Khoảng lặng có ý nghĩa gì?

khoang-lang-co-y-nghia-gi

Chúng ta thường xuyên đối diện với những khoảng lặng ở nơi lẽ ra phải có hồi đáp.

Chúng ta thường xuyên đối diện với những khoảng lặng ở nơi lẽ ra phải có hồi đáp. Ta gửi một tin nhắn hai ngày trước… nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời. Ta mong chờ một email… nhưng hộp thư vẫn trống rỗng. Họ đã nói sẽ gọi lúc năm giờ… nhưng điện thoại vẫn im lìm.

Tâm trí con người có một cơ chế đặc biệt: ta không thể để khoảng lặng chỉ là khoảng lặng. Ta tự động gán cho nó một ý nghĩa nào đó, và theo cách mà tâm hồn ta được kiến tạo, những ý nghĩa này có thể khác nhau đến lạ kỳ.

Robert Motherwell, Elegy to the Spanish Republic No. 110, c. 1971

Với một số người, khoảng lặng đơn giản là:
— Họ bị trễ, rồi họ sẽ trả lời thôi.
— Họ đang bận.
— Họ quên mất.
— Họ vẫn yêu thương ta như thường.

Nhưng với những người khác, cùng một khoảng lặng lại là một điềm gở:
— Họ đã nhận ra tôi thật tệ hại.
— Họ đột nhiên quay lưng lại với tôi.
— Tôi đã làm gì sai.
— Họ ghét tôi rồi.

Trong một chi tiết rất nhỏ này, ta có thể thấy được cả một mảng sâu thẳm trong cách ta vận hành về mặt cảm xúc—và nó bắt nguồn từ chính câu chuyện đời ta. Những gì ta tưởng tượng đằng sau sự im lặng của người khác phản ánh cách mà ta từng được đối xử bởi những người chăm sóc ta khi ta còn bé. Ta lấp đầy khoảng trống bằng những mảnh ký ức rời rạc mà chính ta cũng không nhận ra. Và ta vô thức tin rằng tương lai sẽ lặp lại quá khứ.

Nếu ta nhìn sự im lặng với một tâm thế an nhiên, đó có thể là vì những người thân yêu quanh ta từ bé đã tương đối ổn định và bao dung. Khi ta lớn lên, không có những lần bỏ rơi đột ngột, không có những đổi thay thất thường. Hôm nay yêu thương, ngày mai vẫn vậy. Ta thấy an toàn. Nhưng nếu ta lập tức cảm thấy bất an, sợ hãi, thấy khoảng lặng ấy là điềm báo của sự ghét bỏ, của nỗi đau, thì có lẽ ta đã lớn lên trong một môi trường mà tình yêu và sự chấp nhận luôn mong manh. Trước năm tám tuổi, có lẽ ta đã quen với cảm giác mình luôn sai, luôn đáng trách, luôn bị quay lưng. Ta đã từng bị chế giễu, từng bị ruồng bỏ. Và cảm giác nguy hiểm ấy cứ bám riết lấy ta.

Thế nhưng, ta hiếm khi nhận ra rằng khi ta nhìn màn hình điện thoại và lo lắng, thực ra ta đang lặp lại một khuôn mẫu từ quá khứ. Ta không còn nhớ mình đã học cách cảm thấy như thế nào—cũng như ta không nhớ làm sao mình học được cách đi xe đạp hay nói chuyện. Những góc nhìn của ta về thế giới không hề lộ ra nguồn gốc riêng tư của chúng, nên ta cũng ít khi đặt câu hỏi hay tìm cách thay đổi.

Nếu ta liên tục cảm thấy hoảng sợ khi gặp phải những khoảng lặng, điều cần làm tiếp theo là nhận ra điều đó và hiểu rằng tâm trí ta không sinh ra với cách phản ứng đầy lo âu này. Nó đã bị tổn thương, đã bị xáo trộn bởi những trải nghiệm cụ thể trong quá khứ, và ta đã rút ra từ đó những kết luận quá khắc nghiệt: rằng ta luôn sai, rằng ta sẽ luôn gặp rắc rối, rằng ta mãi mãi không đủ tốt. Ta cần học cách dịu dàng hơn với chính mình, cần dừng lại và chọn cho mình một cách nhìn nhận ít cay nghiệt hơn.

Thảm họa mà ta sợ hãi có lẽ đã xảy ra từ rất lâu rồi. Điều ta cần làm không phải là tiếp tục lo lắng về nó, mà là nhớ lại nó, nhìn thẳng vào nó và dành cho chính mình một lòng trắc ẩn sâu sắc—bởi vì ta đã sống sót qua nó. Để từ đó, ta có thể tìm thấy một tương lai nhẹ nhõm hơn, công bằng hơn và trong trẻo hơn.

Nguồn:  WHAT DOES A SILENCE HAVE TO MEAN?

menu
menu