Liệu pháp nghệ thuật là gì?

lieu-phap-nghe-thuat-la-gi

Một điều thật kỳ lạ ở loài người là đôi khi ta không thể nói với người khác, hoặc thậm chí với chính mình, về những cảm xúc đang cuồn cuộn trong lòng.

Một điều thật kỳ lạ ở loài người là đôi khi ta không thể nói với người khác, hoặc thậm chí với chính mình, về những cảm xúc đang cuồn cuộn trong lòng. Ta có thể đang rất tức giận nhưng lại không hề nhận ra, hoặc thấy buồn nhưng chẳng rõ nỗi buồn ấy đến từ đâu. Trong những lúc ấy, việc hỏi thẳng bản thân lại chẳng giúp ích gì mấy. Ta trở thành người quan sát bối rối của chính tâm trí mình, với những cảm xúc lẫn lộn, vừa gần gũi mà lại khó chạm đến.

Để giải mã nghịch lý này, liệu pháp nghệ thuật đã được phát triển vào giữa thế kỷ XX. Trong Thế Chiến thứ Hai, Adrian Hill — một họa sĩ và giáo viên người Anh — nhận ra rằng những người lính bị thương mà ông chăm sóc trong bệnh viện có thể thấu hiểu và giải tỏa được những chấn thương tinh thần nếu họ được vẽ và phác họa thông qua một số bài tập tưởng tượng đơn giản. Trong cuốn sách Art versus Illness (Nghệ Thuật Chống Lại Bệnh Tật) xuất bản năm 1945, Hill đã đặt ra thuật ngữ “liệu pháp nghệ thuật” để mô tả cách những bài tập vẽ có thể giúp tâm hồn căng thẳng nới lỏng và bộc lộ bản thân, từ đó giúp bệnh nhân nhận diện và vượt qua những khó khăn của mình.

Photo by Ilnur Kalimullin on Unsplash

Kể từ đó, liệu pháp nghệ thuật đã trở thành một lĩnh vực chính thức, đồng hành và bổ trợ cho liệu pháp tâm lý. Cũng như các nhà trị liệu tâm lý, các nhà trị liệu nghệ thuật muốn đưa những cảm xúc tiềm ẩn ra ngoài, nhưng thay vì chỉ dựa vào ngôn ngữ — vốn đôi khi lúng túng và hạn chế — họ có thể khai thác những gì phong phú mà tâm trí bộc lộ khi ta được đưa một tờ giấy trắng và gợi ý thể hiện cảm xúc qua bút vẽ.

Ở đa phần các bài tập trị liệu nghệ thuật, ta sẽ nhanh chóng cảm nhận rằng không ai yêu cầu ta phải “vẽ đẹp”, chỉ đơn giản là bộc lộ cảm xúc của mình. Có bài tập sẽ yêu cầu: “Vẽ hình thể hiện tâm trạng của bạn lúc này”, hoặc “Vẽ bản thân bạn như một cái cây”. Mục tiêu chính của các bài tập này là mở ra cho ta cơ hội để hiểu rõ hơn về chính mình:

Các Bài Tập Trong Liệu Pháp Nghệ Thuật:

— Vẽ một món quà: Bạn muốn gì bên trong món quà đó?

— Vẽ một bản đồ của những lo lắng: Hãy cho mỗi nỗi lo một hình dáng, một diện mạo.

— Vẽ một giọt nước mắt lớn: Viết điều gì ẩn chứa trong nó.

— Vẽ một cây cầu: Ở đầu bên này, ghi điều bạn muốn buông bỏ, và ở đầu bên kia, ghi điều bạn muốn tiến tới.

— Vẽ bản thân ở trung tâm trang giấy, thêm các thành viên gia đình hoặc bạn thân xung quanh. Vẽ các mũi tên nối bạn với từng người và ghi điều bạn thực sự cần nói với họ.

— Vẽ điều bạn đang tức giận.

— Vẽ phác họa cơ thể của bạn. Đau đớn tập trung ở đâu?

— Vẽ một chiếc mỏ neo dưới đáy biển và một con tàu trên mặt nước. Điều gì giữ bạn lại, không thể tiến lên?

— Vẽ bản thân bạn như một con vật. Bạn cảm thấy thế nào về lựa chọn của mình?

— Vẽ một ngọn núi và một cái đồi. Ghi ra trong cuộc sống của bạn, điều gì thực sự thuộc về ngọn núi, điều gì chỉ là cái đồi.

— Vẽ một vòng tròn đại diện cho cuộc sống của bạn; tô màu phần tiêu cực, để trắng phần tích cực. Thảo luận.

— Vẽ cuộc sống lý tưởng: Bạn đang sống ở đâu, với ai, mọi người đang làm gì. So sánh với thực tế.

— Vẽ gia đình hạt nhân của bạn. Nhìn xem ai được đặt gần ai và khoảng cách giữa họ.

— Vẽ người mà bạn muốn yêu. Điều gì là quan trọng nhất bạn tìm kiếm ở họ?

— Vẽ đỉnh núi: Điều gì bạn đã vượt qua?

— Vẽ một dòng thời gian cuộc đời bạn. Ghi lại những sự kiện đau buồn chủ chốt.

— Vẽ một nơi an toàn nhất. Bạn cần tránh xa điều gì? 

— Vẽ một biển báo “Dừng Lại.” Bạn muốn chấm dứt điều gì? 

— Vẽ một quả trứng, và thay vì có một chú gà con chui ra, hãy để đó là một điều mới mẻ, quan trọng trong cuộc sống của bạn. Điều đó sẽ là gì? 

— Vẽ một dấu hỏi thật lớn; điều gì nên nằm bên dưới đó? 

— Vẽ “những phiên bản khác nhau của chính tôi.” 

— Vẽ bất kỳ hình thù nào bạn cảm thấy thoải mái, vào cùng giờ mỗi ngày trong một tuần. Những lựa chọn khác nhau ấy có thể tiết lộ điều gì? 

— Vẽ “tình huống mà tôi đang ở trong.”

Điều đáng nói ở đây là chúng ta có thể đã lạc xa khỏi những sự thật cốt lõi trong chính mình từ lâu mà chẳng hay biết — và đôi khi, chỉ một nét vẽ giản đơn của chính ta lại có thể kéo ta trở về.

Cũng thú vị biết bao khi tham gia liệu pháp nghệ thuật cùng với một nhóm. Nhìn thoáng qua nét vẽ của một người bạn hay một người mới quen có thể cho ta cảm nhận sâu sắc hơn nhiều so với việc hỏi han về tâm trạng của họ.

Có thể các giờ học vẽ ở trường đã khiến ta mơ hồ về mục đích thực sự của việc vẽ. Liệu pháp nghệ thuật hiểu rằng ý nghĩa đẹp đẽ nhất của những phác họa có thể chính là giúp ta ghép nối nên bức tranh rõ nét hơn về những mảnh ghép lẩn khuất của con người thật trong ta.

Nguồn: WHAT IS ART THERAPY?

menu
menu