Làm sao để khiến người khác cảm thấy tốt hơn về bản thân họ
Chúng ta thường mang trong mình một niềm tin rằng cách tốt nhất để làm hài lòng người khác là đừng làm phiền họ.
Chúng ta thường mang trong mình một niềm tin rằng cách tốt nhất để làm hài lòng người khác là đừng làm phiền họ. Vì sợ gây rắc rối hay bất tiện, ta giữ kín những băn khoăn, trăn trở của mình, nghĩ rằng như thế sẽ bảo vệ được mối quan hệ. Trong tâm trí, có lẽ vẫn vang vọng giọng nói từ thời thơ bé: “Đừng làm phiền mẹ, mẹ vừa đi đường xa về mệt rồi. Đừng quấy rầy ba, ba làm việc vất vả cả ngày rồi mà con không thấy sao?” Chính vì thế, ta vô thức gắn hạnh phúc của người khác với việc đừng để họ phải bận lòng vì mình.
Nhưng cách nghĩ này bỏ sót một khía cạnh quan trọng trong tâm lý con người: chúng ta thích được làm phiền. Không phải lúc nào cũng vậy, không phải về mọi vấn đề, và chắc chắn không phải khi nó vượt quá sức chịu đựng của bản thân. Nhưng sâu thẳm, chúng ta có một nhu cầu mạnh mẽ muốn cảm thấy mình có ích. Ta cần được cần đến. Tất cả chúng ta đều sợ cảm giác thừa thãi, vô dụng – và những yêu cầu, mong đợi từ người khác chính là liều thuốc giải cho nỗi sợ ấy. Dù quà cáp có thể làm bạn bè vui, món quà thật sự mà ta có thể trao đi chính là việc để họ bước vào thế giới những vấn đề của mình.
©Flickr/Didriks
Điều này dễ thấy trong công việc. Theo lẽ thường, người ta nghĩ rằng ta đi làm chỉ vì lợi ích cá nhân: vì danh tiếng, vì tiền bạc. Nhưng thực tế, điều khiến công việc trở nên ý nghĩa và thỏa mãn hơn lại nằm ở khả năng giúp đỡ người khác. Công việc đẹp nhất là công việc khiến ta cảm thấy, qua một ngày làm việc, ta đã làm giảm bớt nỗi đau hoặc tăng thêm niềm vui cho ai đó. Người ta kể nhiều về sự kiệt quệ khi phải đáp ứng yêu cầu của người khác, nhưng hiếm ai nhắc đến niềm vui khi được giải tỏa nỗi lo lắng, xua tan buồn chán hay thỏa mãn một khao khát nào đó cho người khác.
Chúng ta không thể cảm nhận hết giá trị của bản thân cho đến khi ai đó cần đến ta. Ta chẳng thể biết mình mạnh mẽ ra sao nếu không ai cần ta nhấc một vật nặng; chẳng thể nhận ra mình thông minh thế nào nếu không có ai nhờ ta giải quyết vấn đề; chẳng thể thấy mình khôn ngoan nếu không có ai tìm đến ta để xin một lời khuyên. Chính những nhu cầu của người khác đã đánh thức và phản chiếu lại khả năng thật sự của ta.
Điều đúng trong công việc cũng áp dụng trong đời sống cá nhân. Cách tốt nhất để phá băng với một người lạ ở nơi công cộng không phải là cố nói điều gì đó thật hài hước hay an ủi. Thay vào đó, hãy đặt cho họ một câu hỏi. Hãy hỏi họ xem ta có đang xếp hàng đúng không, bưu điện mở cửa lúc mấy giờ, hay làm sao để nướng chín một con gà lớn như thế này.
Với những người bạn thân thiết hơn, ta nên dám bày tỏ những điều khiến mình bối rối. Hãy hỏi xem họ có thể dành một chút thời gian để cho ta lời khuyên không: về cách đối mặt với đứa con tuổi teen hay giận dỗi, cách xử lý một mối quan hệ nguội lạnh, hoặc làm sao để đối phó với một đồng nghiệp hay hoảng loạn. Những câu hỏi đó không phải là gánh nặng; ngược lại, chúng là cách ta thể hiện sự tin tưởng và tôn trọng trí tuệ, sự khôn ngoan của họ.
Điều này không phải là một chiến thuật khôn khéo hay mưu mẹo. Ta không giả vờ có vấn đề để lấy lòng họ. Thực sự, ai trong chúng ta cũng có những nỗi đau, những bất an giấu kín. Nhưng vì sợ làm người khác phiền lòng, ta cố tỏ ra tự lập, che giấu nhu cầu thật sự của mình – một lý tưởng vừa không chân thật, vừa không tốt cho ta lẫn người khác.
Hãy dũng cảm làm điều mà từ sâu trong lòng ta vẫn luôn khao khát: để lộ ra những nỗi sợ hãi, buồn đau và bất an của mình trước những người ta yêu quý. Khi làm vậy, ta không chỉ được an ủi, mà còn nhắc nhở người khác về sức mạnh và giá trị của họ. Và nếu may mắn, ta sẽ tạo ra một tiền lệ để một ngày nào đó, họ cũng đủ dũng cảm chia sẻ những vấn đề của họ với ta.
Nguồn: HOW TO MAKE PEOPLE FEEL GOOD ABOUT THEMSELVES - The School Of Life
Tìm đọc sách HIỆU ỨNG FRANKLIN - MỐI QUAN HỆ TỐT BẮT NGUỒN TỪ SỰ LÀM PHIỀN
https://s.shopee.vn/8pV7NYIkUP
Franklin nói :”Người từng giúp đỡ bạn một lần sẽ sẵn sàng tiếp tục giúp đỡ bạn hơn những người bạn từng giúp. Muốn có được sự hỗ trợ của một người, đặc biệt là sự hỗ trợ từ những người nằm ngoài mối quan hệ của bạn, thì hãy tìm anh ấy giúp đỡ, mọi chuyện sẽ có những bước ngoặt mà bạn không ngờ tới” Hiện tượng tâm lý thần kì này được gọi là “Hiệu ứng Franklin”. Vậy hiệu ứng này là gì, ta đang “làm phiền” người khác hay đang thực sự tạo kết nối với thế giới xung quanh, tất cả câu trả lời có tại cuốn sách Hiệu ứng Franklin - Mối quan hệ tốt bắt nguồn từ sự làm phiền.