Khi cô độc là sự lựa chọn
Cô-độc. Cô-đơn. Độc-thân. Đơn-thân. Bản thân những cụm từ này chỉ đơn thuần mang nghĩa “một mình, một cá nhân, duy nhất” nhưng trong phông nền văn hóa Việt Nam “con đàn, cháu đống” “có chị, có em” thì “một mình, duy nhất” được coi là một sự thất bại...
“Chúng ta đang sống trong một xã hội nơi lòng tự trọng thường được nhìn nhận như một bằng chứng của hạnh phúc, nhưng chúng ta lại không muốn gần gũi với con người đáng ngưỡng mộ và có sức quyến rũ đó.”
Trước khi đọc bài này, chúng ta hãy thử xem sự khác nhau giữa đơn-thân (alone) và cô-đơn(lonely). Đơn-thân là trạng thái, thường là do lựa chọn. Cô-đơn là tính từ, miêu tả hệ quả. Bạn hoàn toàn có thể cảm thấy cô-đơn khi ở giữa gia đình, khi nằm ngay cạnh người bạn yêu. Khi bất đồng trong giao tiếp nảy sinh, khi mọi người quanh bạn hoặc thậm chí bản thân bạn không hiểu hoặc đón nhận những suy nghĩ trong lòng bạn, bạn cô đơn.
Cô-độc. Cô-đơn. Độc-thân. Đơn-thân. Bản thân những cụm từ này chỉ đơn thuần mang nghĩa “một mình, một cá nhân, duy nhất” nhưng trong phông nền văn hóa Việt Nam “con đàn, cháu đống” “có chị, có em” thì “một mình, duy nhất” được coi là một sự thất bại trong xã hội, vì vậy từ bé chúng ta đã học cách mặc định rằng “cô-độc”, “cô-đơn” là những cảm giác buồn vì không hòa nhập được với môi trường, là cái cần tránh. Còn những người độc-thân, đơn-thân là những người thất bại. Tuy nhiên đây sẽ chỉ còn là một suy nghĩ cũ-cực-cũ sau 10 phút tới.
Khi phần trăm cơ hội để tìm được một người bạn đời thấp một cách “ảm đạm” và bí quyết cho một tình yêu bền lâu phần lớn đến từ sự nhượng bộ, liệu có lạ chăng nếu số người quyết định sống đơn- thân ngày càng nhiều? Lựa chọn sự cô-đơn một cách chủ động không chỉ trong phạm vi tình yêu mà còn cả với các mối quan hệ con người – con người khác nữa. Emerson, nhà vô địch hùng biện về tình bạn trong văn học Anh đã sống phần lớn cuộc sống của mình cô-đơn, và nó đã giúp ông viết ra những tác phẩm sống cùng thời gian. Nhưng những sự lựa chọn kiểu như vậy dường như vẫn là một thứ xa xỉ phẩm trong nền văn hóa của chúng ta – thứ sản phẩm được đánh đổi với phần đều của sự e sợ và sự khinh bỉ, nhất là ở thời đại tính kết nối, mối quan hệ đang được tôn sùng hơn bao giờ hết như hiện nay. Khẳng định nổi tiếng của Hemingway rằng sự cô-đơn là điều cần thiết cho công việc sáng tạo có lẽ là chuẩn xác bởi chính bản thân câu nói đã thể hiện tính triệt để và sự đáng sợ trong đó.
Một người bạn của tôi gần đây có kể cho tôi một “giai thoại” như sau: Một buổi tối trong chuyến đi Mexico một mình của cô, cô có ghé vào một quán ăn địa phương. Ngay khi hiểu ra rằng cô sẽ ăn tối một mình, người bồi bàn của quán ăn đã đưa cô tới một chỗ ngồi khuất ở bên trong, không quên thể hiện sự lúng túng có pha lẫn thương hại, để không làm ảnh hưởng đến khung cảnh huyền ảo của các cặp đôi đang dùng bữa. (Một điều đáng nói khác ở đây, đó là những kiểu “tai nạn” này không chỉ cho thấy sự kỳ thị với chuyện độc-thân cũng tương đương với sự thất bại của chúng ta trong việc tôn trọng nghệ thuật sống độc-thân.
Photograph by Maria Popova
Cô-đơn, là thứ mà bản thân chúng ta tự “bầu cử”, sau đó được trả lời bằng những “bản án phán xét” và cuối cùng trở thành nô lệ của sự kỳ thị. Nhưng nó cũng là một thứ “dung lượng” rất cần thiết cho một cuộc sống trọn vẹn.
Nghịch lý đó được tác giả người Anh Sara Maitland khám phá trong cuốn How to Be Alone (Làm thế nào để sống cô-đơn) – đây cũng là phần mới nhất trong chiến dịch The School of Life, một chiến dịch nhằm cải cách những cuốn sách self-help (sách giúp nâng cao năng lực của bản thân) truyền thống bằng một seri sách thông minh, với những lời khuyên bổ ích về các phương diện khác của cuộc sống hiện đại như làm thế nào để thỏa mãn với công việc, làm thế nào để có một mối quan hệ tốt hơn với tình dục, làm thế nào để không lo lắng về tiền hoặc thậm chí chỉ để sống mà không phát điên.
Mặc dù hiện tại Maitland sống ở một trong những vùng thưa dân cư nhất châu Âu ở Scotland, nơi mà muốn đến siêu thị gần nhất mời bạn đi 32km và sóng điện thoại thậm chí không phủ đến, nhưng bản thân bà chưa bao giờ là người cô-độc. Bà sinh ra và lớn lên trong một đại gia đình với 5 anh chị em khác. Nhưng chỉ đến khi bà bị sững sờ bởi khái niệm của sự tĩnh lặng – đây đồng thời cũng là chủ đề cuốn sách trước, bà đã bằng một cách gián tiếp chạm đến sự cô-đơn. Bà đã viết:
“Tôi cảm thấy bị thu hút bởi sự tĩnh lặng; bởi những thứ xảy ra đối với tinh thần con người, với bản chất và tính cách khi những cuộc hội thoại đã ngừng, khi bạn nhấn nút OFF, khi ta hòa mình vào khoảng trống khổng lồ đó. Tôi thích nhìn sự tĩnh lặng như một hiện tượng văn hóa bị mất đi, như một thứ chứa đựng vẻ đẹp và như một thứ “không gian” đã được dùng đi dùng lại rất rất nhiều lần bởi vô số những cá nhân khác nhau, vì những lí do khác nhau và thu nhận được những kết quả cũng vô cùng khác nhau. Tôi bắt đầu dùng cuộc sống của chính mình như một phòng thí nghiệm để thử nghiệm các ý tưởng và xem nó đưa tôi đến đâu. Và thực sự ngoài sức tưởng tượng của chính mình, tôi phát hiện ra rằng tôi YÊU sự tĩnh lặng. “Ảnh” rất hợp tôi. Tôi trở nên tham lam và thèm muốn nó hơn. Trong chuyến đi săn sự tĩnh lặng, tôi tìm thấy một thung lũng nọ, và xây một căn nhà ở đó, trên bãi đổ nát của một mái nhà tranh nơi đã từng là nhà của một giám mục già.”
Illustration by Alessandro Sanna from ‘The River.’
Tuy nhiên, việc yêu thích sự cô-đơn của Maitland có gì đó hơi khác với việc thích sự tĩnh lặng. Mối quan tâm của bà đến sự cô-đơn nảy nở từ việc công chúng định nghĩa sự cô-đơn như là một “vấn đề xã hội và tâm lý nghiêm trọng,”; từ một khát khao của bà “được làm dịu bớt những nỗi sợ hãi của con người và giúp họ chủ động tận hưởng khoảng thời gian cô-đơn”. Và bà đã làm điều đó, bà đưa ra những câu hỏi cho vấn đề hóc búa này:
“Sự cô-đơn trong xã hội hiện tại của chúng ta nêu lên một câu hỏi rất quan trọng về bản sắc và hạnh phúc.
[…]Làm thế nào chúng ta lại tiến đến một thế giới phát triển tương đối thịnh vượng này, nơi mà ít nhất ở “lát cắt” văn hóa này sự tự chủ, tự do cá nhân, sự thỏa mãn và nhân quyền là những giá trị chính của xã hội, và trên tất cả đó là chủ nghĩa cá nhân đạt tới giá trị cao nhất của nó trong lịch sử loài người, nhưng cùng lúc đó, những cá nhân tự chủ, tự do, thỏa mãn này lại sợ phải đối mặt với chính mình?
[…]
Chúng ta đang sống trong một xã hội nơi lòng tự trọng thường được nhìn nhận như một bằng chứng của hạnh phúc, nhưng chúng ta lại không muốn gần gũi với con người đáng ngưỡng mộ và có sức quyến rũ đó.
Chúng ta cảm thấy những tiêu chuẩn về đạo đức và xã hội như một sự ức chế kìm hãm tự do cá nhân, nhưng chúng ta lại sợ rúm ró nếu thấy ai đó tách mình ra khỏi đám đông và có những thói quen chúng ta cho là “kỳ dị”.
Chúng ta tin rằng mỗi người có một “tiếng nói cá nhân”, và điều đó không nghi ngờ gì, là một hình thức của sự sáng tạo, nhưng chúng ta lại có những nghi ngờ u tối nếu ai đó chọn sự cô-độc là một bước (khá hiển nhiên) của quá trình sáng tạo.
Chúng ta nghĩ chúng ta đặc biệt, độc nhất và xứng đáng được hạnh phúc, nhưng chúng ta lại khiếp sợ việc ở một mình.
[…]
Chúng ta đáng lẽ phải đi tìm sự thỏa mãn của riêng mình, hành động theo cảm tính của riêng mình, tìm được con người thật của mình và hạnh phúc của riêng bản thân mình – nhưng bí ẩn thay, chúng ta lại không tự mình làm những điều đó.
Ngày nay, hơn bao giờ hết, cái giá phải trả bao gồm những phán xét về đạo đức và cả những suy yếu trong lô-gic.”
Illustration by Maurice Sendak from ‘Open House for Butterflies’ by Ruth Krauss.
Một điều đáng ngạc nhiên và rất quan trọng về sự cô-đơn đó là nó không những không khiến cho chúng ta tách mình khỏi xã hội mà thực ra tăng khả năng kết nối của chúng ta. Bằng cách gần gũi, thân thiết với chính cái thế giới khép kín của chúng ta – cái thế giới dường như đáng sợ và thường rất lạ lẫm mà đến cả triết gia Martha Nussbaum cũng kêu gọi hãy vượt qua mọi nỗi sợ hãi để khám phá nó, chúng ta sẽ tự giải thoát mình và tìm đến sự gần gũi với những cá nhân khác. Maitland còn viết:
“Không có gì hủy hoại những mối quan hệ nhanh hơn khi con người ta “vô tâm, vô nghĩ” không giới hạn. Những người như vậy rất khó để trở thành là những cá nhân toàn vẹn khi họ thậm chí không hề có chút gì là của mình, là chính mình. Điều này gợi ý rằng ngay cả những người hiểu rằng các mối quan hệ trong cuộc sống (bất kỳ quan hệ gì) khiến họ cảm thấy tốt hơn, viên mãn hơn cũng đều cần một khoảng không gian riêng cho chính họ, hoặc ít nhất một vài dịp để có thể tận dụng nó. Nếu bạn thực sự hiểu bản thân mình và hiểu rằng bạn kết nối với những người khác là bởi vì bạn thực sự muốn vậy thay vì bị yếu tố khác khống chế, hoặc chỉ vì sự tuyệt vọng hay sự tham lam, hoặc vì bạn sợ rằng sự tồn tại của bạn cần phải được công nhận bởi những người khác, thì bạn thực sự là một người TỰ DO. Sự cô-đơn trong thực tế sẽ nuôi dưỡng các mối quan hệ, đơn giản vì những mối quan hệ đó được dựa trên sự TỰ DO. “
Tuy nhiên giá trị của sự đơn-thân đang bị trôi tuột theo đường xoắn ốc của những định kiến xã hội trong lịch sử nhân loại. Maitland đưa ra dẫn chứng về sự tăng trưởng số lượng đàn ông không kết hôn (male spinsters) ở Mỹ từ 6% năm 1980 lên đến nay là 16%, và bà cũng lần theo dấu vết của hiện tượng xã hội “méo mó” này:
“Thời Trung Cổ, từ “bà cô” (spinster) là một từ được dành để khen những người, thường là cho phái nữ, có khả năng tự thân độc lập (spin), độc lập về tài chính – điều vô cùng khó và hiếm đối với phụ nữ thời đó. Bản thân từ này được dùng với tất cả phụ nữ khi họ bước vào một cuộc hôn nhân như một cách nói họ đã tiến tới mối quan hệ này một cách tự do, tự bản thân quyết định thay vì vụ lợi. Còn trong xã hội ngày nay, “bà cô” mang ý nghĩa xúc phạm, bởi chúng ta thấy sợ thay cho họ. Đàn ông có lẽ cũng không là ngoại lệ khi xã hội nghĩ họ là những người “hâm hấp” hoặc “có vấn đề thần kinh”. “
Cách nghĩ “hiện đại” vô tình đánh đồng sự đơn-thân chủ động như một chứng bệnh 3 căn: sad (buồn), mad (bực) và bad (bại) này thực ra được hình thành từ lối suy nghĩ giáo điều luẩn quẩn, thứ suy nghĩ mà những người vốn tự nguyện chọn bản thân họ là bạn thân, chọn sự riêng tư là nhân phẩm căn bản, không tài nào chen chân vào nổi. Để phản ánh sự phổ biến của lòng thương hại không đúng chỗ, Maitland đã kết thúc sự bất khả kháng trong việc bác bỏ những giả định sai lầm của xã hội:
“Nếu bạn nói “Thực ra, tôi cảm thấy hạnh phúc,” thì có người sẽ luôn cố chứng minh ngược lại. Gần đây có một người cứ cố gắng an ủi tôi vượt qua đau khổ, nhưng khi tôi đảm bảo với người đó là tôi thực sự hạnh phúc thì họ đáp “Chắc cô tự nghĩ vậy thôi”. Xin thưa hạnh phúc là một thứ cảm giác. Tôi không tự nghĩ ra, mà tôi cảm thấy. Tất nhiên là tôi có thể đang sống mơ mộng, và một lúc nào đó toàn bộ tòa dinh thự của niềm vui và sự hài lòng này sẽ đổ sụp quanh tai tôi, nhưng tại thời điểm này hoặc là tôi đang nói dối hoặc tôi đang nói sự thật. Hạnh phúc của tôi không thể nào, theo đúng như bản chất tự nhiên của hạnh phúc, là thứ cảm giác mà tôi có thể “nghĩ ra” nếu không thực sự cảm thấy. “
Maitland cho rằng nguyên do chính của những thái độ bác bỏ kể trên là sự sợ-hãi, sợ người khác khác mình, sợ người khác đưa ra sự lựa chọn mà mình không lý giải nổi. Nỗi sợ này khiến cho người ta áp đặt nó ngược lại lên người khác, thường bằng sự giận dữ (gần như “Sợ cá chém thớt”) – một biểu hiện của sad, mad và bad, một dấu hiệu của sự thiếu tự tin từ bên trong khi đối mặt với những thứ không quen thuộc.
“Nếu bạn liên tục bảo ai đó rằng họ đang sống một cuộc sống bất hạnh, thiếu thốn, điên rồ và ích kỷ thì đến một chừng mực nào đó, một sớm nào đó khi thức dậy, họ sẽ tự hỏi không hiểu đây là sự cô-đơn (lonely) hay chỉ là họ đang ở một mình?”
(Sự khác biệt chủ yếu giữa cảm giác cô-đơn bị động (loneliness) và cô-đơn chủ động (aloneness), trên thực tế, đó là sự ảnh hưởng không chỉ đến tâm lý mà còn trên cơ thể con người. Trong khi sự lựa chọn đơn-thân là cần thiết cho công việc sáng tạo và thậm chí còn là chìa khóa để trở thành thiên tài, thì cảm giác cô-đơn bị động được các nhà khoa học cho rằng sẽ gây ra những ảnh hưởng “chết người” liên quan đến các bệnh tim mạch đến bệnh mất trí).
Có một nghịch lý Maitland đã chỉ ra đó là rất nhiều các biểu tượng văn hóa xuất chúng trên thế giới đã lựa chọn sự cô-đơn trong cả lối sống vẫn đời sống tinh thần của họ, từ những nhà thám hiểm vĩ đại cho đến những thiên tài nổi tiếng. Bà đưa ra trích dẫn về diễn viên phim câm nổi tiếng Greta Garbo, một người nổi tiếng vì sự cô-độc của mình:
“Garbo đã đem đến cho thế giới sự tinh tế trong nghệ thuật biểu diễn phim câm và những tác động của nó lên khán giả không thể nào phóng đại hơn…Sau khi nghỉ hưu, bà bắt đầu sống một cuộc sống đơn giản và nhàn rỗi, đôi khi chỉ “trôi” theo cuộc sống. Nhưng bà luôn có những người bạn thân thiết, những người bà nói chuyện và đi du lịch cùng. Bà không kết hôn nhưng đã có những mối quan hệ yêu đương nghiêm túc với cả đàn ông và phụ nữ. Bà sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật. Bà đi bộ, lúc thì một mình, lúc thì với người khác, đặc biệt là ở New York. Bà rất biết cách trốn các paparazzi. Bà lựa chọn nghỉ hưu, và từ chối tất cả các cơ hội làm phim sau đó nên có thể đoán bà rất tự tin với sự lựa chọn đó của mình.
Thực tế đã chứng minh rằng rất rất nhiều người vĩ đại vì nhiều lý do khác nhau trong lịch sử con người và từ nhiều nền văn hóa khác nhau, đã lựa chọn sự cô-độc theo cách mà Garbo đã chọn, và sau khi trải nghiệm phong cách sống đó một thời gian họ vẫn tiếp tục chọn nó, ngay cả khi họ hoàn toàn có thể chọn cho mình cơ hội sống một cuộc sống bận rộn, “xã hội hóa” hơn. “
Vậy những thái độ của xã hội ngày nay đối với sự lựa chọn cô-đơn từ đâu mà có? Maitland cho rằng những người lựa chọn cô-đơn như là “việc chấp nhận sự khác biệt” bị xã hội chối bỏ một cách đáng tiếc là hệ quả của “sự rối loạn văn hóa rất sâu sắc”:
“Trong ít nhất hai thiên niên kỷ qua, chúng ta đã cố gắng sống với hai mô hình rất mâu thuẫn và đối nghịch nhau của chuyện một cuộc sống tốt là gì hay nên như thế nào. Xét về phương diện văn hóa, chúng ta thường có xu hướng đổ lỗi cho những tai họa, đặc biệt là những khó khăn trong xã hội, hoặc là chọn sống với học thuyết khoa học của Darwin, hoặc sống trong vỏ bọc nghèo nàn của giáo lý hay còn gọi là “truyền thống”. Hiển nhiên đây là lí do vì sao giữa vô vàn ti tỉ thứ, chúng ta lại chọn có vấn đề với giới tính (của người khác và của chính chúng ta); vì sao phụ nữ vẫn chưa được bình đẳng; vì sao chúng ta chọn cam kết thống trị hành tinh này và phá hủy môi trường sinh thái; và vì sao chúng không hoàn toàn hạnh phúc như chúng ta xứng đáng được. Tôi, là một cá nhân, không tin vào điều này – nhưng tôi tin rằng chúng ta đang khổ sở vật vã với việc giữ gìn những chuẩn mực giá trị của thuyết giáo truyền thống và của cả nền văn minh cổ không còn phù hợp. “
Bà theo dấu bước tiến hóa của “sự rối loạn” đó bằng cách tìm hiểu về lý tưởng đời sống xã hội công chúng thời Đế chế La Mã. Ngay cả từ “civilization” (văn minh) cũng hàm chứa những giá trị này, nó bắt nguồn từ từ gốc “civis” – theo tiếng Latin “citizen”(công dân). Tuy nhiên, người La Mã vẫn khét tiếng với những tham vọng tột đỉnh của họ đối với quyền lực, danh dự và vinh quang – những lý tưởng xã hội rất quan trọng để gắn kết chính trị của xã hội khi đối đầu với những kẻ thù man rợ. Maitland cũng viết:
“Trong những trường hợp này, sự lựa chọn cô-độc lại là một mối đe dọa, khi người ta không có một đức tin tôn giáo để đem lại ý nghĩa chung cho sự lựa chọn của mình thì cô-độc là một thách thức đối với sự an toàn của những người tuyệt vọng đang cố bám vào một chiếc bè chìm. Những người tự tách mình và đi “solo” thì như mối nguy hiểm trong cuộc chạy trốn khỏi sự ràng buộc.”
Maitland “tua” nhanh đến thế hệ của chúng ta – sản phẩm văn hóa của thiên niên kỷ.
“Không có gì là ngạc nhiên khi chúng ta e sợ những người dám ham muốn và khao khát sự cô-đơn. Không có gì là ngạc nhiên khi chúng ta muốn định nghĩa cô-đơn là “sad, mad và bad”. Dù có ý thức hay chỉ vô thức, những người trong chúng ta đang mong muốn làm điều gì đó đi ngược với xã hội, thực ra đang làm rõ hơn, thậm chí làm rộng hơn những vết nứt.
Nhưng sự thật là mô hình hiện tại không có hiệu quả. Bất chấp việc chúng ta chăm chút cẩn thận cho cái tôi cá nhân bao nhiêu; bất chấp sự cố gắng trong một thế kỷ vừa qua nhằm mong muốn “nâng cao lòng tự trọng” với niềm tin nó cũng sẽ đồng thời nâng cao tính cá nhân và đào tạo ra những công dân tốt; bất chấp những nỗ lực không ngừng để củng cố các mối quan hệ và giảm dần sự ức chế; bất chấp những nỗ lực để sinh ra những thành phần tự lập và sáng tao hơn để trở thành “cầu thủ đội tuyển”; bất chấp những lời hứa về quyền tự do cá nhân được “bón” cho chúng ta bởi chủ nghĩa tân tự do và sự sùng bái chủ nghĩa & quyền cá nhân – bất chấp tất cả những thứ đó, giếng sắp cạn dần. Chúng ta đang sống trong một xã hội với dấu ấn của những trẻ em không hạnh phúc, những thanh niên xa lạ, những người lớn không quan tâm đến chính trị, chủ nghĩa tiêu thụ hàng hóa lố bịch, sự bất bình đẳng leo thang, những rung động đáng sợ một cách sâu sắc trong toàn hệ thống kinh tế, tỷ lệ bệnh tâm thần tăng cao và một hành tinh bị tàn phá đến mức chúng ta có thể sẽ phá hủy toàn bộ hệ thống.
Tất nhiên thế giới của chúng ta cũng có rất nhiều vẻ đẹp, tình yêu của sự hy sinh và đam mê, sự mềm mại, sự phồn thịnh, lòng dũng cảm và niềm vui. Nhưng những điều đó dường như có thể xảy ra mà không cần tính đến mô hình hay phương pháp tư duy triết học xa xôi nào. Thực tế đó vẫn đang diễn ra. Bởi một thực tế khác cũng đang diễn ra đó là chúng ta luôn vật lộn với những vấn đề này và mong nó sẽ lặp lại. “
Và trong những trận vật lộn đó, ta cố bấu víu để thoát khỏi sự cô-đơn, một thứ trạng thái chúng ta thậm chí không thực sự hiểu và do vậy không thể kế thừa những thành quả của nó. Hai chiến thuật phòng vệ phổ biển nhất chống lại sự cô-đơn theo Maitland thứ nhất là mô hình sợ-cá-chém-thớt tức là chúng ta phê phán những người có khả năng tìm thấy niềm vui trong sự cô-đơn và lên án họ, gắn cho họ cái kết luận “sad-mad-bad”; thứ hai là phương pháp phòng thủ, bằng cách “ngấu nghiến” tạo ra một mạng lưới quan hệ rộng để tránh cho bản thân chúng ta khỏi nguy cơ bị một-mình, đối mặt với chính mình. Maitland thủ thỉ:
“Bất kể bạn có bao nhiêu bạn trên Facebook, bao nhiêu contacts, bao nhiêu mối quan hệ hay sự dự phòng về tài chính, những con số đó không thể đảm bảo sẽ bảo vệ bạn.”
Mâu thuẫn văn hóa của thời đại chúng ta còn được thể hiện ở sự thiên vị “mãn tính” đối với những cá tính mang xu hướng “hướng ngoại” (extrovert – dễ gần, yêu thích những thứ ở ngoài bản thân như môi trường vật chật, xã hội), bất chấp những bằng chứng trong thực tế về sức mạnh của “nội tâm” (introvert – nhút nhát, hướng nội) đang ngày càng tăng. Maitland viết:
“Cùng lúc đang theo đuổi “lý tưởng hướng ngoại” này, xã hội cũng không quên phát ra một tín hiệu hoàn toàn trái ngược. So với những đặc điểm của tính cách hướng ngoại thì hầu hết chúng ta lại vẫn thích được coi là người nhạy cảm, cao cả, sâu sắc, đời sống tinh thần phong phú và biết lắng nghe hơn – những biểu hiện của con người “nội tâm”. Tôi thiết nghĩ chúng ta vẫn ngưỡng mộ cuộc sống của một học giả hơn là một người buôn bán; của một đạo diễn hơn người biểu diễn (đó là lý do vì sao các ngôi sao nhạc Pop liên tục stress khi họ phải tự sáng tác); một nghệ sỹ thủ công hơn một chính trị gia; một nhà thám hiểm đơn thân hơn một người đi du lịch theo tour…Nhưng những tín hiệu rối bời thiếu kiểm định về sự cô-đơn mà xã hội gửi tới chúng ta càng làm mớ bòng bong thêm rối hơn; và sự rối-loạn, nhầm-lẫn càng tiếp thêm sức mạnh cho nỗi sợ-hãi.”
Hai trong số các “dụng cụ” của Maitland nhằm giúp ta vượt qua những cái nhìn tiêu cực về sự cô-đơn và phát triển tính tích cực của việc sống đơn-thân và thực sự tận hưởng nó, đó là khám phá khả năng mơ mộng (reverie – trạng thái lạc vào thế giới suy nghĩ của bản thân một cách khoan khoái, daydream), và luyện tập đối diện với sự sợ-hãi. Bà cũng liệt ra 5 hạng mục “phần thưởng” từ việc “học-lại” (unlearn) những nỗi sợ-hãi vốn được gieo mầm từ văn hóa của chúng ta về sự cô-đơn và học cách ở một mình:
1.Hệ ý thức sâu sắc hơn về bản thân
2. Sự hòa hợp sâu sắc hơn với thiên nhiên
3. Mối quan hệ sâu sắc hơn với những điều thiêng liêng
4. Thúc đẩy sự sáng tạo
5. Cảm giác của sự tự do
Bên cạnh cuốn sách này của Maitland, dự án The School of Life (Trường Đời) còn bao gồm những cuốn sách không kém phần xuất sắc khác, bao gồm cuốn How to Stay Sane (Làm Thế Nào Để Không Phát Điên) của Philippa Perry, cuốn How to Worry Less About Money (Làm Thế Nào Để Ngừng Lo Lắng Về Tiền) của John Armstrong, cuốn How to Think More About Sex (Làm Thế Nào Để Nghĩ Nhiều Hơn Về Sex) của Alain de Botton và cuốn How to Find Fulfilling Work (Làm Thế Nào Để Thỏa Mãn Với Công Việc) của Roman Krznaric.
dịch bởi Bravelinh
Nguồn: Brain Pickings