Lòng từ bi với bản thân không phải là...

long-tu-bi-voi-ban-than-khong-phai-la

Lòng từ bi với bản thân không phải là tự thương hại mình.

Lòng từ bi với bản thân không phải là tự thương hại mình.

Người tự thương hại bản thân mình thường có xu hướng tự nhốt và nhấn chìm bản thân trong những vấn đề của riêng họ và quên mất rằng những người khác cũng phải chịu những vấn đề tương tự như vậy. Họ phớt lờ đi những sự tương quan giữa mình và người khác, thay vào đó họ tự than vãn rằng họ là người duy nhất trên thế giới phải chịu đựng chúng. Việc tự thương hại mình nhấn mạnh vào cảm giác vị kỉ của bản thân thông qua việc tự tách rời mình ra khỏi mọi người và thổi phồng sự chịu đựng của bản thân mình lên. Mặc khác, một người có lòng từ bi với bản thân sẽ thấy được sự đồng cảm giữa bản thân họ và những người khác mà không có cảm giác bị cô lập hay tách biệt. Người tự thương hại mình thường có xu hướng bị cuốn sâu vào những vở diễn cảm xúc của riêng họ. Họ không thể nhìn nhận vấn đề của mình dưới góc nhìn cân bằng và khách quan hơn. Ngược lại, “không gian tinh thần” của một người có lòng từ bi sẽ giúp họ nhận ra hoàn cảnh cũng như vấn đề của người khác một cách thoáng hơn và đặt chúng vào một góc nhìn rộng hơn. (“Đúng vậy, những gì mình đang trải qua lúc này thật sự rất khó khăn, nhưng cũng có những người khác đang phải chịu đựng những thứ còn tệ hại hơn mình nhiều. Khó khăn này của mình có lẽ chưa đáng là gì để mình buồn đến mức như vậy…)

Lòng từ bi với bản thân không phải là nuông chiều bản thân.

Lòng từ bi với bản thân khác với sự nuông chiều bản thân. Nhiều người nói rằng họ bất đắc dĩ phải từ bi với bản thân mình bởi vì họ sợ họ sẽ trốn tránh mọi thứ xung quanh. “Hôm nay tôi căng thẳng quá, tôi chiều mình bằng cách chỉ xem ti-vi cả ngày và ăn hết một hộp kem to tướng”. Tuy nhiên, việc này được xem là nuông chiều bản thân hơn là từ bi với bản thân. Bạn phải nhớ rằng mục đích của việc từ bi với bản thân mình là sự hạnh phúc và khỏe mạnh lâu dài. Trong nhiều trường hợp, việc chỉ hưởng thụ có thể gây hại đến hạnh phúc và sức khỏe của bản thân (như là sử dụng thuốc phiện, ăn uống vô độ, suốt ngày dán mắt vào ti-vi), trong khi những việc giúp bạn cải thiện sức khỏe cũng như duy trì hạnh phúc thường được xem là những việc làm bạn khó chịu (như là cai thuốc lá, giảm cân lành mạnh và tập thể dục).

Mọi người thường hay tự chỉ trích bản thân mình khi họ nói đến việc mà họ muốn thay đổi bởi vì họ nghĩ rằng thật là xấu hổ khi phải làm việc đó – đây là một phương pháp tự phạt mình. Tuy nhiên, phương pháp này thường phản tác dụng nếu bạn không thể đối mặt với sự thật của những vấn đề bạn đang gặp phải bởi vì bạn sợ rằng mình sẽ ghét bản thân mình nếu bạn làm những việc đó. Vì thế, bạn không tự giác thừa nhận những khuyết điểm của mình để ngừng việc tự chỉ trích bản thân. Ngược lại, sự từ bi từ bên trong bản thân mang đến một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển và thay đổi, nó cũng mang lại sự an toàn cần thiết để bản thân tự nhìn nhận mình một cách rõ hơn bằng cách gạt đi nỗi sợ của việc tự chỉ trích mình.

Lòng từ bi với bản thân không phải là lòng tự trọng

Mặc dù lòng từ bi với bản thân có lẽ được xem như là lòng tự trọng, nhưng chúng khác nhau ở nhiều khía cạnh. Người có lòng tự trọng là những người có khả năng tự đánh giá, nhận thức được những giá trị của bản thân hoặc biết được rằng ta yêu bản thân mình bao nhiêu. Trong khi đó, có một chút e ngại rằng thiếu lòng tự trọng là một rắc rối và thường dẫn đếp áp lực tâm lý và thiếu động lực trong cuộc sống, việc cố gắng nâng cao lòng tự trọng của bản thân lên cũng là một rắc rối. Trong văn hóa phương Tây, lòng tự trọng thường dựa trên việc chúng ta khác biệt với những người khác bao nhiêu, chúng ta nổi bật hay đặc biệt bao nhiêu. Sẽ không ổn nếu chỉ ở mức trung bình, chúng ta phải cảm thấy mình trên mức trung bình để cảm thấy ổn hơn về bản thân. Điều này có nghĩa là việc nỗ lực để nâng lòng tự trọng có thể dẫn đến chứng ái kỷ (bệnh tự yêu mình), chỉ quan tâm đến bản thân, hoặc hạ thấp người khác để cảm thấy tốt hơn về bản thân. Chúng ta cũng thường trở nên cáu giận hoặc công kích người khác nếu họ nói hoặc làm bất cứ điều gì làm chúng ta cảm thấy bản thân mình thật là tệ hại. Lòng tự trọng cao có thể làm cho chúng ta lờ đi, bóp méo, hoặc che đậy những khuyết điểm của bản thân, chúng ta không thể nhìn nhận bản thân một cách rõ ràng và chính xác được. Cuối cùng, lòng tự trọng của chúng ta thường tùy thuộc vào những thành công hay thất bại gần nhất của mình, nghĩa là lòng tự trọng của chúng ta biến đổi theo những hoàn cảnh khác nhau.

Ngược với lòng tự trọng, yêu thương bản thân không dựa vào những việc tự đánh giá bản thân mình. Việc cảm thấy yêu thương mình bắt nguồn từ việc nghĩ rằng tất cả mỗi người chúng ta đều xứng đáng được yêu thương và thấu hiểu, không bởi vì một vài điểm đặc biệt của bản thân (xinh đẹp, thông minh, tài năng,…). Điều này có nghĩa rằng lòng từ bi với bản thân sẽ làm bạn tự cảm thấy bản thân mình tốt hơn, không cần phải cảm thấy tốt hơn người khác để cảm thấy mình tốt hơn. Lòng từ bi với bản thân cũng sẽ giúp bạn có một sự tự nhìn nhận rõ ràng hơn về bản thân mình, bởi vì bạn có thể thừa nhận những thất bại của mình và không cần phải che giấu chúng đi. Hơn nữa, lòng từ bi với bản thân không phụ thuộc vào những yếu tố ngoại cảnh, và luôn có hiệu nghiệm - đặc biệt trong những tình huống mà bạn cảm thấy bẽ mặt. Nghiên cứu cho thấy rằng khi so sánh với lòng tự trọng, lòng từ bi với bản thân liên quan đến việc phục hồi cảm xúc nhanh hơn, khả năng tự nhìn nhận bản thân chính xác hơn, cũng như giảm tính yêu mình quá mức (narcissism) và ít phản ứng giận dữ hơn.


Dịch: Nina
Nguồn: http://self-compassion.org/what-self-compassion-is-not-2/

menu
menu