Làm thế nào để tán tỉnh và quyến rũ ai đó bằng cách đụng chạm
Một số nghiên cứu tâm lý học phát hiện thấy sự đụng chạm có thể tạo ra cảm xúc ưa thích và sự hấp dẫn.
Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao một vài mối quan hệ của bạn chẳng đi đến đâu cả chưa. Bạn không cảm thấy khuấy động cảm xúc và đam mê… rồi tự hỏi tại sao? Bạn đã bao giờ đánh mất sự kết nối đặc biệt với người yêu chưa? Bạn tự hỏi tại sao nụ hôn đầu tiên không đến, buổi hẹn hò lần thứ hai không bao giờ có. Câu trả lời cho tất cả những câu hỏi trên nằm ở SỰ ĐỤNG CHẠM.
Hãy nhìn những con vật trong chương trình thế giới động vật. Loài vật không tán tỉnh và làm bạn với nhau bằng từ ngữ, đồ uống và những bữa tối. Mà thay vào đó, chúng đụng chạm, tựa sát vào nhau, vuốt ve và liếm để tán tỉnh, quyến rũ, truyền thông, thuyết phục và kết đôi, làm bạn. Loài người cũng không khác biệt, ngoại trừ việc dùng từ “hẹn hò”. Tuy nhiên, chúng ta thường bị lẫn lộn trong khi nói chuyện và chúng ta quên làm điều thật sự quan trọng. Chúng ta quên cách làm thế nào để tán tỉnh và quyến rũ bằng sự đụng chạm.
Tầm quan trọng của đụng chạm
Một số nghiên cứu tâm lý học phát hiện thấy sự đụng chạm có thể tạo ra cảm xúc ưa thích và sự hấp dẫn. Nói cách khác, khi bạn đụng chạm vào người khác, họ sẽ bị thu hút bởi bạn. Sau đây là một vài ví dụ:
- Williams và Kleinke (1993) đã đánh giá về ảnh hưởng của những kiểu đụng chạm khác nhau (hoặc không đụng chạm) ở những cặp đôi khác giới được kết hợp ngẫu nhiên. Sự đụng chạm lẫn nhau gắn liền với việc làm tăng nhịp tim ở những cặp đôi tham gia nghiên cứu. Hơn nữa, sự đụng chạm làm tăng ham muốn, đặc biệt khi kết hợp với tương tác mắt ở những người tham gia.
- Những nghiên cứu của Burgoon và cộng sự phát hiện thấy: sự đụng chạm dẫn đến những cảm xúc thu hút, lôi cuốn. Burgoon, Walther và Baesler (1992) tạo ra những kiểu đụng chạm bằng cách yêu cầu sinh viên tham gia giải quyết nhiệm vụ khó khăn cùng một trợ lý nghiên cứu. Những cái đụng chạm ngắn bởi người trợ lý nghiên cứu làm tăng thêm cảm giác tin tưởng, yêu thích, lôi cuốn của sinh viên đối với người trợ lý nghiên cứu.
- Trong hai thực nghiệm khác, Burgoon (1991) xây dựng được những ý nghĩa khác nhau từ việc đụng chạm. Sau khi điều tra 622 thanh niên và người lớn, tác giả đã xác định được rằng, sự đụng chạm truyền đạt tình cảm, sự cảm động, sự tương đồng cũng như sự thống trị.
Hơn nữa, không phải mọi kiểu đụng chạm đều tạo ra hiệu quả truyền thông như nhau. Trong khi việc nắm tay nhau và nhìn mặt nhau bộc lộ sự thân mật, thì việc bắt tay bộc lộ sự tin tưởng và cảm thông. Vì thế, sự đụng chạm càng thân mật và mang tính cá nhân thì sẽ càng tạo ra sức thu hút.
Làm thế nào để thu hút người khác bằng việc đụng chạm
Nếu như bạn đang quan tâm, để ý đến ai đó, hoặc bạn đang ở những giai đoạn đầu của cuộc hẹn hò, hãy tìm cớ để đụng chạm người ấy. Một vài cách đụng chạm mang tính xã hội phổ biến, bao gồm:
- Ôm họ được xem như là một cách để chào hỏi và thiết lập tiền lệ cho những tiếp xúc cơ thể.
- Ngồi gần họ và chạm vào vai, đùi.
- Vỗ nhẹ vào bàn tay của họ hoặc chạm vào vai để họ chú ý đến bạn.
- Nắm tay họ cùng đi đến một địa điểm.
- Những đụng chạm bất ngờ.
Nếu bạn muốn khơi dậy những đam mê trong mối quan hệ hiện tại của mình, hãy thử:
- Hôn người ấy thường xuyên.
- Ôm người ấy thật chặt. Hãy ôm người ấy khi họ đang nấu cơm; rúc vào lòng họ khi họ đang xem tivi.
- Matxa cho họ: xoa cổ, xoa chân cũng có thể khơi dậy đam mê.
Sự lôi cuốn, thu hút lẫn nhau được tạo nên thông qua việc đụng chạm. Đơn giản vậy thôi. Nếu bạn không đụng chạm người ấy thì bạn không thể tạo ra sức hút (hoặc sự lôi cuốn của bạn sẽ nhạt phai). Hãy tìm cớ, tìm cơ hội và những cách thức để đụng chạm thường xuyên.
Vai trò của việc đụng chạm trong việc ảnh hưởng và thuyết phục người khác
Nhiều nghiên cứu trong tâm lý học đã phát hiện rằng việc đụng chạm có thể ảnh hưởng và thuyết phục người khác. Nói cách khác, khi bạn đụng chạm vào một ai đó thì người đó có nhiều khả năng tán đồng, ủng hộ lời đề nghị của bạn. Sau đây là vài ví dụ:
- Hornik (1991) tổ chức cuộc thử nghiệm với sinh viên một cách ngẫu nhiên, cho họ đụng chạm với những khách hàng đang đi mua sắm khi khách đang chuẩn bị bước vào một hiệu sách (một cái chạm nhẹ vào cánh tay phía trên). Những khách hàng được đụng chạm sẽ ở lâu hơn trong cửa hàng sách, mua sắm nhiều hơn và có đánh giá tốt về cửa hàng.
- Những hiệu ứng tương tự cũng được phát hiện khi những khách hàng ở trong khu mua sắm nhỏ, khi họ được yêu cầu tham gia trong một cuộc khảo sát (Hornik và Ellis,1988). Những khách hàng được đụng chạm thì có nhiều khả năng đồng ý tham gia cuộc khảo sát. Họ cũng xem những nhiệm vụ được nêu lên trong cuộc khảo sát là ít nặng nề, khó khăn hơn so với những khách hàng không được đụng chạm.
- Những tài xế xe bus có nhiều khả năng sẽ chở một hành khách đi miễn phí khi hành khách này yêu cầu (có đụng chạm) (Gueguen và Fischer-Lokou, 2003).
- Những người được đụng chạm sẽ trở nên cởi mở hơn, có tâm trạng tốt hơn và xem những yêu cầu của bạn một cách thoải mái, nhẹ nhàng hơn. Việc đụng chạm người khác sẽ làm cho người đó muốn giúp đỡ bạn, ủng hộ, đồng ý với bạn hoặc làm những việc mà bạn yêu cầu.
Làm thế nào để ảnh hưởng đến người khác bằng cách đụng chạm
Nếu như bạn muốn người bạn tình của mình làm một điều gì đó… hãy đụng chạm vào họ trước khi bạn đưa ra yêu cầu! Sau đây là vài ví dụ:
- Chạm vào bàn tay hoặc vào cánh tay phía trên của đối tác (tiềm năng) khi bạn yêu cầu họ “về một nơi đặc biệt nào đó mà bạn muốn họ đi ăn tối cùng bạn.”
- Chạm vào vai hoặc lưng người bạn đời khi bạn nhờ họ mua giúp một chai rượu, một phần ăn hoặc một món quà.
- Hãy cho họ một cái ôm nhanh và hôn họ trước khi bạn nhờ họ đổ rác hoặc giặt quần áo.
- Xoa lưng người bạn đời trước khi bạn muốn “thân mật” hơn.
Trong một vài trường hợp, hãy tìm một cái cớ để đụng chạm. Hãy đụng chạm và… đạt được những điều bạn muốn! Nó sẽ tăng khả năng của bạn khi thuyết phục người bạn đời.
Image: Adobe Stock | pathdoc
Nguồn: http://www.psychologytoday.com/blog/the-attraction-doctor/201202/how-flirt-and-seduce-touch-part-1