Khoa học thần kinh cho biết bộ não của bạn bẩm sinh đã thích trì hoãn: 4 cách đơn giản để không trì hoãn những việc quan trọng (không cần sức mạnh ý chí)

khoa-hoc-than-kinh-cho-biet-bo-nao-cua-ban-bam-sinh-da-thich-tri-hoan-4-cach-don-gian-de-khong-tri-hoan-nhung-viec-quan-trong-khong-can-suc-manh-y-chi

Đây là cách cuối cùng bạn có thể thoát khỏi sự trì hoãn. Mà không cần nghĩ đến việc không trì hoãn.

Tất cả mọi người đều hay trì hoãn. Đôi lúc mọi người trì hoãn một việc gì đó quan trọng. Thỉnh thoảng, ai ai cũng tránh làm những việc họ thực sự muốn hoặc cần phải làm.

Và tất cả những ai trì hoãn lại không thể chịu được cái sự thật rằng họ đang trì hoãn (có lẽ trừ Adam Grant, người đang tự dạy cho bản thân biết cách trì hoãn.)

Sự trì hoãn, giống như nhiều hành vi khác ở con người, trông thật khó hiểu. Tại sao một người nào đó lại tìm mọi phương cách -- một cách thụ động hoặc chủ động --tránh bắt tay vào thực hiện các nhiệm vụ mà họ cảm thấy sẽ tạo ra một sự thay đổi lớn trong cuộc sống cá nhân hay nghề nghiệp của họ?

Bởi vì chúng ta là con người: Chúng ta được tạo ra theo cách đó.

Khoa học của sự trì hoãn

Hệ thống limbic (hệ viền) là một trong những phần đầu tiên của não bộ giúp kiểm soát những phản ứng cảm xúc và hành vi. (Nó là cái mà Seth Godin gọi là “bộ não thằn lằn” của bạn).

Về mặt tiến hóa, nhiều nhà khoa học cho rằng hệ thống limbic lâu đời hơn những phần khác của não bộ, đóng một vai trò then chốt trong khả năng thích nghi sinh tồn

Điều đó có nghĩa là hệ thống limbic của bạn chỉ quan tâm đến hiện tại-ngay bây giờ. Thấy đói bụng? đi ăn. Thấy sợ hãi? Bỏ chạy. Lo lắng? Hãy lùi lại vài bước.

Sắp sửa làm một việc gì đó khó khăn hoặc gian khổ? Hãy hoãn chuyện đó lại. Ngay cả khi tân vỏ não của bạn đã quyết định rằng làm công việc khó khăn đó thực sự tốt cho bạn.

Tân vỏ não (neocortex) là phần “mới hơn” của bộ não con người xử lý những chức năng bậc cao của não bộ như nhận thức, suy luận không gian, ngôn ngữ... và đưa ra các quyết định ảnh hưởng đến tương lai của bạn. 

Đó là lý do tại sao bạn trì hoãn việc sa thải một nhân viên làm việc kém hiệu quả; trong khi tân vỏ não của bạn thì nhận ra anh ta đang kéo cả nhóm đi xuống, hệ thống limbic không thích nghĩ đến chuyện đối đầu. (Vì sa thải một người nào đó, bất kể anh ta xứng đáng bị đuổi việc, luôn khiến bạn cảm thấy tệ).

Hoặc tại sao bạn trì hoãn việc soạn bài thuyết trình ngắn. Hoặc gọi điện để thuyết phục khách hàng tiềm năng mua sản phẩm hoặc dịch vụ. Hoặc tập thể dục. Hoặc vô số những thứ khác mà bạn biết -- ở cấp độ cao hơn-- sẽ được đền đáp trong tương lai... nhưng dường như chúng quá khó khăn, hoặc gây nản chí, hoặc đau đớn đối với hệ thống limbic của bạn.

Đó là lý do tại sao bạn trì hoãn: Không phải vì bạn lười, hay vì bạn thiếu ý chí, cũng chẳng phải bạn không có những gì cần thiết để làm... mà bởi vì hệ thống limbic của bạn và tân vỏ não đang tham gia vào một cuộc chiến liên miên không ngớt -- một trận chiến mà hệ limbic, vì nó là một chức năng cốt lõi (và đôi lúc gần như diễn ra một cách tự động) thường giành chiến thắng. 

Làm cách nào để ngừng trì hoãn  

Trừ phi bạn tìm ra cách để đưa hệ thống limbic của bạn ra ngoài. Hoặc đánh lừa hệ limbic của bạn để nó nghĩ rằng nó đang chiến thắng.

Chìa khóa là điều chỉnh những kết quả trong tương lai cho phù hợp với kết quả ở hiện tại -- làm thứ gì đó mà bạn biết là tốt cho bạn về lâu về dài cũng như cảm thấy vui vẻ trong ngắn hạn. Bằng cách nào?

  1. Thay đổi sự tập trung từ tương lai sang hiện tại.

Bạn biết tập thể dục một ngày nào đó sẽ mang lại lợi ích cho bạn. Nhưng ngay bây giờ, ngay thời điểm này? Tập thể dục chán như con gián.

Trừ phi bạn biết cách làm cho chuyện tập luyện trở nên vui vẻ. Hoặc tìm cách kích hoạt phần “bây giờ” của bộ não bạn. 

Nếu bạn ghét chạy bộ, hãy tìm đến một hình thức tập cardio mà bạn thích. (Ngay cả khi nó kém hiệu quả thì cũng không sao hết: Thường xuyên làm việc gì đó đạt hiệu quả 80 phần trăm thì tốt hơn là chẳng bao giờ làm điều gì đó hiệu quả 100 phần trăm.) Hoặc tìm một người bạn tập cùng với bạn. Hoặc lưu những bản nhạc hoặc podcast hoặc những cuốn sách nói ưa thích của bạn để nghe khi đang tập luyện. 

  1. Thay đổi mục tiêu của bạn.

Giả sử bạn muốn thực hiện 500 cuộc gọi bán hàng trong năm nay. Đó là một con số quá lớn: Phải nghe rất nhiều từ 'Không', bị đóng sầm cửa trước mặt, hoặc bị từ chối... hệ thống limbic của bạn GHÉT cái ý tưởng thực hiện 500 cuộc gọi bán hàng. 

Nhưng chỉ gọi 4 cuộc mỗi ngày thì thế nào? Và kiểm tra từng cuộc gọi hay chí ít là những cuộc gọi đáng bỏ công trong mỗi ngày trên lịch của bạn? Đó là một công việc "bây giờ": Việc đó có thể khiến bạn cảm thấy hài lòng và thỏa mãn ngay bây giờ. Hệ thống limbic của bạn yêu thích điều đó.

Nếu bạn muốn, hãy gọi nó là Phương pháp Seinfeld. Ngay từ đầu, Seinfeld đã xác định rằng con đường để trở thành một diễn viên hài giỏi giang là tập viết truyện cười hay hơn. Có nghĩa là viết truyện cười mỗi ngày. Vì vậy anh ta mua một tờ lịch lớn, treo nó trên tường và mỗi ngày anh ta viết một trò đùa mới, anh ta ghi một chữ X màu đỏ vào ngày đó.

Seinfeld nói với Brad Isaac

Sau vài ngày, bạn sẽ có một chuỗi chữ X đỏ. Cứ tiếp tục như thế và chuỗi chữ X đó sẽ kéo dài hơn mỗi ngày. Bạn sẽ thích nhìn chuỗi đó, đặc biệt là khi bạn trải qua vài tuần.

Nhiệm vụ duy nhất của bạn là không được cắt đứt chuỗi X đỏ.

Không cắt đứt chuỗi khiến bạn cảm thấy vui. Không cắt đứt chuỗi chữ X đỏ là một nhiệm vụ của hiện tại-ngay bây giờ. Vì hệ thống limbic yêu thích những công việc ngay bây giờ/trong hiện tại, hãy biến những mục tiêu dài hạn trở thành những nhiệm vụ ngắn hạn mà bạn có thể hoàn thành.

Đó là lý do tại sao nhiều người thấy họ đang đi bộ quanh phòng khách nhà họ trong khi đang xem TV vào ban đêm -- họ đang cố gắng hoàn thành 10.000 bước của mình. Không phải vì việc đó sẽ giúp họ khỏe mạnh hơn vào một ngày nào đó trong tương lai, mà bởi vì họ thích đánh dấu nhiệm vụ đó ngày hôm nay.

  1. Hoàn toàn tránh hệ thống limbic của bạn.

Các quyết định là kẻ giết chết sức mạnh ý chí, đó là nguyên nhân tại sao hệ limbic của bạn yêu thích các quyết định-- đặc biệt là những quyết định liên quan đến các kết quả trong tương lai.

Nhưng nếu bạn chuẩn bị sẵn bữa trưa của bạn vào đêm hôm trước thì bạn sẽ không cần phải ra quyết định nên ăn gì. Nếu bạn tự động trích tiền lương hàng tháng để tiết kiệm, thì bạn sẽ không phải đưa ra quyết định về việc chuyển tiền vào tài khoản đầu tư của mình. Nếu bạn tắt thông báo trong một vài giờ, bạn sẽ không phải đưa ra quyết định về việc liệu có nên lén xem một tin nhắn hay email mới.

Nếu bạn thường xuyên trì hoãn những nhiệm vụ tái diễn định kỳ, hãy tìm cách để tự động hóa chúng. Khi đó hệ thống limbic của bạn sẽ chẳng bao giờ dính dáng tới. Và những điều bạn muốn làm sẽ luôn luôn được hoàn thành.

  1. Làm theo quy tắc 5-Phút.

Giả sử bạn trì hoãn việc cùng nhau đưa ra một đề xuất cho một khách hàng tiềm năng.

Hãy làm những gì mà người sáng lập Instagram Kevin Systrom đã làm và thỏa thuận với bản thân. "Nếu bạn không muốn làm một việc gì đấy," Systrom nói, "hãy thỏa thuận với bản thân là dành ít nhất 5 phút để làm nó. Sau 5 phút, bạn sẽ thấy mình làm xong toàn bộ công việc." Đó là tất cả những gì bạn cần làm. Cam kết chỉ làm 5 phút. Chỉ 5 phút thôi. Hệ thống limbic của bạn ghét cái ý tưởng làm việc 5 giờ. Còn 5 phút hả? Không thành vấn đề.

Và một khi bạn bắt tay vào làm, một điều vi diệu sẽ xảy ra. Bạn nhận ra công việc mà bạn sợ bắt tay vào làm hóa ra không quá đáng sợ. Endorphins kích thích bạn. Cơ bắp tinh thần của bạn được khởi động. 

Hãy nghĩ về một lần bạn trì hoãn một nhiệm vụ, cuối cùng khi bắt tay vào làm, và sau đó suy nghĩ về việc đó, "Chẳng hiểu tại sao tôi cứ trì hoãn việc này hoài. Mọi việc tiến triển rất tốt. Nó hầu như không khó khăn như tôi tưởng."

Hệ limbic của bạn yêu cái cảm giác đó.

Khi bạn đang vật lộn để bắt đầu, đừng nghĩ đến tất cả những việc cần làm. Chỉ cần cam kết dành 5 phút cho nó. Điều đó sẽ làm hệ thống limbic của bạn lắng xuống.

Vì vậy, một khi bạn đã bắt đầu... mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều kể từ bây giờ.

 

Rubi dịch

Nguồn: 

https://www.inc.com/jeff-haden/neuroscience-says-your-brain-is-wired-to-procrastinate-4-simple-ways-to-stop-putting-off-important-things-willpower-not-required.html?fbclid=IwAR0AdT6yCjWp4Bxa554aqJQARSAuwvQV3cS2k9Lv3NgnUUkaHcT7kwCljMs

menu
menu