Làm sao đưa ra quyết định trong một thế giới không hoàn hảo?

lam-sao-dua-ra-quyet-dinh-trong-mot-the-gioi-khong-hoan-hao

Đối với một lý thuyết, chúng ta nên tập trung tới khả năng áp dụng vào đời sống hơn là tranh cãi về việc liệu nó có đúng trong mọi trường hợp hay không.

Vào năm 1976, nhà thống kê người Anh George Box đã đúc kết 1 câu nói nổi tiếng: “Tất cả hình mẫu đều sai, chỉ một vài trong số đó là hữu ích.”

Cụ thể, ông cho rằng đối với một lý thuyết, chúng ta nên tập trung tới khả năng áp dụng vào đời sống hơn là tranh cãi về việc liệu nó có đúng trong mọi trường hợp hay không. Như nhà sử học / tác giả Yuval Noah Harari đã nói: “Các nhà khoa học thường đồng ý rằng không có lý thuyết nào là đúng 100%. Do vậy, bài kiểm tra thực sự của kiến thức không phải là sự thật, mà là tính hữu ích. Khoa học cho ta sức mạnh. Sức mạnh đó càng hữu ích thì khoa học ngày càng tốt hơn.”

Kể cả công trình nghiên cứu của Einstein cũng không hoàn hảo trong mọi trường hợp, nhưng nó lại vô cùng hữu ích - không chỉ giúp ta hiểu hơn về thế giới, mà còn có thể được áp dụng cho những mục đích thiết thực. Ví dụ, hệ thống Định vị toàn cầu (GPS) dùng trong điện thoại và ô-tô của bạn phải tính đến ảnh hưởng của Thuyết Tương đối để đưa ra chỉ dẫn đúng. Nếu không có Thuyết Tương đối, hệ thống dẫn đường sẽ không thể hoạt động chính xác.

Vậy, chúng ta cần làm gì để đưa ra quyết định tốt hơn, nếu giả sử rằng trên đời này không có nhận định nào là đúng 100%?

Đó là, thay vì chỉ chăm chăm theo đuổi 1 góc nhìn, chúng ta nên phát triển nhiều góc nhìn khác nhau để suy nghĩ về thế giới. Càng có nhiều góc nhìn, bạn càng có thêm công cụ để tư duy.

Ví dụ, đây là 3 góc nhìn phổ biến khi nói về năng suất làm việc:

Quy tắc 2 phút: Nếu một việc mất chưa đầy 2 phút, hãy làm điều đó ngay. Mục đích của quy tắc này là để giúp bạn ngừng việc trì hoãn và bắt tay vào hành động.

Phương pháp Ivy Lee: Tạo một danh sách việc cần làm bằng cách viết ra 6 điều quan trọng nhất bạn cần phải hoàn thành trong ngày mai, ưu tiên cho những việc đó và lần lượt thực hiện chúng. Mục đích của phương pháp này là để giúp bạn thực hiện những việc quan trọng nhất trước tiên.

Chiến lược Seinfeld: Chọn một thói quen mới và đánh dấu X vào tờ lịch mỗi ngày bạn thực hiện thói quen này. Mục tiêu của phương pháp là để giúp bạn duy trì tính bền bỉ và giữ cho chuỗi hành vi tốt của của mình được giữ vững.

Liệu có cách nào trong số này là hoàn hảo không? Dĩ nhiên là không.

Nhưng, nếu kết hợp chúng với nhau thì bạn sẽ có tổ hợp các phương pháp mạnh mẽ để giúp chúng ta:

- Hành động ngay bây giờ (Quy tắc 2 phút)

- Lập kế hoạch trong ngày của mình hiệu quả hơn (Phương pháp Ivy Lee)

- Duy trì sự bền bỉ về lâu dài (Chiến lược Seinfeld).

Lưu ý: Việc chấp nhận rằng tất cả hình mẫu đều sẽ có lúc sai không có nghĩa là chúng ta ngừng tìm kiếm sự thật. Chúng ta cần liên tục phát triển những đáp án tốt hơn, tìm kiếm bằng chứng, và cố gắng tăng độ chính xác trong kiến thức. Đồng thời, mọi người nên hướng sự tập trung vào tính hữu ích của đáp án thay vì tranh luận nó có hoàn toàn chính xác hay không.

Thế giới đầy sự bất định, nhưng chúng ta vẫn phải tiến về phía trước. Trách nhiệm của mọi người chính là phát triển một cách tư duy về thế giới sao cho phù hợp với những sự thật khách quan đã có, nhưng không bị cuốn vào vòng xoáy suy nghĩ quá nhiều mà phải bắt tay vào hành động. Như giáo sư Daniel Gilbert của Đại học Harvard đã nói: “Thế giới không việc gì phải chờ đợi những đáp án hoàn chỉnh trước khi bắt đầu thực hiện.”

 

Nguồn: https://jamesclear.com/all-models-are-wrong

Nội dung được dịch và biên tập bởi Team Trần Đăng Khoa. 

menu
menu