Lý giải về hành vi sát hại người yêu

ly-giai-ve-hanh-vi-sat-hai-nguoi-yeu

Bài viết xoay quanh các khái niệm trong tâm lý học đại cương để lý giải về hành vi giết người nói chung và giết người yêu nói riêng.

Nhân vụ cô gái trẻ 19 tuổi mới bị người yêu sát hại, ad đăng lại bài giảng này của thầy ThS. Ngô Toàn nói về nguyên nhân tâm lý của hành vi sát hại người yêu, hy vọng giúp các bạn hiểu hơn về tâm lý tội phạm. [Buổi học này diễn ra lâu lắm rồi nên ad ko còn lưu file ghi âm]

 

Trong bài này, thầy chỉ xoay quanh các khái niệm trong tâm lý học đại cương để lý giải về hành vi giết người nói chung và giết người yêu nói riêng. Thầy đưa ra một công thức khá đơn giản về hành vi con người. Thầy muốn đánh thức ở người học tư duy theo phương pháp luận. Mình đã viết in hoa các khái niệm mà thầy đề cập đến trong bài.

Thay vì bạn chỉ cần biết về kiến thức thì bạn chỉ cần trả lời cho câu hỏi Tại sao người ta lại giết người yêu là xong. Nhưng nếu bạn tìm kiếm kĩ năng, tập hợp kĩ năng, kinh nghiệm, biểu tượng thì bạn sẽ thấy câu chuyện sẽ khác. Vì nếu chỉ dừng ở kiến thức không thì bạn sẽ đọc báo, tìm trên google, đọc wiki thì bạn sẽ trả lời được câu hỏi là tại sao người ta giết người yêu và hết phim. Nhưng nó không giúp bạn phát triển hơn với tư cách là nghề nghiệp. Nếu bạn muốn trở thành một nhà tâm lý học tội phạm thì nó liên quan đến kĩ năng, trải nghiệm…Có lý thuyết nào để lý giải được chuyện này không, phương pháp nào để bạn tư duy. Bạn có hình dung được phẩm chất của mình, cái gì đang tác động đến khi bạn tìm kiếm những câu chuyện liên quan đến media (phương tiện truyền thông đại chúng). Tin tức, có phải khi tin tức quá dồn dập, đọc báo xem tv nghe đài quá nhiều thì nó tác động như thế nào đến tâm lý của bạn. Liệu rằng chuyện này tác động như thế nào đến tần suất, mức độ tàn độc, phương tiện gây án…có mối liên quan nào không? Khi mình đọc báo thì cái gì nảy sinh trong đầu mình? Nếu bạn học, tiếp cận, nghe cái gì đó theo kiểu này thì rất có lợi cho công việc của bạn, cái nghề bạn đang hướng tới thay vì chỉ thuần tuý trả lời cho câu hỏi, có kiến thức tại sao ngưởi ta lại giết người yêu. Còn nếu bạn tư duy theo kiểu tôi đang hướng đến thì buổi học hôm nay đánh thức trong bạn một thói quen làm việc mang tính chất PHƯƠNG PHÁP LUẬN. Bên dưới câu chuyện gì thì bạn biết đến lý thuyết của nó, công cụ, kĩ thuật. Nói theo phương pháp luận thì sẽ có lợi hơn để đánh thức tư duy phương pháp luận, làm việc khoa học.

TẠI SAO LẠI GIẾT NGƯỜI MÌNH YÊU?

Để trả lời cho câu hỏi đó chính là đi tìm hiểu động cơ giết người (motivation). Liên quan đến nó cần trả lời 2 câu hỏi:

1) Tại sao người ta giết người.

2) Giết người yêu có tính chất kỳ dị, độc đáo.

Một trong những thói quen của người làm tâm lý là rất hay suy đoán, sự chủ quan. Chúng ta thường chủ quan khi chúng ta không biết gì hết, hay đoán lung tung. Ngược lại, nếu chúng ta hiểu lý thuyết thì chúng ta sẽ làm việc bài bản. Cách chúng ta lập luận rất thuyết phục.

Công thức: B = f (P,E)

B là behavior hành vi

P là personality nhân cách. P này bao gồm

Attitude thái độ

Values giá trị

Belief niềm tin

Cognitive nhận thức

Affection tình cảm

E là environment môi trường

HÀNH VI LÀ HÀM SỐ CỦA NHÂN CÁCH VÀ MÔI TRƯỜNG.

Hành vi giết người yêu xảy ra khi có sự thay đổi P và E

Attitude: chắc chắn lúc đó sẽ thay đổi thái độ. Yêu lắm hận nhiều.

Values -  giá trị: hồi đó mình xem người yêu là nhất. Bây giờ chắc chắn không. Giờ ra trường thì công việc là quan trọng, ưu tiên công việc, công việc quan trọng hơn yêu đương. Thang giá trị có sự thay đổi.

Niềm tin: thay đổi niềm tin. Trước đây cô ấy là người chắc chắn, nhưng giờ cô ta hay à ơi, yêu mãi không ổn, nên giờ mình phải bỏ cô ta.

Có hai khái niệm liên quan đến Môi trường: Tình huống (situation) và bối cảnh (context).

Làm thế nào để vẽ được đồ thị của hàm số f. Câu trả lời là chưa chắc. Không thể có câu trả lời duy nhất. Điều đó dẫn đến ý đầu tiên liên quan đến hành vi giết người:

1) Các vụ án giết người nói chung và các vụ án giết người yêu nói riêng bao giờ cũng phải TRÊN MỘT LÝ DO. Ví dụ, tôi thất vọng về anh ấy nhưng tôi không giết anh ấy, tôi cũng bị hệ thống phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin cướp hiếp giết hằng ngày nhưng chúng chưa chắc thay đổi được lòng tôi vì tôi là đứa chung thuỷ cho nên anh ấy có thế nào thì tôi cũng chịu đựng, trừ khi anh ấy bỏ tôi chứ tôi không bao giờ bỏ anh ấy vì tôi là đứa thuỷ chung.

Nhưng báo chí của chúng ta, đặc biệt là báo lá cải hay đăng tin về các vụ giết người chỉ với một lý do duy nhất như là: Giết người vì bị đánh, bị nhìn đểu, vì uống rượu say ko kìm chế được bản thân, bị bệnh tâm thần…thử hỏi trên thực tế có chuyện gì mà chỉ có một lý do mà xong việc không? Ông bà ta thường nói, sự sinh sinh sự…nó rất rắc rối, không thể chung chung.

2) Phải liên quan đến một CÁ NHÂN CỤ THỂ nào đấy. Cô giết người chưa chắc giống tôi giết người, cho nên không thể suy đoán một cách lung tung và cái gì cũng đại khái. Chính vì thế mà hay bỏ lọt tội phạm hay bắt nhầm đối tượng vì suy đoán lung tung. À thằng này nghèo đói nên nó giết người. Cô này đang hận thù vì mang thai mà thất tình nên động cơ giết người lớn.

Cho nên phải chú ý đến TÍNH ĐẶC THÙ (specific) của hoàn cảnh, của nhân cách. Đúng với người này chưa chắc đúng với người kia. Có những hoàn cảnh tưởng giết người nhưng lại không giết. Có những hoàn cảnh tưởng như an toàn nhất thì lại xảy ra giết người. Ở những nơi tưởng tội phạm xuất hiện thì lại không có.

Từ đó dẫn đến ý thứ ba

3) Cái gì có ở trong đầu của nhà tâm lý học tội phạm khi họ suy đoán nguyên nhân của giết người? Đó chính là GIẢ THUYẾT (ASSUMPTION). Không ai làm việc mà không có giả thuyết. Nó là cái dẫn dắt người ta tư duy, lên kế hoạch, bắt người này người kia. Assumption nói với chúng ta điều gì? Nó liên quan đến ĐỊNH KIẾN (bias), MẪU RẬP KHUÔN (stereotype) (vd, tội phạm nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, hoặc “các vụ trước đây ta đã bắt những thằng kiểu như vậy rồi cho nên vụ này chỉ có cái thằng này thôi.” -> người ta đã có 1 cái mẫu, cái khuôn rồi; PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ (discrimination) vd “thằng này nghèo nè, nghèo nên nó có thể làm bậy, còn con bé kia trông sang trọng nên nó không lấy tiền đâu.”

Khi họ có định kiến rồi (định kiến liên quan đến mẫu rập khuôn) thì người ta sẽ phân biệt đối xử, có cái nhìn thiên lạc, dẫn đến có hành động bắt người này, ngăn chặn người kia.

Bộ ba assumption (định kiến, mẫu rập khuôn, phân biệt đối xử) liên quan đến bộ ba Thái độ, giá trị và niềm tin. Nó chỉ đạo Thái độ của họ, nói về giá trị của họ, niềm tin của họ. Đây là trạng thái của sự cực đoan, thái quá.

Định kiến là đúng hay sai, tốt hay xấu?

Định kiến là mới ở trong đầu thôi, còn phân biệt đối xử nó liên quan đến hành vi, nó bộc lộ thành hành động cụ thể. Nhưng nó có một tiến trình, tức là phải có định kiến rồi mới có phân biệt đối xử, phân biệt đối xử làm cho định kiến tăng lên thêm.

Bản chất của định kiến là tốt. Ví dụ, nếu các bạn không nghĩ rằng ăn cơm là ngon thì các bạn sẽ ăn giấy à. Bạn ăn cơm mà ko ăn giấy vì bạn biết cơm mới đáng ăn, còn giấy thì ăn nguy hiểm và có thể nói rằng bạn có vấn đề về tâm thần. Nhưng lúc nào định kiến trở nên rắc rối? Nếu không có định kiến, chúng ta sống không được, vì lúc nào chúng ta cũng phải nghĩ cái này là đúng hay xấu? Chúng ta hết cả cuộc đời để suy nghĩ. Nhờ có định kiến mà chúng ta chỉ việc ăn cơm thôi.

Có một vũ khí để chống lại nó, chính là sự TỰ Ý THỨC. biết lúc nào thì định kiến trở nên cực đoan. Vd cho rằng cơm là ngon nhất, lúc nào cũng chỉ ăn cơm mà không ăn những món khác như bánh mì, pizza.

Tư duy của nhà tội phạm học có thể bị phụ thuộc rất lớn vào giả thuyết. Giả thuyết đúng thì cơ hội đúng. Điều quan trọng là giả thuyết có thể thay đổi. Vấn đề nằm ở tâm trí của mình. Khi mình biết mình có thể thay đổi giả thuyết của mình thì mình có thể thay đổi cuộc đời mình. Điều này dạy chúng ta là không có cái gì là mãi mãi và mình có thể đổi thay và cuộc đời có thể thay đổi. Vì vậy phải tìm ra giả thuyết và dựa vào giả thuyết để làm việc. Vì giả thuyết liên quan đến LÝ THUYẾT. Lý thuyết là các khái niệm đi với nhau. Các khái niệm đi với nhau dựa vào suy luận logic. Lý thuyết là sự hiểu biết về cách thức mà một vật gì đó vận hành.

Yêu có phải là một lý thuyết không? Khi bạn yêu một ai đó thì bạn có dựa vào lý thuyết không? Đố bạn yêu mà không có lý thuyết. Không có lý thuyết thì bạn yêu sẽ có vấn đề.

Một nhóm bạn đi ăn quán thì có lý thuyết không. Ít tiền thì bạn chọn quán ăn nào, rồi món ăn có bẩn không, quán đó có chỗ để họp mặt không…

Bạn đi từ nhà đến lớp học này dựa vào điều gì? Làm thế nào để đi một cách ngắn nhất, đi đường có nhiều bóng mát nhất, ít ngã tư…

Những yếu tố nào liên quan đến mối quan hệ? Có hai khái niệm là Vai, chức năng. Chức năng mà quan hệ đó vận hành.

Trong mối quan hệ đó, bạn đóng một vai trò gì? Vì vai trò liên quan đến chức năng. Một quan hệ lành mạnh khi chức năng lành mạnh, khi nó trục trặc chức năng thì quan hệ sẽ trục trặc. Trong những trục trặc về chức năng thì có trục trặc về lắng nghe, giao tiếp, truyền thông (COMMUNICATION)…..Để là một người yêu thì bạn phải là một  người lắng nghe. Một người tình vĩ đại là người lắng nghe vĩ đại great listener great lover. Ngược lại, khi bạn là một người lắng nghe thì không ai thoát khỏi sự quyến rũ, hấp dẫn của người biết lắng nghe. Nó có sức hút kinh khủng gấp mấy lần sự xinh đẹp, giàu có của bạn. Mối quan hệ trục trặc đều liên quan đến lắng nghe. Hai bên không nghe được, không hiểu được nhau

Thầy giảng về quá trình độc thoại nội tâm (SELF-TALK) của một anh chàng sau khi bị cô người yêu bỏ:

Ôi mình đã làm gì sai, mình đã làm gì khiến mình bị mất điểm…bla bla…

Từ độc thoại nội tâm rơi vào trạng thái HOANG TƯỞNG, ẢO GIÁC. Lúc đó sẽ dẫn đến những câu sến như là: xin em hãy cho anh một cơ hội, rồi năn nỉ: anh phải làm gì để xứng đáng với em….-> bắt đầu nảy mầm sự trả thù: Nếu tôi mà không yêu được em thì đừng hòng thằng nào yêu đuọc em, phải bước qua xác tôi. Tôi sẽ làm em trắng mắt vì làm tôi mất mặt…gọi điện thoại liên tục suốt đêm -> càng làm cô ấy căng thẳng, tránh mặt.

Trong đời sống có thể phức tạp hơn thế nhiều, nhanh hơn thế và ghê gớm hơn thế nhiều (quân tử trả thù 10 năm chưa muộn…)

Nếu không giết người thì bạn ấy có thể tự sát. Tự sát là hình thức cao nhất của self-harm (làm hại bản thân). Việc người ta tự sát rất nhiều khi không phải là người ta muốn chết, đặc biệt là người trẻ. Họ tự sát vì họ muốn kết thúc càng nhanh càng tốt nỗi đau mà họ tưởng chừng sẽ kéo dài mãi mãi. [Ước gì mình quên được cái mặt của thằng này…mình không thể chịu đựng được sự phiền muộn, rắc rối, khó chịu này…]

Trước khi họ giết người khác và tự sát thì họ thường có những ý nghĩ rất phi lý về bản thân và người khác. Vd những vụ bà mẹ giết con vì nghĩ nếu mình không giết nó thì nó sẽ bơ vơ ở đời. Cách hay nhất là mình nên đưa nó đi theo xuống tuyền đài của mình để mình yêu thương nó tốt nhất. Đó là cách thức bà mẹ nghĩ là họ yêu thương con. Đó là lập luận của họ. Vì con mình bị sứt môi, thọt chân…để nó ở đời thì mọi người sẽ sỉ nhục nó, bị bơ vơ ko có mình che chở…đó là lòng vị tha. Rất nhiều khi động cơ giết người là lòng vị tha. Tôi bóp cổ con vì tôi nghĩ nó chết thì tốt hơn là nó sống lay lắt như thế này.

TƯ DUY CỦA KẺ GIẾT NGƯỜI VÀ CỦA NHÀ TỘI PHẠM HỌC PHẢI DỰA TRÊN NHỮNG GIẢ ĐỊNH CỦA HỌ (ASSUMPTION).

Ví dụ, kẻ giết người có thể giả định như thế này: Em ấy từ chối mình đồng nghĩa mình là đứa vứt đi, đời mình coi như tiến về 0. Ở đây không còn đơn giản là chuyện một cô gái bỏ chàng trai mà là cô ấy đang coi tôi như đứa không ra gì, vô danh tiểu tốt. Không phải cô bỏ tôi mà cô làm tôi cảm thấy tôi là đứa no name, thế giới quá cay đắng bất công, tôi chẳng có giá trị gì hết, tôi không thể chấp nhận được điều này. Cô không biết rằng cô đang kích hoạt trong tôi cảm giác của sự hận thù vì tôi không có giá trị gì, còn thua cả một con chó. Cho nên tôi mới giết cô….

Nó chứng minh cách người ta giả định rất quan trọng. Vì giả định dẫn dắt cách người ta nghĩ, cảm nhận, hành động.

Hạnh phúc và khổ đau liên quan đến cách người ta GÁN NHÃN cho kinh nghiệm đó. Việc em bỏ anh đồng nghĩa anh không còn giá trị gì. Khi em bỏ anh, em không biết là em đã gán nhãn cho anh mà anh mãi mãi mang theo trong cuộc đời này anh là loser kẻ thất bại. Nhưng trong mắt cô gái khi nhìn về sự kiện khác với cách anh ta nhìn về sự kiện đó. Cô ấy không nghĩ việc mình bỏ anh lại nghiêm trọng và kinh khủng đến thế đối với anh ấy.

Người ta nói rằng, hạnh phúc là có vợ đẹp con khôn, nhà lầu xe hơi, lương cao. Nhưng với người khác họ chưa chắc nghĩ thế về hạnh phúc. Cách người ta nghĩ về hạnh phúc không phải là một sự kiện mà nó phụ thuộc vào cách người ta gán nhãn về sự kiện đó. Cho nên mới có câu một túp lều tranh hai trái tim vàng. Cho nên không dễ nói về hạnh phúc hay nỗi đau của ai đó khi chỉ xét về hoàn cảnh bên ngoài của họ mà cần phải tính đến cách người ta nghĩ về (giả định) về nó, những giả định mà người ta nghĩ về cuộc đời của họ. Ví dụ, mọi người nhìn vào cuộc sống hôn nhân của một cô gái có chồng tiến sĩ sẽ cho là cô ấy hạnh phúc, nhưng mọi người không biết cô ấy đau khổ khi chồng tiến sĩ bỏ bê cô. Hoàn cảnh sống chỉ tác động 10% hạnh phúc. Còn 90% là cách người ta lý giải về hoàn cảnh sống đó.

Đối với những nhà tội phạm học, bởi áp lực của việc phải nhanh chóng phá vụ án do cấp trên, truyền thông, dư luận gây sức ép, vì họ là chuyên gia cho nên có nguy cơ phải thể hiện trình độ của mình, không là mình mất mặt vì mình là chuyên gia tội phạm học mà….cho nên dẫn đến chủ quan, suy diễn, không khách quan. Điều quan trọng là nhà tội phạm học cần TỰ Ý THỨC để nhận ra được mình đang bị áp lực.

–> CHÚNG TA CẦN CANH CHỪNG NHỮNG GIẢ ĐỊNH CỦA MÌNH

Khi người yêu bỏ mình thì đó là trạng thái khủng hoảng (crisis). Nhưng họ không nghĩ được rằng khủng hoảng thì đi kèm với nỗi đau và cơ hội để trưởng thành. Kẻ giết người chắc chắn không nghĩ được thế. Nếu họ nghĩ được thế thì chuyện đã khác. Tâm trí của anh chàng bị người yêu bỏ không đủ khôn ngoan để thấy được cơ hội để trưởng thành, thúc đẩy bản thân sống tốt lên: Được rồi tôi sẽ làm em hối hận vì bỏ tôi…cố gắng làm giàu….

Nếu họ không có được tâm trí này thì sẽ nảy sinh trong họ CẢM GIÁC VỊ KỶ, vì mình, lo bao bọc bản thân. Trong não bộ chúng ta có cái phần liên quan đến sự vị kỷ, sự bảo vệ làm người ta lúc đó (bị người yêu bỏ) có nhu cầu gìn giữ con người họ, đánh thức trong họ sự ích kỷ, lo lắng bảo vệ cho sự an toàn của họ, cho hình ảnh bản thân của họ hơn là cho người khác, và họ ra tay tàn độc. Tin vui là còn có phần não khác lớn hơn liên quan đến sự VỊ THA. Đó là lí do tại sao chúng ta sẵn sàng xả thân hy sinh vì người khác, vì cộng đồng.

Sau đó thầy bàn về hai khái niệm BODY (CƠ THỂ) và MIND (TÂM TRÍ)

Thầy nói là cả cuộc đời tôi đang ở trọ. Từ khi chúng ta sinh ra cho đến khi chết đi thì chúng ta chỉ đang Ở TRỌ trên trần gian. Tôi cảm nhận cơ thể chúng ta là một nhà trọ, còn tâm trí chúng ta là một vị khách (người ở trọ). Sự sống là lúc nhà trọ có người tới ở trọ. Nhà trọ chỉ hoạt động khi có khách. Cơ thể chỉ hoạt động khi có tâm trí. Tâm trí ghé qua và ở lại nhà trọ cơ thể một thời gian chứ không ở mãi. Nhà trọ này không thuộc về bạn. Sống chỉ là lúc tâm trí ở trong nhà trọ đó. Và tâm trí ra đi lúc nào không ai biết. Chết là lúc tâm trí rời khỏi nhà trọ. Khi bạn nghĩ điều này thì bạn sẽ giật mình. Thà muộn còn hơn không và đừng để về già mới nhận ra. Và chúng ta rút ra được một bài học là LÀM THẾ NÀO ĐỂ SỬ DỤNG TÂM TRÍ CỦA BẠN. Đời có ý nghĩa là do tâm trí bạn nó như thế nào. Đời có ý nghĩa phụ thuộc cách bạn dùng tâm trí để làm vào việc gì. Vì body nhà trọ không thuộc về bạn. Mình có được mỗi cái tâm trí mà tâm trí suốt ngày tivi và selfie là hết cuộc đời. Việc bạn sử dụng không gian và thời gian sẽ định hình tâm trí của bạn, từ đó cho biết về ý nghĩa cuộc đời bạn. Yêu là dành thời gian và không gian cho một ai đó. Bạn làm việc này thì chắc chắn không làm được việc khác. Bạn ở với người này thì chắc chắn ko ở được với người khác. Nó đề xuất tính ưu tiên, quản trị thời gian, giá trị sống.

 

menu
menu