Lớn lên trong một gia đình có cha hoặc mẹ nghiện rượu là trải nghiệm như thế nào?

lon-len-trong-mot-gia-dinh-co-cha-hoac-me-nghien-ruou-la-trai-nghiem-nhu-the-nao

Đó là câu hỏi mà các nhà nghiên cứu Thụy Điển Anneli Silvén Hagströma và Ulla Forinder muốn tìm câu trả lời.

Đó là câu hỏi mà các nhà nghiên cứu Thụy Điển Anneli Silvén Hagströma và Ulla Forinder muốn tìm câu trả lời. Vì nhiều đứa trẻ sống trong hoàn cảnh này thường không dám nói ra, sợ bị kỳ thị và xấu hổ, nên nhu cầu cấp thiết của chúng rất dễ bị bỏ qua, và tiếng nói của chúng gần như không bao giờ được lắng nghe.

Trong sự im lặng ấy, các nhà nghiên cứu muốn hiểu rõ hơn về cảm nhận của những đứa trẻ này, đặc biệt là những loại hỗ trợ chúng cần và cách chúng tự vượt qua khó khăn.

Để thực hiện nghiên cứu, Hagströma và Forinder đã phân tích những câu chuyện của 19 đứa trẻ từ 6 đến 11 tuổi, tham gia vào một chương trình giáo dục tâm lý vào những năm 1990, dành cho các em sống cùng cha mẹ nghiện rượu. Đây là một phần của nghiên cứu dài hạn.

Các em được phỏng vấn ba lần. Trong lần phỏng vấn đầu tiên, ngay sau khi chương trình kết thúc, các nhà nghiên cứu đã gợi ý các em kể “câu chuyện của cuộc đời mình.” Những người phỏng vấn khuyến khích các em chia sẻ về những khó khăn, bao gồm cả việc cha mẹ uống rượu, sự thờ ơ và những hành vi bạo lực. Các em được phỏng vấn lần thứ hai từ hai đến sáu năm sau, và lần thứ ba là từ chín đến mười ba năm sau khi chương trình khép lại.

Kết quả thật đáng suy ngẫm. Tất cả các em đều kể lại rằng, ngay từ khi chỉ mới lên năm, chúng đã nhận thức được rằng cách cư xử của cha mẹ thay đổi hẳn khi họ uống rượu – đôi lúc còn kết hợp với ma túy. Một bức tranh về "hai gương mặt" của cha mẹ dần hiện lên, một mặt là "cha mẹ tỉnh táo", mặt còn lại là "cha mẹ khi say".

Phát hiện của Hagströma và Forinder cũng hé lộ hai cách nhìn chính trong câu chuyện của các em. Một mặt, các em thấy mình là những nạn nhân yếu đuối, bị ép buộc phải đối mặt với cơn nghiện rượu của cha mẹ. Điều này thường đi kèm với sự thờ ơ, bạo lực gia đình, thậm chí là những lạm dụng tình dục đau đớn. Các em miêu tả cảm giác bất lực, không có cách nào để đối phó với nỗi đau và sự nguy hiểm, cùng với đó là khát khao mãnh liệt được bảo vệ và yêu thương.

Mặt khác, các em cũng nhìn nhận mình như những người có khả năng tự đối phó, đã tìm ra cách ứng phó với hoàn cảnh bằng cách cố gắng giảm bớt tần suất uống rượu của cha mẹ và đảm đương vai trò của một "người chăm sóc trẻ". Một bản tóm lược các kết quả của Hagströma và Forinder, chia theo hai hướng nhìn Nhân Vật Yếu Đuối và Nhân Vật Tự Chủ, được trình bày bên dưới.

image: Africa Studio/Shutterstock

Nhân Vật Yếu Đuối

Trong câu chuyện cuộc đời mình, các em hiểu mình như những nạn nhân yếu đuối. Nghiện rượu của cha mẹ đã kéo theo vô vàn trải nghiệm đau lòng, từ việc bỏ bê các nhu cầu cơ bản đến bạo lực về thể xác và tinh thần, thậm chí là lạm dụng tình dục từ người thân. Các em phải vật lộn với cảm giác bị bỏ rơi, nỗi buồn và giận dữ vì thiếu tình yêu thương, cùng với đó là sự lo âu khi phải đối mặt với "hai gương mặt" của cha mẹ. Sự thờ ơ và bạo lực là những điều gây tổn thương nhiều nhất, và sẽ được mô tả chi tiết hơn bên dưới.

Những trải nghiệm về sự bỏ bê của cha mẹ:

Tất cả câu chuyện của các em đều cho thấy sự chăm sóc không đầy đủ khi cha mẹ say rượu. Một người tham gia nghiên cứu, Per (22 tuổi), hồi tưởng rằng gia đình mình chẳng bao giờ có bữa ăn đúng giờ – có thể là vào 5 giờ sáng hoặc giữa đêm khuya. Cậu kể lại cuộc sống của mình như những mảnh vỡ rời rạc và cô lập:

“Tôi có một người bạn từ thời nhỏ… chúng tôi dành rất nhiều thời gian bên nhau. Bố mẹ cô ấy cũng là những người nghiện rượu. Chúng tôi thường la cà ngoài đường đến tận khuya. Chẳng có luật lệ gì… về những điều không được làm. Bố tôi ngồi với bạn bè, thế đấy… Họ thường đến nhà tôi, khi tôi có mặt ở đó. Bạn sẽ thấy họ ngồi đó uống rượu, bạn cũng ngồi với họ… Một đứa trẻ nhỏ mà ngồi như thế thì chẳng vui vẻ gì. Tôi còn phải châm thuốc cho bố… Họ cãi cọ, và mình phải nghe theo… lúc nào cũng là những cuộc cãi vã, đánh đấm, ầm ĩ liên tục.”

Những trải nghiệm về bạo lực:

Gần một nửa câu chuyện đời của các em nhắc đến bạo lực về lời nói và thể xác. Những người cha mẹ hay bạo lực được mô tả là cực kỳ khắt khe, đáng sợ, và có xu hướng bạo lực với các em hoặc các thành viên khác trong gia đình. Hãy nghe câu chuyện của Eva (7 tuổi):

“Khi mẹ vào phòng và nói tôi phải uống, tôi bảo ‘Không!’. Thế rồi mẹ ép ly vào miệng tôi, nhưng tôi phun ra… Mẹ lại nhét vào miệng tôi đến nỗi tôi suýt nôn.”

Nhân Vật Tự Chủ

Các câu chuyện của những đứa trẻ này còn cho thấy khả năng tự chủ, khi các em tự tìm ra cách đối phó với vô vàn khó khăn mà cơn nghiện rượu của cha mẹ gây ra. Hagströma và Forinder nhận thấy rằng những chiến lược tự đối phó này dần thay đổi theo thời gian, khi các em lớn lên, từ trẻ thơ đến tuổi vị thành niên và rồi thành người lớn với sự tự lập ngày càng nhiều hơn khỏi cha mẹ. Các chủ đề chính của Nhân Vật Tự Chủ được mở rộng thêm dưới đây.

Kiểm soát hoặc ngăn cản cha mẹ nghiện rượu uống thêm:

Tất cả các em đều cố gắng kiểm soát loại và lượng rượu mà cha mẹ uống — và dự đoán mức độ say xỉn của họ. Đáng chú ý là các em đã học cách phân biệt các loại rượu như bia nhẹ, bia nặng, rượu vang và rượu mạnh bằng cách nhận diện chai, lon, hay nhãn hiệu. Các em còn pha loãng, giấu, hoặc đổ đi rượu của cha mẹ — một nỗ lực để kiểm soát tình hình.

Hãy nghe Julia (24 tuổi) nhớ lại bản thân mình khi còn nhỏ:

“Những năm trung học thật khó khăn… Tôi sống với mẹ và luôn cảm thấy cần phải kiểm soát mẹ mọi lúc. Hễ mẹ buồn… tôi lại cảm thấy tồi tệ vô cùng. Chỉ cần một ngày trước đó là tôi đã biết chắc mẹ sẽ uống… nên tôi không đến trường nữa… Tôi chăm sóc mẹ rất nhiều, cứ nghĩ mình có thể chữa khỏi cho mẹ… rằng mẹ bị bệnh… để làm mẹ khoẻ lại. Nhưng cùng lúc đó, tôi cũng giận mẹ lắm.”

Đối diện với vấn đề nghiện rượu của cha mẹ:

Tất cả các em đều cố gắng điều chỉnh hoặc tìm cách vượt qua tình trạng khi cha mẹ uống rượu, hoặc khi việc uống rượu leo thang thành cãi vã và/hoặc bạo lực.

Đóng vai trò là người chăm sóc trẻ: Các em còn đảm nhận vai trò chăm sóc cha mẹ nghiện rượu, em út và chính bản thân mình, được mô tả dưới đây:

Chăm sóc cha mẹ nghiện rượu. Một số em miêu tả mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái bị đảo lộn khi cha mẹ uống rượu và/hoặc dùng ma túy. Ngay từ khi còn nhỏ, các em đã phải gánh vác trách nhiệm của người chăm sóc, từ việc dọn dẹp chất nôn, cởi đồ và chuẩn bị cho cha mẹ đi ngủ, nhắc nhở họ uống thuốc, gọi điện nhờ giúp đỡ, v.v.

Chăm sóc em út. Những câu chuyện của các em cho thấy đứa con lớn thường chăm sóc và cố gắng bảo vệ em út. Chẳng hạn, Eva (12 tuổi) nhớ lại cách anh trai chăm sóc cô và em trai khi cha mẹ cãi nhau:

“Anh trai cố gắng làm chúng tôi bình tĩnh lại. Bởi vì chúng tôi đang xem chương trình thiếu nhi thì mẹ và bố bắt đầu cãi nhau ngoài đó. Rồi bạn nghe thấy một tiếng thịch, và sau đó mẹ ngất xỉu. Khi mẹ tỉnh lại, mẹ nằm đó gào thét trên sàn khiến chẳng thể nghe gì trên TV. Anh trai che tai chúng tôi lại và chúng tôi chỉ biết ngồi đó khóc. Thật là kinh khủng.”

Chăm sóc bản thân. Các em cũng chịu trách nhiệm cho sự an toàn và sức khỏe của chính mình, thể hiện sự nhận thức về cảm xúc và nhu cầu của bản thân. Vì nỗ lực giảm bớt việc uống rượu của cha mẹ thường không thành công, các em thường tránh xa cha mẹ khi họ say. Ví dụ, Benjamin (6 tuổi) thường trốn vào một góc nhỏ dưới nhà với một cây đèn pin và chờ mẹ đi làm về. Cậu tự nhủ: “Đây là nơi tối tăm đáng sợ mà chẳng ai dám vào.”

Tiết lộ bí mật gia đình và tìm kiếm sự giúp đỡ:

Các em thường giữ im lặng về tình trạng nghiện rượu của cha mẹ để tránh sự xấu hổ và kỳ thị. Sự căng thẳng khi tiết lộ tình trạng này được gọi là “kỳ thị tiết lộ” và không phải là hiếm gặp ở những đứa trẻ có cha mẹ nghiện rượu. Vanna (21 tuổi) suy ngẫm về lý do tại sao mọi người không bảo vệ và hỗ trợ những đứa trẻ như cô:

“Tôi nghĩ rằng mọi người nhắm mắt làm ngơ vì họ cảm thấy khó xử… Họ biết rất rõ rằng điều đó không ổn, nhưng bạn không phải lúc nào cũng có đủ sức mạnh và không biết phải làm gì… bởi vì điều đó rất khó khăn.”

Tham khảo

Anneli Silvén Hagström & Ulla Forinder (2022) ‘If I whistled in her ear she’d wake up’: children’s narration about their experiences of growing up in alcoholic families, Journal of Family Studies, 28:1, 216-238, DOI: 10.1080/13229400.2019.1699849

Nguồn: What It's Like Growing Up With an Alcoholic Parent

menu
menu