Mặt tích cực của sự sụp đổ tâm lý

mat-tich-cuc-cua-su-sup-do-tam-ly

Một trong những hiện tượng đáng buồn và khó hiểu nhất trong đời sống tinh thần là những “sụp đổ” tâm lý

Một trong những hiện tượng đáng buồn và khó hiểu nhất trong đời sống tinh thần là những “sụp đổ” tâm lý, khi ta đột nhiên không thể làm nổi những việc thường ngày — chỉ biết im lặng, nằm xuống và không ngừng khóc.

Từ bên ngoài nhìn vào, điều này có vẻ bí ẩn, nhưng thực tế, đó thường là nỗ lực tháo gỡ một mớ bòng bong mà ai đó từng âm thầm thắt vào cuộc đời ta. Ẩn sâu trong sự sụp đổ ấy là một sự thật bị chôn vùi bấy lâu, nay đang cố vùng lên khỏi lớp vỏ giả tạo. Người ta không thể sống “bình thường” được nữa, vì cái “bình thường” ấy đã thấm đầy sự bất ổn, méo mó và nặng nề. Sự sụp đổ ấy là lời kêu gọi tìm lại sự lành mạnh và sự thật, giả dạng dưới hình hài của một căn bệnh.

Photo by Patrick Hendry on Unsplash

Nguyên nhân gây nên căn bệnh thường là những yêu cầu vô lý từ những người mà ta tin tưởng, ví dụ: 

Tôi bảo là tôi muốn bạn thành công — nhưng tôi sẽ không yêu bạn nếu bạn làm được. 

Hoặc: Bạn phải thất bại — để tôi bớt chua chát vì đời. 

Hay: Bạn phải tự thấy mình vô dụng — để tôi có thể tự tin hơn. 

Hoặc: Bạn lo lắng mọi lúc mọi nơi — để tôi thảnh thơi. 

Hoặc: Bạn không bao giờ được hạnh phúc — vì điều đó khiến tôi đau lòng.

Chúng ta có lẽ đã cố gắng để hiểu những thông điệp đầy mâu thuẫn này trong suốt một thời gian dài, nhưng rồi đến lúc không thể chịu đựng thêm được nữa. Ta buộc phải tháo gỡ vị thế quái đản mà người khác đã đặt ta vào. Căn bệnh trở thành lương tâm của ta; nó không buông tha ta cho đến khi ta tìm được sự thật. Căn bệnh không thể tự nói ra sự thật, nhưng nó thúc giục ta phải tìm cho ra. Những cơn hoảng loạn, trầm cảm hoặc đau khổ là để nhắc nhở ta sống thật với lòng mình. Nó ngầm thỏa thuận với ta rằng: “Hiểu được ta, ta sẽ để cho ngươi yên. Phớt lờ ta, ta sẽ làm đảo lộn cái ‘bình thường’ để không cho ngươi tiếp tục tự lừa dối mình.” Bệnh tật chính là bà đỡ của sự thật.

Những người may mắn sẽ dần tháo được nút thắt ấy. Ta bắt đầu nhận ra ai đã làm tổn thương mình — và nhận thức được rằng sự việc thật kỳ lạ, đau lòng (đặc biệt khi người ấy có thể là bố mẹ hoặc bạn đời). Ta rơi vào cảnh suy sụp vì đã bị đối xử tàn nhẫn, và phải khoác chiếc áo “điên rồ” để có thể đối diện với điều đó. Thực ra, ta đâu có bệnh — có lẽ ta đang chạm đến ngưỡng cửa của sự sáng suốt mà ta chưa bao giờ dám đến gần.

Nguồn: THE UPSIDES OF HAVING A MENTAL BREAKDOWN

menu
menu