một nơi để đánh giá lại những giá trị của bạn.

Đây là cách nó thường diễn ra:

  • Bạn đang phải chịu một áp lực và/hoặc căng thăng lớn trong cuộc sống hằng ngày.
  • Do áp lực và/hoặc căng thẳng, bạn cảm thấy như mình đang đánh mất sự kiểm soát hướng đi cuộc đời bạn. Bạn không biết mình đang làm gì hoặc tại sao bạn làm việc đó. Bạn bắt đầu có cảm giác như thể những khao khát hoặc quyết định của bạn không còn quan trọng nữa. Có thể bạn muốn uống mojitos (đồ uống nổi tiếng có xuất xứ từ Cuba) và chơi banjo—nhưng bị choáng ngợp trước quá nhiều trách nhiệm của việc học/công việc/gia đình/bạn đời khiến bạn cảm thấy mình không thể thỏa mãn những ham muốn đó.
  • Đây là “cái tôi” mà bạn cảm thấy mình đã “đánh mất”—một cảm giác rằng bạn không còn là thuyền trưởng điều hướng con tàu cuộc đời của mình. Thay vào đó, bạn bị thổi nghiêng qua ngả lại giữa biển đời bởi những cơn gió mang tên trách nhiệm—hay một vài phép ẩn dụ nghe chừng sâu sắc khác.
  • Bằng cách tách những áp lực và/hoặc căng thẳng đó khỏi bản thân, bạn có thể phục hồi lại cảm giác kiểm soát bản thân. Bạn, một lần nữa, chịu trách nhiệm cho sự tồn tại hằng ngày của bạn mà không có sự can thiệp của hàng triệu áp lực bên ngoài.
  • Không những vậy, bằng cách tách khỏi những cuồng loạn trong cuộc sống hằng ngày của bạn, bạn có thể nhìn vào những thứ hỗn loạn đó từ xa và có được góc nhìn về việc liệu bạn có thực sự muốn cuộc đời mà bạn đang có. Đây có phải là con người của bạn không? Đây có phải là điều bạn quan tâm? Bạn đặt câu hỏi cho các quyết định và những điều ưu tiên của bạn.
  • Bạn quyết định rằng bạn muốn thay đổi một vài thứ. Có những thứ bạn tin rằng bạn đang quan tâm quá nhiều và bạn muốn dừng lại. Có những điều khác bạn cảm thấy nên quan tâm đến chúng nhiều hơn và tự hứa sẽ dành ưu tiên cho chúng. Bây giờ bạn đang tạo dựng “con người mới của bạn.”
  • Sau đó bạn nguyện quay lại với “thế giới thực” và thực hiện các ưu tiên mới của bạn, trở thành “cái tôi mới” của bạn—đặc biệt vì giờ đây bạn đang có một làn da rám nắng.

Toàn bộ quá trình này—cho dù được tiến hành trên một hòn đảo hẻo lánh, một con tàu du lịch, đâu đó trong rừng, hay tại một hội thảo self-help ồn ào—về cơ bản chỉ là một chuyến phiêu lưu trong việc điều chỉnh các giá trị của bản thân.

Bạn ra đi, thấu được những điều quan trọng với mình trong cuộc sống, thứ gì nên được ưu tiên hơn, thứ gì nên bớt coi trọng và sau đó quay về và bắt tay vào làm. Bằng cách quay lại và thay đổi những điều ưu tiên của bạn, bạn thay đổi những giá trị của mình và bạn tái xuất với “một con người mới.”

Các giá trị là thành phần cơ bản của bản chất tâm lý và bản sắc của chúng ta.8 Chúng ta được định nghĩa bởi những gì ta chọn xem là quan trọng trong cuộc đời mình. Chúng ta được định nghĩa bởi những điều mà mình ưu tiên. Nếu tiền bạc quan trọng hơn bất cứ thứ gì thì khi ấy tiền sẽ định nghĩa chúng ta là ai. Nếu chuyện làm tình và hút J’s là thứ quan trọng nhất đời ta, thì nó sẽ định nghĩa ta là ai. Và nếu chúng ta cảm thấy con người mình chán kinh khủng và tin rằng ta không xứng với tình yêu, sự thành công hoặc thân mật thì khi ấy nó cũng sẽ định nghĩa về con người chúng ta—thông qua các hành động, lời nói và quyết định của chúng ta.

Bất cứ thay đổi nào về bản thân chính là một sự thay đổi trong cấu trúc các giá trị của chúng ta. Khi chuyện bi kịch xảy đến, nó tàn phá chúng ta không chỉ vì chúng ta cảm thấy buồn bã mà vì chúng ta đã mất đi thứ gì đó mình coi trọng. Và khi chúng ta mất mát đủ điều mình đề cao, thì chúng ta bắt đầu chất vấn cái giá trị đó. Chúng ta coi trọng người bạn đời của mình và giờ thì họ đã bỏ ta. Và ta suy sụp. Điều đó đặt nghi vấn về con người chúng ta, giá trị của chúng ta như một con người, và những gì chúng ta hiểu về thế giới. Nó ném chúng ta vào một cuộc khủng hoảng hiện sinh, một sự khủng hoảng về bản sắc (identity crisis), vì chúng ta không biết nên tin vào điều gì, nên cảm nhận ra sao hay nên làm chuyện gì.

Vì vậy, thay vào đó chúng ta ngồi ở nhà với cô bạn gái mới của mình, biệt danh là một túi bánh Oreos.

Sự thay đổi về bản sắc này cũng đúng cho cả những sự kiện tích cực. Khi một điều tuyệt vời xảy ra, chúng ta không chỉ trải nghiệm niềm vui của chiến thắng hay đạt được một số mục tiêu, mà chúng ta cũng trải qua một sự thay đổi trong cách đánh giá về bản thân mình—chúng ta xem bản thân có giá trị hơn, xứng đáng hơn. Ý nghĩa được thêm vào thế giới. Cuộc sống của chúng ta rung động với cường độ mãnh liệt hơn. Và điều đó là rất mạnh mẽ.

TẠI SAO MỘT SỐ GIÁ TRỊ CÁ NHÂN LẠI TỐT HƠN NHỮNG GIÁ TRỊ KHÁC

Trước khi chúng ta tìm hiểu chính xác làm thế nào để thay đổi các giá trị cá nhân của mình, hãy cùng thảo luận xem những giá trị nào là lành mạnh và những giá trị nào thì độc hại. Trong cuốn sách của tôi, The Subtle Art of Not Giving a F*ck, tôi đã định nghĩa các giá trị tốt và xấu như sau:

Những giá trị tốt là:

  1. Dựa trên bằng chứng
  2. Có tính xây dựng
  3. Có thể kiểm soát được

Những giá trị xấu là:

  1. Dựa trên cảm xúc
  2. Có tính hủy hoại
  3. Không kiểm soát được

NHỮNG GIÁ TRỊ DỰA TRÊN BẰNG CHỨNG VS. NHỮNG GIÁ TRỊ DỰA TRÊN CẢM XÚC

Nếu bạn đã theo dõi trang web này trong năm năm qua thì bạn sẽ nhận thấy một chủ đề kiên định: quá dựa vào những cảm xúc của chúng ta là không đáng tin cậy nhất và gây tổn hại nặng nề nhất.9 Không may thay, đa số chúng ta dựa quá nhiều vào cảm xúc của mình mà chẳng hề hay biết.

Các nghiên cứu tâm lý cho thấy đa số chúng ta thường xuyên đưa ra quyết định và được truyền cảm hứng hành động thông qua những cảm xúc của mình,10,11 thay vì dựa trên kiến thức hoặc thông tin. Nghiên cứu tâm lý cũng cho thấy cảm xúc của chúng ta nhìn chung là vị kỷ,13 sẵn sàng từ bỏ những lợi ích lâu dài để có được những mối lợi trước mắt,14 và thường lệch lạc và/hoặc ảo tưởng.15

Những người để cảm xúc dẫn dắt cuộc sống của họ sẽ thấy bản thân cứ mãi chạy trên máy chạy bộ, liên tục cần nhiều hơn nữa, nữa, nữa. Và cách duy nhất để bước ra khỏi guồng quay đó là quyết định một thứ gì đó còn quan trọng hơn cả những cảm xúc của bạn—đó là một số lý do, một số mục tiêu, một số người, đôi khi đáng để chịu tổn thương vì chúng. 

“Cái lý do” đó thường là thứ mà chúng ta xem như “mục đích sống” của mình và thấy nó là một trong những nỗ lực quan trọng nhất chúng ta có thể thực hiện để nâng cao sức khỏe và hạnh phúc của mình. Nhưng mục đích của chúng ta không nên được tìm kiếm chỉ đơn thuần thông qua cảm giác tốt đẹp, vui sướng. Nó phải được xem xét và suy tính. Chúng ta phải thu thập bằng chứng ủng hộ cho nó. Bằng không, chúng ta sẽ phí hoài cả đời để chạy theo một ảo ảnh.

NHỮNG GIÁ TRỊ CÓ TÍNH XÂY DỰNG VS. NHỮNG GIÁ TRỊ CÓ TÍNH HỦY HOẠI

Điều này nghe thì đơn giản, nhưng sẽ bắt đầu làm đầu óc bạn rối loạn nếu bạn nghĩ về nó đủ nhiều.

Chúng ta không muốn đề cao những thứ có hại cho bản thân và những người khác. Chúng ta muốn đề cao những thứ làm bản thân mình và người khác phát triển.

Đúng.

Bây giờ, việc xác định xem điều gì thực sự thúc đẩy sự phát triển và điều gì thực tế gây hại cho chúng ta có thể trở nên phức tạp.

Tập gập mông tại phòng gym về mặt kỹ thuật gây hại cho cơ thể bạn—nhưng nó cũng giúp bạn khỏe mạnh hơn. Dùng thuốc lắc MDMA có thể tăng sự phát triển về cảm xúc của chúng ta trong một số trường hợp,16,17 nhưng nếu bạn cứ dùng nó mỗi cuối tuần để làm bản thân tê liệt, thì bạn có lẽ đang làm hại cảm xúc của bạn nhiều hơn là điều tốt lành. Tình một đêm có thể là một phương tiện để nâng cao lòng tự tin bản thân nhưng cũng là phương tiện để tránh né sự thân mật hoặc trưởng thành về cảm xúc.

Có một ranh giới không rõ nét giữa phát triển và gây hại. Và chúng thường xuất hiện dưới dạng hai mặt của cùng một đồng tiền. Đây là lý do tại sao những điều bạn đánh giá cao thường không quan trọng bằng lý do tại sao bạn đề cao nó. Nếu bạn coi trọng võ thuật vì bạn thích gây tổn thương cho người khác thì đấy là một giá trị xấu. Nhưng nếu bạn đề cao nó vì bạn đang là quân nhân và muốn học cách bảo vệ bản thân và người khác – thì đó là một giá trị tốt. Sau cùng, chính ý định mới là quan trọng nhất.

NHỮNG GIÁ TRỊ KIỂM SOÁT ĐƯỢC VS NHỮNG GIÁ TRỊ KHÔNG THỂ KIỂM SOÁT

Khi bạn coi trọng những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn thì về cơ bản bạn đang từ bỏ cuộc đời mình cho thứ đó.

Ví dụ kinh điển nhất cho điều này là tiền bạc. Vâng, bạn kiểm soát được đôi chút về số tiền bạn làm ra, nhưng không thể kiểm soát được hoàn toàn. Nền kinh tế sụp đổ, các công ty phá sản, toàn bộ các ngành nghề được tự động hóa bởi công nghệ. Nếu tất cả mọi thứ bạn làm chỉ vì tiền, và sau đó bi kịch giáng xuống và toàn bộ tiền bạc bị các hóa đơn bệnh viện nuốt hết, thứ bạn mất còn nhiều hơn cả mất một người thân yêu—cũng như bạn sẽ đánh mất mục đích sống của mình.

Tiền bạc là một giá trị xấu vì bạn không phải lúc nào cũng kiểm soát được nó. Tính sáng tạo hay cần cù hay đạo đức làm việc là những giá trị tốt mà bạn CÓ THỂ kiểm soát được chúng- và trau dồi chúng sẽ giúp bạn kiếm được nhiều tiền hơn như một tác dụng phụ.

Chúng ta cần những giá trị mà mình có thể kiểm soát được, nếu không các giá trị của chúng ta sẽ kiểm soát ta.

Một số ví dụ về những giá trị tốt, lành mạnh: tính trung thực, xây dựng một cái gì đó mới, tính dễ bị tổn thương, tự bảo vệ bản thân, đứng lên bệnh vực cho người khác, tôn trọng bản thân, óc tò mò, từ thiện, khiêm tốn, sáng tạo.

Một số ví dụ về những giá trị xấu, không lành mạnh: thống trị người khác bằng cách thao túng hoặc vũ lực, quan hệ tình dục với nhiều đàn ông/phụ nữ, lúc nào cũng cảm thấy tốt, vui vẻ, luôn luôn là trung tâm của sự chú ý, không bao giờ cô độc, được tất cả mọi người yêu thích, muốn giàu có chỉ vì lợi ích của giàu sang, hiến tế những động vật nhỏ cho thần linh.

CÁCH LÀM MỚI LẠI BẢN THÂN

Dưới đây có lẽ là một trong những bài nói chuyện TED truyền cảm hứng nhất mà tôi từng xem. Nó không có nhiều ý tưởng gây bất ngờ. Bạn sẽ không chụp giựt được thứ gì đó mà bạn có thể ngay lập tức triển khai và bổ sung vào cuộc đời mình. Anh chàng này thậm chí còn không phải là một diễn giả giỏi.

Nhưng điều anh ấy mô tả thì thật sâu sắc:

Daryl Davis là một nhạc sỹ da đen người đã đi lưu diễn và chơi các show nhạc blue trên khắp miền nam nước Mĩ. Trong sự nghiệp của mình, anh ấy không tránh khỏi đụng độ những người theo chủ nghĩa da trắng ưu việt. Và thay vì chống lại họ hoặc tranh cãi với họ, anh chọn làm một điều không ai ngờ: anh ta kết bạn với họ.

Điều này nghe có vẻ điên rồ. Và có lẽ thế thật. Nhưng đây còn là điều điên rồ hơn: anh ấy đã thuyết phục hơn 200 thành viên KKK từ bỏ áo choàng của họ.

Đây là điều mà đa phần mọi người không biết về sự thay đổi giá trị: bạn không thể tranh luận với ai đó về những giá trị của họ. Bạn có thể làm họ thấy xấu hổ bằng cách đề cao một điều gì đó khác (thực tế việc làm họ thấy xấu hổ thường phản tác dụng – họ tăng gấp đôi cái giá trị đó).

Không, việc thay đổi giá trị thì tinh tế hơn nhiều. Và có thể mọi người chưa nhận ra, Daryl Davis dường như là bậc thầy về điều này.

BƯỚC 1: GIÁ TRỊ PHẢI THẤT BẠI.

Davis bằng trực giác nắm bắt được một điều mà đa số chúng ta không hiểu: các giá trị dựa trên kinh nghiệm. Bạn không thể tranh luận với người khác về các giá trị của họ. Bạn cũng không thể đe dọa họ từ bỏ những niềm tin đã bám rễ sâu trong họ. Điều đó chỉ khiến họ phòng thủ và chống lại việc thay đổi bản thân nhiều hơn. Thay vào đó, bạn nên tiếp cận họ bằng sự thấu cảm.

Cách duy nhất để thay đổi các giá trị của một người là cho họ thấy một kinh nghiệm trái ngược với giá trị của họ. Các thành viên KKK giữ các giá trị phân biệt chủng tộc sâu sắc và thay vì tấn công họ và tiếp cận họ như một kẻ thù—theo cách sẽ khiến các giá trị của họ dội ngược lại họ—Davis chọn tiếp cận với họ theo cách hoàn toàn ngược lại: như một người bạn. Và chính sự thân thiện và tôn trọng đó đã khiến các thành viên KKK đặt nghi vấn về mọi thứ họ biết.

Để từ bỏ một giá trị, nó phải được phủ nhận thông qua kinh nghiệm. Đôi khi sự phủ nhận này xảy ra bằng cách xem xét những hậu quả logic của giá trị. Tiệc tùng quá nhiều cuối cùng sẽ làm cuộc đời có cảm giác trống rỗng và vô nghĩa. Theo đuổi tiền bạc quá nhiều cuối cùng gây ra căng thẳng và sự tha hóa. Quan hệ tình dục quá mức làm bạn làm đùi bạn bị phồng giộp ...

Những lần khác, một giá trị bị phủ nhận bởi thế giới thực. Nhiều thành viên KKK đã gặp Davis chưa từng quen biết một người da đen, huống chi là tôn trọng một người da đen. Vì vậy anh đơn giản chỉ gặp họ và khiến bọn họ tôn trọng.

BƯỚC 2: CHÚNG TA PHẢI TỰ Ý THỨC ĐỂ NHẬN RA NHỮNG GIÁ TRỊ CỦA MÌNH ĐÃ THẤT BẠI.

Thật kinh khủng khi các giá trị của chúng ta thất bại. Sẽ diễn ra một quá trình thương tiếc, buồn đau. Vì các giá trị của chúng ta cấu thành bản sắc của ta và nhận thức của ta về con người mình là ai, mất đi một giá trị có cảm giác như là ta đang mất đi một phần bản thân mình.

Do đó, chúng ta chống lại sự thất bại đó. Chúng ta giải thích và chối bỏ nó. Chúng ta đưa ra những sự hợp lý hóa. Davis cho biết trong nhiều tháng, những người bạn KKK của anh ta sẽ đấu tranh để biện minh cho tình bạn của họ với anh. Họ sẽ nói những thứ kiểu như, “Vâng, bạn là một Daryl khác,” hay tạo ra những lời biện hộ công phu để giải thích lý do tại sao họ tôn trọng anh ta.

Khi các giá trị của chúng ta thất bại, chúng ta có hai kiểu biện minh: 1) thế giới khốn nạn, hoặc 2) chúng ta là thằng điên.

Giả sử bạn dành cả cuộc đời để chạy theo tiền. Và đến độ tuổi 40, bạn tích lũy được một khoản kha khá. Nhưng thay vì bơi lặn trong đống tiền vàng giống như Scrooge McDuck, số tiền này không mang lại hạnh phúc cho bạn, mà nó làm bạn bị stress nhiều hơn. Bạn phải tìm cách để đầu tư tiền. Bạn phải đóng thuế cho hầu hết mọi thứ. Bạn bè và gia đình liên tục tìm đến bạn để nhờ vả hoặc xin xỏ.

Nhưng thay vì xem xét rằng giá trị này là thứ điên khùng, rằng có lẽ bạn nên quan tâm đến một thứ gì đó hơn là tiền bạc, thì hầu hết mọi người lại đổ lỗi cho cuộc đời. Đấy là lỗi của chính phủ vì họ trừng phạt người giàu và người thành đạt. Thế giới này đầy rẫy những kẻ lừa đảo và lười biếng chỉ chực chờ xin của bố thí. Thị trường chứng khoán thì giống như một racket và không đời nào giành được chiến thắng.

Những người khác thì tự đổ lỗi cho bản thân. Họ cho rằng, “Tôi có thể xử lý được chuyện này, vì vậy tôi chỉ cần kiếm được nhiều tiền hơn và mọi thứ sẽ ổn thỏa.” Họ bị cuốn vào guồng quay không ngừng chạy theo giá trị của họ nhiều hơn và hơn thế cho đến khi họ trở thành một kẻ cực đoan.

Ít ai dừng lại để xem xét rằng bản thân giá trị đó là sai lầm. Việc coi trọng tiền bạc làm bạn gặp rắc rối, do đó nó chẳng có cách nào giúp bạn thoát ra.

BƯỚC 3: XEM XÉT LẠI GIÁ TRỊ VÀ ĐỘNG NÃO TÌM RA NHỮNG GIÁ TRỊ TỐT HƠN.

Trong một bài viết trước đây, tôi đã mô tả cách thức mà quá trình trưởng thành tức là thay thế những giá trị về vật chất, cấp thấp bằng những giá trị trừu tượng cao hơn. Vì thế thay vì theo đuổi tiền bạc hoài hoài, bạn có thể theo đuổi sự tự do. Thay vì cố gắng làm mình được mọi người yêu thích, bạn có thể đề cao sự thân mật gắn bó với một vài người. Thay vì cố gắng đạt được mọi thứ, bạn có thể tập trung vào việc cố gắng hết sức có thể.

Những giá trị trừu tượng, cao cấp này tốt hơn bởi vì chúng sinh ra những vấn đề tốt hơn. Nếu giá trị chính của bạn trong cuộc đời là số tiền bạn kiếm được, thì khi ấy bạn lúc nào cũng sẽ cần nhiều tiền hơn. Nhưng nếu giá trị chính của bạn là sự tự do cá nhân, thì bạn một lúc nào đó sẽ cần có nhiều tiền, nhưng cũng có thể trong một số trường hợp bạn ít cần đến tiền. Hoặc những lúc mà tiền hoàn toàn không liên quan.

Sau rốt, những giá trị trừu tượng là những thứ bạn có thể kiểm soát. Bạn lúc nào cũng có thể kiểm soát được việc mình đang trung thực hay là không. Bạn không thể kiểm soát được chuyện người khác liệu có thích mình. Nhưng bạn luôn luôn kiểm soát được việc dốc hết sức mình. Bạn không phải lúc nào cũng kiểm soát được chuyện giành chiến thắng hay không. Nhưng bạn luôn luôn kiểm soát được việc bạn đang làm điều gì đó mà bạn thấy có ý nghĩa, bạn không thể kiểm soát được số tiền mà bạn sẽ được nhận.

BƯỚC 4: SỐNG THEO GIÁ TRỊ MỚI

Đây là cái bẫy: chỉ ngồi nghĩ mãi về những giá trị tốt hơn thì hay đấy. Nhưng chẳn có gì được củng cố cho đến khi bạn đi ra ngoài và thể hiện giá trị mới đó. Những giá trị có được và mất đi thông qua những trải nghiệm trong cuộc sống. Chứ không phải thông qua lý luận hoặc cảm xúc hoặc thậm chí niềm tin. Chúng phải được sống và trải nghiệm để gắn bó.

Điều này thường đòi hỏi lòng can đảm. Bước ra ngoài cuộc đời và sống theo một giá trị đối lập với những giá trị cũ của bạn thật là đáng sợ. Tôi mường tượng ra những anh chàng KKK đầy sợ hãi khi dành thời gian chơi với một chàng trai da đen. Nó có thể làm họ hoảng sợ khi họ nhận ra mình thích anh ta và tôn trọng anh ta. Có lẽ họ đã tránh né anh ấy và dựng lên những bức tường ngăn cách giữa họ và anh ta.

Chúng ta thường xuyên làm điều tương tự trong cuộc sống của mình. Muốn có những mối quan hệ chân thành thì dễ như bỡn. Nhưng sống với chúng mới là chuyện khó khăn. Việc đó rất đáng sợ. Chúng ta tránh né. Chúng ta viện ra những lý do tại sao chúng ta phải đợi chờ, hoặc chúng ta sẽ làm tốt hơn vào lần sau. Nhưng cái “lần sau đó” chắc chắn lại là một thất bại khác hoặc đau đớn khác.

BƯỚC 5: HƯỞNG THÀNH QUẢ CỦA GIÁ TRỊ MỚI.

Nhưng khi bạn triệu tập can đảm để sống theo những giá trị mới của bạn, một thứ điên rồ sẽ xảy ra: Cảm giác rất là tuyệt. Bạn thu được những lợi ích. Và một khi bạn trải nghiệm được những lợi ích đó, bạn không chỉ dễ dàng tiếp tục sống với các giá trị mới, nhưng nghe có vẻ điên rồ là sao bạn không làm điều này sớm hơn.

Nó giống như cảm giác sướng khoái bạn có được sau khi chạy bộ. Hay sự nhẹ nhõm sau khi bạn nói ra sự thật cho ai đó biết. Hay sự giải thoát bạn cảm nhận khi bạn không còn là một kẻ phân biệt chủng tộc và trao chiếc áo choàng Klan của bạn cho một ông già da đen tốt bụng. 

Giống như nhảy xuống một hồ nước lạnh, nỗi kinh hoàng và cơn sốc qua đi, trong bạn còn lại một cảm giác thở phào nhẹ nhõm tuyệt vời, và một sự thấu hiểu mới mẻ, sâu sắc hơn về con người thực sự của bạn.

 

Footnotes

  1. According to Social Identity Theory, we can mark ourselves as members of a group by supporting the group we are in, or by attacking the other bad groups to show we don’t like them.
    Tajfel, H., Turner, J. C., Austin, W. G., & Worchel, S. (1979). An integrative theory of intergroup conflict. Organizational Identity: A Reader56, 65.
  2. This disconnect, where are values, beliefs, or ideas are in conflict with our actions and behaviors can be called cognitive dissonance.
  3. Festinger, L. (1957). A theory of cognitive dissonance (Vol. 2). Stanford University Press.
  4. Neff, K. D., & Knox, M. C. (2017). Self-Compassion. In V. Zeigler-Hill & T. K. Shackelford (Eds.), Encyclopedia of Personality and Individual Differences (pp. 1–8). Springer International Publishing.
  5. Bronk, K. C., Hill, P. L., Lapsley, D. K., Talib, T. L., & Finch, H. (2009). Purpose, hope, and life satisfaction in three age groupsThe Journal of Positive Psychology4(6), 500–510.
  6. You can get caught on what is called the ‘hedonic treadmill’, achieving success, just to quickly jump back on the treadmill to pursue the next goal. And on the treadmill rolls, in an endless cycle.
  7. Diener, E., Lucas, R. E., & Scollon, C. N. (2009). Beyond the Hedonic Treadmill: Revising the Adaptation Theory of Well-Being. In E. Diener (Ed.), The Science of Well-Being: The Collected Works of Ed Diener (pp. 103–118). Springer Netherlands.
  8. Hitlin, S. (2003). Values as the Core of Personal Identity: Drawing Links between Two Theories of SelfSocial Psychology Quarterly66(2), 118.
  9. Lerner, J. S., Li, Y., Valdesolo, P., & Kassam, K. S. (2015). Emotion and Decision MakingAnnual Review of Psychology66(1), 799–823.
  10. In Everything is Fucked, I called this the Feeling Brain, and it is the driver of our Consciousness Car.
  11. Psychologist Jonathan Haidt has also written about the emotional ‘driver’ in his book The Happiness Hypothesisand there are also parallels to the explanation of System 1 and System 2 in Nobel Prize Winner, Daniel Kahneman’s, Thinking Fast and Slow.
  12. Quattrociocchi, W., Scala, A., & Sunstein, C. R. (2016). Echo Chambers on FacebookSSRN Electronic Journal.
  13. Being self-centered is natural, but can be taken to an extreme with some not great consequences.
  14. This bias for short-term gains over a long-term future is called hyperbolic discounting in behavioral economics, and it is a problem for humans in the modern era.
  15. Cognitive biases make us see reality in predictable but fundamentally flawed ways.

Nguồn: https://markmanson.net/personal-values

menu
menu