Làm sao để quên một người và tiếp tục cuộc sống của mình
Đây chắc hẳn là bài viết thứ… 57 mà bạn đọc sau khi vừa bị “đá” phải không? Có lẽ bạn đã phát ngán với việc tìm cách quên“người ấy” – người mà bạn cứ nghĩ là “duy nhất” trong đời mình rồi.
Đây chắc hẳn là bài viết thứ… 57 mà bạn đọc sau khi vừa bị “đá” phải không? Có lẽ bạn đã phát ngán với việc tìm cách quên“người ấy” – người mà bạn cứ nghĩ là “duy nhất” trong đời mình rồi.
Tôi hiểu mà.
Trên mạng đầy rẫy những “lời khuyên” được sắp xếp gọn gàng thành từng mục như thể bạn có thể xóa sạch nỗi đau bằng cách lần lượt đánh dấu vào từng đầu việc, giống như bạn đang đi siêu thị vậy. Nào là “hãy dành thời gian cho bản thân”, nào là “kết nối lại với bạn bè” – tất cả nghe có vẻ hợp lý, và lát nữa chúng ta cũng sẽ nói đến. Nhưng với tôi, mấy thứ đó giống như dán một miếng băng keo cá nhân lên vết thương sâu hoắm nơi lồng ngực bạn: có thể giúp bạn đỡ đau một chút, nhưng không đủ để chữa lành.
Vì vậy, trước khi nói với bạn kiểu như “ra ngoài và làm lại từ đầu đi!”, tôi muốn bạn nhìn mọi thứ theo một góc độ khác. Vượt qua một mối quan hệ không chỉ là cố gắng quên đi nỗi đau khi nghĩ về người cũ. Mà quan trọng hơn, đó là hiểu bản thân mình và câu chuyện bạn đang tự kể về mối quan hệ đã qua. Vì đau đớn ư? Nó sẽ đến thôi, dù bạn có muốn hay không.
Đó là một hành trình, không phải đích đến. Bạn phải kiên nhẫn. Tôi biết, nghe thật khó chịu, nhưng cách duy nhất để vượt qua là bước thẳng vào nó.
Vậy nên, hãy ôm lấy chai gin hoặc hộp kem yêu thích của bạn và cùng nhau xử lý “đống lộn xộn” này. Và dù bạn không tin, tôi vẫn nói cho bạn hay: rồi mọi thứ sẽ ổn thôi.
VÌ SAO CHIA TAY LẠI ĐAU ĐẾN VẬY?
Các mối quan hệ chính là nền tảng tạo nên ý nghĩa cuộc sống của chúng ta. Không chỉ là tình cảm giữa người với người, mà còn cả mối liên hệ bạn có với công việc, bản thân hay những gì bạn sở hữu. Nhưng vì con người phụ thuộc rất nhiều vào đời sống xã hội để tồn tại và phát triển, nên mối quan hệ giữa ta với nhau lại càng nặng nề hơn.
Khi một mối quan hệ tan vỡ, đặc biệt là một mối quan hệ quan trọng và gắn bó hàng ngày, bạn đánh mất cả ý nghĩa mà nó mang lại. Mất đi ý nghĩa ấy cũng giống như mất đi một phần bản thân mình. Nỗi trống rỗng mà bạn cảm nhận lúc này thực chất là sự thiếu hụt ý nghĩa và cả danh tính. Trong bạn như có một khoảng không khổng lồ, mênh mông và vô định. Mọi thứ trở nên nhạt nhẽo, vô nghĩa, đến mức bạn còn tự hỏi: “Cuộc sống này còn có gì đáng để sống nữa không?”
Nếu cứ ngập chìm trong suy nghĩ này quá lâu, bạn sẽ mãi bám víu vào quá khứ, cố gắng “sửa chữa” mọi thứ để quay lại cuộc sống cũ. Nhưng sự thật phũ phàng là: một phần con người bạn đã chết cùng với mối quan hệ đó. Việc của bạn bây giờ là chấp nhận và bắt đầu xây dựng lại cuộc sống mới.
ĐỂ QUÊN AI ĐÓ, BẠN CẦN TÌM NHỮNG Ý NGHĨA MỚI
“Vây quanh mình bằng những người thực sự quan tâm đến bạn” có lẽ là lời khuyên phổ biến nhất sau khi chia tay. Đó là một lời khuyên tuyệt vời, nhưng không phải vì họ sẽ khiến bạn “cảm thấy tốt hơn” và quên đi thực tế rằng tối nay bạn lại phải ngủ một mình nữa rồi. Và cũng không phải chỉ vì họ là chỗ dựa để bạn trút bầu tâm sự. Dù điều đó cũng không hại gì.
Lý do thật sự là: kết nối với những người quan tâm đến bạn sẽ giúp bạn tìm lại ý nghĩa cuộc sống – thứ đã bị giật phăng khỏi tay bạn một cách đột ngột, giống như cái thảm cũ bị kéo đi không báo trước.
Nhưng để khôi phục lại ý nghĩa đó, bạn cần biến việc kết nối thành một thứ gì đó lớn hơn chính bạn và mối quan hệ đã qua. Vâng, bạn cần thời gian để trút bỏ cảm xúc, để hiểu rõ mọi thứ, và những người bạn bên cạnh sẽ giúp bạn làm điều đó. Nhưng ý nghĩa cuộc sống sẽ không thể trở lại nếu bạn không bắt đầu vun đắp những mối quan hệ mới, độc lập và hoàn toàn khác biệt với quá khứ và con người cũ của bạn.
NHÌN LẠI MỐI QUAN HỆ ĐÚNG VỚI BẢN CHẤT CỦA NÓ
Một cách để tách mình khỏi mối quan hệ cũ và tiến về phía trước là nhìn nhận nó một cách khách quan. Nếu câu chuyện bạn tự kể với bản thân lúc này là: “Chúng tôi hoàn hảo với nhau. Lẽ ra chúng tôi phải bên nhau mãi mãi! Sao anh ấy/cô ấy không nhận ra điều đó nhỉ?” thì rất có thể, bạn đang mắc phải vài thiên kiến mà chính bạn cũng không nhận ra.
Thứ nhất, con người ta có xu hướng nhìn về quá khứ qua một lăng kính màu hồng. “Mọi thứ lúc đó thật tuyệt vời. Ừ thì không hoàn hảo lắm, nhưng phải đến 98% thời gian, chúng tôi là cặp đôi tuyệt vời nhất. Rốt cuộc là sai ở đâu?”
Sự thật là trí nhớ của chúng ta khá tệ. Chúng ta thường chỉ nhớ những điều phù hợp với câu chuyện mà mình muốn tin ở thời điểm hiện tại. Trong trường hợp này, bạn nhớ nhiều đến những khoảnh khắc hạnh phúc vì đó là thực tại mà bạn đang khao khát được bám víu.
Nhưng nếu bạn không đủ tỉnh táo để nhận ra điều này, rất có thể, mối quan hệ của bạn thất bại vì nó vốn dĩ là một mối quan hệ độc hại. Những mối quan hệ độc hại chỉ tồn tại nhờ vào những xung đột, tranh cãi. Khi những “màn kịch” ấy ngày càng leo thang, bạn dần lệ thuộc vào nó, thậm chí nghiện nó. Và rồi bạn đánh đồng những cảm xúc như ghen tuông vô lý, kiểm soát thái quá, hay những câu nói đay nghiến, chua ngoa là minh chứng cho tình yêu mãnh liệt của đối phương.
Vậy nên, tôi muốn nói với bạn điều này: mối quan hệ không kết thúc vì hai người làm điều gì đó sai trái với nhau – nó kết thúc vì hai người vốn không phù hợp với nhau.
Khi bạn là người bị bỏ rơi, thật khó để chấp nhận điều này. Nhưng đôi khi, kết thúc là điều cần thiết.
ĐẦU TƯ VÀO MỐI QUAN HỆ VỚI CHÍNH MÌNH
Có rất nhiều tranh luận về việc liệu sau khi chia tay, bạn có nên dành thời gian ở một mình hay không. Tôi nghĩ là nên. Và càng nên hơn nếu mối quan hệ cũ của bạn là một mối quan hệ độc hại.
Nếu bạn đã đánh mất bản thân trong mối quan hệ ấy, thì đây là lúc để khám phá lại chính mình trong những bối cảnh khác. Lao vào một mối quan hệ mới chỉ để lấp đầy khoảng trống mà không thực sự hiểu bản thân cần gì và muốn gì là công thức dẫn đến thất bại trong tình yêu lần nữa.
Thực tế, chính sự thiếu nhận thức về nhu cầu của bản thân đôi khi là nguyên nhân khiến một mối quan hệ đổ vỡ ngay từ đầu. Vì vậy, điều tốt nhất bạn có thể làm lúc này là tìm hiểu bạn là ai, bạn cần gì và làm sao để đáp ứng những nhu cầu đó. Và bạn sẽ chỉ thực sự tìm ra câu trả lời khi tự mình đối mặt với nó.
TÌM RA NHỮNG GÌ BẠN THỰC SỰ CẦN
Xung đột trong các mối quan hệ hầu hết đều bắt nguồn từ việc một trong hai người – hoặc cả hai – không được đáp ứng nhu cầu của mình. Nhiều khi, những nhu cầu này không được truyền đạt một cách rõ ràng hoặc bị phớt lờ. Dù nguyên nhân là gì, gốc rễ của vấn đề vẫn là sự thiếu nhận thức về nhu cầu của bản thân. Và một khi cái giá của việc không được đáp ứng trở nên không thể chịu đựng nổi, mối quan hệ sẽ kết thúc.
Những nhu cầu tình cảm cơ bản của con người bao gồm:
- Cảm giác quan trọng: Được tôn trọng, thử thách bản thân.
- Kết nối: Được thấu hiểu, trân trọng; có giá trị chung và chia sẻ trải nghiệm.
- An toàn: Cảm giác tin tưởng và đáng tin cậy.
Tất cả chúng ta đều có những nhu cầu này trong các mối quan hệ, nhưng mỗi người lại ưu tiên chúng theo cách khác nhau. Khi bạn xem trọng một nhu cầu nào đó quá mức so với những nhu cầu khác, mối quan hệ của bạn sẽ dễ phát sinh vấn đề và có thể hình thành những lối mòn tiêu cực kéo dài.
Vì vậy, chìa khóa để hiểu điều gì đã sai trong mối quan hệ cũ và xây dựng mối quan hệ lành mạnh trong tương lai chính là xác định rõ nhu cầu của bạn, nhu cầu của đối phương và tìm cách kết nối, hòa hợp chúng.
Nếu bạn là người luôn băn khoăn tại sao các mối quan hệ của mình cứ kết thúc theo cùng một cách hoặc lặp đi lặp lại những vấn đề giống nhau, hãy thử tìm hiểu sâu hơn về nhu cầu tình cảm của bản thân. Tôi có một cuốn sách điện tử dài 28 trang (bạn cần điền email vào trang web của tác giả để nhận sách điện tử bằng tiếng Anh) đi sâu phân tích về chủ đề này – biết đâu, đó chính là chìa khóa để bạn tháo gỡ những nút thắt trong các mối quan hệ của mình.
Nguồn: dịch từ bài How to Get Over Someone and Move On With Your Life của Mark Manson