Làm sao để yêu cả những khiếm khuyết của người thương

Khi men say tình yêu ban đầu còn đậm đà, người ta thường nhìn nửa kia qua lăng kính lung linh của sự hoàn hảo.
Khi men say tình yêu ban đầu còn đậm đà, người ta thường nhìn nửa kia qua lăng kính lung linh của sự hoàn hảo. Nhưng rồi, theo thời gian, lớp sương mờ ấy dần tan, và ta bắt đầu thấy rõ người ấy – không chỉ là những điều khiến ta rung động, mà cả những điều khiến ta khó chịu, buồn lòng, thậm chí tức giận.
Dù vẫn yêu nhau sâu sắc, nhưng mỗi người đều mang trong mình những tính cách, thói quen hay hành vi riêng biệt – những điều đôi khi trở thành nguồn cơn của những cuộc cãi vã lặp đi lặp lại. Ai cũng mong đối phương sẽ thay đổi điều này, điều kia. Nhưng cho dù có cố gắng, những thay đổi ấy thường không dễ dàng. Và thế là sự thất vọng kéo đến, thậm chí chuyển thành oán trách. “Nếu cô ấy thực sự yêu mình,” anh thầm nghĩ, “thì cô ấy đã thay đổi vì mình rồi.” Nhưng thử hỏi, chính bản thân ta đã bao giờ dễ dàng thay đổi một nét tính cách bám rễ sâu trong con người mình chưa? Có lẽ là chưa.
Thật ra, theo nghiên cứu, gần 70% những mâu thuẫn trong hôn nhân là vĩnh viễn – nghĩa là sẽ đồng hành cùng đôi lứa suốt cuộc đời. Vậy nên, nếu cứ mãi kỳ vọng một sự thay đổi hoàn hảo, ta chỉ đang đuổi theo điều vô vọng. Giải pháp thực tế hơn chính là học cách chấp nhận – chấp nhận rằng người ấy có những điểm chưa hoàn hảo, và điều đó cũng là một phần trong cuộc sống chung của hai người. Nhưng chấp nhận không chỉ là việc của lý trí; để thật sự chạm tới trái tim, là một hành trình không dễ dàng.
Góc nhìn mới: Hai mặt của cùng một đồng xu
Thay vì phân tách rõ ràng giữa điều ta yêu và điều ta không thích ở người ấy, hãy thử nhìn chúng như hai mặt của cùng một dòng năng lượng – một bên là ánh sáng, một bên là bóng tối.
Người vợ yêu chồng bởi anh là người đàn ông rắn rỏi, điềm tĩnh, mang lại cho cô cảm giác an toàn. Nhưng cũng chính vì thế, cô buồn vì anh ít khi bộc lộ cảm xúc, thiếu sự đồng cảm nhẹ nhàng. Cái chất “đàn ông” ấy, thứ khiến cô yêu anh, cũng là điều làm anh không dễ mềm lòng.
Người chồng yêu vợ vì cô sáng tạo, nghệ sĩ, luôn mang theo luồng gió mới lạ. Nhưng anh cũng không ít lần khó chịu vì cô hay quên hẹn, không theo kế hoạch. Sự ngẫu hứng khiến cô mộng mơ, cũng khiến cô thiếu ổn định.
Chúng ta không thể giữ một đầu của cây gậy mà bỏ đi đầu kia. Khi đã yêu một phần tính cách nào đó, thì phải chấp nhận cả những hệ quả đi kèm. Khi hiểu được điều này, những khiếm khuyết trở nên dễ chấp nhận hơn – thậm chí, ta có thể học cách trân trọng chúng.
Yêu cả phần “khó ưa” – vì đó cũng là người ấy
Ví dụ, Kate – người bạn đời của tôi – luôn đến trễ. Cô ấy thích cảm giác chạy đua với thời gian, thấy hứng thú khi làm mọi thứ vào phút chót. Tôi thì ngược lại – kiểu “ông bố lo xa” chính hiệu, thích có mặt ở sân bay sớm cả tiếng. Sự đối lập ấy từng khiến tôi phát cáu. Nhưng rồi tôi nhận ra: chính năng lượng ham vui, yêu cảm giác mạnh ấy cũng là thứ khiến cuộc sống với Kate trở nên sôi nổi, đầy bất ngờ. Tôi không thể có sự phiêu lưu ấy nếu thiếu đi cả sự “trễ giờ”.
Còn tôi – tôi mang trong mình tâm trạng u uẩn, có lúc trầm cảm, nhiều suy tư. Điều đó không dễ dàng cho Kate. Nhưng cô hiểu rằng, nếu không có những chiều sâu ấy, tôi sẽ không là người như hiện tại – một người sống chậm, biết nghĩ, và trân trọng giá trị thật. Chính nét tính cách có phần “nặng nề” đó lại giúp tôi xây dựng một không gian sống chân thực, không hời hợt hay hào nhoáng như nhiều “thương hiệu sống” ngoài kia.
Chấp nhận không có nghĩa là bỏ qua tất cả
Dĩ nhiên, không phải khiếm khuyết nào cũng đi kèm với điểm mạnh. Có những điều gây tổn thương quá lớn và cần được điều chỉnh. Nhưng thay vì kỳ vọng sự thay đổi toàn diện, không thực tế, hãy cùng nhau mài mòn những góc cạnh sắc nhọn. Kate nỗ lực đến đúng giờ khi biết điều đó quan trọng với tôi. Còn tôi thì học cách kiểm soát những ngày đen tối của mình để không làm ảnh hưởng đến cô.
Cuối cùng, khi ta hiểu rằng điều ta không ưa nơi người ấy thực chất là cái giá nhỏ phải trả cho tất cả những điều ta yêu thương, việc chấp nhận – thậm chí là yêu thương – trở nên tự nhiên hơn. Ta không thể tách đôi một đồng xu. Nếu đã chọn cầm nó trên tay, thì hãy trân trọng cả hai mặt. Nếu đó là một đồng xu đáng giá – đừng bao giờ buông.
Nguồn: How to Accept Your Partner’s Flaws | Art Of Manliness