Làm sao để biết khi mình đang làm người khác chán ngán

lam-sao-de-biet-khi-minh-dang-lam-nguoi-khac-chan-ngan

Một trong những lý do khiến chúng ta đôi lúc vô tình trở nên bất lịch sự là bởi người khác lại quá lịch sự.

Một trong những lý do khiến chúng ta đôi lúc vô tình trở nên bất lịch sự là bởi người khác lại quá lịch sự. Sự lịch thiệp ấy không hề chỉ ra rằng ta đang làm họ khó chịu, phiền phức hay – tệ hơn – khiến họ phát chán.

Đôi khi, thật khó để biết liệu những gì ta nói có thực sự hấp dẫn người đối diện hay không. Rất ít người – trừ người bạn đời trong cơn cáu kỉnh hay đứa con tuổi dậy thì của ta – sẽ cắt ngang và thẳng thừng bảo rằng: “Nghe chán quá!”Vì thế, ta dễ lầm tưởng rằng mình luôn thú vị và cuốn hút. Ngay cả khi ta hỏi: “Tôi có đang làm bạn chán không?”, câu trả lời duy nhất mà ta chắc chắn sẽ không nhận được là: “Ừ, thật ra đúng đấy.” Nhưng nếu đợi đến khi người đối diện ngủ gục giữa chừng câu chuyện hay lôi điện thoại ra nghịch lúc ta chuẩn bị kể xong một câu đùa, thì đã quá muộn. Lúc đó, danh tiếng là một "kẻ ba hoa" của ta chắc chắn đã được định đoạt.

© Flickr/Kevin Dooley

May mắn thay, trong giao tiếp, người ta thường không cần nói thẳng ra. Một xã hội văn minh được đánh dấu bởi khả năng gửi gắm những thông điệp tinh tế qua các dấu hiệu không lời. Sự quan tâm của người khác không nằm ở lời họ nói mà ở mức độ họ phản hồi với ta. Hãy quan sát xem câu hỏi của họ có logic với câu chuyện của ta không, lời đáp có nhanh nhẹn không, ánh mắt có chạm vào ta khi ta nhấn mạnh một điểm, hay nụ cười của họ có bao nhiêu phần hào hứng thật sự. Một ánh mắt nhìn lâu hơn cần thiết lên chiếc báo động khói trên trần nhà hay một câu: “Thật tuyệt vời”thiếu đi chút kỳ diệu trong giọng điệu có thể là dấu hiệu họ đang ngầm kêu lên: “Tôi muốn đi ngủ rồi!”

Những tín hiệu này thường không khó nhận ra. Khi ta phớt lờ chúng, không phải vì ta không cảm nhận được, mà bởi ta cố tình không thừa nhận. Ta làm vậy vì một lý do đầy xót xa: ta không chịu nổi ý nghĩ rằng mình đang làm người khác chán nản. Ta sợ rằng điều đó sẽ chứng minh ta không quan trọng trong đời họ, rằng ta không thể đối mặt với sự cô đơn vốn là bản chất của cuộc sống và khoảng cách đau lòng giữa những gì ta khao khát từ người khác với những gì họ thực sự sẵn sàng trao cho. Chính nỗi sợ này khiến ta không còn lắng nghe nữa, dù trái tim vẫn nhạy cảm.

Ở đâu đó trong tâm trí, nỗi lo không làm hài lòng người khác đã từ một rủi ro nhỏ trở thành một thảm họa cần được tránh bằng mọi giá. Ta trở nên cố chấp và nhắm mắt làm ngơ; ta từ bỏ việc cố gắng làm họ hứng thú và chỉ hy vọng mình không bị loại bỏ. Ta đọc ra một sự xúc phạm khủng khiếp trong ánh mắt lơ đễnh hay những khoảng ngừng dài của họ, dù thực ra họ chỉ muốn đi ngủ, không hơn. Nhưng trong tâm trí ta, những tín hiệu nhỏ ấy bị biến thành một câu chuyện lớn hơn về giá trị bản thân: rằng ta không xứng đáng được yêu quý, rằng ta đáng bị cô lập, rằng ta là kẻ không ai muốn ở gần.

Để tránh trở thành một kẻ tẻ nhạt thực thụ, ta cần phát triển sự mạnh mẽ bên trong để chấp nhận rằng việc đôi khi làm người khác chán là một thất bại nhỏ, không phải dấu hiệu của sự hủy hoại bản thân.

Hãy học cách nhìn nhận cảm giác chán chường một cách rộng lượng hơn. Ví dụ, các bậc phụ huynh là minh chứng sống động nhất cho sự hòa hợp giữa tình yêu và sự chán ngán. Một đứa trẻ bốn tuổi có thể vừa là điều đáng yêu nhất trong đời họ, vừa là nguồn cơn của những cuộc trò chuyện nhàm chán nhất mà họ từng trải qua. Ngay cả khi không làm cha mẹ, ta vẫn có khả năng yêu thương ai đó sâu sắc nhưng vẫn cảm thấy họ có lúc khiến ta mệt mỏi. Bởi thế, việc ta đôi khi gây chán cho người khác không đồng nghĩa với việc ta không đáng được yêu thương.

Vì vậy, để tránh trở thành kẻ khiến người khác phát ngán, hãy tập đối diện với khả năng rằng đôi lúc – dù không ai cố ý – ta có thể rơi vào trường hợp ấy. Và quan trọng hơn, hiểu rằng điều đó chẳng phải thảm họa gì to tát.

Nguồn: HOW TO TELL WHEN YOU ARE BEING A BORE - The School Of Life

menu
menu