Khi ta phải làm cha mẹ của chính cha mẹ mình
không ít bậc cha mẹ lại ngấm ngầm dựa vào con mình để giải quyết những khủng hoảng của chính họ. Một đứa trẻ bất hạnh có thể phải dành nhiều nỗ lực để “nuôi dưỡng” cha mẹ, thậm chí nhiều hơn cả việc chăm lo cho sự phát triển của bản thân.
Chúng ta thường nghĩ rằng vai trò của cha mẹ là giúp con cái vượt qua những khó khăn của cuộc sống. Nhưng điều mà ta ít nhận ra hơn – và đôi khi chính họ cũng không nhận ra – là không ít bậc cha mẹ lại ngấm ngầm dựa vào con mình để giải quyết những khủng hoảng của chính họ. Một đứa trẻ bất hạnh có thể phải dành nhiều nỗ lực để “nuôi dưỡng” cha mẹ, thậm chí nhiều hơn cả việc chăm lo cho sự phát triển của bản thân.
Gertrude Fiske, Dorcas, c. 1920
— Có những bậc cha mẹ cần con cái giúp họ cảm thấy rằng mình vẫn còn hữu dụng và có giá trị. Họ có thể giữ con bên cạnh, không để con trưởng thành và tự lập, chỉ để bản thân vẫn thấy mình đóng vai trò quan trọng.
— Có cha mẹ cần con đạt được thành tích tốt ở trường để họ cảm thấy thông minh, danh giá trong mắt người khác.
— Tệ hơn nữa, một số cha mẹ có thể ngấm ngầm mong con cái thất bại, chỉ để bản thân thấy mình mạnh mẽ, thành công hơn khi so sánh.
— Hoặc, họ có thể bắt nạt, sỉ nhục con cái để cảm thấy mình quyền lực, bất khả xâm phạm, và để xóa bỏ cảm giác mong manh yếu đuối mà họ từng phải chịu đựng.
Những gì một bậc cha mẹ chưa giải quyết được trong nội tâm thường có xu hướng tái hiện lại như một bài toán khó trong cuộc đời của con cái. Một người cha, người mẹ không chắc chắn về xu hướng tính dục của mình có thể truyền nỗi lo âu về vấn đề giới tính cho con. Một người lớn luôn ám ảnh về địa vị xã hội có thể lặng lẽ gieo vào con nỗi bất an về vị thế. Và thế là, ngoài những album ảnh hay chút tiền thừa kế, chúng ta còn nhận từ cha mẹ cả sự bất an, tuyệt vọng, hoài nghi, giận dữ, hoặc những rối ren tình cảm khác.
Bởi vì những “di sản cảm xúc” này được truyền lại một cách vô hình, chúng ta cần lùi lại một bước để tự hỏi bản thân một câu đơn giản nhưng quan trọng: Khi sinh ra mình, cha mẹ có thể đã phải vật lộn với những vấn đề gì trong tâm trí họ? Đây là một câu hỏi không hề quen thuộc, vì hầu như không có gì trong cuộc sống gia đình chuẩn bị cho ta đối diện với nó. Tuy nhiên, câu trả lời lại nằm rải rác khắp nơi xung quanh.
Ta có thể nhận ra rằng, có lẽ cha mẹ mình từng phải chống chọi với cảm giác thua kém về trí tuệ hoặc sự bất an trong giao tiếp xã hội. Có thể họ bị giằng xé giữa tình yêu và ham muốn, hoặc cố kìm nén những cảm xúc sau một chấn thương thời thơ ấu. Có thể họ cảm thấy mình không được yêu thương, bị lu mờ bởi một người anh chị em nổi bật hơn.
Vì lòng tốt, hoặc vì không tự nhận thức được, cha mẹ có lẽ sẽ không bao giờ nói ra những điều này. Nhưng theo cách vận hành của những quy luật gia đình, những nỗi niềm chưa giải tỏa của họ rồi sẽ trở thành gánh nặng cho ta.
Phần lớn cuộc đời, ta vô thức tìm cách giải quyết những vấn đề mà cha mẹ âm thầm truyền lại. Ta học cách cảm thấy tự tin về trí tuệ, cách đối diện với nỗi sợ hãi liên quan đến tình dục, hay cách khẳng định vị thế của mình trong xã hội. Ta đang cố gắng tìm ra lối đi, những giải pháp mà, nếu cha mẹ biết đến, có lẽ đã cứu được họ.
Ta có thể muốn rời xa cha mẹ mình càng xa càng tốt, nhưng sự thật là: ta chỉ có thể thật sự giải thoát khỏi họ khi hiểu được những vấn đề của họ vẫn còn sống trong ta.
Nguồn: ON PARENTING OUR PARENTS - The School Of Life