Làm Thế Nào Để Loại Bỏ Suy Nghĩ ‘Bản Thân Chưa Đủ Tốt’

lam-the-nao-de-loai-bo-suy-nghi-ban-than-chua-du-tot

Nếu bạn từng cảm thấy giá trị bản thân phụ thuộc vào những gì người khác nghĩ, thì bạn không hề đơn độc đâu. Hãy thay đổi tư duy này và tìm ra cách thức khác để định giá bản thân. 

Bạn có thường xuyên được hỏi "Bạn làm nghề gì?" và cảm thấy như câu hỏi đó sẽ xác định mức độ chú ý hoặc sự tôn trọng mà bạn nhận được?". Có thể bạn từng có trải nghiệm đau lòng khi thấy sắc mặt hay ánh mắt của người hỏi thay đổi khi nghe câu trả lời của bạn. Thật tệ! Thay vì được mọi người nhìn nhận và đánh giá cao về cá tính độc đáo, bạn cảm thấy như thể giá trị của mình bị bình giá là “thiếu sót” chỉ trong nháy mắt. Nhưng nhận được một cái gật đầu chấp thuận cũng không có nghĩa là chúng ta có thể hoàn toàn an tâm. Ngay cả những người tưởng như đang giành phần thắng trong hoàn cảnh này thì đến một lúc nào đó cũng có thể sẽ thua, vì hoàn cảnh luôn thay đổi theo thời gian, tuổi tác và chứa đầy rẫy những bất trắc khôn lường.

Với một số người, những cuộc gặp gỡ này lặp lại những dịp trước đó trong cuộc đời, khi chúng ta cảm thấy giá trị của mình lại được xác định bởi người khác (thường là người lớn) và phụ thuộc vào những gì họ nghĩ: về điểm số, các cuộc thi hay thành tích gần nhất của chúng ta. Hãy suy nghĩ một chút: Những thông điệp ý nghĩa đầu tiên bạn nhận được về việc bạn cần trở thành ai trên thế giới này là gì? Cho dù những trải nghiệm và cảm xúc này có bám rễ sâu đến đâu, chúng ta vẫn có thể giải phóng bản thân khỏi suy nghĩ rằng mình chưa đủ tốt. Quá trình này đòi hỏi cần phải có thời gian, vì vậy thứ chúng ta cần là kiên nhẫn. 

Dưới đây là cách để chúng ta loại bỏ suy nghĩ “chưa đủ tốt” ở bản thân và những người xung quanh. 

Jenice Kim

1. Làm những gì khiến bạn hạnh phúc - chứ không phải người khác 

Đôi khi, cảm giác rằng mình chưa đủ tốt khiến bạn phải chấp nhận những người bạn, sở thích, dự án hoặc công việc mà bạn cho rằng chúng sẽ khiến bạn trông tốt hơn theo đánh giá của người khác. Lần cuối cùng bạn làm điều gì đó không phải vì nó sẽ xuất hiện trong sơ yếu lý lịch, không phải vì nó đáp ứng những điều kiện đáng để bạn phải vật lộn đấu tranh, mà chỉ vì bạn thích nó, là khi nào? 

Theo đuổi những điều bản thân thực sự yêu thích là vô cùng quan trọng bởi nó sẽ giúp chúng ta bớt khắt khe với lập trường, quan điểm của chính mình. Nó cho phép chúng ta có một góc nhìn thu nhỏ cũng như có cơ hội trải nghiệm bản thân và cả những người khác - một cách vô điều kiện. Khi bắt tay vào làm những gì mình yêu thích, bạn có thể rũ bỏ sức nặng của những phán xét và kỳ vọng.

2. Nhận ra rằng bạn có giá trị.

Tin rằng bạn đủ tốt không có nghĩa là hạ thấp tiêu chuẩn của những gì bạn muốn đạt được trong cuộc sống; chỉ là định nghĩa của việc “mình đủ tốt” không đổi và không bị ảnh hưởng bởi các hành động của bạn. Hãy cứ bước đi và gặt hái thành quả. Nhưng cũng cần nhớ rằng, bản thân bạn có một định mức nhất định về giá trị bản thân mà bạn không thể hạ thấp hơn. 

Trái ngược với điều mà nhiều người lo sợ, nhận ra giá trị của bản thân không có nghĩa là chúng ta luôn tự đề cao chính mình. Một cái tôi tự mãn sẽ nói rằng “Tôi nhất định làm được, tôi là người giỏi nhất ”, cho dù điều đó có thực sự đúng hay không. Còn một người biết được giá trị bản thân sẽ thẳng thắn mà nói rằng: “Điều này quan trọng đối với tôi và tôi sẽ cố gắng hết sức… nhưng nó không định giá được tôi”.

3. Khi gặp những người mới, hãy vượt ra khỏi công việc, chức danh, trường học của bạn.

Nếu chúng ta muốn xóa bỏ những phán xét liên quan đến câu hỏi "Bạn làm nghề gì?", chúng ta cũng có thể thay đổi cách mình đáp lại câu hỏi đó. Lần tới khi ai đó hỏi bạn làm nghề gì, đừng trả lời nghề nghiệp hay lĩnh vực nghiên cứu. Thay vào đó, hãy chia sẻ với họ điều gì đó mà bạn trân trọng về bản thân; cùng nhau cố gắng khám phá những điều mới mẻ và nhớ rằng không bắt đầu bằng những “chiếc nhãn”.

4. Đáp lại bằng tình yêu thương, chấp nhận những thành công - thất bại của gia đình, bạn bè và đồng nghiệp.

Tương tự như luận điểm trước, chúng ta cần cố gắng xây dựng mô hình một cách sống mới nếu chúng ta muốn xoa dịu suy nghĩ chưa đủ tốt ở những người xung quanh. Trong xã hội thiên về thành tích, điều này thật khó khăn; nhưng con người không phải là sản phẩm và chúng ta cần một nền văn hóa phân định hai yếu tố đó và giúp chúng ta thấy rằng người này không thể "định nghĩa" người kia.

Bạn có muốn những người quan trọng nhất trong cuộc đời bạn - dù già hay trẻ - cảm thấy rằng họ đủ tốt? Bằng cách đánh giá cao họ và thể hiện rằng sự quan tâm của bạn dành cho họ là vô điều kiện, bạn có thể tạo ra sự thay đổi lan tỏa ra bên ngoài. Hãy thử tưởng tượng thế giới và các mối quan hệ sẽ khác biệt như thế nào nếu mỗi người trong chúng ta thực sự hành động như thể tất cả chúng ta đều nhận ra rằng mình sở hữu giá trị nội tại đáng trân trọng!

__________________

Dịch giả: Sarras Nguyễn – Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ

Link bài gốc: ideas.ted

menu
menu