Khi một người cho bạn biết họ là ai, hãy tin họ

Có một câu nói quen thuộc nhưng chứa đựng một sự thật sâu sắc về tâm lý con người: "Khi ai đó nói với bạn họ là người như thế nào, hãy tin họ."
Có một câu nói quen thuộc nhưng chứa đựng một sự thật sâu sắc về tâm lý con người: "Khi ai đó nói với bạn họ là người như thế nào, hãy tin họ."
Điều đó có nghĩa là gì? Nghĩa là có những người, bằng cách rất vô tư và thẳng thắn, không ngần ngại cho ta thấy những khía cạnh sâu thẳm trong bản chất của họ – một xu hướng nghiêng về sự vô tâm, phản trắc, phù phiếm hay ích kỷ. Họ không giấu giếm nỗi hèn nhát hay lòng tham của mình. Thậm chí, họ kể về bản thân giữa ban ngày ban mặt bằng những câu chuyện mà thông điệp tiêu cực trong đó hiển hiện rõ ràng như ánh sáng mặt trời.
Thế nhưng, về phần chúng ta – ta lại bỏ lỡ tất cả những dấu hiệu ấy. Ta quá hy vọng, quá ngây thơ, quá đứng về phía người kia – và không đủ đứng về phía chính mình để tin vào những điềm báo đang hiển lộ trước mắt. Và thế là, từng chút một, ta tự hủy hoại cuộc đời mình.
Photo by Dulcey Lima on Unsplash
Hãy tưởng tượng về một người chưa từng hồi đáp sự rộng lượng của ta. Hoặc một người nói rằng họ không cố ý làm tổn thương ta khi ve vãn người khác – rồi vẫn tiếp tục như thế. Hoặc một người thỉnh thoảng lại biến mất không lời giải thích. Một người thường xuyên phản ứng phòng thủ trước những điều khiến ta quan tâm. Một người luôn đáp lại sự ấm áp của ta bằng những câu cụt lủn, lạnh lùng. Một người không bao giờ mời ta gặp bạn bè họ. Một người nói cảm ơn một cách hờ hững, hay luôn trả lời "để xem đã" trong khi ta đang cần một lời "vâng". Một người chưa từng hỏi han gì về thế giới nội tâm của ta.
Tất cả những điều ấy – đều là những thông điệp vô cùng rõ ràng. Đó là cách mà người kia đang nói với ta, một cách chắc nịch, rằng: Tôi không đáng để bạn tin cậy. Tôi không tôn trọng bạn. Có nhiều điều quan trọng với tôi hơn bạn. Cảm xúc của bạn không phải điều tôi bận tâm. Tôi không yêu bạn. Tôi không có nguyên tắc đạo đức. Tôi không có tinh thần trách nhiệm – và tôi sẽ luôn ưu tiên sự thoải mái của mình hơn nhu cầu của bạn.
Lẽ ra, những sự thật đáng báo động ấy phải lập tức đánh thức ta, khiến ta tỉnh táo rời đi và bảo vệ chính mình. Nhưng vấn đề là – một số người trong chúng ta gần như không có khả năng nhận ra những tổn thương đang được gieo rắc từ người khác. Ta nhìn, ta lắng nghe – nhưng không tài nào chạm được đến ý nghĩa sâu xa của những điều đang diễn ra. Ta nhủ lòng: Ừ thì người ấy có vẻ hơi lơ đãng thật, nhưng chắc là họ đang bận, hoặc đang mệt mỏi, hoặc chỉ là đang có gì đó trong đầu. Ừ thì họ không hẳn là tử tế hay chu đáo, nhưng chẳng phải họ từng đối xử tốt với ta vào năm ngoái, và đã từng hứa đưa ta đi chơi đó sao (dù sau đó thì quên mất)?
Ta không thể đặt đúng mức tầm quan trọng vào những vùng tối. Ta không thể – hoặc không dám – nhận ra rằng người kia thực chất là một kẻ giả dối nguy hiểm, hoặc tệ hơn. Vì sao lại vậy? Bởi ta chưa từng được dạy cách tuyệt vọng một cách đúng đắn trước những người đã làm ta tổn thương, bỏ rơi, phớt lờ, hoặc đùa giỡn với lòng tin của mình. Ta không thể thẳng thắn gọi tên sự tàn nhẫn nơi người thân cận, bởi đó lại chính là những người từng được gọi bằng cái tên cha, mẹ, hay người chăm sóc. Và không đứa trẻ nào có đủ sức mạnh để dứt bỏ hoàn toàn khỏi những người mà sự tồn tại của mình lệ thuộc vào. Không đứa trẻ nào có thể tin trọn vẹn vào những tin buồn về gia đình gốc rễ của mình – thế nên sự thật bị bóp méo đến nhức nhối: Bố mình tốt lắm, chỉ là hơi nghiêm khắc. Bố mình từng yêu thương mình, chỉ là đã cưới người khác. Mẹ mình hiền, chỉ là bận bịu. Dượng mình dễ chịu, chỉ là thỉnh thoảng nhìn mình hơi lạ.
Từ sự "rộng lượng" buộc phải có đó – với những hành vi gây tổn thương – ta lớn lên mang theo một thiên hướng suốt đời: không tin vào những dấu hiệu xấu từ người xung quanh. Và rồi, khi rơi vào một mối quan hệ với người luôn ngọt ngào bên ngoài nhưng lại âm thầm chà đạp ta – ta có thể mất đến năm năm để tỉnh ra khỏi cơn mộng nhục nhã. Điều cuối cùng ta muốn tin là: người gần gũi với ta lại có thể là kẻ phản trắc. Dù những dấu hiệu đã chất cao như núi. Dù những người bạn chân thật đều nhìn thấy ngay từ đầu.
Khi ta tỉnh ngộ – và học được cách tin vào những thông điệp tiêu cực mà người khác đang thẳng thắn trao cho – thì đúng là, sẽ có rất ít người ta còn thấy đáng để hẹn hò, làm việc cùng, kết hôn hay dành thời gian bên cạnh. Nghe có vẻ buồn. Nhưng nỗi buồn ấy – vẫn là nhẹ nhàng hơn rất nhiều, so với việc ta cứ mãi cố tin rằng có những người sẽ thay đổi, sẽ tử tế, sẽ thủy chung – trong khi thực tế thì không. Chúng ta cần dũng cảm buông bỏ những kẻ đã phản bội mình – để có thể tìm lại một lòng trung thành đã quá lâu bị bỏ quên: lòng trung thành với chính mình – với phần ta mong manh, đáng yêu, tử tế và thông minh hơn ta vẫn tưởng.
Nguồn: WHEN PEOPLE TELL YOU WHO THEY ARE, BELIEVE THEM | The School Of Life