Minh triết của Chủ nghĩa Khắc kỷ
![minh-triet-cua-chu-nghia-khac-ky](https://tamlyhoctoipham.com/uploads/images/resize/Delacroix_Marc_Aurele_MBA_Lyon_jpg-780x386.jpeg)
Bên dưới là những câu nói bất hủ của các triết gia Khắc Kỷ, vẫn còn nguyên giá trị an ủi và khai sáng cho chúng ta đến tận ngày nay.
Chủ nghĩa Khắc Kỷ là một triết lý được khai sinh bởi những bậc trí giả vĩ đại của Hy Lạp và La Mã cổ đại, nhằm giúp con người đối diện với những giai đoạn đau khổ nhất trong cuộc đời—đặc biệt là những nỗi thống khổ do sự ích kỷ và điên rồ của các bạo chúa và kẻ mị dân gây ra.
Bên dưới là những câu nói bất hủ của các triết gia Khắc Kỷ, vẫn còn nguyên giá trị an ủi và khai sáng cho chúng ta đến tận ngày nay.
"Hãy như tảng đá mà những con sóng cứ liên tục vỗ vào. Nó vẫn đứng vững, và cơn cuồng nộ của đại dương rồi cũng tan biến quanh nó."
— Marcus Aurelius
Với các triết gia Khắc Kỷ, cuộc đời là một cơn bão tố, dữ dội và tàn nhẫn, vượt ngoài tầm kiểm soát của con người. Ta không thể thay đổi số phận bên ngoài, cũng giống như không thể điều khiển thời tiết. Nhưng điều ta có thể thay đổi là thái độ của chính mình trước số phận. Vì thế, họ khuyên ta nên giữ vững sự bình thản, bởi khi tâm trí được rèn luyện đủ mạnh mẽ qua tư duy triết học, ta có thể đứng vững trước mọi sóng gió cuộc đời.
"Hãy tập quen với những điều này trong tâm trí: bị lưu đày, bị tra tấn, chiến tranh, đắm tàu… Tất cả những khả năng ấy nên luôn hiển hiện trước mắt ta."
— Seneca
Người Khắc Kỷ tin rằng, thường xuyên suy ngẫm về những điều tồi tệ có thể xảy ra chính là cách giúp ta giảm bớt lo âu. Thứ mà ta nhìn thẳng vào và phân tích một cách lý trí bao giờ cũng bớt đáng sợ hơn những gì ta mơ hồ sợ hãi từ xa. Họ gọi đây là praemeditatio malorum — "sự chiêm nghiệm về tai ương". Mục đích của nó không phải để khiến ta bi quan, mà để chuẩn bị sẵn sàng trước nghịch cảnh. Ta không nên hy vọng vào điều tốt đẹp nhất, mà nên rèn luyện bản thân để đối mặt với điều tồi tệ nhất. Người Khắc Kỷ tin rằng, con người có khả năng chịu đựng nhiều hơn ta tưởng—chỉ cần ta đã chuẩn bị tinh thần.
"Kẻ gieo rắc nỗi sợ hãi rồi cũng sẽ trở thành kẻ sống trong sợ hãi. Không ai có thể vừa gieo rắc kinh hoàng mà lại vừa có được sự bình yên trong tâm hồn."
— Seneca
Seneca từng là thầy dạy của hoàng đế Nero—một kẻ nổi tiếng tàn bạo và vô đạo. Ông hiểu rõ những sai lầm của những kẻ có quyền lực, và thường nhắc nhở rằng, không ai có thể tìm thấy sự an toàn bằng cách gieo rắc nỗi kinh hoàng cho kẻ khác. Một bạo chúa có thể khiến dân chúng sợ hãi, nhưng đồng thời hắn cũng sẽ luôn nơm nớp lo sợ bị trả thù. Seneca nhấn mạnh rằng, đối xử với người khác bằng lòng nhân ái không chỉ là một hành động đạo đức, mà còn là con đường khôn ngoan nhất để có được một tâm hồn bình an.
Eugène Delacroix, Last Words of the Emperor Marcus Aurelius, c. 1844
"Vận may đích thực chính là không cần đến vận may."
— Seneca
Người La Mã cổ đại tôn thờ Nữ thần May Mắn (Fortuna), cầu xin bà ban cho họ cuộc sống dài lâu, hôn nhân hạnh phúc và nhiều ân huệ khác. Nhưng người Khắc Kỷ lại không tin vào sự ban phát ngẫu nhiên ấy. Họ cho rằng, hạnh phúc thực sự không nên phụ thuộc vào những biến động thất thường của số phận. Thay vào đó, ta nên tìm kiếm niềm vui trong những điều không thể bị tước đoạt: sự chiêm nghiệm triết học, sự bình thản trước danh vọng và tiền tài, hay những tình bạn chân thành với những tâm hồn đồng điệu.
"Không nơi nào trên thế gian này có thể yên bình hơn—và không nơi nào ít bị quấy nhiễu hơn—so với chính tâm hồn ta."
— Marcus Aurelius
Người Khắc Kỷ chấp nhận rằng, họ không thể kiểm soát thế giới bên ngoài. Vì thế, họ không đặt hy vọng vào chính trị hay chiến tranh. Thay vào đó, họ tin rằng sự an nhiên chỉ có thể đạt được bằng cách rèn luyện tâm trí—một mục tiêu thực tế hơn nhiều so với việc cố gắng làm thay đổi chính quyền hay tích lũy của cải. Sự bình yên đến từ quá trình tự nhìn lại bản thân, một dạng trị liệu tâm lý sơ khai. Trong những giây phút tĩnh lặng, ta nên tự vấn những nỗi sợ hãi của mình và nhận ra rằng, chúng thường không có căn cứ.
"Không có điều gì xảy ra với ta mà ta không thể chịu đựng được."
— Marcus Aurelius
Người ta thường nói rằng, chủ nghĩa Khắc Kỷ giúp con người trở nên kiên cường hơn. Nhưng chính xác hơn, nó giúp ta nhận ra sức mạnh nội tại mà ta vốn đã có. Khi đối diện với thử thách, ta hay lo lắng rằng mình không thể chịu nổi, rằng ta quá yếu đuối để vượt qua. Nhưng thực tế, con người đã được thiên nhiên ban cho một khả năng chịu đựng phi thường. Ta có thể sống sót dù mất đi một phần cơ thể, dù bị đày ải, mất việc, hay thậm chí là đối diện với cái chết—bởi vì, thực tế là mỗi ngày đều có những con người làm được điều đó.
Hãy vững tin vào sức mạnh nội tại của mình. Ta có thể chịu đựng nhiều hơn ta nghĩ.
"Anh trai ta không nên đối xử với ta như thế."
"Điều đó đúng, nhưng đó là chuyện của anh ấy. Dù anh ấy đối xử với ta ra sao, ta vẫn phải sống đúng đắn với anh ấy. Đây là điều thuộc về ta, điều mà không ai có thể ngăn cản."
— Epictetus
Chủ nghĩa Khắc Kỷ luôn nhắc nhở chúng ta chỉ nên bận tâm đến những gì nằm trong tầm kiểm soát của mình và học cách tha thứ, buông bỏ những gì nằm ngoài tầm tay. Bài học cốt lõi của triết lý này là: cuối cùng, mỗi người chỉ thực sự có quyền lực đối với chính mình. Vì thế, phàn nàn về cách người khác cư xử chẳng đem lại ích lợi gì, bởi ta gần như không thể thay đổi họ dù chỉ một chút. Điều duy nhất ta có thể kiểm soát là hành vi và nhân cách của chính mình. Ta có trách nhiệm sống một cuộc đời đạo đức, bất kể thế giới xung quanh xoay vần ra sao. Người khác làm gì là chuyện của họ, còn điều quan trọng nhất là ta đã sống thế nào.
"Nếu anh không muốn một người run rẩy khi đối diện với nghịch cảnh, hãy rèn luyện anh ta trước khi nó ập đến."
— Seneca
Người Khắc Kỷ nhìn nhận cuộc đời như một chuỗi thử thách bất tận—bệnh tật, xung đột, khủng hoảng tài chính, đau khổ tinh thần, mất mát, và cuối cùng là cái chết. Nhưng họ không xem đó là bất hạnh, mà là trật tự tự nhiên của vũ trụ, một điều không thể tránh khỏi. Vì thế, cách duy nhất để đối mặt với số phận là chuẩn bị trước cho những biến cố ấy: rèn luyện tâm trí để giữ bình tĩnh và không nao núng trước giông bão. Triết học, trong mắt người Khắc Kỷ, chính là sự luyện tập để suy tư về những điều tồi tệ nhất—trước khi cơn bão thực sự ập đến.
"Đừng bao giờ quá khao khát làm hài lòng đám đông."
— Quintus Sextius
Chủ nghĩa Khắc Kỷ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sống theo chuẩn mực của chính mình, thay vì bị cuốn theo những mong muốn mơ hồ và bất định của người khác. Một trong những sai lầm lớn nhất của con người, theo họ, là cố gắng sống để làm hài lòng xã hội—một xã hội mà ta không thể hiểu thấu và cũng chẳng thể kiểm soát. Khi chạy theo sự công nhận của đám đông, ta vô tình đánh mất ước mơ, giá trị và tiềm năng thực sự của bản thân. Giữa một thế giới La Mã đầy xáo trộn và huyên náo, người Khắc Kỷ chọn con đường của sự độc lập nội tâm, tự do khỏi những lời đàm tiếu và những phán xét của xã hội.
"Anh có biết điều gì khiến con người cứ mãi khao khát tương lai không? Đó là vì họ chưa thật sự tìm thấy chính mình."
— Seneca
Người Khắc Kỷ không đặt nặng việc phải sống thật lâu, bởi với họ, một cuộc đời có ý nghĩa không được đo bằng số năm tháng, mà bằng sự hiểu biết, tình yêu thương và trí tuệ được nuôi dưỡng trong từng khoảnh khắc. Thời gian chưa bao giờ là thứ mà con người thực sự thiếu thốn. Cái ta thiếu chính là sự cởi mở, lòng nhân hậu, sự khoan dung, và khả năng sống trọn vẹn với hiện tại. Ta thường lo lắng về cái chết, nhưng thứ đáng tiếc hơn có lẽ là việc ta chưa dám sống một cuộc đời đầy đủ và sâu sắc. Thách thức lớn nhất trong đời không phải là kéo dài tuổi thọ, mà là học cách sống một cách chân thành và có ý nghĩa.
"Một cuộc sống hạnh phúc chẳng cần đến quá nhiều thứ."
— Marcus Aurelius
Câu nói này có vẻ mâu thuẫn khi xuất phát từ một người vừa là triết gia, vừa là Hoàng đế La Mã. Nhưng chính vì vậy mà nó lại càng có giá trị. Lẽ ra, ông có thể dễ dàng sa vào lối sống xa hoa như bao vị hoàng đế trước đó, nhưng thay vì vậy, Marcus Aurelius sống đúng với tinh thần Khắc Kỷ: ông không màng của cải vật chất, tập trung rèn luyện tâm trí, tránh xa phù phiếm và những lời đàm tiếu, thường xuyên tự vấn chính mình (ngay cả khi đang chinh chiến) và ngủ trong những căn phòng đơn sơ, giản dị. Trở thành một con người khôn ngoan vốn đã khó, nhưng khi có quyền lực và tiền bạc trong tay, việc giữ được sự minh triết còn khó gấp bội. Những triết gia Khắc Kỷ thực sự đáng khâm phục, bởi dù đứng trên đỉnh cao quyền lực, họ vẫn giữ được tâm hồn khiêm tốn và sáng suốt.
"Con đường ngắn nhất dẫn đến sự giàu có chính là xem thường sự giàu có."
— Seneca
Người Khắc Kỷ cho rằng sự giàu có không nằm ở số tiền ta có, mà ở mức độ ta cảm thấy đủ đầy. Khi ta có những gì mình mong muốn, ta giàu có; khi ta cảm thấy thiếu thốn, ta nghèo nàn—dù con số trong tài khoản là bao nhiêu đi nữa. Vậy nên, có hai cách để làm cho một người "giàu có": hoặc tăng thu nhập của họ, hoặc giảm bớt ham muốn của họ. Người Khắc Kỷ chọn cách thứ hai. Họ rèn luyện bản thân để nhận ra rằng, hầu hết những khao khát vật chất đều là phù phiếm, chẳng liên quan gì đến hạnh phúc thực sự. Hơn nữa, lòng tham vô đáy thường là dấu hiệu của một tâm trí bất an—một kẻ mãi đi tìm sự an toàn trong tiền bạc, trong khi sự bình yên thực sự chỉ có thể đạt được thông qua sự thấu hiểu bản thân và những mối quan hệ chân thành.
“Người khôn ngoan không vội gán ghép ý xấu cho mọi chuyện.”
— Seneca
Một trong những bí quyết quan trọng nhất để giữ tâm bình an chính là khả năng phân biệt giữa điều ai đó đã làm và ý định thực sự của họ. Nhưng đáng tiếc, con người lại thường xuyên suy diễn sai lầm. Chúng ta dễ dàng tưởng tượng ra những động cơ xấu xa, dù thực tế có thể không hề như vậy. Ta trở nên đa nghi, thấy sự cố ý ngay cả khi chẳng có chủ ý nào, rồi phản ứng gay gắt một cách không cần thiết. Để giúp chúng ta bình tĩnh hơn, người Khắc Kỷ nhắc nhở rằng, phần lớn những người khiến ta bực bội thực ra không hề cố tình làm vậy. Việc khó chịu đã là một chuyện, nhưng nếu ta lại cho rằng họ cố tình chọc giận ta thì chẳng khác nào tự làm khổ mình thêm một lần nữa.
“Tiến bộ của tôi là gì ư? Tôi đã bắt đầu làm bạn với chính mình. Đó là một điều quý giá. Và một người có thể làm bạn với chính mình, cũng có thể làm bạn với cả thế gian.”
— Seneca
Càng không yêu bản thân, ta càng dễ nghĩ rằng thế giới đang chống lại mình. Tại sao ngay lúc ta bắt đầu làm việc, tiếng khoan ngoài kia lại vang lên? Tại sao tổng đài viên lại mất quá nhiều thời gian chỉ để tìm thông tin của ta? Hẳn phải có một âm mưu nào đó nhắm vào ta! Khi mang trong lòng quá nhiều tự ti và mặc cảm, ta vô thức đi tìm những bằng chứng để củng cố niềm tin rằng mình thực sự vô giá trị. Đó là lý do người Khắc Kỷ nhấn mạnh rằng: chỉ khi ta biết yêu quý bản thân, ta mới có thể nhìn thế giới bằng ánh mắt bao dung hơn.
“Khi giây phút cuối cùng đến, cái chết của Alexander Đại đế chẳng khác nào cái chết của một người hầu chuồng ngựa. Hoặc cả hai đều trở về với bản chất sơ khai của vũ trụ, hoặc cả hai đều tan biến thành cát bụi.”
— Marcus Aurelius
Xã hội La Mã thời bấy giờ chia tầng giai cấp rất khắc nghiệt, nhưng với người Khắc Kỷ (cũng như những triết gia Thiên Chúa giáo sau này), giữa con người với nhau có nhiều điểm chung hơn là khác biệt. Ai cũng từng đau khổ, ai cũng có thể gặp bất trắc, và cuối cùng, ai rồi cũng phải chết. Khi ta nhận ra những điểm yếu đuối vốn dĩ tồn tại trong tất cả mọi người, tình bạn và sự đồng cảm mới có thể nảy nở, bất kể xuất thân hay địa vị. Marcus Aurelius, dù là Hoàng đế, luôn tự nhắc nhở mình rằng, nhìn từ xa, cuộc đời ông cũng chẳng có gì đặc biệt. Trớ trêu thay, điều khiến hậu thế kính trọng ông không phải là quyền lực tột đỉnh, mà chính là những dòng suy tư chân thật về sự mong manh của kiếp người.
“Hãy tự nhủ rằng chiếc áo choàng lộng lẫy kia chỉ là sợi lông cừu nhuộm bằng máu của một loài ốc biển.”
— Marcus Aurelius
Ở La Mã cổ đại, chỉ những vị tướng quân và hoàng đế mới có quyền khoác lên mình chiếc áo choàng tím – biểu tượng tối cao của quyền lực. Nhưng Marcus Aurelius luôn cố gắng không để quyền lực làm lu mờ tâm trí. Trước mỗi buổi diễn thuyết quan trọng tại Thượng viện hay những nghi lễ xa hoa trong cung điện, ông tự nhắc mình về sự phù phiếm của mọi vinh hoa trên đời. Điều này giúp ông giữ được sự khiêm nhường, tránh xa thói kiêu căng. Chúng ta cũng có thể học theo ông: khi cảm thấy bị choáng ngợp trước những con người “vĩ đại”, hãy thử hình dung họ trong những khoảnh khắc đời thường nhất—đang loay hoay với bộ quần áo hay ngồi trầm ngâm trước gương. Và nếu ta lỡ xem tình dục là điều quá thiêng liêng hay hệ trọng, Marcus Aurelius cũng sẵn sàng kéo ta về thực tại: “Thực ra, đó chỉ là sự cọ xát giữa hai lớp da, kèm theo sự co giật và xuất ra một thứ chất lỏng dính mà thôi.”
“Khi nhận tin tàu của mình bị đắm và toàn bộ hành lý bị mất, Zeno chỉ nói: ‘Vận mệnh đang giúp ta trở thành một triết gia ít vướng bận hơn.’”
— Seneca
Cho đến tận ngày nay, người ta vẫn dùng từ “Stoic” để chỉ những ai có khả năng đón nhận nghịch cảnh với sự điềm tĩnh. Zeno, người sáng lập Chủ nghĩa Khắc Kỷ, nổi tiếng với sự bình thản trước những mất mát—câu chuyện về cách ông đối diện với việc mất toàn bộ hành lý đã trở thành bài học cho bao thế hệ. Người thông thái không phí thời gian chống đối thực tế. Họ chấp nhận nhanh chóng những điều không thể thay đổi, thay vì giận dữ hay than vãn. Họ không phải là kiểu người quát tháo ầm ĩ tại sân bay khi chuyến bay bị hoãn. Bởi lẽ, dù ta không thể kiểm soát mọi biến cố xảy đến với mình, ta vẫn luôn có thể kiểm soát cách ta đón nhận chúng. Và chính trong sự chấp nhận đó, ta tìm thấy tự do.
“Mùa đông đến, ta phải chịu cái lạnh. Hè về, ta phải chấp nhận cơn nóng. Khi thời tiết khắc nghiệt, cơ thể ta có thể sinh bệnh… Chúng ta không thể thay đổi trật tự tự nhiên ấy. Linh hồn ta phải thích nghi, phải chấp nhận, phải tuân theo. Điều gì không thể cải biến, thì tốt nhất là nên cam chịu.”
— Seneca
Người Khắc Kỷ thường nói về “quy luật của tự nhiên” và nhấn mạnh rằng, thay vì chống đối, ta nên học cách thuận theo những quy luật ấy nhiều hơn. Với họ, “tự nhiên” không chỉ là cây cỏ, thời tiết, mà còn là những gì vượt ngoài khả năng kiểm soát của con người. Biển cả cuộn trào, sông băng vỡ vụn, thiên thạch băng ngang bầu trời—tất cả đều nhắc nhở ta rằng, có những sức mạnh vĩ đại hơn ta rất nhiều. Trong cuộc sống thường ngày, con người hay ảo tưởng rằng mình có thể kiểm soát mọi thứ, từ sự nghiệp, tình cảm cho đến số phận. Nhưng khi đứng trước sự thờ ơ của đại dương hay sự tĩnh lặng của các vì sao, ta mới nhận ra rằng có những điều chẳng hề bận tâm đến sự tồn tại của ta. Người Khắc Kỷ yêu thiên nhiên, bởi nó dạy ta bài học về sự khiêm nhường—rằng có những thứ, tốt nhất là nên để nó diễn ra như nó vốn dĩ phải thế.
Manuel Domínguez Sánchez, Death of Seneca, c. 1871
“Có cần phải khóc than vì một phần của cuộc sống không? Toàn bộ cuộc đời này đều đáng để rơi lệ.”
Seneca
Người theo chủ nghĩa Khắc kỷ thường kết hợp sự nghiêm túc với chút hài hước u tối, như trong câu nói đầy sâu sắc và thấm thía này của Seneca. Khi đối diện với khổ đau, điều an ủi lớn nhất chính là mở rộng góc nhìn về những thất vọng của bản thân. Rốt cuộc, thứ đáng buồn không phải là những bất hạnh riêng lẻ, mà là chính bản chất của kiếp nhân sinh – khi tất cả chúng ta đều là những sinh linh mong manh, bị số phận vùi dập, sống một cuộc đời ngắn ngủi, đầy thương đau. Đây chính là cốt lõi của trí tuệ u sầu: hiểu rằng nỗi khổ không phải là điều cá biệt, mà là điều phổ quát, và những giọt nước mắt ta rơi xuống chỉ là một phần trong đại dương bi thương vốn đã tồn tại tự bao đời.
“Chúng ta chẳng bao giờ nghĩ đến tai họa cho đến khi nó ập đến. Chúng ta cứ ngỡ mình là ngoại lệ, rằng con đường mình đi sẽ bớt chông gai hơn kẻ khác, và vì thế, ta chẳng chịu học gì từ những bi kịch của người đời. Bao nhiêu đám tang đã đi ngang cửa, vậy mà ta chưa từng thực sự suy ngẫm về cái chết. Biết bao người đã ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, vậy mà ta vẫn mơ mộng về tương lai của con cái, hình dung chúng trưởng thành, khoác lên mình chiếc áo toga, lên đường nhập ngũ, kế thừa gia sản của cha mẹ.”
Seneca
Chúng ta vẫn thường ảo tưởng về cái gọi là “bình thường”. Ta tin rằng điều bình thường là con cái sẽ trưởng thành mà không gặp tai ương, rằng ta sẽ sống đủ lâu để nhìn thấy cháu chắt, rằng sẽ chẳng có trận động đất nào cuốn đi tất cả những gì ta sở hữu, rằng ta sẽ không bị lăng nhục, rằng người bạn thân nhất sẽ không bị một viên ngói rơi trúng đầu trong cơn giông gió… Nhưng đó chỉ là sự bình thường khi ta cố tình bỏ qua những điều bất trắc của đời người. Nếu ta nhìn thẳng vào hiện thực với đôi mắt rộng mở, ta sẽ thấy rằng cái gọi là “bình thường” bao gồm cả những điều không ai mong muốn. Đừng đặt niềm tin vào xác suất. Bất cứ tai ương nào đã từng xảy ra với một con người, dù hiếm hoi hay xa xưa đến đâu, đều có thể là một phần của số phận ta. Như Seneca đã nói: “Ngươi bảo: ‘Ta không nghĩ điều đó sẽ xảy ra.’ Nhưng có điều gì mà không thể xảy ra, khi ngươi biết rằng nó hoàn toàn có thể?”
“Chúng ta đều vô tâm và thiếu suy nghĩ, đều dễ thay đổi, dễ phàn nàn, tham vọng… Chúng ta đều không hoàn hảo. Bất cứ điều gì ta trách cứ người khác, ta đều có thể tìm thấy trong chính bản thân mình. Vậy nên, hãy khoan dung với nhau hơn. Ta là những con người có lỗi sống giữa những con người có lỗi. Và chỉ có một cách duy nhất để tâm hồn được bình yên – đó là học cách tha thứ cho nhau.”
Seneca
Khi chứng kiến những sai lầm của người khác, ta dễ rơi vào sự phán xét khắc nghiệt. Để thoát khỏi lối suy nghĩ đó, Seneca khuyên ta hãy mở rộng lòng cảm thông, không chỉ với những ai phạm đúng lỗi lầm mà ta từng mắc phải, mà còn với mọi khuyết điểm của con người. Có thể ta luôn đúng giờ, nhưng thay vì khinh miệt kẻ hay trễ hẹn, ta hãy nhớ lại lần ta yếu đuối đến mức không thể kết thúc một mối quan hệ dù biết nó đã chẳng còn ý nghĩa. Thay vì bực tức vì những thiếu sót của người khác, ta hãy nhớ rằng bản thân mình cũng không ít lần mắc sai lầm – thậm chí là những sai lầm còn lớn hơn. Như Seneca đã kết luận: “Tất cả chúng ta đều từng có lỗi.”
“Bậc trí giả không sống lâu nhất có thể, mà sống lâu chừng nào còn đáng sống… Họ suy ngẫm về chất lượng cuộc sống, chứ không phải độ dài của nó. Khi có quá nhiều sự kiện khiến họ đau khổ, khi tâm hồn họ bị xáo trộn đến mức không thể tìm thấy sự bình yên, họ sẵn sàng buông bỏ. Và đây không chỉ là lựa chọn khi khổ đau lên đến đỉnh điểm, mà ngay cả khi họ nhận ra số phận đang bắt đầu tàn nhẫn với mình… Vấn đề không phải là chết sớm hay muộn, mà là chết một cách thanh thản hay khổ sở. Và cái chết thanh thản chính là sự giải thoát khỏi một kiếp sống không còn đáng sống.”
Seneca
Khác với nhiều triết gia khác, những người Khắc kỷ không xem tự sát là một điều đáng bị lên án. Seneca không cổ vũ cho sự ra đi vội vàng, mà chỉ muốn giúp ta đối diện với cuộc sống mà không quá sợ hãi, nhắc nhở ta rằng nếu đã thực sự cố gắng, nếu đã cân nhắc mọi điều và thấy rằng mình không còn muốn tiếp tục nữa, thì ta vẫn có thể chọn cách ra đi. Cái chết không phải là một bóng ma đáng sợ, mà có thể là khoảnh khắc để tri ân cuộc đời, cảm ơn những người thân yêu, và chiêm ngưỡng những điều đẹp đẽ một lần cuối. Điều quan trọng là, ta cần nhận ra rằng mình luôn có quyền quyết định số phận của chính mình.
“Chúng ta không thể trách móc cuộc đời, bởi nó không giữ ai ở lại trái với ý muốn của họ. Con người không bị ép buộc phải chịu khổ – nếu khổ đau quá mức, họ luôn có thể tìm đường trở về nơi họ đã đến… Nếu một người muốn xuyên qua trái tim mình, đâu cần đến một vết thương rộng lớn – chỉ một mũi kim cũng đủ mở ra cánh cửa dẫn đến tự do, nơi mà sự bình yên vĩnh cửu đang chờ đón.”
Seneca
Tư tưởng cốt lõi của chủ nghĩa Khắc kỷ là giúp con người đạt đến trạng thái không còn bị số phận trói buộc. Người trí tuệ không để những bất công của cuộc đời khiến họ suy sụp, bởi họ hiểu rằng mình vẫn luôn có quyền từ chối chịu đựng nếu cảm thấy không thể tiếp tục. Chính vì thế, cái chết không phải là nỗi ám ảnh, mà là một phần của sự tự do. Những triết gia Khắc kỷ là những con người thông thái, nhân hậu, bao dung và sâu sắc. Dù đôi lúc quan điểm của họ có vẻ xa lạ với chúng ta ngày nay, nhưng nếu hiểu được lý do tại sao họ tin vào điều đó, ta có thể nhận ra rằng trong những thời khắc khó khăn nhất, chính những tư tưởng ấy đã giúp họ tìm được sự bình yên.
Nguồn: THE WISDOM OF STOICISM – The School Of Life
Tìm đọc: Seneca – Chủ nghĩa Khắc kỷ trong đời sống