Khi nhà không còn là nơi để trở về – The School of Life

khi-nha-khong-con-la-noi-de-tro-ve-the-school-of-life

Một trong những tiếng gọi thân thương và xinh đẹp nhất mà loài người từng thốt ra, đó là “nhà”.

Một trong những tiếng gọi thân thương và xinh đẹp nhất mà loài người từng thốt ra, đó là “nhà”. Người ta cẩn thận vun đắp vào trong tiếng “nhà” ấy những an toàn, thấu hiểu, đồng cảm, ấm áp và thân thuộc. Nhà là nơi ta muốn trở về trong những ngày tâm trí nổi đầy giông bão như vua Odysseus nhớ thương mảnh đất Ithaka,  trong những lúc ta tự ti, nghi hoặc bản thân, trong những lúc bị nỗi sợ áp đảo và quật ngã, trong những lúc kẻ thù xúc phạm đến ta và cả những lúc sự tự tin trỗi dậy.

Nhưng có những thời điểm mà nỗi sợ đang len lỏi trong tâm trí, ta buộc phải thừa nhận một kết luận hết sức hoang mang, rằng tổ ấm nay đã không còn đủ ấm áp nữa rồi. Chúng ta có thể đã xây dựng nên được một ngôi nhà, có những con người ruột thịt xung quanh và là nơi trên danh nghĩa chúng ta thuộc về, nhưng ngôi “nhà” đó có lẽ chẳng phải là nơi mà ta thực sự được trú lại khi mỏi mệt, được nuôi dưỡng, bảo vệ và trưởng thành. Có thể đây là nơi ta gối đầu thiếp đi mỗi đêm, nhưng lại không phải nơi ta mượn được một bờ vai thấu hiểu. Mặc dù ta trao cho nơi đây hầu hết thời gian của cuộc đời này, khao khát những cảm xúc yêu thương, cái ta nhận lại, tiếc thay lại không phải là một sự kết nối trọn vẹn. Dẫu cho sự thật này sẽ làm tan nát trái tim ta, nhưng ta vẫn phải đối diện với nó, rằng tình yêu mà ta có ở “nhà” thực sự không đủ nhiều, đủ đúng đắn.  

Thực sự rối rắm khi phải thừa nhận, rằng ngay cả những ngôi nhà sứt mẻ nhất cũng còn tốt hơn là nơi đồng không mông quạnh, lạnh lẽo ở bên ngoài, vậy nên ta muốn lưu lại nhà của mình nhiều hơn. Nhưng về lâu dài, không thể gạt bỏ đi được một giọng nói vẫn đang khăng khăng nhắc nhở ta, rằng quãng đời ngắn ngủi, bản thân ta đang chết dần đi từng chút một mỗi ngày. Ngoài kia, có thể chẳng có ai và cũng chẳng còn gì chờ đợi ta, song, ta cần phải bước chân vào đời, kiếm tìm cho bản thân mình một nguồn cảm xúc để nuôi dưỡng tâm hồn, nguồn cảm xúc mà đến cuối cùng, ta cũng thà sống thà chết để giành lấy, còn hơn là phải lặng lẽ từ bỏ.


Có lẽ khi còn là thanh niên, chúng ta nhận ra gia đình - nơi mà ta được sinh ra - không thể chấp nhận được con người mà ta sẽ trở thành. Có lẽ nhóm bạn từ thời thơ ấu của chúng ta đã chẳng còn nhìn thế giới cùng một hướng như chúng ta nữa. Có lẽ chúng ta đang yêu nhưng dần thất vọng nhận ra rằng người ấy sẽ chẳng bao giờ trân trọng những thứ quan trọng đối với chúng ta.  

Không quá ngạc nhiên khi biết rằng rất nhiều người trong số chúng ta cảm thấy lạc lõng trong chính tổ ấm của mình; chúng ta không hề có quyền lựa chọn trong chuyện này. Chúng ta được an bài sinh ra trong ngôi nhà ấy, hoặc tình cờ gặp được những người bạn ấy, vô tình đến bên họ vào lúc ta còn thơ trẻ và còn chưa hiểu hết được về họ và về chính bản thân chúng ta – và nội tâm ta không đủ cứng rắn để giữ lấy những gì ta thực sự mong muốn. Thử thách lúc bây giờ, là ý thức lựa chọn cho mình một gia đình: cần phải chọn người có được những phẩm chất mà ta thực sự mong muốn, để họ cùng ta bước đi trên thánh đường; và những người mang đến cho ta cơ hội thấu hiểu lẫn nhau.

Chúng ta cần rất nhiều can đảm để tự mình từ bỏ gia đình của chính mình. Như tôi đây, bản thân tôi đang trên con đường từ bỏ “nhà”, không phải bởi vì tôi không thể ở lại đó, cũng không phải bởi vì tôi không thể ở cùng ai. Tôi từ bỏ, bởi vì nơi đó, những người ở đó, đã phản bội lại những gì được gọi là gia đình đúng nghĩa.

Điều đáng được chú ý ở đây là những hình ảnh nhất định có thể gợi lên trong đầu óc của một kẻ du hành trong đơn độc: một quán ăn biệt lập trong một khung cảnh rộng lớn, một khu rừng ẩn mình trong bóng tối dày đặc, một căn phòng trọ ở bên rìa thị trấn. Những hình ảnh như thế (được vẽ ra, viết nên bởi các tác giả như Edward Hopper, Wim Wenders, Caspar David Friedrich hoặc Stephen Shore) là sự vui buồn lẫn lộn đồng thời giữa hai cảm giác, khi dạo bước trên đường trong lạc lõng cô đơn khi không có được bến đỗ quen thuộc, cùng với cảm giác mong đợi rằng phía cuối cuộc hành trình này, chỉ khi ta chấp nhận nắm lấy cơ hội để rời đi, thì ta mới có thể tìm thấy một mái ấm tốt đẹp hơn cái mà ta đã từ bỏ.

Luôn có những thời điểm trong đời, khi mà ta cần phải bước tiếp cho đến khi ta tìm được một nơi xứng đáng với tiếng gọi “nhà”, một nơi thực sự đủ ấm áp cho ta.

Dịch: Anne

Nguồn: The School of Life

Nguồn: A Crazy Mind 

menu
menu