Khuyết tật khả năng học tập

khuyet-tat-kha-nang-hoc-tap

Khuyết tật học tập (Learning Disabilities) là thuật ngữ chỉ những rối loạn trong việc lĩnh hội và vận dụng những năng lực đọc, viết và làm toán.

Đọc bài báo về vụ bé gái 6 tuổi bị bố đánh chết vì học chậm (ở đây), ad đoán là bé gái này có thể mắc chứng khuyết tật khả năng học tập (Learning Disabilities). Những trẻ mắc phải hội chứng này thì học rất chậm (đọc chậm, làm toán chậm, viết chậm…) khiến cho bố mẹ/giáo viên rất ức chế và bực bội khi dạy cho chúng học. Bố mẹ/giáo viên thường cho rằng trẻ học chậm là do lười biếng, không cố gắng, thiếu ý chí...chứ không biết rằng có khả năng trẻ mắc phải chứng khuyết tật học tập. Điều này khiến cho trẻ hay bị mắng chửi và đánh đập. Ad muốn chia sẻ với các bạn thông tin về chứng khuyết tật này với hy vọng các bậc cha mẹ có con mắc phải khuyết tật khả năng học tập sẽ nhận diện được và thay đổi cách dạy con mình. 

.

.

Khuyết tật học tập (Learning Disabilities) là thuật ngữ chỉ những rối loạn trong việc lĩnh hội và vận dụng những năng lực đọc, viết và làm toán. Rối loạn này là khuyết tật nội tại của cá nhân, có nguyên nhân được cho là do khiếm khuyết chức năng hệ thần kinh trung ương. 

Theo Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê các rối nhiễu tâm thần DSM-V, khuyết tật học tập có ba dạng khó khăn đặc thù: Khó khăn về đọc, khó khăn về viết và khó khăn về toán. Một học sinh có thể có một khó khăn nhưng cũng có thể có từ hai khó khăn trở lên.

Khó khăn về đọc là một trong những dạng khuyết tật học tập phổ biến nhất. Học sinh khó khăn về đọc chỉ được nhận diện trong hoạt động đọc, biểu hiện cụ thể là không đọc được hoặc đọc rất chậm (thậm chí đánh vần), học sinh không hiểu văn bản đọc….

Những khó khăn này không thể giải thích được bằng các nguyên nhân như khả năng trí tuệ kém, hoạt động giảng dạy không hiệu quả hoặc khiếm khuyết giác quan như khiếm thính, khiếm thị....

Khó khăn về viết là dạng khuyết tật học tập liên quan đến cách thể hiện những suy nghĩ bằng chữ viết. Những học sinh này thường bị rối loạn về viết.

Cụ thể, không viết được chữ hoặc chữ viết méo mó không đúng kích cỡ, chữ viết xấu, rất khó đọc; Viết được nhưng kém hơn hẳn so với các bạn cùng lớp về tốc độ, cách trình bày, số lỗi chính tả, lỗi sử dụng các dấu chấm câu và sử dụng không đúng các quy tắc ngữ pháp hoặc khó khăn khi diễn đạt những suy nghĩ bằng chữ viết. Nói cách khác, đây là dạng khó khăn trong tạo lập văn bản.

Khó khăn về toán là một dạng khuyết tật học tập liên quan đến việc nắm khái niệm và biểu tượng toán học hoặc khó khăn trong việc thực hiện các phép tính hay giải toán.

Nhận diện khuyết tật khả năng học tập

Trên thực tế ở Việt Nam hiện nay, trong một khảo sát gần nhất của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thì có từ 5 đến 8% học sinh được xác định có khó khăn học tập ở một hoặc nhiều hơn một trong số các kĩ năng học tập cốt lõi gồm đọc, viết và toán. Số liệu này tương thích với nghiên cứu quốc tế của Snowling (2002) cho thấy khoảng 4 - 7% trẻ em có tuổi học chậm từ 18 đến 24 tháng so với mong đợi.

Hiện nay ở Việt Nam còn thiếu vắng các công cụ để xác định học sinh khuyết tật học tập. Để xác định chỉ số thông minh (IQ) của trẻ, các trắc nghiệm viên thường sử dụng bộ trắc nghiệm Raven hoặc WISC-IV phiên bản tiếng Việt chuẩn hóa.

Hầu hết các học sinh khuyết tật học tập có biểu hiện hoàn toàn bình thường về mặt trí tuệ (chỉ số thông minh - IQ), không có vấn đề với năng lực nhận thức, nhưng các em gặp những khó khăn đặc thù trong việc vận dụng các kĩ năng học đường để lĩnh hội kiến thức.

Các khó khăn này được biểu hiện ở những kĩ năng khác nhau như một học sinh có thể khó khăn với đọc nhưng không khó khăn với viết và toán hoặc ngược lại. Cũng có những HS gặp khó khăn với hai kĩ năng trở lên. Về mức độ, không phải HS nào cũng gặp khó khăn như nhau.

Chất lượng của việc đọc, viết và làm toán hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ khó khăn của các em. Những học sinh khuyết tật học tập có thể không có khuyết tật/khó khăn đi kèm nhưng cũng có thể đi kèm các khuyết tật khó khăn khác.Tóm lại, các khó khăn này có nguyên nhân từ não bộ.

Những giả thuyết khác nhau về nguyên nhân

Cho đến nay, nguyên nhân thực sự của khuyết tật học tập vẫn tồn tại nhiều giả thuyết khác nhau. Trong đó, có hai nhóm nguyên nhân chính, đó là nhóm nguyên nhân sinh học và nhóm nguyên nhân từ nhận thức.

Nhóm các nhà nghiên cứu về sinh học thì quan tâm đến não bộ và gen. Sự cấu trúc bất thường trong não và gen di truyền là hai giả thuyết cơ bản.

Vấn đề của não bộ: Thể hiện trong các tài liệu nghiên cứu các nguyên nhân sau: Tăng sinh võ não; Cấu trúc bất thường của não bộ; Thiếu hụt vùng trung khu thần kinh; Sự kết nối không hoàn hảo giữa các vùng của não bộ.

Các yếu tố về sinh lí học thần kinh: Rối loạn khu vực thần kinh có chức năng tiếp nhận và sản sinh ngôn ngữ; Khu vực xử lí nhận thức bị suy; Rối loạn chức năng hệ thống xử lí thu thập thông tin, tổ chức, bị những cú sốc tâm lý khi còn trẻ,…

Bẩm sinh và yếu tố di truyền: Đây là dạng khuyết tật học tập xuất hiện trong những gia đình có những thành viên có vấn đề liên quan đến những khó khăn này. Những yếu tố khó khăn xuất hiện rõ rệt ở mối quan hệ họ hàng đời thứ nhất.

Nghiên cứu của Grigorrenko (2001) cho thấy, khoảng 25 - 60% cha mẹ của trẻ có rối loạn phát triển cũng có những khó khăn tương tự. Nghiên cứu về di truyền cho thấy một vùng ở nhiễm sắc thể có liên quan đến rối loạn phát triển (DSM-V, APA, 2013).

Nguyên nhân từ nhận thức: Sự khiếm khuyết về trí nhớ được nêu ra như một cách thức giải thích khác đối với nguyên nhân khuyết tật học tập ở trẻ. Các nhà nghiên cứu cho rằng, học sinh khuyết tật học tập có sự hạn chế về trí nhớ, đặc biệt là trí nhớ ngắn hạn làm ảnh hưởng đến khả năng giải mã, gọi tên sự vật và khả năng ghi lại những vấn đề giải mã.

Các nguyên nhân khác: Đó là sự bất thường trong quá trình mang thai, thai nhi tiếp xúc với các chất kích thích như: rượu, bia, ma túy,... đẻ non hoặc kéo dài tháng sinh; Tai nạn sau khi sinh, chấn thương não, suy dinh dưỡng hoặc tiếp xúc với các chất độc hại như kim loại, thuốc trừ sâu,… Những vấn đề bệnh lý xuất hiện đồng thời: học sinh khuyết tật học tập có thể mắc nhiều hơn một chứng bệnh trong những chứng bệnh phổ biến sau: Rối loạn tăng động giảm chú ý; rối loạn hành vi; hội chứng Tourette (chứng rối loạn thần kinh trầm trọng), đa tật;

Đến nay, việc tìm kiếm các nguyên nhân gây khuyết tật học tập của học sinh vẫn tiếp tục được nghiên cứu.

Video chia sẻ về chứng Khuyết tật khả năng học tập - TS Lê Nguyên Phương

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nhan-dang-khuyet-tat-hoc-tap-3731942.html

menu
menu