Làm sao để tránh việc quá thân thiện

Có một kiểu thất bại trong giao tiếp xã hội rất đáng buồn: sự quá thân thiện.
Có một kiểu thất bại trong giao tiếp xã hội rất đáng buồn: sự quá thân thiện. Đây là một cách hành xử bắt nguồn từ những ý định tốt đẹp nhất, nhưng kết quả lại khó chịu chẳng kém gì sự thô lỗ.
Chúng ta gặp những người quá thân thiện ở khắp nơi: nơi công sở, họ cười quá mức trước những câu chuyện đùa nhạt nhẽo của cấp trên; ở quầy lễ tân khách sạn, họ chúc ngài hoặc quý cô một kỳ nghỉ “thật tuyệt vời”; hoặc trong buổi hẹn hò đầu tiên, họ tán dương mọi quan điểm của đối phương về sách vở và phim ảnh, dù có phần giả tạo.
Những người quá thân thiện thường mắc ba sai lầm lớn:
1. Quá dễ chiều lòng người
Họ nghĩ mình phải đồng ý với tất cả mọi thứ. Nếu người kia nói “thế giới đang trở nên tồi tệ,” họ lập tức gật đầu tán thành. Nhưng chỉ vài giây sau, khi nghe một dự đoán về tương lai công nghệ đầy tươi sáng, họ lại gật đầu nhiệt thành như vậy. Khi ta nói điều gì thông minh, họ thích thú vô cùng. Khi ta nói điều gì ngớ ngẩn, họ vẫn hài lòng chẳng kém. Sự tán đồng không ngừng nghỉ này thoạt nhìn có vẻ là quan tâm, nhưng thật ra đó chỉ là một kiểu không lắng nghe.
2. Hời hợt
Lời khen của họ thường không đúng trọng tâm. Họ dành nhiều lời tốt đẹp, nhưng toàn là những thứ ta không thực sự coi trọng. Họ khen chiếc ô của ta thật đẹp, họ thích ngân hàng trên thẻ tín dụng của ta, họ xuýt xoa ghế ngồi của ta thật tinh tế hay cách ta cầm nĩa cũng rất duyên dáng… Nhưng tất cả những điều này chẳng có ý nghĩa gì với ta nếu nó không gắn liền với những giá trị hay thành tựu mà ta tự hào. Ai cũng thích được khen, nhưng một lời khen sai lệch lại chẳng khác nào một lời xúc phạm.
3. Quá lạc quan
Sự thân thiện của họ lúc nào cũng tràn ngập vẻ vui tươi. Họ chỉ thấy ta trông thật tuyệt, công việc của ta thật đáng nể, gia đình của ta thật hoàn hảo. Họ muốn ta cảm thấy tốt hơn, nhưng vô tình lại khiến ta ngại ngần khi muốn chia sẻ những khía cạnh cô đơn, u tối hay buồn bã hơn trong tâm hồn mình.
Ngược lại, một người thực sự dễ mến sẽ nhớ ba điều quan trọng sau:
1. Đồng ý là tốt, nhưng bất đồng cũng chẳng sao
Bất đồng quan điểm không phải lúc nào cũng tệ hại. Thậm chí, đôi khi sự phản biện còn mang lại cảm giác thú vị và giúp ta học hỏi nhiều điều mới mẻ, miễn là lòng tự trọng của ta không bị tổn thương. Một cuộc trò chuyện thú vị có thể nảy sinh từ những ý kiến trái chiều, nếu cả hai bên đều đủ chín chắn để lắng nghe.
2. Lời khen cần phải chân thành
Người ta chỉ muốn được khen về những điều họ thực sự tự hào. Giá trị của lời khen nằm ở sự chọn lọc. Một người tinh tế sẽ bỏ qua rất nhiều điều trong im lặng, để khi lời khen được thốt ra, nó mang một sức nặng và ý nghĩa sâu sắc.
3. Hãy thừa nhận những vấn đề
Chúng ta không nhất thiết phải vui vẻ mọi lúc mọi nơi. Điều khiến ta cảm thấy được an ủi không phải là những lời động viên rỗng tuếch, mà là cảm giác được thấu hiểu. Một người sẵn lòng chia sẻ và đồng cảm với những nỗi lo lắng, do dự hay khúc mắc trong lòng ta sẽ khiến ta thấy dễ chịu hơn rất nhiều.
Điều khiến người dễ mến thực sự khác biệt là họ giữ được sợi dây kết nối với chính mình trong mọi tình huống, kể cả khi đối diện với những người có vẻ xa lạ hay khó gần. Họ sử dụng chính những trải nghiệm và nhu cầu của bản thân như một chìa khóa để hiểu người khác. Trong khi đó, người quá thân thiện lại dễ dàng đánh mất mình vì sự khiêm nhường thái quá, nghĩ rằng những người đáng nể sẽ chẳng thể nào giống mình.
Cốt lõi trong sự duyên dáng của người thực sự dễ mến là một hiểu biết sâu sắc: người khác, xét cho cùng, cũng chẳng khác chúng ta là bao. Vì vậy, những gì ta hiểu về chính mình sẽ là chìa khóa để kết nối và thấu hiểu người khác – không phải lúc nào cũng đúng, nhưng đủ thường xuyên để tạo nên khác biệt.
Trích từ The School of Life – HOW TO AVOID BEING OVERLY-FRIENDLY