Mớ hỗn độn xinh đẹp – Những lợi ích khi để bản thân trở nên dễ tổn thương
Thể hiện tính dễ tổn thương là cần thiết để tạo dựng mối quan hệ chân thực, nhưng nhiều người lại không muốn cho kẻ khác thấy con người thật của họ.
- Xin lỗi vì một lỗi lầm nghiêm trọng
- Là người đầu tiên nói “Anh yêu em”
- Trải lòng về cuộc đấu tranh của bạn với bệnh tâm thần
Tất cả những tình huống này đều đòi hỏi bạn thể hiện tính dễ bị tổn thương, được định nghĩa là khi bạn hoàn toàn sẵn sàng và có chủ đích để đón nhận sự không chắc chắn, những rủi ro và bộc lộ cảm xúc trong các tình huống xã hội bất chấp sợ hãi.
Thể hiện tính dễ tổn thương là cần thiết để tạo dựng mối quan hệ chân thực, nhưng nhiều người lại không muốn cho kẻ khác thấy con người thật của họ.
Trong các cuộc phỏng vấn với hàng nghìn người, nhà nghiên cứu Brené Brown đã nhận thấy mọi người có xu hướng xem việc thể hiện tính dễ bị tổn thương là điểm mạnh của người khác nhưng lại coi đó là điểm yếu của bản thân. Bà đã viết trong cuốn “Daring Greatly” (Tạm dịch: “Sự liều lĩnh vĩ đại”): “Chúng ta thích ngắm nhìn sự thật trần trụi và sự cởi mở ở người khác, nhưng lại sợ để họ nhìn thấy điều đó ở ta”.
Anna Bruk cùng đồng nghiệp tại Đại học Mannheim ở Đức gần đây đã thu thập bằng chứng để hỗ trợ cho những kết quả định tính của Brown. Họ đã tạo ra vài tình huống liên quan đến tính dễ bị tổn thương – ví như thổ lộ tình cảm với một người bạn hay xin sự giúp đỡ từ ai đó – và yêu cầu những người tham gia tưởng tượng chính họ hoặc một người khác ở trong kịch bản đó. Những người tham gia tưởng tượng mình trong kịch bản đó có xu hướng đồng ý với những nhận định như “Khi thể hiện tính dễ bị tổn thương, ấy là tôi cũng đang cho người khác thấy yếu điểm của mình”. Những người tham gia tưởng tượng ra một người khác trong kịch bản tương tự có xu hướng nghĩ rằng người đó đang thể hiện sức mạnh và lòng dũng cảm.
Ảnh: True Touch Lifestyle/Shutterstock
Trong một nghiên cứu khác, Bruk và nhóm của mình đã sử dụng một câu chuyện để tạo ra cảm giác dễ bị tổn thương một cách chân thực. Họ nói với người tham gia rằng họ sẽ được chỉ định ngẫu nhiên để thực hiện một trong hai nhiệm vụ. Nhiệm vụ đầu tiên liên quan đến việc ngẫu hứng hát một bài trước ban giám khảo (một nhiệm vụ đòi hỏi phải bộc lộ tính dễ bị tổn thương). Nhiệm vụ khác sẽ liên quan đến việc đóng vai ban giám khảo, chịu trách nhiệm đánh giá khả năng sáng tạo và sự hiện diện trên sân khấu của các ca sĩ. (Sau khi nghe câu chuyện, những người tham gia có cơ hội rời khỏi nghiên cứu, nhưng hầu hết đều chọn để tiếp tục.)
Sau khi biết nhiệm vụ của mình, những người tham gia đã chia sẻ cảm nhận của họ về việc ca sĩ thể hiện tính dễ bị tổn thương. Những người tham gia được yêu cầu đứng trên sân khấu có nhiều khả năng coi đó là “sự yếu đuối” và “thiếu sót” so với những người tham gia khác, những người cho rằng các ca sĩ đang thể hiện sức mạnh và lòng dũng cảm.
Những kết quả này chứng minh chúng ta đánh giá cao việc người khác thể hiện tính dễ tổn thương chứ không quá coi trọng điều đó ở mình. Bruk coi sự khác biệt này là hiệu ứng “mớ hỗn độn xinh đẹp” (beautiful mess effect). Khi nhìn thấy người khác bộc lộ tính dễ bị tổn thương, ta lại nhìn nhận họ một cách tích cực. Song lại thấy sự dễ bị tổn thương của bản thân thật xấu xí và hỗn độn.
Tại sao ta coi trọng việc thể hiện tính dễ bị tổn thương ở người khác mà không phải ở chính mình?
Nghiên cứu của cô Bruk cho thấy hiệu ứng “mớ hỗn độn xinh đẹp” có thể được giải thích bằng lý thuyết về Mức độ tri nhận, có nghĩa là nhận thức của chúng ta về một tình huống phụ thuộc vào khoảng cách tâm lý của chúng ta với nó. Nhìn từ xa, chúng ta nhìn nhận mọi thứ một cách trừu tượng và tập trung vào những khía cạnh tích cực của tình huống. Nhìn gần, nhận thức của chúng ta bị thu hẹp và chúng ta phóng đại những nhược điểm.
Khi xem xét khả năng dễ bị tổn thương từ xa—nghĩa là khi nhìn thấy biểu hiện dễ bị tổn thương của người khác—chúng ta tập trung vào những kết quả tích cực của việc dễ bị tổn thương, chẳng hạn như tạo thiện cảm với những người khác. Khi nghĩ về tính dễ bị tổn thương của chính mình, chúng ta đủ gần để nhìn thấy tất cả những kết quả tiêu cực có thể xảy ra—trông yếu ớt, kém cỏi hoặc ngu ngốc.
Nghiên cứu của cô Bruk về hiệu ứng “mớ hỗn độn xinh đẹp” cho thấy việc thể hiện tính dễ bị tổn thương có thể ít rủi ro hơn chúng ta nghĩ. Điều mà chúng ta coi là “mớ hỗn độn”, là khiếm khuyết của bản thân có thể được người khác xem là mạnh mẽ, can đảm và thậm chí là đẹp đẽ.
Trước khi bạn thú nhận những bí mật sâu kín nhất, đen tối nhất của mình với người khác, nghiên cứu của Bruk có đề cập đến một kiểu thổ lộ sự dễ tổn thương duy nhất. Thể hiện sự tổn thương nhiều lần đối với cùng một người có thể không được khuyến khích. Nghiên cứu về việc tự giãi bày, tâm sự (self-disclosures) thường đòi hỏi phải thể hiện tính dễ bị tổn thương, cho thấy những ai thường xuyên tiết lộ thông tin tiêu cực sẽ ít giành được thiện cảm của bạn bè hơn và ít nhận được sự ủng hộ từ người bạn đời của họ.
Tuy nhiên, nghiên cứu về tính dễ bị tổn thương cho thấy rằng chúng ta có thể nhận được nhiều lợi ích từ việc mở lòng bày tỏ sự không chắc chắn, những rủi ro và bộc lộ cảm xúc, ít nhất là một chút xíu thôi. Như Brené Brown lập luận rằng “Tính dễ bị tổn thương là thách thức lớn của cuộc đời. Ấy là cuộc sống đang hỏi “'Bạn có đang sống toàn tâm toàn ý chưa? Bạn có thể coi trọng điểm yếu của mình nhiều như bạn đánh giá cao nó ở người khác không?’”
Bạn nghĩ sao? Bạn có dám làm không?
Tài liệu tham khảo
Brown, B. (2012). Daring greatly: How the courage to be vulnerable transforms the way we live, love, parent, and lead. Penguin.
Bruk, A., Scholl, S. G., & Bless, H. (2018). Beautiful mess effect: Self-other differences in evaluation of showing vulnerability. Journal of Personality and Social Psychology, 115(2), 192–205. https://doi.org/10.1037/pspa0000120
Forest, A. L., Kille, D. R., Wood, J. V., & Holmes, J. G. (2014). Discount and disengage: How chronic negative expressivity undermines partner responsiveness to negative disclosures. Journal of Personality and Social Psychology, 107(6), 1013–1032. https://doi.org/10.1037/a0038163
Tác giả: Tiến sĩ Natalie Kerr