Khi ta buồn mà không hề hay biết

khi-ta-buon-ma-khong-he-hay-biet

Ta vẫn nghĩ rằng, nếu có điều gì đó khiến ta phiền lòng về người mình yêu, ta sẽ ngay lập tức nhận ra.

Ta vẫn nghĩ rằng, nếu có điều gì đó khiến ta phiền lòng về người mình yêu, ta sẽ ngay lập tức nhận ra. Nếu họ khiến ta thất vọng, nếu họ không đáp lại những mong muốn của ta, nếu họ để ta băn khoăn không biết họ có còn yêu thương mình không, ta hẳn sẽ cảm nhận được điều đó thật rõ ràng – và từ đó có thể nhanh chóng tìm cách giải quyết.

Nhưng có lẽ ta đã đánh giá quá cao khả năng tự nhận thức của chính mình. Không phải lúc nào ta cũng nhận ra những gì đang diễn ra trong tâm hồn. Nhiều cảm xúc chân thật của ta chẳng thể tìm được đường đi qua mê cung phức tạp của ý thức. Để hiểu được chính mình, ta cần một môi trường khuyến khích điều đó – một nơi mà ta không cảm thấy có lỗi khi lắng nghe lòng mình, một không gian cho phép ta tò mò về cảm xúc của bản thân, ngay cả khi những gì ta cảm thấy không khớp với những khuôn mẫu xã hội vốn coi là “bình thường” hay “đúng đắn.”

John Singer Sargent, Paul César Helleu Sketching his Wife Alice Guérin, 1889

Những đứa trẻ sẽ chẳng thể hiểu rõ nỗi đau của mình nếu không có người lớn quan tâm đến tiếng khóc của chúng. Ta cũng vậy – ta cần những lời an ủi, những cách diễn đạt tinh tế và giàu lòng trắc ẩn để có thể gọi tên những cảm xúc còn mơ hồ trong lòng.

Một lý do quan trọng khiến ta không nhận thức được cảm xúc của mình với người thương chính là vì họ có khả năng làm tổn thương ta quá lớn. Mọi điều họ làm – hoặc không làm – đều có thể tác động đến ta sâu sắc. Sự nhạy cảm của ta với họ có thể khiến ta mất đi sự độc lập mà ta vẫn cố gắng giữ gìn trong những lĩnh vực khác của cuộc sống.

Ở hầu hết các khía cạnh trong đời, ta học cách mạnh mẽ, giữ bình tĩnh, kiểm soát cảm xúc. Nhưng trong tình yêu, ta lại cần làm điều ngược lại – ta buộc phải đặt trái tim mình vào tay một người khác, một người có thể làm ta loay hoay cả ngày chỉ vì một nụ cười lơ đãng, có thể khiến ta dằn vặt chỉ vì một câu nói hờ hững “ừ, cũng thú vị đấy” khi ta hào hứng chia sẻ điều gì đó, có thể khiến ta tự hỏi liệu mình có đang sống đúng cuộc đời của mình chỉ vì họ vô tình không nắm lấy tay ta trong đêm tối.

Thế nên, không có gì lạ khi ta thường vô thức gạt đi những tổn thương của chính mình, tự thuyết phục bản thân rằng mình ổn, rằng mình không sao cả – nhưng lại cảm thấy cần một khoảng thời gian ở một mình để “nghĩ ngợi.”

Một nỗi buồn không được nhìn nhận không có nghĩa là nó không tồn tại. Nó vẫn len lỏi trong ta, vẫn tìm cách lên tiếng theo những cách mà chính ta cũng không nhận ra: sự lạnh nhạt, cáu kỉnh, chán chường, lao đầu vào công việc, đắm chìm trong những tin tức vô nghĩa, tìm đến những thứ gây nghiện, mất hứng thú với chăn gối hoặc thậm chí bị cuốn vào những cuộc phiêu lưu ngoài luồng.

Tất cả chỉ vì tâm trí ta không dám đối diện với sự thật đơn giản nhưng đầy đau đớn: ta đang buồn, vì bốn ngày trước, người ta yêu đã quên mua cho ta một ít trái cây mà ta thích. Vì họ đã vô tư kể về một người đồng nghiệp làm ta thấy ghen tị. Vì họ không nhận ra rằng ta vừa thay đổi kiểu tóc.

Ta cần một cách nhìn rộng lượng hơn về sự mong manh của mình trong tình yêu. Cần học cách chấp nhận rằng trong một mối quan hệ, ta có thể bị tổn thương bởi những điều nhỏ bé nhất – và điều đó hoàn toàn bình thường.

Dĩ nhiên là ta nhạy cảm. Dĩ nhiên là ta quan tâm từng chút một. Dĩ nhiên là ta đã đặt hạnh phúc của mình vào tay người ta yêu. Và ta không cần phải xấu hổ vì điều đó.

Đã đến lúc ta từ bỏ suy nghĩ rằng, khi trưởng thành, ta phải luôn mạnh mẽ và lý trí trong tình yêu. Đã đến lúc ta dũng cảm thừa nhận sự nhạy cảm thực sự của mình – để lắng nghe những nỗi buồn nhỏ bé trước khi chúng hóa thành những vực sâu ngăn cách.

Nguồn: ON BEING UPSET WITHOUT KNOWING IT | The School Of Life

menu
menu