Mẹ chồng Nàng dâu bị “lập trình” để đấu nhau
Sự xung đột muôn thuở giữa mẹ chồng và nàng dâu có nguyên nhân rất khoa học: các bà vợ được lập trình sẵn trong não để không ưa mẹ chồng. Họ “đấu nhau” để tranh giành TÌNH YÊU và ĐỊA VỊ trong gia đình.
Khi người chồng bước qua cánh cửa, bạn cảm thấy toàn thân như run lên vì căm hờn. Nụ cười hài lòng trên khuôn mặt anh ta cho thấy một điều: anh ta đang hẹn hò với một phụ nữ khác. Người đó biết anh ta thích ăn gì? thích phim gì? Thậm chí, người ấy biết số đo bàn chân của anh ta cũng như luôn mỉm cười và thông cảm với mọi rắc rối của anh ta! Không có gì ngạc nhiên khi bạn cảm thấy ghen tị. Bạn muốn thách thức người phụ nữ ấy… mẹ chồng của bạn!
Khi người con bước qua cánh cửa, bạn cảm thấy toàn thân như run lên vì căm hờn. Nụ cười hài lòng trên khuôn mặt anh ta cho thấy một điều: anh ta đang yêu thương một người phụ nữ khác. Người đó chăm từng bữa cơm cho anh ta. Người đó đi xem phim cùng anh ta. Người đó lo từng giấc ngủ cho anh ta. Người đó trẻ trung và quyến rũ như xoa dịu mọi nỗi phiền muộn của anh ta. Không có gì ngạc nhiên khi bạn cảm thấy ghen tị. Bạn muốn thách thức người phụ nữ ấy… con dâu của bạn!
Với nhiều triệu phụ nữ, thừa nhận điều đó là rất khó khăn.
Cuộc chiến mẹ chồng - nàng dâu là hiện tượng lâu đời, đề tài khai thác của những bộ phim hài hước và cả những bi kịch.
Kể từ thời của Geoffrey Chaucer (nhà thơ, nhà triết học người Anh 1343-1400), người đã biên soạn cuộc đấu tàn khốc giữa một bà vợ và một bà mẹ chồng trong Man Of Law's Tale, nhiều tác giả đã liên tục ghi lại mối quan hệ này như nguồn sáng tác đầy kịch tính.
Xung đột mẹ chồng nàng dâu được khắc họa rõ trong bộ phim "Monster-in-law". Ảnh: AP.
Ngay từ năm 1954, thế giới đã có nghiên cứu chỉ ra rằng: chỉ có một phần tư phụ nữ thích mẹ chồng. Đến các cuộc nghiên cứu ngày nay, tỷ lệ này càng giảm. Còn phụ nữ Việt Nam hay Trung Quốc, chẳng cần đến bất kỳ cuộc nghiên cứu nào cũng đã luôn cảm giác được sự căng thẳng sâu sắc giữa mẹ chồng – nàng dâu.
Không ngạc nhiên khi trong các cuộc nghiên cứu đã tiến hành suốt 20 năm, hai phần ba phụ nữ phàn nàn hôn nhân bất hạnh là do ma sát với mẹ chồng. Họ cáo buộc các bà mẹ yêu con trai một cách vô lý. Ngược lại, các bà mẹ chồng phàn nàn bị cô con dâu loại trừ khỏi cuộc sống của con trai.
Vậy vấn đề ở đây là gì?
Dưới góc nhìn kinh tế, đó là sự cạnh tranh những nguồn lực khan hiếm.
Thứ nhất, khan hiếm tình cảm. Những người phụ nữ này cho rằng: Khi con trai/người chồng dành thời gian, tình cảm cho người kia sẽ lấy đi thời gian, tình cảm đáng lẽ là của mình. Họ không tin tình yêu có thể chia sẻ.
Thứ hai, khan hiếm địa vị. Khi đàn ông lấy vợ, vị thế của anh ta trong gia đình gần như không thay đổi và chắc chắn anh ta không tiếm quyền “người đàn ông của gia đình” từ tay bố vợ mình (Nếu không, chúng ta đã có thêm cuộc chiến bố vợ - con rể). Nhưng mẹ và vợ anh ta thì không như vậy.
Con dâu về nhà chồng mang lại nỗi lo sợ địa vị trong nhà bị lung lay cho mẹ chồng. Cô dâu được “đào tạo” để làm những công việc vốn dĩ thuộc về mẹ chồng trong gia đình (tất nhiên trừ việc làm vợ của ông bố): chăm con trai bà ấy, ra quyết định chi tiêu trong gia đình của bà ấy, quản lý ngôi nhà của bà ấy… và cả tình yêu của con trai bà ấy. Theo Tiến sĩ Terri Apter - nhà tâm lý học, tác giả cuốn What Do You Want From Me, cả hai nỗ lực để giành lấy cùng một vị trí trong gia đình: người phụ nữ chính, bà quản gia chính, người chăm sóc chính, người đối nội chính… Mọi cố gắng đều nhằm bảo vệ địa vị của bản, bởi họ cảm thấy mình bị người kia đe dọa.
Tiến sĩ Apter cho rằng cả hai người phụ nữ đều tự cho rằng người kia đang ngầm phá hoại cuộc sống của mình. "Sự bất an này thực ra không bắt nguồn từ những cư xử thực tế, mà chủ yếu liên quan tới những định kiến đã tồn tại từ quá lâu. Cả bà mẹ và người vợ đều tìm cách tranh giành vị trí người chủ trong gia đình. Cả hai cùng cảm thấy rằng người kia đang đe dọa vị trí của mình".
Bà mẹ cảm thấy người con dâu đã chiếm mất vị trí, công việc, tình cảm của mình. Do đó bà mẹ mới nghĩ con dâu cố tình “lấn sân”, nhưng thực ra cô ấy chỉ cố gắng làm tròn bổn phận của một người con dâu.
Hơn 200 người, trong đó có 49 cặp vợ chồng, được phỏng vấn để lấy dữ liệu cho quyển sách What Do You Want From Me. Gần hai phần ba số phụ nữ than phiền rằng họ bị ức chế lâu ngày do mâu thuẫn với mẹ chồng. Giống như trong bộ phim Monster in Law, hầu hết các bà mẹ chồng đều cảm thấy bị đẩy ra ngoài cuộc sống của con trai mình.
Đây chính là bi kịch cho các gia đình. Bế tắc này đã chia rẽ những người phụ nữ vốn có nhiều điểm chung và có thể làm bạn của nhau. Nó gây ra bất hạnh và đau khổ cho gia đình. Nó có thể làm biến dạng phụ nữ mạnh mẽ hơn bất kỳ một công nghệ phẫu thuật nào: những người phụ nữ duyên dáng, tử tế bỗng trở nên đanh đá, soi mói, ích kỷ và thậm chí đưa ra nhiều quyết định sai lầm không thể sửa chữa được. Họ được lập trình để tấn công và phòng thủ nhau.
Những căng thẳng không chỉ gây ra những khó chịu cho cuộc sống gia đình, mà còn có thể đưa các cuộc hôn nhân vốn tốt đẹp đến vực thẳm. Điều này càng tồi tệ ở những nước có truyền thống nàng dâu về nhà chồng. Một nghiên cứu tại Nhật Bản năm 2008 cũng tìm thấy những phụ nữ sống trong một gia đình nhiều thế hệ, gồm ông bà, con cái đã trưởng thành và những đứa trẻ, sẽ tăng gấp 3 lần khả năng bị bệnh tim, so với những chị em chỉ sống với chồng mình. Trong khi đó, các ông chồng trong gia đình đa thế hệ lại chẳng hề bị ảnh hưởng gì. Nguy cơ mắc bệnh của họ vẫn giữ nguyên.
Nghiên cứu của Terri Apter cho thấy: 75% nàng dâu gặp vấn đề với mẹ chồng, trong khi chỉ 15% các ông chồng gặp vấn đề với mẹ vợ. Apter giải thích: Đàn ông giỏi chiến thuật “né”. Hoặc họ biết hài hước để xoa dịu căng thẳng. Nhưng phụ nữ khó làm thế. Bởi mọi vấn đề đặt lên đầu họ: nấu nướng, dạy con, sắp xếp nhà cửa… Những điều này ảnh hưởng đến sự tự tin và cảm giác tồn tại của họ.
"Một phần của vấn đề đôi khi bắt nguồn từ chính những rắc rối giữa người mẹ và con trai. Và những rắc rối này chưa được giải quyết hết khi anh ta bắt đầu một mối quan hệ mới", chuyên gia nghiên cứu về các mối quan hệ Anne Hollonds nhận định. "Thay vì dàn xếp mối căng thẳng giữa mẹ và vợ, thì người chồng lại đứng sang một bên và để mặc hai người chiến đấu với nhau".
Như vậy, để giải quyết bài toán khan hiếm, không còn cách nào khác là tăng thêm nguồn cung, hoặc sản phẩm thay thế. Mẹ chồng - Nàng dâu thèm khát tình yêu thương? Cả ông chồng và cha anh ta đều phải nhảy vào cuộc để những người phụ nữ của mình không cảm thấy thiếu thốn. Mẹ chồng - Nàng dâu mong muốn địa vị trong gia đình? Vậy thì mua/thuê một “mảnh đất” khác cho họ đều được hưởng cảm giác quyền lực trong nhà. Các cụ nói cấm có sai: Xa thơm gần thối!
Giải pháp
Việc chấm dứt mối bất hòa này sẽ trở nên dễ dàng nếu người chồng xác định rõ vai trò của mỗi người phụ nữ.
"Tôi nghĩ rằng nếu các bà mẹ chồng đi làm lâu hơn và có cuộc sống của riêng mình thì họ sẽ ít can thiệp vào cuộc sống của con trai hơn", giáo sư Đại học South Australia Alison Mackinnon nhận định.
Theo Tiến sĩ Terri Apter: “Các bà mẹ chồng thường lo lắng rằng bạn chính là người sẽ chiếm đoạt vai trò của bà, từ lúc có bạn, bà sẽ phải chấp nhận rằng bà không phải là người quan trọng và có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc sống của con trai bà”. Và các bà mẹ chồng đã chọn cách đối mặt với điều này bằng cách tỏ ra cố tình kiểm soát, khắt khe, tọc mạch, thậm chí là đối xử tệ với con dâu.
Cách tốt nhất mà bạn nên làm là tránh giận dữ và cần phải lên chiến lược “đối phó và chinh phục” mẹ chồng ngay từ đầu. Đừng tỏ ra nhu nhược. Nhiều phụ nữ mắc sai lầm khi tỏ ra nhún nhường trong tất cả mọi việc nhằm tránh phải đối đầu với một bà mẹ chồng quá khó tính.
“Nhưng điều này sẽ dần đưa bạn vào vị trí của một người luôn yếu thế hơn, mẹ chồng của bạn sẽ tiếp tục tận dụng yếu điểm này và tiến tới. Đây sẽ là trở ngại vô cùng lớn nếu bạn muốn khẳng định vị trí của bản thân mình mình về sau này” – Tiến sĩ Apter nói. Thay vào đó, bạn hãy tỏ rõ thái độ kiên quyết nhưng vẫn nhẹ nhàng và tôn trọng mẹ chồng. Nếu mẹ chồng và bạn có vẻ không hiểu ý nhau, bạn hãy chủ động thể hiện rõ mong muốn của bạn. Chẳng hạn, nếu hai vợ chồng bạn đã lên sẵn kế hoạch cho một chuyến đi chơi riêng vào cuối tuần, bỗng dưng mẹ chồng bạn đòi tham gia cùng, điều này khiến cho mọi dự định của vợ chồng bạn gần như phá sản.
Bạn hãy thẳng thắn trình bày với mẹ chồng như sau: “Cuối tuần này vợ chồng con đã lên kế hoạch, mặc dù không có công việc gì quan trọng nhưng con nghĩ chúng con sẽ tiếp tục lên kế hoạch đi chơi cùng mẹ vào tháng sau, mẹ nhé!”. Câu nói này vừa thể hiện sự cứng rắn vừa cho thấy thiện chí của bạn, chắc chắn mẹ chồng bạn sẽ phải suy nghĩ về điều đó, bởi bạn không tỏ thái độ “loại bỏ” với bà nhưng bạn cũng quá “sợ hãi” đến mức cắn răng chấp nhận đề nghị đột ngột ấy.
Giữ thái độ vui vẻ và thường xuyên tham khảo những lời khuyên từ bà – người có thể cho bạn nhiều lời khuyên hữu ích về việc chăm sóc gia đình, tại sao lại không lắng nghe?
Một trong những lý do khiến các bà mẹ chồng và nàng dâu thường không hòa hợp được với nhau là vì các bà mẹ chồng thường nghĩ rằng con trai của bà đã có một người phụ nữ khác bên cạnh và không còn cần đến mẹ nữa. Một người con dâu khéo léo phải biết cách làm cho mẹ chồng thấy rằng vai trò của bà vẫn rất quan trọng, có thể bằng cách thỉnh thoảng tham khảo ý kiến của bà và tích cực đón nhận những lời khuyên, những hướng dẫn của bà.
Chỉ cần một hành động đơn giản là nhờ mẹ chồng hướng dẫn cách làm món sốt cà chua sao cho thật ngon cũng đủ khiến bà cảm thấy hạnh phúc. “Các bà mẹ chồng thường luôn tìm cách để xác định rằng con dâu phải rất kính trọng và ngưỡng mộ bà” – Tiến sĩ Malia Mason đến từ Đại học cho biết.
Nhưng bạn cũng nên lưu ý là đừng nên tham khảo ý kiến hay tỏ ra cần sự giúp đỡ của bà quá thường xuyên, điều này có thể khiến mẹ chồng bạn phóng đại vai trò của bà và bắt đầu vượt qua giới hạn bằng cách can thiệp quá mức vào những việc riêng tư của vợ chồng bạn.
Đừng để bị rơi vào thế đối đầu với mẹ chồng “Mẹ thấy bộ đồ của con trông bó quá!” – mẹ chồng bạn kêu lên và lộ rõ thái độ than phiền về cách ăn mặc của bạn. Lúc ấy bạn sẽ phản ứng như thế nào? Dù sao thì tuyệt đối không được ngắt lời hay “phản pháo” lại bà. Thay vào đó, hãy trả lời một cách thật bình tĩnh, với một giọng điệu hết sức bình thường: “Con thấy nó cũng khá ổn mà mẹ. À, mà chuyến đi hồi chiều của mẹ có vui không?”
Khi bạn tỏ thái độ hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi những nhận định khó nghe của bà, mẹ chồng bạn sẽ nhận ra rằng thái độ khắt khe của bà là vô nghĩa. Thay vì tỏ ra bối rối hay bực mình, thái đội bình thản và gần như không quan tâm sẽ giúp bạn cảm thấy nhẹ nhàng và tránh được căng thẳng.
Bạn đừng quên, mẹ chồng bạn chỉ cố gắng đối đầu với bạn vì bà muốn giành phần hơn về “quyền lực” trong nhà, chứ không phải vì bà là người xấu (hy vọng là như vậy!). Hãy nhớ rằng bạn và mẹ chồng có một điểm chung vô cùng lớn, đó là: “Cả hai đều dành cho chồng bạn một tình yêu vô cùng lớn và muốn làm tất cả những điều tốt đẹp nhất cho anh ta”. Nhiều bà mẹ chồng luôn cảm thấy thất vọng vì tình cảm với con trai đã bị ngăn cách bởi con dâu, và bà đã thể hiện sự phản kháng của mình bằng cách đối đầu với bạn.
Theo Tiến sĩ Apter, nếu chồng bạn có thể làm cho mẹ anh ta cảm thấy rằng bà vẫn còn quan trọng thì bà sẽ không còn đối đầu với con dâu nữa. Nếu vợ chồng bạn không sống cùng mẹ chồng thì bạn cũng phải khuyến khích anh thường xuyên liên lạc, thăm hỏi và đưa bà đi ăn tối nếu có thời gian.
Còn một điều quan trọng nữa là vợ chồng bạn phải cho mẹ chồng thấy rằng vợ chồng bạn là “cặp đôi hoàn hảo”. Mẹ chồng bạn sẽ yên tâm và cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều khi thấy vợ chồng bạn sống hòa hợp và hạnh phúc. Vì vậy, bạn hãy nhắc nhở anh ấy thường xuyên chia sẻ với mẹ về mối quan hệ tốt đẹp của vợ chồng bạn, đồng thời kể cho bà nghe những tính cách tốt đẹp của bạn, và cả những điều tuyệt vời mà bạn đã mang lại cho anh ấy. “Điều này sẽ giúp bà thấy được rằng con trai bà yêu vợ và gắn bó với vợ đến mức nào. Một khi đã biết rõ rằng con trai bà cảm thấy hạnh phúc nhờ bạn, bà sẽ tôn trọng và tránh xung đột với bạn hơn” – Tiến sĩ Apter nói. Có thể bạn chưa bao giờ bỏ ra một ngày thứ bảy để đi mua sắm hoặc đi chăm sóc sắc đẹp cùng mẹ chồng, nhưng hãy thử việc này ít nhất một lần, bạn sẽ nhận ra rằng nó vô cùng hiệu quả trong việc cải thiện mối quan hệ của hai người.
Tham khảo
https://vnexpress.net/vi-sao-con-dau-ghet-me-chong-2134443.html
http://songmoi.vn/public/me-chong-nang-dau-bi-lap-trinh-de-dau-nhau-76408.html
https://tienphong.vn/vi-sao-nang-dau-thuong-noi-xau-me-chong-post895643.tpo