Lý thuyết “người yêu như trẻ thơ”

ly-thuyet-nguoi-yeu-nhu-tre-tho

Trẻ nhỏ đôi khi cư xử một cách không công bằng và gây sốc đến kinh ngạc: chúng hét lên với người đang chăm sóc mình, hất văng tô mì hình con thú, hoặc quăng đi món đồ mà bạn vừa vất vả mang đến.

Trẻ nhỏ đôi khi cư xử một cách không công bằng và gây sốc đến kinh ngạc: chúng hét lên với người đang chăm sóc mình, hất văng tô mì hình con thú, hoặc quăng đi món đồ mà bạn vừa vất vả mang đến. Nhưng hiếm khi chúng ta cảm thấy bị tổn thương hoặc kích động cá nhân trước những hành động như vậy. Lý do là vì chúng ta không gán cho chúng những ý định tiêu cực hay động cơ xấu xa. Ta dễ dàng tìm thấy những lời lý giải thiện chí. Ta không nghĩ rằng chúng làm vậy để cố tình chọc tức mình. Có lẽ ta nghĩ rằng chúng đang mệt mỏi, đau nướu vì mọc răng, hoặc buồn bực do sự xuất hiện của một em bé mới. Ta có một kho tàng lý giải sẵn sàng trong đầu – và không điều nào trong đó khiến ta hoảng loạn hay quá bực tức.

Nhưng khi nói đến người lớn, đặc biệt là người yêu của chúng ta, câu chuyện lại trái ngược hoàn toàn. Ta thường cho rằng họ cố ý nhắm vào mình. Nếu người yêu đến muộn trong bữa tiệc sinh nhật mẹ ta với lý do “bận công việc”, ta có thể nghĩ đó chỉ là cái cớ. Nếu họ hứa mua kem đánh răng cho ta nhưng lại “quên”, ta dễ cho rằng đó là sự cố tình xem nhẹ cảm giác của mình. Có lẽ họ còn thích thú khi thấy ta hơi khó chịu.

Nhưng nếu ta áp dụng cách nhìn nhận giống như với trẻ nhỏ, giả thuyết đầu tiên có thể hoàn toàn khác: có lẽ đêm qua họ mất ngủ và mệt mỏi không thể nghĩ thông suốt; có lẽ đầu gối họ đau; hoặc có thể họ đang thử nghiệm giới hạn của sự kiên nhẫn mà ta dành cho họ – giống như cách trẻ con thường làm với cha mẹ. Nhìn từ góc độ này, hành vi của người yêu không bỗng nhiên trở nên dễ thương hay chấp nhận được, nhưng mức độ căng thẳng mà ta cảm nhận sẽ được giảm bớt đi nhiều.

Thật đáng yêu khi ta đã học cách tử tế với trẻ nhỏ đến thế, và còn tuyệt vời hơn nếu ta có thể rộng lượng hơn một chút với phần trẻ thơ bên trong mỗi người.

Thoạt nghe, lý thuyết “người yêu như trẻ thơ” có vẻ kỳ lạ, thậm chí hơi miệt thị hoặc bi quan, khi nghĩ rằng bạn đời của ta về bản chất vẫn luôn là một đứa trẻ. Bên ngoài, họ rõ ràng là một người trưởng thành, đủ chức năng và trách nhiệm. Nhưng lý thuyết này nhắc nhở ta rằng một phần tâm hồn của mỗi người luôn gắn chặt với những giai đoạn đầu đời. Cách nhìn này có thể là một chiến lược hữu ích khi đối diện với những thời điểm người yêu thực sự khó để ta chịu đựng: khi họ nổi giận vô lý, giận dỗi hoặc thậm chí hung hăng một cách bất ngờ. Khi họ không đáp ứng được những gì ta kỳ vọng từ một người trưởng thành, và ta dễ dàng gán cho họ là “trẻ con”, có lẽ ta đang tiến rất gần đến một sự thật quan trọng – nhưng đáng tiếc lại chỉ coi đó như một lời buộc tội, thay vì nhận ra rằng đây chính là một đặc điểm bình thường của con người.

Điều trị liệu nằm ở chỗ: ta vốn rất giỏi trong việc yêu thương trẻ nhỏ. Ta có thể tiếp tục yêu và giữ bình tĩnh trước những cơn giận của trẻ, bởi vì ta hiểu rằng chúng không thể diễn đạt hay lý giải chính xác điều gì đang làm mình buồn. Ta phải suy đoán nguyên nhân thực sự của nỗi đau từ những biểu hiện bên ngoài – bởi trẻ nhỏ có năng lực hạn chế trong việc chẩn đoán và giao tiếp vấn đề của bản thân.

Một nguyên tắc cốt lõi của lý thuyết này là việc người yêu vẫn giữ một phần “trẻ con” trong họ không phải là một sai lầm hay khiếm khuyết cá nhân. Đó là một đặc điểm bình thường, không thể tránh khỏi của mọi người trưởng thành. Ta không hề bất hạnh khi gắn bó với một người vẫn còn nét thơ ấu trong tính cách. Bởi lẽ, sự trưởng thành không phải là một trạng thái hoàn chỉnh; cái mà ta gọi là “thời thơ ấu” thực chất kéo dài suốt cuộc đời, chỉ chìm xuống và lẩn khuất trong vô thức. Vì vậy, một số cách hành xử mà ta dễ dàng áp dụng với trẻ nhỏ sẽ luôn cần thiết khi ta giao tiếp với người lớn.

Việc thấu hiểu và yêu thương “đứa trẻ bên trong” của người yêu không có nghĩa là ta làm họ trở nên trẻ con hơn. Điều này không phải là lời kêu gọi lập bảng xếp hạng “thời gian được xem tivi” hay thưởng sao khi họ tự mặc quần áo. Thay vào đó, nó là lời nhắc nhở rằng ta cần nhân từ hơn khi giải mã những điều họ nói. Một câu như “Anh là đồ tồi” có thể thực ra mang ý nghĩa “Em đang cảm thấy áp lực ở chỗ làm, và em đang cố tự nhủ rằng mình mạnh mẽ và độc lập hơn thực tế.” Hoặc câu “Anh chẳng hiểu gì cả, đúng không?” có thể mang trong nó lời thổ lộ: “Em đang sợ hãi và thất vọng, nhưng em không thực sự biết tại sao. Làm ơn hãy mạnh mẽ giúp em.”

Lý tưởng nhất, chúng ta nên dành nhiều không gian hơn để xoa dịu thay vì tranh cãi. Thay vì chấp nhặt người yêu vì một lời nói khó nghe hay cư xử khó chịu, hãy nhìn họ như một đứa trẻ đang kích động, trút giận lên người mà chúng yêu thương nhất, chỉ vì chúng không biết làm gì khác. Hãy thử trấn an họ, cho họ thấy rằng họ vẫn ổn, thay vì làm điều mà chúng ta dễ bị cám dỗ nhất – đáp trả lại bằng sự gay gắt tương đương.

Dĩ nhiên, việc giữ sự trưởng thành khi đối diện với “đứa trẻ” bên trong người bạn đời khó hơn nhiều so với khi ở bên một đứa trẻ thật sự. Điều này là bởi, với một đứa trẻ ba hay năm tuổi, ta dễ dàng thấy được sự non nớt của chúng – lòng cảm thông tự nhiên được khơi dậy. Ta hiểu rằng sẽ thật tồi tệ nếu quay lưng lại với chúng và yêu cầu chúng chịu trách nhiệm hoàn toàn cho mọi hành vi. Tâm lý học, trong hơn nửa thế kỷ qua, đã không ngừng nhắc nhở chúng ta rằng cách đó không phải là lối đi đúng đắn.

Thế nhưng, chúng ta chưa thực sự có được sự hỗ trợ văn hóa tương tự để giúp ta đối phó với những khía cạnh “trẻ con” của bạn đời. Tất nhiên, sự thấu hiểu không thể chỉ đi theo một chiều. Sự bao dung với “đứa trẻ” bên trong người yêu cần gắn liền với ý thức rằng chính ta, vào một lúc nào đó, cũng sẽ cần được đối xử theo cách bao dung ấy. Ta có thể thay phiên nhau: hôm nay, ta dành năng lượng để yêu thương và xoa dịu “đứa trẻ ba tuổi” bên trong họ, bởi ta biết rằng không lâu sau, sẽ đến lúc chính ta cần họ làm điều tương tự với mình.

Sự tái hình dung một cách chính xác và đồng cảm về thế giới nội tâm của người khác là một bài tập chúng ta cần liên tục thực hành – cả với chính mình và với người xung quanh. Ta cần tưởng tượng được những hỗn loạn, thất vọng, lo lắng hay mớ cảm xúc mơ hồ mà họ đang gánh chịu, dù bên ngoài họ có vẻ như chỉ đang nổi giận. Người yêu của ta có thể cao 1m85, có một công việc ổn định, nhưng hành vi của họ đôi khi lại nhuốm màu trẻ con đến xót xa. Khi họ cư xử tệ, điều họ không nói ra – nhưng có lẽ nên nói – là:

"Sâu thẳm bên trong, anh vẫn là một đứa trẻ. Ngay lúc này, anh cần em làm cha/mẹ của mình. Anh cần em đoán đúng điều gì đang làm anh tổn thương, giống như mọi người đã từng làm khi anh còn bé, khi những ý niệm đầu tiên của anh về tình yêu được hình thành."

Chúng ta trao tặng người yêu một ân huệ lớn lao nhất khi có thể nhìn nhận một phần những hành vi tồi tệ của họ theo cách mà ta nhìn một đứa trẻ. Ta thường quá nhạy cảm với ý nghĩ rằng bị xem là “trẻ con” sẽ thật xúc phạm, đến mức quên rằng, đôi khi, đó cũng chính là đặc ân lớn lao nhất. Được ai đó nhìn vượt qua lớp vỏ trưởng thành bên ngoài, để thấu hiểu – và tha thứ – cho “đứa trẻ” thất vọng, giận dữ, vụng về hay tổn thương bên trong ta, chính là một trong những điều đẹp đẽ và ý nghĩa nhất mà tình yêu có thể mang lại.

Nguồn: THE PARTNER AS CHILD THEORY - The School Of Life

menu
menu