Mặt trái của gán nhãn, đổ lỗi cho nạn nhân

mat-trai-cua-gan-nhan-do-loi-cho-nan-nhan

Mặt trái của GÁN NHÃN, ĐỔ LỖI CHO NẠN NHÂN và cách thay đổi bằng việc sử dụng tiếp cận đánh giá con người trong Tâm lý học tích cực

1. LÝ THUYẾT GÁN NHÃN

Bạn đã từng nhận xét một đứa trẻ là “hư” ngay sau khi con chưa kịp chào một người lớn

Bạn đã từng nhận xét một đồng nghiệp nữ là “lẳng lơ” ngay sau khi nhìn thấy cô ấy đi ăn cùng đồng nghiệp khác giới?

Bạn đã từng nhận xét mẹ chồng/vợ mình là “khó tính” ngay sau khi bà đứng lại chỉ bảo bạn cách nấu một món ăn sao cho ngon nhất?

Bạn đã từng nhận xét một cậu chàng nào đó “Ôi thằng đó bủn xỉn lắm” chỉ vì nhìn thấy anh ta cố nán lại quầy thu ngân để lấy lại 1 ngàn đồng tiền thừa?

Hoặc, bạn đã bao giờ từng nghe thấy những câu nói như:

- Mấy người bị "hiếp dâm là do ăn mặc hở hang"????

- Bị bạo lực học đường là do "nhu nhược, mềm yếu, không có khả năng giao tiếp"?

- Nạn nhân của bạo lực gia đình là do "phụ thuộc vào chồng, không biết phản kháng, dốt, ngu"?

Lý thuyết gán nhãn là một lý thuyết xã hội học nghiên cứu hành vi ứng xử của con người theo phương pháp phân tích tương tác biểu tượng qua đó khẳng định hành vi tuân thủ hay lệch lạc của một người là do kết quả của quá trình người khác xác định hay gán nhãn. Người đưa ra những quan điểm và phân tích có tính chất nền móng cho lý thuyết gán nhãn là nhà xã hội học nổi tiếng người Mỹ George Herbert Mead (1863 - 1931). Mead phân tích rằng cái tôi là nền tảng của sự tồn tại của con người, nó chính là nhận thức của cá nhân về tình trạng là một thực thể khác biệt trong xã hội.

Một nghiên cứu được thiết kế đặc biệt để khám phá những hàm ý của khuynh hướng tiêu cực cơ bản (Pierce, 1987). Những người tham gia nghiên cứu, mô phỏng vai trò của một cố vấn, đã được hỏi về những gì họ muốn biết về một thân chủ. Thân chủ, Joan, được xác định là vừa được ra khỏi khoa tâm thần (tiêu cực nổi bật) hoặc vừa mới tốt nghiệp đại học (tích cực nổi bật). Trong cả hai trường hợp, cô đã được mô tả chi tiết hơn rằng cô đang tìm kiếm sự giúp đỡ vì cô "cảm thấy lo lắng thế nào đó và không chắc chắn về tương lai của cô, bao gồm công việc và các vấn đề khác trong cuộc đời cô." 

Các nghiên cứu viên chọn lọc được 24 thông tin họ muốn biết về thân chủ Joan, từ một danh sách 68 mục, một nửa trong số đó nói đến một cái gì đó tích cực (ví dụ, "Joan có thông minh không?") và một nửa tiêu cực (ví dụ, "Joan có tàn ác không?"). Trường hợp đối với thân chủ từng là bệnh nhân tâm thần thì số lượng mục thông tin tiêu cực nhiều hơn đáng kể so với trường hợp là sinh viên tốt nghiệp đại học, rõ ràng phản ánh niềm tin rằng thông tin tiêu cực sẽ có liên quan hơn. Mặc dù thực tế có thể có một số cơ sở cho sự tin tưởng này, nhưng sự ưu tiên khác nhau về thông tin tiêu cực trong hai trường hợp đặt ra một thách thức đặc biệt cho những ai tin vào tầm quan trọng của việc kêu gọi sự chú ý đặc biệt đến các đặc điểm cá nhân tích. cực. Thêm một điều quan trọng nữa là chính bản thân Joan cũng cảm thấy mình ít tích cực hơn khi được “gán nhãn” là bệnh nhân tâm thần.

Việc gán nhãn một cá nhân đã ngấm ngầm loại bỏ tính “cá nhân hoá” của người đó đồng thời cũng loại trừ sự đóng góp/ ảnh hưởng của môi trường lên hành vi của một con người. Gán nhãn tạo ra một khái niệm được gọi là “ Vết nhơ”: “Vết nhơ là tình trạng mà tên gọi xã hội tiêu cực tác động mạnh làm thay đổi cơ bản nhận dạng xã hội và sự tự nhận thức của một người”.

2. Hiện tượng Thế giới công bằng và việc ĐỔ LỖI CHO NẠN NHÂN 

Đây là một khái niệm mà trong đó con người có xu hướng cho rằng đau khổ và trừng phạt, niềm vui và tưởng thưởng là rất xứng đáng (Asch, 1952; Heider, 1958). Niềm tin vào một thế giới công bằng có thể dẫn tới xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân. Điều này đã được thể hiện trong một loạt các thí nghiệm đã được thực hiện và tóm tắt bời Lerner (1970). Sự đổ lỗi được thể hiện dưới ý nghĩa rằng: Sự đau khổ như là hậu quả hoặc hình phạt cho tội lỗi, hành động sai trái hoặc thiếu trách nhiệm… Do việc cần thiết phải mang lại sự cân bằng giữa việc “phải làm” và “thực tế”. Chính từ cơ chế này, người nghèo thường bị đổ lỗi cho chính sự nghèo đói của họ “Sinh ra trong nghèo đói không phải là một cái tội, nhưng chết đi trong nghèo đói thì là có tội??” và người bị hiếp dâm thường bị coi là nguyên nhân của vụ hãm hiếp “Ai bảo ăn mặc sexy khi ra đường?".

Rubin & Peplau (1975) chỉ ra rằng “Những người có niềm tin vào thế giới công bằng thường có xu hướng ngưỡng mộ những người may mắn và hay làm tổn thương nạn nhân, do đó họ duy trì quan niệm rằng trong thực tế con người Gieo nhân nào sẽ gặt quả ấy”

Các nghiên cứu về khoa học nhận thức thừa nhận rằng “Gán nhãn và tiêu chuẩn kép (Double standard) là một xu hướng tự nhiên của con người, đặc trưng bởi tính xã hội của loài người”. Tuy nhiên, hiểu biết về những hạn chế và tác hại của việc đánh giá “chủ quan” và “phi lí” trên cả người đánh giá và bị đánh giá sẽ giúp chúng ta có cái nhìn bao quát hơn, thực tế và khách quan, mang tính phát triển hơn khi nhìn nhận và đánh giá một sự vật, sự việc và con người.

3. Giải pháp bằng cách tiếp cận 4 hướng của Tâm lý học tích cực trong việc Đánh giá con người.

Tâm lý học tích cực là một ngành khoa học nghiên cứu trả lời câu hỏi "Làm thế nào để giúp con người đạt được trạng thái Hạnh phúc, An lạc?”. Từ những nỗ lực trong tổng hợp, nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm lâm sàng, các nhà nghiên cứu đã đưa ra hệ thống lý thuyết bổ sung cùng với các nhánh nghiên cứu về Tâm bệnh trong khoa học Tâm lý. Cũng từ quan điểm “Tích cực” và “An lạc”, các nhà tâm lý học tích cực đã phát triển cách tiếp cận 4 hướng trong đánh giá mà một chuyên gia cần chú ý tới khi đánh giá một cá nhân như sau:

- Các khuyết điểm và tính cách chưa bộc lộ của người đó

- Các thế mạnh và giá trị của cá nhân đó

- Những khiếm khuyết, yếu tố “phá hoại” của môi trường nơi cá nhân đó tồn tại

- Những tài nguyên, đóng góp tích cực và cơ hội đến từ môi trường

Việc nhấn mạnh các điểm tích cực lẫn tiêu cực trong cá nhân con người và môi trường có những đóng góp hết sức quan trọng, điều này sẽ loại bỏ tâm lý đám đông, khuyến khích việc khám phá các giá trị và tài nguyên có thể được phát triển nhằm phục vụ tiềm năng của con người.

----------

Người biên soạn: Nguyễn Minh Thành, NCS. Tiến sĩ Tâm lý học (Lâm sàng), Thạc sĩ (khoa học) TLH Giáo dục và Phát triển.

https://www.facebook.com/thanh.m.nguyen.9

menu
menu