Kết hôn vì tình hay vì tiền? 

ket-hon-vi-tinh-hay-vi-tien- 

“Tiền không mua được tình yêu cho tôi” – Ban nhạc The Beatles

"Tiền không mua được tình yêu cho tôi”

– Ban nhạc The Beatles

“Tôi sẽ bán thân xác để lấy tiền trước khi bán mạng sống vì tiền.”

- Một người phụ nữ

Tình yêu và tiền bạc đều đóng vai trò quan trọng trong hạnh phúc lứa đôi. Mặc dù không muốn thừa nhận, nhưng đa phần chúng ta thường bị thu hút bởi những người giàu có với hy vọng được hưởng cuộc sống sung sướng và hạnh phúc. Tuy nhiên, việc trao đổi tình - tiền được xem là một đề nghị khiếm nhã và gây ác cảm với nhiều người. Vậy chúng ta nên có thái độ như thế nào với mối quan hệ giữa tình và tiền?

PHỤ NỮ NÓI GÌ VỀ TIỀN BẠC VÀ TÌNH YÊU?

Dưới đây là những trích dẫn ngẫu nhiên từ phụ nữ về tiền bạc và tình yêu.

  • “Tôi gặp một người phụ nữ đã kết hôn với thành viên của một trong những gia đình giàu có nhất thế giới. Một ngày nọ, trên một chuyến bay, cô ngồi cạnh một chàng trai hoàn toàn bình thường với công việc hoàn toàn bình thường, rất vui tính và tốt bụng. Họ đã yêu nhau. Cô ấy bỏ chồng, kết hôn với một chàng trai bình thường và họ vẫn yêu nhau sau nhiều năm bên nhau”.
  • "Không có gì trong cuộc sống là miễn phí. Cưới anh ta chỉ vì tiền nghĩa là bạn đã bị mua bán. Anh ấy sẽ mong đợi một mức độ lợi nhuận từ việc mua bán đó (không chỉ là tình dục) nếu không bạn sẽ bị loại.”
  • “Thành thật mà nói tôi không ngại bị mua bán; bản thân hôn nhân là một giao dịch. Hôn nhân vẫn sẽ có vấn đề dù có tiền hay không có tiền, vậy tại sao không chọn người giàu có?”
  • “Tôi tuyệt đối không hối hận vì không lấy được chồng giàu.”
  • “Tiền bạc sẽ không làm giảm bớt căng thẳng trong hôn nhân nếu không có tình yêu”.
  • “Không có gì sai khi lấy một người giàu có. Nhưng hãy kết hôn vì tình yêu, sự tôn trọng và sự hoà hợp.”
  • “Tiền bạc không làm cho cuộc sống của bạn vui vẻ; nó sẽ làm cho bạn cảm thấy thoải mái cho đến khi bạn muốn nhiều hơn nữa. Tiền sẽ không bao giờ là đủ. Tìm ai đó mang lại niềm vui chân thành cho cuộc sống của bạn. Tiền chỉ là một phần thưởng thêm.”
  • "Tôi thà lấy chồng giàu; mọi việc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều khi bạn có tiền.”
  • "Bạn có thể mua được một mối quan hệ, một cuộc hôn nhân và tình dục. Nhưng những điều đó có phải là tình yêu đích thực?"
  • "Tiền không mua được tình yêu nhưng là cơ hội tìm kiếm tình yêu."

Có thể dễ dàng nhìn thấy, sẽ chẳng bao giờ kết thúc “cuộc chiến” bất phân thắng bại giữa 2 vấn đề này trong cuộc sống.

Source: ProstockStudio/Shutterstock

NGHIÊN CỨU VỀ MỐI QUAN HỆ GIỮA TÌNH VÀ TIỀN

“Cô gái nào cũng mong lấy được chồng giàu có. Tuy nhiên, điều khiến các cô gái chia thành hai nhóm chính là câu hỏi: “bạn nghĩ đến tiền trước rồi đến tình yêu hay ngược lại?” - Hedy Lamarr

"Tiền chỉ gây ấn tượng với những cô gái lười biếng. Khi phụ nữ làm việc chăm chỉ, người đàn ông giàu có là phần thưởng chứ không phải là tiêu chí để chọn lựa." – ẩn danh.

Nhiều nghiên cứu khác nhau chỉ ra rằng tiền đóng một vai trò quan trọng trong việc lựa chọn bạn đời. Trong một cuộc khảo sát, khoảng 56% người Mỹ nói rằng họ thích một đối tác mang lại sự đảm bảo về tài chính hơn là cảm giác “yêu say đắm” (44%). Tương tự, trong một cuộc khảo sát khác, 75% phụ nữ cho biết họ sẽ không kết hôn với một người đàn ông không có việc làm. 91% phụ nữ độc thân cho biết họ sẽ kết hôn vì tình yêu hơn là tiền bạc.

Một lời giải thích khả dĩ cho những kết quả dường như không nhất quán này là đại đa số phụ nữ coi trọng tình yêu hơn tiền bạc - trừ khi khả năng tài chính ở dưới một ngưỡng nhất định. Một người đàn ông không có việc làm nằm dưới ngưỡng tài chính có thể chấp nhận được đối với hầu hết mọi người. Nhận thức lý tưởng hóa coi trọng tình yêu hơn tiền bạc, nhưng khi đối mặt với thực tế, hầu hết mọi người đều sẵn sàng thỏa hiệp. Điều này giải thích tại sao một cuộc khảo sát cho thấy thế hệ Z (sinh từ năm 1996 đến năm 2010) là nhóm duy nhất chọn tình yêu hơn tiền bạc (54%). Ở độ tuổi trẻ, khi những cân nhắc thực tế chưa thật mạnh mẽ, tình yêu lý tưởng chiếm ưu thế. 

Một bài báo trên tạp chí Tâm lý học trình bày những sự thật được khoa học chứng minh về tiền bạc, tình yêu và hạnh phúc. Dưới đây là một số điều đáng chú ý:

  • Thu nhập cao hơn gắn liền với ít nỗi buồn hơn nhưng không nhiều niềm vui hơn
  • Thu nhập càng cao thì khả năng tìm được tình yêu càng cao
  • Tranh cãi về tiền bạc là nguyên nhân thường gặp nhất của việc ly hôn
  • Nhiều người bị thu hút bởi những người quản lý tiền bạc hiệu quả, những người chi tiêu hoang phí không được ưa chuộng.

Những yếu tố này cho thấy sự phức tạp của tình yêu và tiền bạc. Mặc dù tiền có thể không được đánh giá cao bằng tình yêu, tuy nhiên việc nuôi dưỡng tình yêu trong cuộc sống thực tế cần phải có đủ vật chất nhất định. Trong mâu thuẫn giữa tình yêu và cuộc sống, tình yêu không phải lúc nào cũng chiến thắng. Do đó, sự kết hợp cân bằng giữa tình yêu và tiền bạc là điều quan trọng nhất.

NHỮNG CÁCH KẾT HỢP TỐI ƯU GIỮA TÌNH VÀ TIỀN 

"Dùng tiền và yêu người. Đừng yêu tiền và dùng người."

- Hoàng tử Joseph

Psychology Today gợi ý ba cách được khoa học chứng minh để kết hợp tình yêu và tiền bạc:

  1. Cuộc chơi lâu dài. Khi phải lựa chọn giữa một đối tác lâu dài có khả năng mang lại lợi ích tài chính cho bạn và một đối tác sẵn sàng mang lại niềm vui cho bạn (thông qua sự quan tâm, yêu thương, đáng tin cậy, v.v.), bạn nên ưu tiên đối tác sau. Sự nhiệt tình, chứ không phải năng lực, có giá trị lâu dài cao hơn.
  2. Tình yêu là sự đầu tư thực sự. Chung tay với đối tác về mặt tài chính để đạt được mục tiêu là một quyết định thông minh và hiệu quả. Tuy nhiên, đối tác không phải là phương tiện giúp bạn thành công mà là người cùng bạn chia sẻ sự thành công chung.
  3. Hạnh phúc mang lại lợi ích. Khi hai người cảm thấy hạnh phúc với nhau và khơi gợi những cảm xúc tích cực cho nhau, thì việc việc tạo ra của cải là hệ quả tất yếu.

Chúng ta có thể nói rằng mặc dù sự ổn định tài chính có liên quan đến sức khỏe tình cảm, tuy nhiên việc kết hôn chỉ vì sự giàu có có thể dẫn đến không hạnh phúc. Trong một cuộc sống sung túc, những cảm xúc tích cực có nhiều khả năng được tạo ra hơn. Nhưng nếu không có tình yêu, con người vẫn cảm thấy cô đơn trong một mối quan hệ chỉ đơn thuần dựa trên vật chất.

Một câu tục ngữ của người Do Thái khẳng định: "Bất cứ khi nào tình yêu phụ thuộc vào một cái gì đó (bên ngoài tình yêu), và điều này qua đi, tình yêu cũng đi theo. Nhưng nếu tình yêu không phụ thuộc vào những thứ như thế này thì tình yêu sẽ không bao giờ rời bỏ bạn."

Kết luận

“Lần đầu kết hôn vì tình yêu, lần thứ hai vì tiền và lần thứ ba vì tình bạn”.

—Jacqueline Kennedy Onassis

“Tiền có thể mua cho bạn một con chó tốt, nhưng chỉ có tình yêu mới có thể khiến nó vẫy đuôi”

—Kinky Friedman

Người ta thường nói, nếu hai người cùng yêu bạn giống nhau ở mọi khía cạnh quan trọng, ngoại trừ việc một người kiếm được gấp đôi người kia, thì bạn nên ưu ái người có thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, trong cuộc sống thực, con người không giống nhau ở mọi khía cạnh quan trọng, và chúng ta nên xem xét mức độ, ý nghĩa của những đặc điểm tích cực và tiêu cực. Cân nhắc cả vai trò của tiền bạc trong những lựa chọn bạn đời cũng tương tự như sự hấp dẫn bên ngoài. Nếu ngưỡng thu hút (hay tiền tài) của đối tác quá thấp thì khó có thể đạt được kết quả tích cực. Trên ngưỡng này, sức hấp dẫn bên ngoài (hay sự giàu có) hầu như không tạo ra sự khác biệt. Tuy nhiên, sức hấp dẫn cực độ hay quá nhiều tiền có khi làm đảo lộn các giá trị quan trọng khác. 

Tài liệu tham khảo

Ben-Ze’ev, A. (2019). The arc of loveHow our romantic lives change over time. University of Chicago Press.

Người dịch: Thanh Nguyễn

Tốt nghiệp Y khoa ở Huế. Sau đó lấy bằng bác sĩ (ECFMG) và hiện tại đang phụ trách điều hành một công ty y tế tại DC, Hoa Kỳ. Trong hơn 10 năm sống ở Hoa Kỳ, tác giả có cơ hội học hỏi và nghiên cứu về sức khỏe tâm thần, một lĩnh vực mà tác giả đam mê và tâm huyết. Tác giả mong muốn chia sẻ kiến thức đến cộng đồng người Việt trong nước.

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/intl/blog/in-the-name-of-love/202308/should-you-marry-for-love-or-for-money

menu
menu