Làm chủ những khoảnh khắc quan trọng trong đời: Hãy nghĩ như một diễn viên

lam-chu-nhung-khoanh-khac-quan-trong-trong-doi-hay-nghi-nhu-mot-dien-vien

Từ buổi phỏng vấn xin việc, bài điếu văn trong đám tang, cho đến những buổi thuyết trình bán ý tưởng, cuộc sống ta đầy ắp những tương tác mà ta cần thể hiện bản thân ở phiên bản tốt nhất.

Từ buổi phỏng vấn xin việc, bài điếu văn trong đám tang, cho đến những buổi thuyết trình bán ý tưởng, cuộc sống ta đầy ắp những tương tác mà ta cần thể hiện bản thân ở phiên bản tốt nhất. Amy và Michael Port, hai diễn viên kiêm huấn luyện viên kỹ năng thuyết trình, chia sẻ ba kỹ thuật cơ bản trong diễn xuất có thể giúp bạn tỏa sáng đúng lúc, đúng nơi.

Lần cuối cùng bạn "trình diễn" là khi nào? Có thể là trong một vở kịch ở đại học? Một buổi biểu diễn tài năng hồi trung học? Một màn karaoke tưng bừng cùng đồng nghiệp? Hay là lúc bạn ngồi trước sếp để thương lượng tăng lương?

Câu hỏi sau cùng nghe có vẻ không liên quan lắm đến mấy cái trước, nhưng với Michael và Amy Port, hai diễn viên chuyên nghiệp sau này trở thành huấn luyện viên diễn thuyết, thì tất cả đều là những lần bạn đang diễn. Trong bài nói chuyện tại TEDxCambridge, họ chia sẻ rằng: hầu hết chúng ta đều phải “trình diễn” mỗi ngày, dù ta có ý thức điều đó hay không. “Trong cả đời sống riêng tư lẫn công việc, ta được mời phát biểu, đọc điếu văn, phỏng vấn xin việc, hoặc đàm phán, và tất cả đều là những tình huống mang tính quyết định,” Michael nói.

Justin Tran

Một cách để ta thể hiện bản thân thật xuất sắc trong những tình huống đó, là hãy suy nghĩ như một nghệ sĩ biểu diễn, như một diễn viên. “Cũng như diễn viên dùng kỹ thuật trên sân khấu để tạo ra một thế giới đáng tin, người bình thường cũng có thể áp dụng những kỹ thuật đó vào cuộc sống đời thường để tạo nên một thực tại mà họ mong muốn,” Michael chia sẻ.

Điều cần lưu ý: áp dụng kỹ thuật diễn xuất không có nghĩa là bạn đang lừa gạt hay giả tạo. Nó không phải là trò chơi tinh vi để thao túng ai cả. Thay vào đó, đó là cách giao tiếp khiến người khác thấu hiểu quan điểm của bạn và đôi khi còn chủ động hỗ trợ bạn nữa. Khi bạn đến rạp xem kịch, một nàng Juliet tài năng sẽ khiến khán giả chẳng những hiểu, mà còn cảm nhận sâu sắc vì sao nàng phải yêu và cưới Romeo bằng mọi giá, dù cả thế giới có ngăn cản.

Cốt lõi ở đây chính là sự chủ đích với chính mình và với người khác về điều bạn thật sự muốn đạt được. Dù bạn đang cố thuyết phục chủ nhà sửa lại bếp, hay chỉ đơn giản là bắt chuyện với một phụ huynh khác ở trường con để hẹn lịch cho bọn trẻ chơi cùng nhau, thì như Amy nói “suốt cả ngày, ta đều cố tạo ảnh hưởng đến người khác, và ta luôn làm cho họ cảm nhận điều gì đó.” Cái khác biệt nằm ở chỗ: nếu bạn không ý thức được mục tiêu của mình, thì bạn vẫn đang tạo ảnh hưởng, chỉ là theo cách vô thức hoặc thiếu suy nghĩ mà thôi.

Ba nguyên tắc cốt lõi giúp bạn tỏa sáng trong những khoảnh khắc quan trọng của đời người

1. Hãy biết rõ điều lớn lao mà bạn đang hướng tới

Một diễn viên chuyên nghiệp sẽ không bao giờ bước lên sân khấu mà không mang theo một mục đích rõ ràng trong tim. Và bạn cũng vậy. Trước mỗi tình huống quan trọng, hãy tự hỏi mình câu hỏi mà các diễn viên thường đặt ra khi hóa thân vào một nhân vật: “Mục tiêu cuối cùng của tôi là gì?”

Nghĩa là: đừng chỉ chăm chăm vào cái lợi trước mắt, mà hãy nghĩ đến điều lâu dài, sâu xa hơn. Chẳng hạn, khi Michael lần đầu tiên gặp bố mẹ của Amy, anh không chỉ cố gắng ghi điểm trong một buổi gặp mặt. Thay vào đó, anh tập trung vào một viễn cảnh lớn hơn: xây dựng một gia đình hòa thuận, gắn kết và tràn đầy yêu thương. Chính cái nhìn rộng ấy đã giúp anh đưa ra những lựa chọn nhất quán với mục tiêu ấy, không phải chỉ trong một buổi gặp, mà trong cả hành trình phía trước.

2. Hãy nghĩ xem bạn muốn người đối diện cảm thấy như thế nào

Từng lời thoại, từng chuyển động của một diễn viên đều được cân nhắc kỹ lưỡng để phục vụ cho một mục đích cụ thể, tạo ra một cảm xúc nơi khán giả. Giới diễn viên gọi điều này là “chơi một hành động.”

Hãy hình dung bạn đang trong một buổi phỏng vấn xin việc. Nếu bạn muốn người tuyển dụng cảm nhận rằng bạn là người cởi mở, biết hợp tác, thì bạn có thể chia sẻ sự háo hức của mình khi được làm việc với đồng đội tương lai, thậm chí nhắc đến vài cái tên cụ thể mà bạn rất muốn được cùng sát cánh.

Còn nếu bạn muốn họ thấy bạn là người độc lập, tự chủ, không cần ai cầm tay chỉ việc, thì bạn có thể kể về những khóa học quản lý dự án mà bạn đã theo đuổi, hay những hệ thống làm việc bạn từng thiết lập để hoàn thành công việc một cách hiệu quả.

Tất nhiên, “không phải lúc nào mọi điều bạn nói hay làm cũng phát huy tác dụng,” Michael nói. “Không phải ai cũng sẽ phản ứng đúng như bạn mong muốn. Nhưng nếu bạn có thể linh hoạt thay đổi cách thể hiện, từ hành động này sang hành động khác, để theo đuổi mục tiêu cuối cùng, thì bạn sẽ có khả năng ứng biến và thích nghi rất tốt với mọi tình huống.”

3. Lo lắng, sợ hãi ư? Hãy chấp nhận nó

“Thoải mái trong sự không thoải mái, đó là phẩm chất then chốt của một người biểu diễn thực thụ,” Michael chia sẻ. Dù bạn là một diễn viên chuyên nghiệp hay chỉ từng vào vai Lạc đà số 2 trong vở kịch mẫu giáo, thì cảm giác lo sợ trước phản ứng tiêu cực của người khác, bị từ chối, bị chê cười, bị chỉ trích, vẫn luôn là điều có thật.

Vì thế, không ít người trong chúng ta chọn cách an toàn. Nhưng đáng buồn thay, đó cũng là “kẻ sát thủ” của mọi màn trình diễn xuất sắc. Bởi làm sao bạn có thể thuyết phục người khác khi tâm trí bạn chỉ đang loay hoay dập tắt những hồi chuông báo động vang lên trong đầu?

Không có phép màu nào giúp ta xóa sạch nỗi sợ, nhưng ta có thể học cách sống chung với nó. Trước hết, hãy nhớ rằng: “Sợ hãi là điều hoàn toàn bình thường, hoàn toàn con người,” Amy nói. Nếu bạn thấy tay mình đẫm mồ hôi, bụng cồn cào khó chịu trước giờ bước vào buổi phỏng vấn hay buổi thuyết trình, thì điều đó chỉ đơn giản nghĩa là… bạn đang sống.

Tiếp theo, trước khi bước vào một tình huống quan trọng, hãy dành chút thời gian để gọi tên chính xác điều khiến bạn sợ. Đừng chỉ mơ hồ nghĩ “Tôi lo quá,” mà hãy cụ thể hóa: Bạn sợ người ta không thích mình? Sợ họ nghe thấy giọng bạn run? Sợ làm người khác thất vọng?… Cứ thế, gọi tên càng rõ càng tốt.

Việc xác định rõ trạng thái cảm xúc của mình như vậy được các nhà tâm lý gọi là sự tinh tế cảm xúc (emotional granularity), và nghiên cứu cho thấy những người có khả năng này thường kiểm soát cảm xúc tốt hơn, từ đó phản ứng cũng hợp lý và hiệu quả hơn.

Rồi thì… cứ làm thôi! Trả giá mua xe, chào mời khách hàng mới, hay đứng lên phát biểu trước buổi họp của khu phố, cứ làm, dù tim bạn có đập loạn lên đi nữa. Bởi lẽ, “để trở thành người thể hiện xuất sắc, cả trên sân khấu lẫn trong đời thường, chúng ta phải dám mạo hiểm và đừng để nỗi sợ bị chỉ trích ngăn cản mình,” Amy chia sẻ.

Việc áp dụng những kỹ thuật diễn xuất này có thể sẽ không biến bạn thành Meryl Streep hay Michael B. Jordan. Nhưng chúng có thể giúp bạn nói năng và hành động một cách chỉn chu hơn, chủ động hơn trong từng tương tác, thay vì bị cảm xúc và áp lực cuốn bạn đi như rau trộn trong tô.

“Chỉ khi bạn nhìn mình như một người biểu diễn thường ngày, bạn mới có thể trở thành người kiến tạo nên thực tại của riêng mình,” Amy nói.

Nguồn: How to excel at the moments that matter in life: Think like an actor

menu
menu