Khơi Dậy Sức Mạnh Của Đối Thoại Trực Tiếp

khoi-day-suc-manh-cua-doi-thoai-truc-tiep

Những cuộc đối thoại chất lượng là món quà quý giá mà ta không nên nhường cho các thiết bị điện tử.

Đó là một buổi tối ngày 19 tháng Chín năm 1931.

Ba người đàn ông đi dạo trên Addison’s Walk, con đường đi bộ đẹp như tranh vẽ chạy dọc sông Cherwell trong khuôn viên Đại học Magdalen, thành phố Oxford. Hai người trong số đó - C.S Lewis và J.R.R Tolkien – đặc biệt gắn kết với nhau và chìm đắm trong một cuộc thảo luận sôi nổi về bản chất của phép ẩn dụ và thần thoại.

Mặc dù cả hai người đều là cựu binh chiến tranh ngót nghét 30 năm, cùng giảng dạy tại Đại học Oxford và có chung tình yêu với văn học cổ, nhưng giữa họ vẫn có nhiều nét tương phản. Lewis có nước da hồng hào và thân hình rắn chắc. Quần áo của ông rộng thùng thình và loàng xoàng. Khi nói chuyện, giọng ông vang và trầm. Tolkien thì mảnh khảnh, ăn mặc thanh lịch và khá ít nói. Lewis thuộc tuýp người năng nổ, còn Tolkien thuộc tuýp kín đáo hơn.

Bên cạnh những khác biệt về tính cách, hai người còn khác nhau ở một yếu tố nền tảng hơn: Tolkien là một tín đồ Công giáo trung thành từ khi còn nhỏ, trong khi Lewis lại là một người vô thần từ năm 15 tuổi.

Tuy vậy, nhiều năm trôi qua, thái độ của Lewis về Đức Chúa Trời dần dần không còn cứng nhắc, một phần nhờ tình bạn của ông với Tolkien và nhiều cuộc trò chuyện giữa hai người kể từ lần đầu gặp gỡ 5 năm trước

Lewis không chỉ đi dạo cùng Tolkien mà còn với Hugo Dyson, giảng viên tiếng Anh tại Đại học Reading và cũng giống như Tolkien, ông là người Công giáo. Một làn gió ấm lùa qua lá cây, Lewis giũ bỏ rào cản còn lại để chấp nhận đức tin của những người bạn. Ông nói với họ rằng ông xem Chúa Giêsu là một hình mẫu tối thượng về cách sống một cuộc đời cao thượng, nhưng ông cũng đấu tranh với ý niệm về hành động chuộc tội mà qua đó Người đã cứu cả nhân loại.

Tolkien và Dyson lắng nghe những vấn đề của bạn mình và quyết định về chỗ ở của Lewis tại trường đại học để tiếp tục thảo luận. Họ ngồi trong phòng Lewis và lấy tẩu thuốc ra. Khi đồng hồ điểm quá nửa đêm và căn phòng ngập khói thuốc, cả Dyson và Tolkien đều chia sẻ những quan điểm của họ từ hành trình họ đến với đức tin.

Lewis đã chuyển từ việc tin rằng Kitô giáo là một truyền thuyết không thật giống như các câu chuyện thần thoại khác, sang cảm giác đó là một tôn giáo thật sự, hoàn toàn khác với thế giới thần thoại giả tưởng.

Tolkien cũng thử thách Lewis để ông thật sự bị lay động một cách sâu sắc và kỳ lạ. Cuộc hành hương tới đức tin của Lewis là một chặng đường dài, theo đó các rào cản trí tuệ dần dần được gỡ bỏ và được thay thế bởi những cái nhìn sâu sắc hơn. Nhưng vẫn còn một mớ bòng bong cần phải gỡ rối. Cả cuộc đời, Lewis luôn cảm thấy sự giằng co giữa hai xung lực dường như mâu thuẫn với nhau: một là ước muốn sâu thẳm chưa được thỏa mãn dành cho cái đẹp và niềm hạnh phúc, và hai là khao khát thấu hiểu thế giới này một cách lý trí. Khi Tolkien giải thích, Lewis nhận ra hai khuynh hướng này không nhất thiết mâu thuẫn, mà trên thực tế còn có thể hòa hợp với nhau. Ông nhận thấy đức tin có thể là chất xúc tác tuyệt vời nhất cho trí tưởng tượng, và trí tưởng tượng có thể thai nghén một thực tại chân thực hơn những điều được khám phá chỉ bằng quan sát thông thường. Một khả năng mới mở ra cho Lewis: đó là khi ông có thể dành cả cuộc đời cho đức tin vào Chúa Giêsu, cả tâm trí và trái tim, trí tuệ và trực giác. Đó là một khoảnh khắc khai sáng mang tính bước ngoặt.

Lewis không chỉ trở thành một người hữu thần mà còn bước vào một con đường hoàn toàn mới trong cuộc đời. Định mệnh đưa ông trở thành người biện giải cho Kitô giáo nổi tiếng nhất lúc bấy giờ, tạo nên những câu chuyện thần thoại soi sáng riêng dưới dạng loạt truyện Biên niên sử Narnia, và trở thành tác giả của những tác phẩm vẫn còn được khám phá và trao giải cho tới ngày nay. Chỉ một cuộc trò chuyện bắt đầu trên Addison’s Walk đã trở thành thứ tựa như bộ phận chuyển ray đường sắt – đưa Lewis sang một hướng hoàn toàn khác.

Ta Học Được Gì Từ Lewis Và Tolkien?

Tôi kể câu chuyện về cuộc trò chuyện hiếm có giữa Lewis và Tolkien không phải vì tôi nghĩ câu chuyện tiết lộ tiềm năng sức mạnh chuyển đổi của việc đối thoại trực tiếp, và khiến chúng ta suy ngẫm liệu rằng toàn bộ sức mạnh cũng như vẻ đẹp của thứ quyền năng này đang bị đe dọa trong thời đại công nghệ số ngày nay.

Trong cuốn sách có tên Reclaiming Conversation của mình, giáo sư Sherry Turkle thuộc Đại học MIT đưa ra những bằng chứng đáng tiếc về việc con người hiện đại đang dần chạy trốn khỏi “những cuộc trò chuyện không giới hạn và tự nhiên, nơi ta chơi đùa với những ý tưởng.” Chúng ta núp sau màn hình và giao tiếp nhiều nhất có thể qua email và tin nhắn. Chúng ta biện minh cho những hành động ấy trên cơ sở tính hiệu quả và sự thật là với khả năng chỉnh sửa các thông điệp, chúng ta có thể là “chính mình” và chắc chắn những gì ta nói “đều đúng đắn”.

Nhưng việc tránh tương tác trực tiếp này gây ra nhiều thiệt hại. Giao tiếp bằng công nghệ có thể giúp cuộc đối thoại hiệu quả hơn, nhưng cũng khiến nó trở nên hời hợt hơn. Nó làm giảm sự đồng cảm và cảm giác kết nối thật sự, thứ được xác định bằng khả năng nghe được giọng nói của người đối diện, đọc ngôn ngữ cơ thể và nhìn thấy các biểu hiện trên gương mặt. Chúng ta không chỉ mất đi cái nhìn sâu sắc về cuộc sống của người khác, mà còn cả cuộc sống của chính mình.

Những cuộc đối thoại chất lượng là món quà quý giá mà ta không nên nhường cho các thiết bị điện tử.

Để làm sống lại sức mạnh chuyển đổi của nó, mỗi người cần phải củng cố có ý thức các yếu tố sau:

Thời gian

Trò chuyện chất lượng không hoạt động dựa trên nguyên tắc hiệu quả. Nó cần được bỏ ngỏ, không có thang đo thời gian hay một lịch trình cố định. Và nó cũng không nhất thiết phải trơn tru từ đầu đến cuối. Thông thường chúng ta rút ngắn các cuộc đối thoại vì có những khoảng lặng ngượng ngùng, một sự tạm lắng, hoặc khi người ta bắt đầu đi lặp lại. Tuy vậy những điều ấy là hoàn toàn bình thường; chẳng nhẽ chúng ta cho rằng Lewis, Dyson và Tolkien nói chuyện cả 8 tiếng đồng hồ hoặc hơn mà không có lấy một giây phút tạm ngưng ư? Không chắc đâu! Đôi khi những khoảng lặng trở thành  trọng tâm cho một dòng chảy mới và dồi dào của cuộc thảo luận. Một cuộc trò chuyện hiệu quả thường trải qua những điều trên vài lần trước khi nó trở nên sâu sắc hơn ở giai đoạn hai, và rõ ràng ở giai đoạn ba.

Thay vì bỏ cuộc khi đối thoại bị ngắt quãng, hãy cho nó một cơ hội để phát triển.

Không gian

Có lẽ bạn đã nghe đến "Inklings" nổi tiếng – một câu lạc bộ bình dân và là cộng đồng văn học mà Lewis, Tolkien cũng như nhiều nhà văn khác tham gia. Các thành viên của Inklings sẽ gặp nhau vào tối thứ Năm ở nhà Lewis tại Đại học Magdalen, và ở quán rượu Eagle and Child vào trưa thứ Ba; uống rượu, hút tẩu và đọc những tác phẩm mới nhất của nhau. Đó là một nhóm trí tuệ tuyệt vời, nơi những người đàn ông có thể khích lệ và đưa ra phản hồi cho các tác phẩm của nhau. Và đó gần như là hội nhóm duy nhất mà các thành viên thật sự thuộc về! Cả Lewis và Tolkien đã tham gia nhiều nhóm thảo luận giống như vậy trong suốt cuộc đời.

Những cuộc trò chuyện hấp dẫn không nhất thiết phải ở trong các hội nhóm hay câu lạc bộ bán trang trọng, mà nó thường cần những người bạn cùng nhau tổ chức thường xuyên một cách có chủ ý.

Sự chú ý liên tục

Giáo sư Turkle cho biết: "Các nghiên cứu chỉ ra rằng  sự hiện diện đơn thuần của một chiếc điện thoại ở trên bàn (dù nó đã tắt đi nữa) cũng làm thay đổi chủ đề của cuộc trò chuyện. Nếu ta nghĩ mình có thể bị gián đoạn, ta sẽ giữ cuộc đối thoại ở trạng thái nhẹ nhàng, về các chủ đề ít gây tranh cãi hay ít quan trọng". Liệu cuộc thảo luận của Lewis với Dyson và Tolkien có thể bắt đầu không nếu bạn của ông cứ cắm mặt vào điện thoại? Hay nếu mỗi người họ cứ ngước lên rồi nói: "Chờ đã, cái gì cơ?"

Đối thoại hiệu quả là một sự nỗ lực cùng nhau, nghĩa mỗi bên phải có mặt hoàn toàn thay vì nói chuyện chập chừng,  phải có sự chú ý liên tục, chủ động lắng nghe người đối diện để có sự đóng góp hữu ích đối với quan điểm của người khác. Vì đối thoại hiệu quả cũng yêu cầu:

Sự hợp tác

Cách ta giao tiếp qua tin nhắn và mạng xã hội định hình cách ta tương tác trực tiếp hiện nay: ta nói rồi chờ phản hồi.  Mọi người đều đưa ra những phản hồi tách biệt và; ta nói lòng vòng thay vì trò chuyện với nhau.

Nhưng các cuộc đối thoại hiệu quả đều mang tính động lực và hợp tác, giống như  những bản nhạc trong dàn nhạc giao hưởng mà mọi người phải góp sức để giai điệu hòa chung với những nốt nhạc. Đôi khi ta có một cái nhìn sâu sắc tiềm ẩn mà chính ta cũng không biết và không thể hiện được, sau đó một lời nói của người khác giúp nó hé lộ và bạn cảm thấy như mình được khai sáng. Đôi khi ta có những mảnh ghép của một ý tưởng mà không sao khớp tất cả lại với nhau, rồi khi ta chia sẻ, ai đó sẽ tạo ra sự kết nối mà ta chưa hề nghĩ đến và phát triển nó, rồi sau đó cả nhóm sẽ được tận hưởng ý tưởng hoàn toàn mới ấy. Khi làm đúng cách, việc trò chuyện có thể trở thành nỗ lực sáng tạo phi thường.

Để làm được điều này, các cuộc đối thoại hiệu quả thật sự đòi hỏi chính những người tham gia phải dành thời gian cho nó.

Ở một mình và suy ngẫm

Trong Reclaiming Conversation, Turkle lý luận rằng mặc dù nghe có vẻ mỉa mai nhưng cuộc đối thoại chất lượng lại cần việc ở một mình. Để có thể đóng góp cuộc thảo luận với bạn bè, trước đó bạn cần phải tự suy ngẫm về mọi thứ. Sau đó khi ngồi lại cùng nhau và chia sẻ về điều mình đang nghĩ, bạn bè của bạn có thể đóng góp thêm, nói cách khác là họ cho bạn thêm góc nhìn để suy ngẫm vào lần tới khi ở một mình. Điều này tạo nên một "vòng tròn củng cố”, mà trong đó “ta một mình chuẩn bị để trao đổi cùng nhau” và "cùng học cách suy nghĩ một mình hiệu quả hơn."

Bằng cách ở một mình, Turkle nghĩ rằng ta không chỉ tách khỏi người khác, mà còn ngắt kết nối với các thiết bị điện tử. Tiếc thay, nhiều người hiện nay không thể chịu đựng mức độ ở một mình này, họ thường xuyên bị phân tâm bởi các thiết bị. Điều này biến vòng tròn củng cố thành một vòng luẩn quẩn:

"Sợ ở một mình, chúng ta gặp khó khăn trong việc chú ý vào bản thân. Và cái bị tổn hại là khả năng chú ý lẫn nhau của ta. Nếu không thể giữ cho mình có tập trung, ta sẽ mất tự tin vào những thứ phải trao cho người khác.

Hoặc bạn có thể tạo vòng tròn ấy theo một cách khác. Chúng ta khó chú ý lẫn nhau, và thứ bị tổn hại là khả năng thấu hiểu bản thân ta."

Sau khi Lewis trở thành người hữu thần, ông bắt đầu tới giáo đường của Magdalen vào các ngày trong tuần, và một nhà thờ thuộc giáo xứ giáo phái Anh vào chủ nhật hàng tuần - không phải vì ông đã hoàn toàn tin vào Kitô giáo, mà ông chỉ đơn giản xem đó là thời gian suy ngẫm. Ông cũng bắt đầu nghiên cứu sách Tin mừng, đặc biệt là những cuốn sách của John, theo bản gốc tiếng Hy Lạp. Nhờ đó, tới khi đi dạo trên Addison's Walk, ông mới có thứ để mang ra thảo luận. Ông có thể nói rõ những gì đang vướng mắc với bạn, và thời gian họ ở một mình cũng cho phép họ giúp ông sáng tỏ những ý tưởng đó. Việc ở một mình đã chuẩn bị cho cuộc trò chuyện mang tính củng cố lẫn nhau.

Trân trọng những khác biệt

Trong nghiên cứu của mình về bản chất các cuộc đối thoại hiện đại ngày nay, Turkle phát hiện ra rằng nhiều người cảm thấy ngại khi nói chuyện với những người họ không đồng thuận. Họ không thích mâu thuẫn, không muốn niềm tin của mình bị thách thức, và họ thà chỉ tương tác với những người ủng hộ suy nghĩ của họ.

Nhưng một vài cuộc đối thoại hiệu quả nhất lại là các cuộc tranh luận dân sự về những ý tưởng và vấn đề quan trọng. Trong hành trình chuyển đổi niềm tin của mình, Lewis nửa than vãn, nửa hân hoan rằng "Mọi thứ tôi cố sức loại bỏ khỏi cuộc sống của mình lại có dịp bùng lên khi tôi gặp những người bạn thân thiết nhất." Mặc dù những cuộc trò chuyện cùng các đồng sự Kitô giáo đôi lần khiến ông nản chí, ông vẫn tận hưởng các thử thách, và những cuộc thảo luận tương tự khiến ông xem xét kỹ hơn những niềm tin của chính mình và tự vấn xem nó có đủ lý lẽ hỗ trợ chưa.

Vậy nên với chúng ta, việc gắn kết với những người bất đồng ý kiến cuối cùng sẽ giúp ta phát triển và xem xét kỹ hơn những ý tưởng của chính mình, cho dù ta không thay đổi quan điểm đi chăng nữa.

Tính thường xuyên

Nếu nói rằng chỉ một cuộc trò chuyện đã thay đổi cuộc đời C.S. Lewis thì chưa đủ. Cuộc trò chuyện cùng Tolkien đã khiến ông thật sự thay đổi toàn bộ quan điểm về Kitô giáo, nhưng sẽ không có cuộc nói chuyện ấy nếu trước đây cả hai không trò chuyện cùng nhau qua nhiều năm.

Gần như sáng thứ Hai nào Tolkien cũng ghé qua Đại học Magdalen để gặp Lewis. Họ cùng nhau uống rượu và bàn luận về mọi thứ từ văn học đến chuyện phiếm về chính trị trong khoa. Thỉnh thoảng họ chơi chữ và trêu nhau bằng những câu đùa thô tục. Không phải cuộc trò chuyện nào cũng uyên thâm. Nhưng qua những câu chuyện thường ngày đó, họ đã xây dựng một sự gắn kết để các cuộc thảo luận sâu sắc hơn xuất hiện.

Ngày nay, bạn thường nghe mọi người nói rằng họ ghét tán gẫu và nhận thấy các cuộc chuyện trò thường ngày thật nhàm chấn. Cùng với sự thiếu kiên nhẫn phát sinh trong thời đại kỹ thuật số, họ muốn tiến thẳng đến những thứ lớn lao. Nhưng như Turkle đã giải thích rất rõ rằng:

"Bạn thật sự không biết khi nào mình sẽ có một cuộc đối thoại quan trọng. Bạn phải tham gia rất nhiều cuộc trò chuyện có vẻ kém hiệu quả hay nhàm chán cho tới khi xuất hiện cuộc đối thoại làm thay đổi tư duy của bạn."

Kết Luận: Khơi Dậy Lại Sự Kỳ Diệu Của Đối thoại

Một số khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong đời ta có liên quan đến các cuộc đối thoại: cuộc trò chuyện cùng bạn gái khi cả hai nhận ra mình đã yêu người kia; cuộc trò chuyện với cố vấn giúp bạn phân tích nghề nghiệp nào mình nên theo đuổi; cuộc trò chuyện với con gái khi bạn nhận ra cô bé đã thật sự trở thành người lớn.

Đối thoại mặt đối mặt có thể vừa mang tính giải trí, vừa hữu ích và đem đến sự thỏa mãn cho tâm hồn. Đó có thể là cơ hội cho cả việc học hỏi và cố vấn, giúp ta khám phá từ người khác lẫn chính mình những điều mà nếu không đối thoại thì ta không thể phát hiện ra. Nó có thể châm ngòi cho những nhận thức mang tính bước ngoặt, hay thậm chí sự khai sáng, nó có thể đưa bạn quay trở về với chính mình.

Những điều kỳ diệu và thậm chí có khả năng thay đổi cuộc sống có thể xảy ra khi bạn lựa chọn tham gia một cuộc đối thoại – khi bạn lựa chọn sự tự nhiên thay vì việc chỉnh sửa và tính hiệu quả. Nhưng nghịch lý là mỗi người cần phải có chủ ý tìm kiếm và sẵn sàng đón nhận sự tự nhiên đó.

Vậy nên bạn hãy chuẩn bị đi.

Sources:

C.S. Lewis: A Life by Alister McGrath

Tolkien and C.S. Lewis: The Gift of Friendship by Colin Duriez

A Hobbit a Wardrobe and a Great War by Joseph Loconte

Reclaiming Conversation: The Power of Talk in a Digital Age by Sherry Turkle

Tác giả: Brett & Kate McKay

Nguồn: http://www.artofmanliness.com/2015/11/02/the-power-of-conversation-a-lesson-from-cs-lewis-and-jrr-tolkien/

 

Nguồn dịch: Ubrand.cool

menu
menu