Mái tóc nói lên điều gì về bạn
Đâu là lý do khiến chúng ta cực kỳ hứng thú với việc giữ gìn những lọn tóc của mình đến vậy?
“Tóc tai của tôi hôm nay chẳng ra gì.”
Tất cả chúng ta đều đã từng trải qua cảm giác này. Mặc dù con người đã biết làm dáng cả thiên nhiên kỷ, song các sản phẩm dành cho tóc mới chỉ gia tăng mức độ phổ biến trong vài thập kỷ gần đây, cũng như tạo ra những tranh cãi liên quan đến tóc: Ứng cử viên Tổng thống John Edwards bị chế nhạo vì chi đến 400 đô la cho một lần cắt tóc vào năm 2007. Thông thường một người dân bình thường chi khoảng 75 đô (với phụ nữ) và 40 đô (với nam giới) cho mỗi lần đến tiệm làm tóc. Đâu là lý do khiến chúng ta cực kỳ hứng thú với việc giữ gìn những lọn tóc của mình đến vậy?
Nghiên cứu cho thấy lý do chính nằm ở chỗ việc chăm sóc tóc giúp chúng ta kiểm soát vẻ ngoài của bản thân trước tuổi tác.
Trong một cuộc trò chuyện, mắt chúng ta thường hướng thẳng đến đầu của người đối diện. Việc có hay không có tóc trên đầu trở thành một trong những đặc điểm nổi bật của một người. Đồng thời cũng có khá nhiều đồn thổi xung quanh người tóc vàng, tóc đỏ và tóc đen, chủ yếu để xem màu tóc nào thì “vui hơn.” Hầu hết các định kiến này áp vào nữ giới, song trường hợp của Edwards ở trên cũng cho thấy chúng có ảnh hưởng đến nam giới và có dấu hiệu gia tăng.
Tóc cũng tương đối dễ thay đổi hình dạng theo ý muốn (nhưng chỉ là tương đối). Bạn có thể biến hóa mái tóc theo vô số cách, giới hạn duy nhất là mức độ sẵn sàng dành thời gian và tiền bạc của bạn cho kế hoạch ấy. Nếu thất bại, bạn vẫn có thể nối hay đội một bộ tóc giả, và ngay lập tức công việc hoàn thành.
Bởi vì nằm ở vị trí quá dễ thấy, nên tóc cũng trở thành một phần bản sắc của một người. Nó hỗ trợ trong việc định nghĩa cá tính mà bạn chủ động tạo ra để gây ấn tượng với người khác, dù là một nhà trí thức, một cá nhân hấp dẫn khêu gợi, một kẻ nổi loạn, hay một sự kết hợp của tất cả những điều vừa nêu. Tóc cũng có thể ảnh hưởng đến cách bạn định nghĩa bản thân với chính bạn, như là một phần mở rộng trong bản sắc của mình. Trong giai đoạn dậy thì, tóc của bạn không ít thì nhiều phát triển đến trạng thái cuối cùng, không còn kết cấu hay thậm chí cả màu sắc như hồi nhỏ nữa. Khi bản sắc trưởng thành của bạn hình thành, tóc thường phát triển xung quanh hình ảnh này.
Khía cạnh phát triển này của tóc có lẽ là thú vị nhất. Không giống như các đặc điểm trên khuôn mặt và cơ thể của bạn thường mang dấu ấn thời gian, về mặt lý thuyết tóc của bạn có thể giữ nguyên tính chất trong vài thập kỷ mà cần quá nhiều nỗ lực. Bạn có thể nhuộm phủ bạc; bạn không cần phải tiêm Botox để giữ cho nó luôn “trẻ trung.”
Ý nghĩ rằng mái tóc có thể xác định mức độ trẻ hay già có thể là tâm điểm quan tâm của xã hội hiện đại, không chỉ ở việc chúng ta có trải qua một ngày “tóc tai tử tế” hay không, mà còn là một ngày mà mái tóc của bạn trông giống với những người trẻ hơn. Bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh phong cách mái tóc của mình để từ đó điều khiển vẻ ngoài tổng thể theo độ tuổi mà bạn muốn.
Theo mô tả của hai nhà xã hội học tại Đại học Kent là Julia Twigg và Đại học Gakashuin (Nhật Bản) là Shinobu Majima (2014), luận điểm về phục hồi lão hóa cho rằng tuổi già đã trải qua một sự thay đổi vào cuối thế kỷ 20, bị ảnh hưởng bởi những thay đổi liên quan đến công việc, gia đình và bản sắc cá nhân (tr.23). Cái gọi là mô hình độ tuổi “chuẩn mực” không còn tồn tại, và kỳ vọng về điều gì phù hợp với độ tuổi nào giờ đây được cá nhân hóa cao độ. Bây giờ bạn già đi theo cách bạn muốn, không phải theo cách mà bạn được bảo - và điều này ảnh hưởng đến ngoại hình của bạn.
Các tiêu chuẩn về tuổi tác và giới tính tương tác với nhau khi chúng liên quan đến trạng thái được coi là ổn đối với mái tóc đang lão hóa của phụ nữ. Như Twigg và Shinobu đã chỉ ra, “Việc mái tóc được kiểm soát và chăm sóc cẩn thận đặc biệt quan trọng với những phụ nữ lớn tuổi nhằm tránh tình trạng bỏ bê hay rối loạn, được báo hiệu bằng những lọn tóc rối hoặc bù xù” (tr.25).
Nói cách khác, xã hội cho rằng những phụ nữ lớn tuổi phải ngụy trang và chăm sóc kỹ lưỡng mái tóc đang bạc đi của mình.
Twigg và Shinobu đã kiểm tra một tệp dữ liệu lớn về mô hình mua hàng từ Kết Quả Khảo Sát Tiêu Dùng và Thực Phẩm Anh Quốc, thực hiện trên 10.000 hộ gia đình mỗi năm (với tỉ lệ phản hồi là 60%), được chia thành các nhóm 20 năm. Cuộc khảo sát sớm nhất được thực hiện vào năm 1961 và gần đây nhất vào năm 2011. Những người tham gia đã ghi chép nhật ký chi tiêu trong hai tuần, chia đều cho những người được hỏi khác nhau trong cả năm để tính trung bình các biến thể theo mùa. Các nhà nghiên cứu đặc biệt tập trung vào phụ nữ từ 55 tuổi trở lên, nhóm lại thành các nhóm 5 năm, mỗi nhóm gồm từ 100-150 người tham gia.
Khi tính đến các khoản chi cho quần áo, làm tóc và mỹ phẩm, phân tích của Twigg và Shinobu cho thấy ba mô hình khác nhau đối với các nhóm phụ nữ trong độ tuổi giữa 50 trở lên. Tất cả các nhóm phụ nữ đều chi nhiều tiền cho quần áo trong suốt 50 năm nghiên cứu. Trong số phụ nữ lớn tuổi, những người sinh ra trong khoảng thời gian từ 1916 và 1920 thường đến tiệm làm tóc nhất, dù là khi còn trẻ hay lúc về già. Không có sự gia tăng nói chung nào trong việc chi tiêu cho mái tóc ở những phụ nữ lớn tuổi - chỉ trong nhóm này. Dù vậy, đối với mỹ phẩm, mức độ chi tiêu của phụ nữ tăng đều hơn ở cả dòng mỹ phẩm trang điểm và các sản phẩm chống lão hóa khi họ già đi.
Diễn giải những phát hiện này, Twigg và Shinobu chỉ ra một số lý do khiến mức chi tiêu cho tóc của phụ nữ trưởng thành đạt đỉnh vào những năm 1930 và 1940. Tại thời điểm đó, người ta ít có khả năng tự tạo kiểu tóc tại nhà mà thay vào đó họ phụ thuộc vào các lần tới tiệm làm tóc để gội đầu và tạo kiểu hàng tuần. Khi những phụ nữ này lớn tuổi hơn, họ vẫn giữ các nghi thức chăm chút trước đó, và những phong cách đi cùng với họ.
Tuy nhiên, các salon tóc có thể đóng vai trò quan trọng đối với những phụ nữ lớn tuổi bởi vì họ gặp khó khăn trong việc tự tạo kiểu tóc do cơ thể họ đã trở nên kém linh hoạt hơn. Do đó, những lần tới salon cho phép phụ nữ lớn tuổi xua tan “những lời buộc tội bỏ bê bản thân”. Chúng cũng là nơi phụ nữ có thể giao lưu và nhận được sự nuông chiều. Được người khác gội đầu cho là một cảm giác dễ chịu, và chắc chắn tốt hơn “những can thiệp vào cơ thể mà nhiều người lớn tuổi buộc phải chịu đựng do sức khỏe suy giảm.” (tr.29)
Tổng hợp các xu hướng: Rõ ràng là phụ nữ càng lớn tuổi thì càng ý thức hơn về ngoại hình của mình và nhiều khả năng chi nhiều tiền hơn để giữ gìn nó. Họ có khả năng cao trở thành con mồi cho các nhà quảng cáo cung cấp các sản phẩm không chỉ giúp cho mái tóc mà cả khuôn mặt và cơ thể họ luôn trẻ trung.
Thú vị là Twigg và Shinobu không nhận thấy có điểm gì đặc biệt về thế hệ Baby Boomer với mái tóc, không tìm ra bằng chứng nào cho “các đặc điểm được tuyên bố về thế hệ này” xuất hiện trong cách những người lớn tuổi hơn tiêu tiền (tr.30). Sẽ có nhiều điều mà các nhà tiếp thị ở Hoa Kỳ có thể học được khi đọc những phát hiện được mô tả trong báo cáo này, nó cho thấy chúng ta quá choáng ngợp trước những nhãn dán mà chúng ta gán cho các thế hệ khác nhau (như Millennial, Gen Y, vân vân).
Những phát hiện này có ý nghĩa gì với bạn khi chiêm ngưỡng diện mạo của chính mình? Trước tiên, chúng cho thấy rằng nhiều người duy trì vẻ ngoài của họ từ những năm tuổi 20 và 30 cho đến những năm trưởng thành sau này. Cách bạn sửa soạn cho khuôn mặt và mái tóc để thể hiện ra thế giới bên ngoài có thể phản ảnh những quy ước văn hóa phổ biến trong quá trình chuyển đổi sang tuổi trưởng thành của bạn. Thứ hai, những phát hiện này sẽ cung cấp cho bạn một cảnh báo về tính dễ bị tổn thương của chính bạn trước sự thao túng của truyền thông: Các nhà quảng cáo và nhà máy sản xuất đang đặt cược rất nhiều vào mong muốn ngày càng tăng của con người trong việc duy trì sự tươi trẻ cả bên trong lẫn bên ngoài.
Lần tới khi bạn cân nhắc bỏ ra một khoản tiền khó nhọc mới kiếm được cho một sản phẩm trẻ hóa “thần kỳ” mới nhất, hãy tạm dừng và nghĩ xem bạn đang tìm kiếm điều gì. Lòng tự trọng và giá trị bên trong của bạn có nhiều khả năng giúp ích cho cảm giác thỏa mãn của bạn hơn là hình ảnh mà bạn thể hiện ra thế giới bên ngoài.
Tài liệu tham khảo
Twigg, J., & Majima, S. (2014). Consumption and the constitution of age: Expenditure patterns on clothing, hair and cosmetics among post-war 'baby boomers'. Journal of Aging Studies, 3023-32. doi:10.1016/j.jaging.2014.03.003.
Bản quyền bài viết thuộc về Susan Krauss Whitbourne (2015) - Psychology Today
Người Dịch: Page Chỉ nói chuyện Tóc (chuyên trang về tóc rất thú vị của 1 bạn trong team TLHTP, các bạn hãy follow nha) https://www.facebook.com/chinoichuyentoc