Khoa học về nghiện ngập: Có phải bạn luôn thích thứ mà bạn muốn không?

khoa-hoc-ve-nghien-ngap-co-phai-ban-luon-thich-thu-ma-ban-muon-khong

Khi chiếc công tắc nối ra phía ngoài hộp sọ của B-19 được bật lên, nó đã đem đến cho anh ấy một thứ khoái cảm nhân tạo kỳ lạ.

Năm 1970, bên trong một phòng mổ tại tiểu bang New Orleans, Hoa Kỳ, các bác sĩ đang tiến hành khoan vào hộp sọ của một "bệnh nhân" đặc biệt. Đó là khoảng thời gian 6 năm trước khi những quy định về nghiên cứu khoa học trên người, đặc biệt là tù nhân tại Mỹ bắt đầu được thắt chặt.

Trước đó, một khi đã phạm tội và bị tước quyền công dân, những tù nhân này bị gán một trách nhiệm phải cống hiến cho y học để trả giá cho những gì họ gây ra. Tù nhân thường bị cưỡng bức tham gia vào các thí nghiệm được coi là phi đạo đức và vô nhân tính theo tiêu chuẩn ngày nay.

Nằm trên giường mổ lúc này là B-19, một nam giới đồng tính 24 tuổi, nghiện ma túy và từng bị trục xuất khỏi quân đội vì xu hướng tình dục của anh ta. Chỉ đạo ekip mổ là Robert Heath, một bác sĩ người Mỹ ủng hộ lý thuyết tâm thần sinh học.

Thuyết tâm thần sinh học nói rằng mọi bệnh tâm thần của con người đều xuất phát từ những khuyết tật vật lý trên cơ thể, đặc biệt là trong bộ não. Do đó, giải quyết các khuyết tật cơ học này sẽ cho phép điều trị tận gốc tất cả các triệu chứng bệnh tâm thần mà bệnh nhân mắc phải.

Thời hậu chiến tại Mỹ, đồng tính vẫn bị coi là một rối loạn nhân cách xã hội thay vì được công nhận như một giới tính. Các bác sĩ tâm lý liệt kê xu hướng tính dục này trong từ điển chẩn đoán y khoa của họ giống với bệnh tâm thần phân liệt.

Đối với "bệnh nhân" B-19, Robert Heath tin rằng tình trạng đồng tính của anh ta bắt nguồn từ sự hoạt động không bình thường của vùng vách (Septal) trong não bộ. Đây là vùng não tạo ra cảm giác cực khoái liên quan đến tình dục, nơi Robert Heath tin bằng ông có thể can thiệp để thay đổi hành vi giới tính trên "bệnh nhân" của mình.

Chiếc công tắc bật lên thứ khoái cảm nhân tạo

Trong thí nghiệm năm 1970, B-19 đã phải trải qua một thủ thuật não bộ khá xâm lấn. Hộp sọ của anh ấy bị đục nhiều lỗ nhỏ, trong khi Robert Heath luồn vào bên trong những dây dẫn bằng thép không gỉ bọc teflon. Những dây dẫn siêu mảnh này có đường kính chỉ 0,07 mm, với một đầu đính 3 điện cực nhỏ cách đều nhau mỗi chiếc 2 mm.

Qua lỗ thông trên hộp sọ, Robert Heath có thể đưa các điện cực này đến giữa vùng vách Septal của B-19. Bên ngoài vỏ sọ, ông nối dây dẫn thép vào một mạch điện kích thích có một chiếc công tắc để bật tắt dòng điện. Và mỗi khi dòng được bật lên, B-19 sẽ cảm thấy một sự sung sướng "nhân tạo" giống với khi anh ấy quan hệ tình dục với người đồng giới.

Robert Heath bây giờ muốn huấn luyện lại xu hướng tình dục cho B-19 bằng cách đưa cho "bệnh nhân" của mình chiếc công tắc. Ông ấy bật một bộ phim khiêu dâm nữ và yêu cầu anh ấy nhấn chiếc nút hết lần này đến lần khác để tập được khoái cảm với người khác giới.

Bình thường, những người đồng tính không hề thích điều này một chút nào. Nhưng trong thí nghiệm của Robert Heath, B-19 đã tỏ ra khá thích thú với chiếc công tắc. Anh ấy đã nhấn nó tới hơn 1.000 lần mỗi phiên.

"Nó khiến anh ta cảm thấy mình bị khiêu khích tột độ",  Kent Berridge, một giáo sư tâm sinh lý học và khoa học thần kinh tại Đại học Michigan cho biết. Mỗi lần điện cực được bật lên và một dòng điện phóng vào khu vực Septal, B-19 cảm thấy rằng anh ta có thể quan hệ tình dục với cả nam và nữ.

Robert Heath sau đó đã xin một lệnh chấp nhận của tòa án tiểu bang để tuyển dụng một cô gái bán dâm 21 tuổi tham gia vào nghiên cứu. Ông hỏi B-19 có muốn quan hệ với cô gái này trong khi cầm chiếc công tắc hay không. Kết quả B-19 đã đồng ý và đó là cơ sở để Robert Heath tuyên bố thí nghiệm chuyển đổi người đồng tính của mình đã thành công.

Trong sự nghiệp khoa học của mình, Robert Heath đã thực hiện tổng cộng hơn 50 thí nghiệm liên quan đến việc đặt điện cực vào não bộ tù nhân. Khi lật lại những trang hồ sơ này, các nhà khoa học ngày nay không thể không lên án chúng như những thí nghiệm phi đạo đức và nhân tính.

Mặc dù vậy, họ vẫn cảm thấy tò mò về chúng với vô vàn câu hỏi trong đầu. Chẳng hạn như trường hợp của bệnh nhân B-19, câu hỏi đặt ra là liệu anh ấy có thực sự thay đổi được giới tính của mình hay chưa?

Robert Heath nghĩ rằng ông đã thành công cho nên khi B-19 được hỏi: "Cảm giác nhấn chiếc nút như thế nào?", Heath mong đợi câu trả lời là "Nó rất rất tuyệt". Nhưng không, B-19 không cảm thấy thế, anh nói mình không thích trải nghiệm đó một chút nào.

Nhưng tại sao lại vậy? Rõ ràng, B-19 đã nhấn chiếc nút tới hàng ngàn lần và nếu nó là một sự tra tấn với anh ấy thì anh ta đã không làm điều đó. Hơn nữa, Robert Heath cho biết bệnh nhân của mình đã phản đối kịch liệt khi điện cực được tháo ra khỏi đầu anh.

B-19 không thích chiếc nút, nhưng anh ấy vẫn muốn nó. Điều này đi ngược lại tất cả những giả định trước đây về sự thích thú và ham muốn của con người: Liệu có cái gì bạn không thích nhưng vẫn muốn có được nó hay không và ngược lại?

“Thích” và “Muốn” là hai cảm giác độc lập

Nếu mỗi sáng bạn đều phải pha một cốc cà phê đen cho mình ở văn phòng, mọi người khác đều sẽ nói rằng bạn thích thứ đồ uống đắng ngắt đó. Ngược lại, khi bạn muốn có một chiếc PS5, đó là vì bạn thích nó, cho dù đó là cảm giác thích thú được sở hữu một món đồ thời thượng, hay vì bạn thích chơi những trò chơi trên cỗ máy này.

Trong một thời gian dài, các nhà tâm lý học và khoa học thần kinh cho rằng không có sự khác biệt thực sự giữa sở thích và ham muốn. "Thích" và "muốn" nghe giống như hai từ mô tả cùng một hiện tượng.  Khi một chàng trai nói với một cô gái rằng anh ấy thích cô, điều đó đồng nghĩa với việc anh ấy muốn có được cô ấy. Và ngược lại không có một ai có thể không thích người mà mình ham muốn.

Các nhà khoa học cho biết có một hệ thống trong não bộ liên quan đến hormone dopamine đang thúc đẩy cả hai cảm giác mong muốn và thích thú cùng lúc. Dopamine cũng chính là hormone mà não bộ tiết ra khi bạn ăn đồ ngọt, trong nhiều trường hợp nó sẽ khiến cho bạn bị nghiện đường.

Thí nghiệm trên chuột cho thấy khi dòng sản sinh dopamin bị chặn lại, những con chuột sẽ không còn muốn ăn đồ ngọt nữa, cho dù các nhà khoa học đã đặt những chiếc bánh ngay trước mặt chúng cũng sẽ không ăn.

Nhưng liệu lũ chuột có còn thích đường hay không? Giáo sư Berridge cho biết khi một nhà khoa học trước đây nhìn thấy những con chuột không ăn bánh ngọt, họ mặc định cho rằng chúng không muốn ăn nghĩa là không còn thích đường nữa.

Nhưng ông khẳng định: "Những con chuột không có dopamine vẫn thích mùi vị của đường một cách bình thường". Vậy làm thế nào mà Berridge biết điều đó. Trong các thí nghiệm của ông, Berridge đã quan sát khuôn mặt của lũ chuột. 

Ông cho biết chuột có biểu cảm khuôn mặt khá giống con người. Khi được cho ăn đồ ngọt, chúng sẽ liếm môi; khi đó là một thức ăn gì đó cay hoặc đắng, chúng sẽ há miệng và lắc đầu.

Để chứng minh dopamine không liên quan đến sở thích của lũ chuột, giáo sư Berridge đã làm thêm một thí nghiệm. Ông ấy đã tăng nồng độ hormone này lên trong não chuột. Kết quả, chúng đã ăn nhiều đường hơn – một dấu hiệu cho thấy ham muốn của chúng mạnh hơn. Nhưng cảm giác thích thú của chuột dựa trên biểu cảm khuôn mặt thì không hề thay đổi.

Tóm lại thì điều gì đang xảy ra? Tại sao Dopamine không ảnh hưởng đến việc thích – nó chỉ ảnh hưởng đến sự ham muốn? Và ngược lại, có khi chúng muốn ăn nhiều hơn một loại thức ăn mà chúng không thích?

Giáo sư Berridge có một giả thuyết, nó ngông cuồng đến mức ông ấy cũng không thực sự tin vào nó - ít nhất là trong một thời gian dài. Có khi nào việc muốn một thứ và thích nó, được điều khiển bởi hai hệ thống riêng biệt trong não bộ? Dopamine không ảnh hưởng đến việc thích – nó chỉ ảnh hưởng đến sự ham muốn?

Dopamine không ảnh hưởng đến việc thích – nó chỉ ảnh hưởng đến ham muốn.

Trong nhiều năm, giới khoa học vẫn hoài nghi. Nhưng bây giờ lý thuyết của Berridge đã được chấp nhận rộng rãi. Dopamine làm tăng sự cám dỗ. Khi bạn đi xuống cầu thang vào buổi sáng và nhìn thấy máy pha cà phê của mình, đó là dopamine đang thúc đẩy bạn phải pha một tách. Dopamine tăng cường sự ham muốn đối với thức ăn nếu bạn đang đói và khiến người hút thuốc lá với lấy chiếc bật lửa vì thèm thuốc nhưng chưa chắc nó đã khiến bạn thích chúng.

Một phương pháp điều trị mọi chứng nghiện

Thật vậy, các bằng chứng đáng kinh ngạc nhất trong nghiên cứu của giáo sư Berridge bây giờ còn cho thấy hệ thống dopamine có thể kích hoạt ham muốn với những thứ không thuộc về sở thích. Trong một thí nghiệm với chuột, Berridge đã gắn một thanh kim loại nhỏ vào lồng của chúng, mà hễ khi lũ chuột chạm vào thanh kim loại này chúng sẽ bị điện giật nhẹ.

Những con chuột bình thường, sau một hoặc hai lần chạm vào thanh kim loại và bị giật đã học được cách tránh xa chúng. Nhưng với những con chuột được kích hoạt hệ thống dopamine mỗi khi chạm vào thanh kim loại, Berridge đã có thể khiến chúng trở nên say mê với những cú điện giật.

Những con chuột này sẽ tiếp cận thanh kim loại, đánh hơi nó rồi rúc mũi hoặc sờ chân lên đó. Ngay cả sau khi đã bị điện giật, những con chuột vẫn quay trở lại chơi với thanh kim loại hết lần này đến lần khác trong khoảng thời gian 5 hoặc 10 phút trước khi thí nghiệm dừng lại. 

Những con chuột sẽ lao vào chích điện như thiêu thân, chỉ cần hệ thống dopamine được kích hoạt

Có lẽ thí nghiệm này là lời giải thích tốt nhất cho những thói quen khó bỏ. Nó khiến chúng ta liên tưởng đến thuốc lá. Khi một người hút thuốc, anh ta có thể không thích mùi hôi mà thuốc lá để lại trên quần áo, cũng không thích vị khói khét và nguy cơ bệnh tật mà nó gây ra một chút nào. Nhưng người nghiện thuốc vẫn sẽ hút thuốc bởi bị ham muốn thôi thúc thay vì sở thích.

Phát hiện của giáo sư Berridge đã thay đổi sự hiểu biết của chúng ta về những phạm trù trước đây từng được đánh đồng: mong muốn, khao khát, thích thú và cả chứng nghiện – từ nghiện ma túy, rượu, cờ bạc, và có lẽ thậm chí cả đường và đồ ăn.

Đối với những người nghiện, ham muốn trở nên tách rời khỏi ý thích. Hệ thống dopamine trong não họ sẽ bật lên ngay khi nhìn thấy dấu hiệu - chẳng hạn như một điếu thuốc – là thứ có thể mang lại phần thưởng cho họ.

Bằng cách nào đó, hệ thống dopamine trở nên cực kỳ nhạy cảm ở những người này. Ham muốn của họ không bao giờ mất đi, thậm chí còn được kích hoạt bởi nhiều tín hiệu chẳng liên quan. Những người nghiện ma túy có thể nhận thấy sự thôi thúc muốn dùng ma túy của họ từ một bơm kim tiêm, một chiếc thìa, thậm chí là một bữa tiệc hoặc ở một góc phố.

Thứ mong muốn ấy dường như không bao giờ cạn kiệt- ít nhất là trong ngắn hạn. Điều đó khiến người nghiện ma túy dù đã cai được vẫn rất dễ bị tái nghiện. Họ muốn dùng lại ma túy, ngay cả khi ma túy mang lại cho họ rất ít hoặc không có khoái cảm.

Đối với chuột, sự nhạy cảm dopamine có thể kéo dài tới nửa cuộc đời. Nhiệm vụ bây giờ của các nhà nghiên cứu là tìm xem liệu họ có thể đảo ngược sự nhạy cảm này hay không – đầu tiên là trên chuột, và sau đó hy vọng sẽ tới con người.

Trở lại với bệnh nhân B-19. Chúng ta nhớ lại rằng anh ta đã được gắn một điện cực kích hoạt cảm giác cực khoái trong não bộ và được đưa cho nút bấm điều khiển chính điện cực ấy. Mặc dù là một người đồng tính nam và tỏ ra không thích thứ khoái cảm nhân tạo với phụ nữ một chút nào, B-19 vẫn nhấn nút để có được nó.

Vào thời điểm thí nghiệm kết thúc, bác sĩ Robert Heath đã tự hỏi liệu anh ta có nói dối hoặc không nhận ra cảm xúc của mình hay không. Nhưng bây giờ, chúng ta có một lời giải thích thuyết phục hơn. Có nhiều khả năng B-19 thực sự không thích cảm giác khoái cảm mà cái nút gây ra, chẳng qua anh ta không cưỡng lại được nó mà thôi.

Vậy thì B-19 thực ra vẫn là một người đồng tính nam chính hiệu. Thí nghiệm của bác sĩ Robert Heath đã thất bại chứ không thành công như ông tưởng.

 

Nguồn: https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/benh-nhan-b-19-va-tham-vong-hoan-cai-gioi-tinh-con-nguoi-bang-phau-thuat-nao-162210605121938776.htm

menu
menu