Khi đời chẳng chiều lòng ta
Cuộc sống vốn dĩ không thiếu những nỗi bực dọc, nhưng cách ta diễn giải những điều ấy – điều ta cho rằng chúng ngụ ý, ai là người phải chịu trách nhiệm, và cách ta chọn để phàn nàn (hoặc không) – lại vô cùng đa dạng và phong phú.
Cuộc sống vốn dĩ không thiếu những nỗi bực dọc, nhưng cách ta diễn giải những điều ấy – điều ta cho rằng chúng ngụ ý, ai là người phải chịu trách nhiệm, và cách ta chọn để phàn nàn (hoặc không) – lại vô cùng đa dạng và phong phú.
Một trong những hướng dẫn hay nhất về sự khác biệt này nằm trong công trình của nhà tâm lý học người Mỹ Saul Rosenzweig. Vào năm 1934, ông đã phát minh ra Bài Kiểm Tra Về Sự Bực Dọc Rosenzweig, bao gồm một loạt hình ảnh minh họa như truyện tranh, khắc họa những tình huống gây khó chịu: quần áo ai đó bị vấy bẩn, một chiếc bình hoa vỡ tan, hay đầu của người xem phía trước che khuất tầm nhìn khi ta ngồi trong rạp chiếu phim...
Trong mỗi tình huống, một khung lời thoại trống được để lại cho người tham gia hoàn thành – như một cách để khám phá phản ứng tự nhiên khi thế giới vô tình chà đạp lên những kỳ vọng của ta.
Điều bài kiểm tra này hé lộ ngay lập tức là: Dù cảm giác bực dọc là điều phổ quát, phản ứng của con người lại muôn hình vạn trạng. Khi bị vấy bẩn quần áo, một người có thể nói nhẹ nhàng: "Không sao đâu, tôi chắc là anh không cố ý." Một người khác có thể đáp lại với vẻ miễn cưỡng: "Ổn cả thôi, không vấn đề gì." Trong khi đó, một người thứ ba có thể bùng nổ giận dữ: "Đồ ngốc! Nhìn xem anh vừa làm gì kìa! Anh đang cố hại tôi, cũng như tất cả mọi người vẫn luôn làm vậy!"
Bài kiểm tra này nhấn mạnh vai trò của lòng tự trọng trong cách ta phản ứng với bực dọc. Càng không yêu thương chính mình (gần như chắc chắn bởi ai đó thân thiết không dành cho ta sự yêu thương đủ đầy khi còn nhỏ), ta càng dễ xem những khó chịu trong đời như hành vi cố tình gây tổn thương. Chẳng phải rõ ràng người ta cố tình vấy bẩn quần áo của ta sao, khi ta là kẻ chẳng ra gì? Chẳng phải mọi người luôn tìm cách phá hoại buổi xem phim của ta, bởi ta không đủ tốt và chưa từng đủ tốt – như cha mẹ đã khắc sâu điều đó từ những năm đầu đời hay sao? Có lẽ người ta cố tình làm vỡ chiếc bình yêu thích của ta, vì chắc chắn họ nhận ra tâm hồn đáng ghê tởm của ta rồi. Điều tồi tệ tất nhiên sẽ xảy đến với những kẻ tồi tệ.
Ngược lại, nếu ta được nuôi dưỡng trong một ngôi nhà đầu tiên nơi ta được dạy rằng mình là người tử tế, có giá trị, và đôi khi cũng mắc sai lầm nhưng không hề đáng bị lên án, thì những trở ngại sẽ dễ dàng được nhìn nhận như tai nạn vô tình hơn là những âm mưu hay sự trừng phạt. Tại sao ai đó lại muốn phá hỏng bộ đồ đẹp của ta khi ta chẳng làm gì sai? Tại sao ai lại gây tổn hại cho một con người tử tế? Những tai nạn trở nên dễ tin hơn nhiều khi ta không phải mang theo nỗi ám ảnh âm ỉ về sự vô giá trị của bản thân.
Trên hành trình khám phá tâm lý này, bài kiểm tra cũng giúp đo lường khả năng biểu đạt nỗi đau của mỗi người. Ta có luôn phải giả vờ rằng mọi chuyện đều ổn không? Hay đôi khi ta được phép cất lên tiếng than thở? Nhưng tiếng than ấy nên như thế nào? Là một lời than giới hạn trong khuôn khổ, giúp ta giữ được lòng tự trọng? Hay là một tiếng gào thét khổng lồ khiến ta tự làm tổn thương chính mình chẳng kém gì người đã gây ra bực dọc – vì ta chưa từng có cơ hội học cách chế ngự cơn giận của mình hay cảm thấy tranh chấp của ta có giá trị chính đáng?
Như thường lệ, quá khứ chi phối phản ứng của hiện tại. Đứa trẻ từng được khóc một chút, và nhận được đủ sự cảm thông khi món đồ chơi bị hỏng hoặc bạn học ăn quá nhiều bánh sinh nhật của mình, có thể trưởng thành thành một người lớn biết kết hợp giữa sự chân thành và kiểm soát cảm xúc. Họ không cần phải im lặng chịu đựng, cũng không cần phải bùng nổ thành một màn kịch đầy bi phẫn, nơi mọi nỗi hận thù và bất công từng chất chồng lên họ tìm cách bung ra trong giây phút tuyệt vọng.
Bài kiểm tra về sự bực dọc này không chỉ cho ta biết cách ta đang đối diện với những bực bội hiện tại, mà còn mở ra hy vọng rằng, thông qua sự tự nhận thức cùng hành trình khám phá kiên nhẫn và đầy lòng trắc ẩn về tuổi thơ, ta có thể học cách phản ứng khôn ngoan hơn, bình tĩnh hơn, nhân ái hơn trước mọi chướng ngại lớn nhỏ chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện trong suốt những ngày còn lại của cuộc đời.
Nguồn: HOW WE RESPOND WHEN LIFE GETS FRUSTRATING – The School Of Life